Trung Quốc tham vọng gì với con bài dầu mỏ?
Cuối những năm 1990, Trung Quốc chỉ cần dựa vào nguồn cung nội địa, chủ yếu là từ mỏ Đại Khánh. Tuy nhiên, sự bùng nổ của nền kinh tế nước này đã khiến mức tiêu thụ năng lượng vượt xa năng lực khai thác, trong khi các mỏ hiện tại đang dần cạn kiệt. Điều này khiến Bắc Kinh phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt, nhất là từ các nước Vùng Vịnh và Trung Đông như Ả Rập Xê Út, Iran...
Người ta tính rằng, trong vòng 10 năm (từ 2003 đến 2012), nhu cầu dầu thô của Trung Quốc đã tăng 500 nghìn thùng mỗi năm, đưa nước này nằm trong top các quốc gia nhập khẩu dầu mỏ. Và đến tháng 4/2015 vừa qua, Trung Quốc lần đầu tiên vượt Mỹ trở thành nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Nhưng cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng chững lại, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc cũng giảm theo. Theo dự đoán của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), cho đến năm 2020, nhu cầu dầu thô của Trung Quốc sẽ giảm một nửa.
Đáng chú ý, nhu cầu về dầu mỏ của Trung Quốc không tương xứng với mức tăng nhập nhẩu. Theo ước tính của JP Morgan, nhu cầu về dầu tại Trung Quốc đứng ở mức 10,3 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2016, giảm 2,5% so với năm trước vào giảm 2,3% so với tháng 2/2016, trong khi biểu đồ nhập khẩu cho thấy lượng dầu nhập khẩu vào nước này cao hơn cùng kỳ năm trước.
Chính vì thế, việc Trung Quốc tiếp tục chi ra hàng chục tỷ USD mua dầu dự trữ trong khi nhu cầu thực sự trong nước suy giảm khiến các nhà phân tích cảm thấy khó hiểu. Tính toán công suất lọc dầu, sản lượng dầu thô trong nước và lượng nhập ròng cho thấy Trung Quốc đang dư cung dầu thô.
Một kho dầu dự trữ của Trung Quốc
Theo các số liệu được hãng tin Bloomberg công bố, 83 tàu chở dầu cực lớn chở khoảng 166 triệu thùng dầu đang trên đường đến Trung Quốc – quốc gia với mức dự trữ dầu ấn tượng là 787.000 thùng/ngày trong quý I/2016. Đây cũng là tỉ lệ dự trữ cao nhất của nước này kể từ năm 2014. Riêng trong tháng 3, Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng khoảng 7,7 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Cũng vào tháng 1 năm nay, hãng tin Reuters đưa tin Trung Quốc đang xây dựng các kho chứa dầu ngầm để bổ sung nguồn dự trữ trên mặt đất. Một năm trước đó, Reuters cho hay Trung Quốc đặt kế hoạch tăng mức dự trữ dầu mỏ chiến lược của mình từ đủ cung cấp cho 30 ngày lên 90 ngày.
Động thái này cho thấy Trung Quốc cần “lấp đầy” các kho dầu dự trữ chiến lược và một số cơ sở tích trữ đã đi vào hoạt động vào năm ngoái, với số lượng tích trữ nhiều hơn sau khi được xây dựng. Điều bất ngờ là Trung Quốc có thể đổ đầy các kho dầu dự trữ với mức giá thấp đến khó tin.
Là một nước nhập khẩu dầu thô lớn, Trung Quốc đang tự phòng vệ để tránh những rủi ro bất ngờ trong tương lai và vì thế nước này đang tận dụng giá dầu thấp để lấp đầy các thùng dầu dự trữ. Nguồn dự trữ tràn đầy sẽ giúp Trung Quốc đảm bảo cung cấp dầu thô đều đặn ít nhất 3 tháng trong trường hợp có sự cố về nguồn cung.
Ngân hàng Barclays (Anh) dự đoán trung bình Trung Quốc sẽ nhập 8 triệu thùng dầu/ngày trong năm nay, tăng mạnh so với mức 6,7 triệu thùng/ngày năm 2015. Còn theo ngân hàng Standard Chartered, lượng nhập dầu nhập khẩu vào Trung Quốc có thể đạt 10 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2018. Do Trung Quốc không công bố số liệu dầu dự trữ, rất khó ước tính xu hướng nhập khẩu dầu mạnh của Trung Quốc sẽ kéo dài trong thời gian bao lâu.
Bên cạnh vấn đề dự trữ thì nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc tăng lên còn do sự thay đổi chính sách trong lĩnh vực hạ nguồn. Chính phủ Trung Quốc gần đây đã nới lỏng các quy định về nhập khẩu dầu như cho phép các nhà máy lọc dầu nhỏ nhập khẩu nhiều dầu thô hơn. Đây là những nhà máy lọc dầu có công suất khoảng 20.000 đến 100.000 thùng dầu mỗi ngày, mà trước đó do hạn chế nhập khẩu dầu nên chỉ sản xuất được 30-40% công suất. Sự thay đổi đó sẽ khiến cho sản lượng lọc hoá dầu nội địa tăng lên và nhờ thế nhập khẩu dầu cũng tăng lên.
Việc Trung Quốc gia tăng nhu cầu tích dữ dầu thô cho dự trữ chiến lược và công suất lọc hoá dầu của các nhà máy cao hơn có thể sẽ làm giảm sự dư thừa nguồn cung dầu hiện nay, theo đó sẽ khiến giá dầu trên thị trường dầu mỏ được nâng lên trong thời gian tới./.
Bình luận