Từ khóa: chính sách tài chính, chính sách tiền lương, cải cách tiền lương

Summary

Wage policy is a particularly important part of the socio-economic policy system, directly related to major balances of the economy, the labor market and the lives of wage earners, contributing to build a lean and clean political system that operates effectively and efficiently, preventing and combating corruption and waste. Resolution No. 27-NQ/TW, dated May 21, 2018 of the 7th Plenum of the 12th Central Committee affirmed that financial solutions are a breakthrough task to create resources for wage policy reform. The article evaluates the role of financial policy in implementing wage reform, thereby proposing necessary solutions in the coming time.

Keywords: financial policy, wage policy, salary reform

GIỚI THIỆU

Nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003. Từ năm 2011 đến nay, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Ban Cán sự đảng Chính phủ báo cáo việc xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương theo từng giai đoạn phát triển của đất nước tại các Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (Kết luận số 23-KL/TW, ngày 29/5/2012), Hội nghị Trung ương 7 Khóa XI (Kết luận số 63-KL/TW, ngày 27/3/2013), đặc biệt là Ban Cán sự đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XII thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Do dịch bệnh Covid-19 và khó khăn của nền kinh tế, tại Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 13 khóa XII và Kết luận số 20-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII thống nhất lùi việc thực hiện cải các chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội ngị Trung ương 7 khóa XII vào thời điểm phù hợp. Đồng thời, trong thời gian chưa thực hiện cải cách tiền lương, mức lương cơ sở trong các năm: 2020, 2021, 2022, không được điều chỉnh dẫn đến nhiều khó khăn trong đời sống của người hưởng lương trong khu vực công. Bên cạnh đó, việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện cơ chế tài chính đặc thù đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị cho đến khi thực hiện cơ chế tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW tiếp tục tạo ra bất cập về chính sách tiền lương trong khu vực công.

Với sự nỗ lực, quyết tâm của Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành liên quan đã chủ động kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền triển khai các nội dung có tính chất nền tảng để thực hiện cải cách tiền lương, như: trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019. Chính phủ ban hành các Nghị định điều chỉnh tăng mức lương cơ sở theo lộ trình (năm 2019 và năm 2023), hoàn chỉnh các Nghị định về tổ chức bộ máy hành chính, sự nghiệp; về vị trí việc làm; về quản lý cán bộ, công chức, viên chức; về chính sách tinh giản biên chế...

Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng đã khẳng định giải pháp tài chính là nhiệm vụ đột phá để tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, từ khi Nghị quyết số 27 ban hành đến nay, mặc dù các giải pháp tài chính đã đạt được một số kết quả bước đầu tạo nguồn cải cách tiền lương, nhưng chưa tạo ra được những giá trị đột phá như yêu cầu của Nghị quyết 27.

NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TỪ CÁC GIẢI PHÁP TÀI CHÍNH

Về cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước

Tại chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo sơ kết 3 năm Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Bộ Tài chính, các cơ quan hữu quan đã huy động các nguồn lực đảm bảo đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ các vướng mắc về đầu tư công, tăng cường giải ngân các nguồn vốn... Cùng với đó, Chính phủ, Bộ Tài chính, các cơ quan hữu quan đã thực hiện các biện pháp thiết thực, nhằm tăng cường quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực giá, cơ bản kiểm soát được lạm phát ở mức dưới 4% theo mục tiêu. Hoàn thiện chính sách về quản lý thị trường dịch vụ tài chính, góp phần ổn định xã hội, đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách, đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách…

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN bình quân khả năng không đạt kế hoạch 85%-86%; thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp ở mức rất thấp... Cơ cấu lại chi NSNN tiếp tục gặp thách thức, áp lực tăng chi lớn. Hiệu quả, hiệu lực quản lý, sử dụng NSNN còn bất cập. Giải ngân vốn đầu tư công nhiều năm không đạt kế hoạch… (T. Văn, 2023).

Về chính sách tinh giản biên chế

Chính sách tinh giản biên chế hiện nay được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP, ngày 03/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế (thay thế Nghị định số 108/2014/NĐ-CP; Nghị định số 113/2015/NĐ-CP; Nghị định số 143/2020/NĐ-CP của Chính phủ). Theo quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP, thì kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế được thực hiện theo phân cấp ngân sách hiện hành quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2022 của Bộ Nội vụ, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2022 là 254.757 biên chế, biên chế sự nghiệp năm là 1.743.326 người. Về kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo các Nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, đến tháng 6/2023, tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế là 79.057 người (chiếm tỷ lệ 29,96% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016-2021), trong đó Trung ương là 5.510 người, địa phương là 73.547 người.

Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017

Triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW, các cơ quan tổ chức cán bộ các bộ, ngành đã tham mưu giúp bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ đối với các đơn vị thành lập mới, tách, nhập, điều chỉnh nhiệm vụ cho phù hợp với tổ chức của bộ đa ngành, đa lĩnh vực; thường xuyên rà soát kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, giảm bớt những bất cập, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các chính sách tinh giản biên chế. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, năm 2022, kết quả thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính: cấp bộ, ngành giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục, giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ, giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; cấp địa phương giảm 2.159 phòng và tương đương.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế và sắp xếp tổ chức bộ máy, trong phương án xây dựng dự toán NSNN hàng năm của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã thực hiện theo nguyên tắc cắt giảm chi NSNN (bao gồm giảm chi do giảm biên chế hưởng lương từ NSNN và giảm chi do sắp xếp lại bộ máy) theo tỷ lệ quy định tại Kết luận số 17-KL/TW, ngày 11/9/2017 của Bộ Chính trị về về tình hình thực hiện biên chế, tinh giản biên chế của các tổ chức trong hệ thống chính trị năm 2015-2016, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2017-2021; Nghị quyết 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 Ban chấp hành Trung ương Khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Sắp xếp tổ chức đơn vị sự nghiệp theo Nghị quyết 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, thực hiện quy định của Chính phủ về tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), các bộ, ngành, địa phương đã chủ động rà soát, phê duyệt đề án và tổ chức triển khai quyết liệt nhằm bảo đảm mục tiêu giảm ít nhất 10% ĐVSNCL thuộc phạm vi quản lý của mình tự chủ về tài chính. Đến nay, cả nước giảm 7.469 ĐVSNCL (đạt 13,5%) so với năm 2016. Riêng năm 2022, các bộ, ngành đã giảm 22 ĐVSNCL thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành; Ở địa phương giảm 1.020 ĐVSNCL.

Trong phương án xây dựng dự toán NSNN hàng năm của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã thực hiện giảm chi hỗ trợ trực tiếp từ NSNN tối thiểu 2,5% đối với các ĐVSNCL tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và tối thiểu 3% đối với các ĐVSNCL do ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo chi thường xuyên (trừ ĐVSNCL cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, không có nguồn thu sự nghiệp), nhằm nâng cao mức độ tự chủ tài chính của các ĐVSNCL và tạo nguồn cải cách tiền lương.

Đẩy mạnh cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập

Hệ thống các văn bản pháp luật quy định về tự chủ của ĐVSNCL, trong đó có tự chủ về tài chính, đã dần từng bước được hoàn thiện theo hướng đẩy mạnh giao quyền tự chủ tài chính cho các ĐVSNCL; thay đổi phương thức hỗ trợ từ NSNN thông qua đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các ĐVSNCL thực hiện hoặc đấu thầu gắn với số lượng, chất lượng sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công được cung cấp, tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. NSNN chỉ đảm bảo kinh phí thường xuyên đối với đơn vị được Nhà nước giao dự toán theo nhiệm vụ, trên cơ sở số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt và định mức phân bổ dự toán được cấp có thẩm quyền quyết định.

Việc chuyển đổi từ phí sang giá dịch vụ là một bước tiến quan trọng trong đổi mới cơ chế tài chính của ĐVSNCL. Theo đó, thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, từng bước tính chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp trong giá dịch vụ theo khả năng của NSNN và thu nhập của người dân đã tạo sự minh bạch, góp phần giảm chi thường xuyên của NSNN.

Tiếp tục tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương trong các cơ quan, đơn vị

Hằng năm, dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách trung ương cho cải cách chính sách tiền lương; tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên tăng thêm hằng năm để thực hiện cải cách tiền lương. Nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương còn dư sau khi bảo đảm điều chỉnh mức lương cơ sở hằng năm và bảo đảm các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành (đối với ngân sách địa phương), các dự án đầu tư theo quy định (đối với các địa phương có tỷ lệ điều tiết) theo nghị quyết của Quốc hội phải tiếp tục sử dụng để thực hiện cải cách chính sách tiền lương sau năm 2020, không sử dụng vào mục đích khác khi không được cấp có thẩm quyền cho phép.

NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN

Mặc dù đạt dược những kết quả nhất định giai đoạn 2017 đến nay, nhưng các giải pháp tài chính nhằm huy động nguồn thực hiện cải cách tiền lương vẫn còn nhiều bất cập; như:

(1) Cơ cấu lại chi NSNN tiếp tục gặp thách thức, áp lực tăng chi lớn. Hiệu quả, hiệu lực quản lý, sử dụng NSNN còn bất cập. Giải ngân vốn đầu tư công nhiều năm không đạt kế hoạch…

(2) Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước vẫn còn gặp nhiều hạn chế, như:

(i) Công tác tinh giản biên chế tuy đạt được chỉ tiêu về số lượng, nhưng chưa gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.

(ii) Các cơ quan chưa được giao quyền chủ động trong việc quyết định tiền lương của cán bộ, công chức trong phạm vi khoán quỹ lương của đơn vị theo vị trí việc làm. Hiện nay, việc chi trả tiền lương cho cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước được thực hiện theo bảng lương chung do Nhà nước quy định, việc nâng lương thường xuyên theo định kỳ, tư tưởng đến hẹn lại lên dẫn đến việc ỷ lại, chây ỳ. Việc chi trả thu nhập tăng thêm theo nguyên tắc phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người (hoặc từng bộ phận trực thuộc) còn hình thức; đa số các cơ quan chưa xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, còn mang tính chất cào bằng.

(3) Việc đổi mới cơ chế tài chính của các ĐVSNCL còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc thực hiện tự chủ tài chính nhìn chung còn chậm, mức độ tự chủ chưa cao, đặc biệt ở các địa phương; nguồn thu sự nghiệp còn thấp, chủ yếu vẫn là NSNN cấp phát; chưa có bước chuyển biến mang tính đột phá; chưa thực sự đồng bộ về tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế với tự chủ về tài chính. Hầu hết các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công chưa tính đủ chi phí vào giá, dẫn đến khó khăn cho các ĐVSNCL khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Các định mức kinh tế kỹ thuật còn thiếu, khó khăn trong việc xác định đơn giá đặt hàng, đấu thầu, cũng như triển khai trong quản lý. Phương thức đấu thầu còn ít được áp dụng và chưa thực sự phát huy hiệu quả; việc giao nhiệm vụ, đặt hàng được thực hiện theo đơn giá dự toán, không sát thực tế, có trường hợp dẫn đến thất thoát, lãng phí. Các cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa chưa đủ mạnh; còn chạy theo số lượng mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng. Việc chuyển đổi ĐVSNCL thành công ty cổ phần còn nhiều bất cập, lúng túng. Cơ chế quản lý, sử dụng tài sản công, còn những vướng mắc theo quy định tại Luật Đất đai và các văn bản pháp luật liên quan...

(4) Chưa có giải pháp tài chính triệt để đối với các cơ quan, đơn vị được hưởng cơ chế tài chính đặc thù tạo ra sự bất cập chính sách tiền lương trong khu vực công.

(5) Tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương trong các cơ quan, đơn vị chưa hiệu quả, chủ yếu còn tâm lý ỷ lại, dựa dẫm vào NSNN bổ sung.

ĐỊNH HƯỚNG TRONG THỜI GIAN TỚI

Báo cáo của Bộ Nội vụ gửi tới Quốc hội báo cáo về công tác quản lý cán bộ, công chức, bao gồm cả lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới của cán bộ, công chức toàn hệ thống cho biết, Chính phủ sẽ trình Trung ương Đảng, Quốc hội việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27 kể từ 1/7/2024 (Lê Hiệp, 2023).

Để đảm bảo được lộ trình thực hiện Nghị quyết số 27, theo báo cáo, chính sách tài chính cần hoàn thiện để phát huy vai trò là nhiệm vụ đột phá để tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết số 27.

(1) Tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại NSNN theo hướng tăng thu ngân sách bền vững, đồng thời với biện pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả chi NSNN. Chi NSNN cần được triệt để tiết kiệm, chống lãng phí và tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, hình thành một cơ cấu ngân sách hợp lý nhằm giảm áp lực bội chi ngân sách và đảm bảo bền vững tài khóa. Chi NSNN cần được cơ cấu lại theo hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên (trên cơ sở sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, giảm tỷ trọng chi một số lĩnh vực sự nghiệp công gắn với việc điều chỉnh giá, phí đối với các dịch vụ sự nghiệp công có khả năng xã hội hóa cao); tăng tỷ trọng chi đầu tư đi đôi với hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư công; tái cơ cấu chi đầu tư, chi thường xuyên gắn với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả chi ngân sách trong thực hiện chủ trương, định hướng, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, chi NSNN cần được cơ cấu lại trong từng lĩnh vực, tập trung vào các dịch vụ thiết yếu, NSNN phải đảm bảo hỗ trợ. Bên cạnh đó, các dịch vụ thiết yếu cần được đẩy mạnh xã hội hóa để cơ cấu lại chi thường xuyên từ NSNN.

