Chỉ số USD – thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với giỏ 6 đồng tiền chủ chốt – hiện đang đứng ở mức 90,117 điểm. Chỉ số USD phục hồi mạnh trở lại vào cuối phiên giao dịch hôm qua sau khi Biên bản cuộc họp chính sách tháng 1 của Fed được công bố, thậm chí có thời điểm đã tăng lên mức 90,166 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 13/2. So với mức thấp nhất 3 năm là 88,25 điểm được thiết lập vào tuần trước, hiện đồng bạc xanh đã phục hồi khoảng 2,2%.

Sự lạc quan hơn về triển vọng lạm phát được thể hiện trong Biên bản cuộc họp chính sách ngày 30-31/1 của Fed đã thúc đẩy kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất nhiều lần trong năm nay. Các hợp đồng tương lai lãi suất ngắn hạn ở Mỹ tiếp tục phản ánh kỳ vọng rằng Fed sẽ tăng lãi suất 3 lần trong năm nay.

Biên bản cũng cho thấy cả các thành viên có quyền bỏ phiếu quyết định lãi suất cũng như nhóm các nhà hoạch định chính sách khác đã nâng dự báo cho triển vọng kinh tế so với thời điểm tháng 12.

Hirofumi Suzuki - một nhà kinh tế học của Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC) tại Singapore cho biết, các thành viên thị trường có lẽ đã hiểu Biên bản cuộc họp của Fed đã mở ra khả năng ngân hàng trung ương Mỹ có thể tăng lãi suất 4 lần trong năm nay.

“Việc tăng lãi suất ngay trong tháng 3 có lẽ là một khả năng gần như chắc chắn, và dường như có một sự nâng cấp về triển vọng kinh tế. Vì vậy tôi có thể hiểu được cách thức các thành viên thị trường nghĩ rằng có khả năng tốc độ tăng lãi suất có thể tăng lên 4 lần trong năm nay”, Suzuki nói.

“Nhưng theo quan điểm cá nhân, tôi vẫn nghi ngờ rằng liệu đó có phải là ý định thực sự của Fed hay không”, Suzuki cho biết và nói thêm rằng phát biểu điều trần trước Quốc hội Mỹ của tân Chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày 28/2 về chính sách tiền tệ sẽ là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư.

Lợi suất trái phiếu Mỹ và đồng USD tăng sau khi Biên bản cuộc họp của Fed được công bố, với lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên đến 2,957% vào thứ Tư, mức cao nhất trong 4 năm.

Với việc đồng USD tiếp tục phục hồi, đồng euro sáng nay giảm tiếp 0,04% xuống còn 1,2279 USD, trượt xa khỏi mức đỉnh 3 năm là 1,2556 USD được thiết lập vào tuần trước.

Tuy nhiên đồng bạc xanh lại quay đầu giảm 0,37% so với đồng yên, xuống còn 107,38 JPY/USD.

Suzuki của SMBC cho biết, đồng yên tăng giá là do sự sụt giảm giá cổ phiếu Nhật. Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 của Tokyo giảm gần 1,4% vào lúc 0150 GMT thứ Năm.

Đồng nội tệ của Nhật Bản được xem là một loại tiền tệ an toàn và thường có xu hướng thu hút được nhu cầu khi khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư có nguy cơ bị suy yếu.

Hệ quả là, so với yên Nhật, đồng euro giảm tới 0,4% xuống còn 131,86 JPY/EUR; trong khi đồng đôla Úc giảm 0,6% xuống còn 83,61 JPY/AUD./.