Diễn đàn do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp thuộc VCCI tổ chức nhằm phân tích, dự báo xu hướng thị trường trong bối cảnh hậu Covid-19, đồng thời, đưa ra các khuyến nghị từ đó giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, giúp các doanh nghiệp hoạch định chính sách, chiến lược trong sản xuất, kinh doanh.

Chuỗi cung ứng toàn cầu đang định hình lại sau đại dịch Covid-19

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI thông tin, Hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra sáng 2/7 dự báo tình hình dịch Covid-19 trên thế giới còn phức tạp, phần lớn thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam còn lún sâu trong khủng hoảng. Do vậy, việc mở cửa thị trường thế giới cần thận trọng.

Chủ tịch VCCI cũng cho biết, mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP Việt Nam năm 2020 sẽ tăng 2,7%, đây là mức tăng khá thấp, nhưng vẫn được xem là mức cao ở châu Á. Việt Nam đã tạm thời kiểm soát thành công dịch Covid-19 và bước vào giai đoạn phát triển, nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro và bất định. Do vậy, việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế phải đặt trên bối cảnh như vậy.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, động lực lớn nhất của tăng trưởng kinh tế là cải cách thể chế. Ảnh: Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, động lực lớn nhất của tăng trưởng kinh tế là cải cách thể chế và dư địa lớn nhất cũng là cải cách thể chế. Năm 2016, đã có làn sóng xóa bỏ điều kiện kinh doanh trong thông tư của bộ, ngành, đây là làn sóng cắt giảm điều kiện kinh doanh đầu tiên. Sau đó, năm 2018, làn sóng thứ hai là xóa bỏ 50% điều kiện kinh doanh. Và năm nay, khởi động làn sóng cắt 20% điều kiện kinh doanh để đưa môi trường kinh doanh vào nhóm 4 ASEAN.

Tuy nhiên, “để làm được điều này, cần phải hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, vai trò của hiệp hội trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp hậu Covid-19 sẽ đóng vai trò trung tâm giúp doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn này”, người đứng đầu VCCI nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế nhận định, 2020 là năm rất khó khăn, thách thức bởi đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng. Covid-19 đã tác động đến tất cả các ngành kinh tế, khiến GDP 6 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng thấp nhất 10 năm qua, thu ngân sách giảm 8%, khối doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng 38,2%, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2019.

Lạm phát tăng khá mạnh do giá xăng dầu tăng mạnh (điều chỉnh tăng 4 lần trong 2 tháng) và giá thực phẩm ở mức cao, nên lạm phát tháng 6 tăng 0,66% so với tháng 5. Tính chung 6 tháng đầu năm tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Khả năng đẩy về dưới 4%. Hiện sức cầu còn rất nhiều, giá xăng dầu có tăng nhưng không đáng kể.

Dưới góc độ hợp tác quốc tế, ông Vũ Tú Thành, Phó Gám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho biết, chuỗi cung ứng toàn cầu đang định hình lại sau đại dịch Covid-19. Xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ cho thấy, các nhà đầu tư đang đa dạng hoá thị trường đầu tư và chi phí là yếu tố mà doanh nghiệp quan tâm nhất khi xem xét một thị trường mới cho đầu tư.

Trong năm 2019, kim ngạch hàng hoá Mỹ nhập khẩu từ các nước châu Á đạt giá trị 31 tỷ USD, trong đó, Việt Nam chiếm 46%. Điều này cho thấy, Việt Nam đang hưởng lợi từ dòng dịch chuyển, mở rộng đầu tư, đa dạng hoá ngoài Trung Quốc.

“Việt Nam luôn luôn đứng đầu trong 13 nước châu Á đón nhận dòng đầu tư từ Mỹ. Đây là một tin vui cho Việt Nam” ông Vũ Tú Thành nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, các doanh nghiệp Hoa Kỳ lo lắng về môi trường kinh doanh của Việt Nam, trong đó là vấn đề ổn định chính sách (đặc biệt là chính sách về thuế, kinh tế số…) còn sơ khai và chưa nhất quán, hay vấn đề điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính... Bên cạnh đó, doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng lo ngại vấn đề hạ tầng bao gồm cả hạ tầng cứng và mềm. Do đó, ông Vũ Tú Thành cho rằng, Việt Nam cần khắc phục những điểm nghẽn này để thực sự thu hút được dòng đầu tư chất lượng.