(2) Hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về tự chủ tài chính đối với các cơ quan hành chính theo hướng giao khoán quỹ lương cho các cơ quan, đơn vị; nâng cao quyền chủ động và chịu trách nhiệm của các thủ trưởng đơn vị trong việc quản lý, sử dụng nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức.

(3) Đẩy mạnh đổi mới cơ chế tự chủ tài chính, giao tự chủ tài chính cho ĐVSNCL; tăng số lượng đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và tự bảo đảm chi thường xuyên; quy định rõ về nguồn thu, nhiệm vụ chi, phân phối thu nhập bổ sung, thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị.

- Đẩy mạnh việc thực hiện lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công theo Nghị số 60/2021/NĐ-CP, trước mắt tính chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý. Các ĐVSNCL có khả năng tính chí phí khấu hao có thể phân loại ở mức độ tự chủ tài chính cao hơn. Đến năm 2030, cho phép tất cả các đơn vị được trích khấu hao tài sản để quản lý và trích lập quỹ tái đầu tư tài sản.

- NSNN bảo đảm đầu tư cho các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu và ĐVSNCL ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Đối với đối tượng chính sách, khó khăn, chuyển sang hỗ trợ trực tiếp cho người thụ hưởng để chủ động lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

Chuyển mạnh cơ chế cấp phát theo dự toán sang cơ chế thanh toán theo đặt hàng, giao nhiệm vụ gắn với số lượng, chất lượng sản phẩm dịch vụ, giá cung cấp dịch vụ và nhu cầu sử dụng; có lộ trình cụ thể thực hiện cơ chế đầu thầu cung cấp dịch vụ; giảm dần phương thức giao nhiệm vụ. Đến năm 2030, cơ bản chuyển sang thực hiện theo hình thức đặt hàng, đấu thầu các dịch vụ sự nghiệp công nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa dịch vụ sự nghiệp công.

- Các bộ, ngành, địa phương rà soát, quyết liệt thực hiện và sớm hoàn thành việc ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy hoạch mạng lưới các ĐVSNCL để thực hiện quyết liệt sắp xếp, giải thể, sáp nhập, tinh giảm đầu mối, biên chế; đồng thời ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở cho việc xác định giá dịch vụ sự nghiệp công.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công, đảm bảo bình đẳng giữa ĐVSNCL và ngoài công lập. Rà soát, đánh giá và tiếp tục hoàn thiện cơ chế cho phép cổ phần hóa đối với ĐVSNCL có đủ điều kiện, gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Các địa phương phải lập quy hoạch, kế hoạch và cam kết dành quỹ đất sạch cho các cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp cận các yếu tố thiết yếu phục vụ cho dịch vụ sản xuất, kinh doanh theo chủ trương của Nhà nước.

(4) Rà soát, bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ NSNN; bãi bỏ các cơ chế tài chính đặc thù đảm bảo tính công bằng chính sách tiền lương trong khu vực công./.

Nguyễn Thị Hồng Nguyên - Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 32, tháng 11/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Nội vụ (2022), Báo cáo tổng kết năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023 của ngành Nội vụ.

2. Bộ Tài chính (2021), Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2016-2021.

3. Bộ Tài chính (2023), Báo cáo sơ kết 3 năm Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.

4. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII (2018), Nghị quyết 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

5. Lê Hiệp (2023), Trình T.Ư Đảng, Quốc hội thực hiện cải cách tiền lương từ 1.7.2024, truy cập từ https://thanhnien.vn/trinh-tu-dang-quoc-hoi-thuc-hien-cai-cach-tien-luong-tu-172024-185231003093806372.htm.

6. T. Văn (2023), Cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước tiếp tục gặp thách thức, truy cập từ https://kinhtevadubao.vn/co-cau-lai-chi-ngan-sach-nha-nuoc-tiep-tuc-gap-thach-thuc-27401.html