Văn hóa kinh doanh và tác động tiêu cực đến môi trường có thể cản trở việc niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp
Hoạt động kinh doanh của JBS [1] |
Các nhóm hoạt động môi trường như: Mạng lưới Hành động vì Rừng Nhiệt đới (Rainforest Action Network), Trái đất Hùng mạnh (Mighty Earth), Hiệp hội Bảo vệ Động vật Thế giới (World Animal Protection)... đã gửi nhiều thư tín tới Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) phản đối JBS tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) và yêu cầu tiến hành điều tra xác thực thông tin được công bố trong Bản cáo bạch niêm yết của JBS.
Giám đốc Mighty Earth, Glenn Hurowitz, tuyên bố “đây có lẽ là vụ IPO quan trọng nhất đối với khí hậu trong lịch sử”, do việc phá hủy rừng nhiệt đới (nơi tích tụ carbon), đang đe dọa các mục tiêu khí hậu. Trong khi đó, đại diện JBS cho rằng, việc niêm yết cổ phiếu sẽ giúp Công ty tăng cường hiệu quả giám sát doanh nghiệp, cũng như tính minh bạch thông qua việc chấp hành những tiêu chuẩn niêm yết của SEC.
Giới hoạt động môi trường từ lâu đã lên án JBS bóc lột cả người lao động lẫn môi trường. Chăn nuôi gia súc, thay đổi mục đích sử dụng đất rừng, bán gỗ và canh nông bằng đất rừng của họ đã thúc đẩy tàn phá rừng nhiệt đới Amazon.
Hiệp hội Bảo vệ Động vật Thế giới báo cáo với SEC rằng, khi JBS mua ngũ cốc làm thức ăn gia súc đã không xác định nguồn gốc canh tác và những yếu tố rủi ro liên quan đến phá rừng, kể cả phá rừng do các băng nhóm tội phạm thực hiện để có sản lượng bán.
Những thông tin này bị giấu giếm không đưa vào Bản cáo bạch.Trước sức ép này, đại diện SEC đã tuyên bố sẽ cân nhắc rất cẩn thận việc tuân thủ trách nhiệm của SEC trong các điều luật của Mỹ.
Năm 2022, điều tra của các công tố viên Brazil phát hiện ra ~17% số gia súc do JBS mua ở bang Para, trong khu vực rừng nhiệt đới Amazon, trong giai đoạn từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020, có nguồn gốc từ các trang trại gia súc có nhiều sự bất thường liên quan đến phá rừng. JBS chỉ đáp lại rằng, các vấn đề dẫn tới giao dịch mua bán đó đã được sửa sai. JBS cũng trả lời thêm rằng, hãng đang sử dụng công nghệ blockchain để giám sát các nhà cung cấp của các nhà cung cấp.
Tuy thế, Merel Van Der Mark, điều phối viên của Mạng lưới Hành động vì Rừng Nhiệt đới, lại nói rằng, ngay trong cả Bản cáo bạch cũng không có thông tin nào về một lộ trình rõ rệt đảm bảo JBS sẽ không liên quan tới hoạt động phá rừng.
Thật vậy, nếu quá trình hoạt động của các công ty có hoạt động kinh tế gây phương hại đến môi trường không được chỉ rõ và kiểm chứng độc lập, thì có lẽ các báo cáo của họ sẽ phần lớn như xóm chim đã kết luận: “Báo cáo vẫn hoàn toàn trung thực, đáng tin cậy và giàu tính đạo đức, mặc dù số liệu phân bị ngụy tạo và có hiện tượng đo bậy bạ. Chương trình giảm phát thải mê-tan của Xóm Chim đã thành công xuất sắc” [2].
Đồng thời, sự việc này cũng cho thấy, trên thực tế ảnh hưởng của các nhóm bảo vệ môi trường sẽ có sức mạnh không nhỏ, nếu yếu tố kinh tế-tài chính doanh nghiệp được đặt lên bàn cân như yếu huyệt của doanh nghiệp giàu tiềm năng phá hoại môi trường. Ở đây nguyên lý “van một chiều” về giá trị sinh thái quyết định diễn tiến của sự việc [3]. Nghĩa là giá trị môi trường có thể được tính là giá trị tiền tệ, nhưng ngược lại thì không.
Rừng Amazon được ví như lá phổi xanh điều hòa khí hậu trái đất, với những lợi ích sinh thái khó có thể kể hết. Nó luôn được coi là một trong những tài nguyên quan trọng bậc nhất trong cuộc chiến sinh tồn bảo vệ sự sống tương lai của trái đất và nhân loại [4].
Quyết định của SEC có lẽ sẽ thể hiện liệu Mỹ có còn giữ được những nguyên lý kinh tế xanh, hay sẽ để mất vị trí tiên phong dẫn đầu cuộc chiến chống sụp đổ khí hậu vào tay Trung Quốc.
*Ghi chú: bài đóng góp từ chương trình nghiên cứu môi sinh AISDL.
Tài liệu tham khảo
[1] Mano, A.,& Polansek, T. (2023, August 24). Environmental activists pressure US regulators to halt JBS listing. https://www.reuters.com/business/environment/environmental-activists-pressure-us-regulators-halt-jbs-listing-2023-08-23/
[2] Vuong, Q. H. (2022). The Kingfisher Story Collection. https://www.amazon.com/dp/B0BG2NNHY6
[3] Vuong, Q. H. (2021). The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange. Economics and Business Letters, 10(3), 284-290. https://reunido.uniovi.es/index.php/EBL/article/view/15872
[4] Nguyen, M. H., & Jones, T. E. (2022). Building eco-surplus culture among urban residents as a novel strategy to improve finance for conservation in protected areas. Humanities and Social Sciences Communications, 9, 426. https://www.nature.com/articles/s41599-022-01441-9
Bình luận