Cần định vị lại doanh nghiệp trên thị trường

Trước những thách thức mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt, TS. Cấn Văn Lực gợi ý một số chính sách đối với doanh nghiệp nhằm tìm kiếm động lực tăng trưởng mới để bù đắp cho những tổn thất do đại dịch vừa qua. Cụ thể, cần thúc đẩy xuất khẩu các thị trường còn tiềm năng ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát (Mỹ, EU, ASEAN, Hàn Quốc…); giải ngân đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân; tận dụng cơ hội thu hút có sàng lọc đầu tư nước ngoài; kích cầu tiêu dùng nội địa; phát triển kinh tế số, kinh doanh số và Chính phủ điện tử. Đặc biệt, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh lúc nào cũng quan trọng và năm nay càng quan trọng.

Đồng thời, TS. Cấn Văn Lực cũng đưa ra loạt công thức và mô hình 3R + 2R cho doanh nghiệp lựa chọn hậu Covid-19, đó là thực hiện mô hình 3R + 2R. Cụ thể: Respond - ứng phó với đại dịch; Rescover - phục hồi; Re-invent - đổi mới, sáng tạo trong mô hình/chiến lược kinh doanh; Restructure (tái cơ cấu) và Resilience - tăng khả năng chống chịu cú sốc bên ngoài.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Kim Dung.

Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, doanh nghiệp cần định hình lại phương thức sản xuất, kinh doanh, chú trọng thông tin, dịch vụ gắn với xử lý dữ liệu và kết nối để thông minh hóa nhà quản trị, quy trình sản xuất và tối ưu hóa chuỗi giá trị. Chuyển đổi số từng bước doanh nghiệp, lưu ý lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, những ngành nghề có lợi thế so sánh truyền thống, lĩnh vực phục vụ, hỗ trợ mạng sản xuất, chuỗi giá trị, kết cấu hạ tầng và bất động sản, những ngành/lĩnh vực mới nổi.

TS. Vũ Tiến Lộc cũng gợi ý 3 mô hình phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp, cụ thể: Một là, mô hình ổn định bảo toàn chi phí, tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi; Hai là, mô hình nhảy vọt: doanh nghiệp dừng ưu tiên đầu tư vào chương trình cốt lõi mà đầu tư vào mô hình kinh doanh mới; Ba là, mô hình tăng tốc: gia tăng đầu tư và tìm kiếm cơ hội mua bán và sáp nhập (M&A).

Song, theo TS. Vũ Tiến Lộc, tùy thuộc vào sức khỏe của từng doanh nghiệp và điều kiện thị trường, mà doanh nghiệp lựa chọn mô hình phát triển phù hợp. Nhưng điều tiên quyết nhất đối với doanh nghiệp dù với mô hình phát triển nào, nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải kiên cường và lãnh đạo phải bằng trái tim. Do đó, cần phải nâng cấp quản trị doanh nghiệp, nâng cấp công nghệ, định vị lại doanh nghiệp trên thị trường, tiếp cận thông tin, đặc biệt là thông tin về các FTA mới, diễn biến thị trường thế giới để có thể tái cấu trúc.

Ông Hoàng Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần thiết phải chuyển dịch mô hình kinh doanh và chi phí để tăng cường sức bền và tính linh hoạt. Theo đó, Ông đưa ra 3 chiến lược chính góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển từ khủng hoảng, đó là:

Thứ nhất, xem xét lại các ưu tiên chiến lược, trong đó cần xác định lại chi phí phù hợp với các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng, quyết tâm gấp đôi ở những lĩnh vực mang lại lợi thế cạnh tranh sẽ giúp doanh vững tin và đủ lực để phát triển.

Thứ hai, tái xây dựng cấu trúc chi phí nhờ xác định những điểm khác biệt trong chuỗi giá trị.

Thứ ba, đào tạo nhân viên theo phương pháp vận hành mới bởi cuộc khủng hoảng là thời điểm tinh thần mọi người cần liên tục được củng cố. Các lãnh đạo nên hành động để khuyến khích và duy trì những hành vi góp phần giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng...

Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, để thích ứng với tình hình mới, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, doanh nghiệp du lịch cần có những định hướng, điều chỉnh hoạt động kinh doanh phù hợp với tình hình mới, cụ thể: cần tăng cường liên kết, xây dựng gói sản phẩm kích cầu du lịch như tổ chức chương trình ưu đãi, liên kết giảm giá dịch vụ cần được ưu tiên để thu hút khách trở lại; điều chỉnh sản phẩm phù hợp với thị hiếu mới của khách du lịch; cần cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp du lịch; tập trung khôi phục thị trường nội địa, nhưng chuẩn bị sẵn sàng phục hồi thị trường quốc tế./.