Nhiều quy định chính sách còn bất cập

Tại Diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch VBF đánh giá cao những kết quả đạt được thời gian qua về kinh tế, thương mại gắn liền với nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ cũng như sự nỗ lực, chủ động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ ký kết Hiệp định CPTPP, hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA, triển khai thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO cùng với 10 FTA khác mà Việt Nam đã ký đang được triển khai ổn định sẽ là các cánh cửa quan trọng cho phép Việt Nam tiếp cận ổn định và thuận lợi một loạt các thị trường quan trọng với Việt Nam, cũng như tiếp tục cải thiện mạnh mẽ thể chế kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định, bền vững và hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài.

Tuy nhiên, TS. Vũ Tiến Lộc cũng nhấn mạnh vẫn còn nhiều vấn đề quan ngại. Cụ thể, trên thế giới, việc những căng thẳng thương mại có thể tiếp tục gia tăng, đặc biệt khi các tuyên bố bảo hộ hay trả đũa của các nền kinh tế lớn sẽ gây ra những chuyển động bất thường, khó nắm bắt cho kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

TS. Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Diễn đàn/ Ảnh: Đức Trung

Sự chuyển dịch của dòng đầu tư cũng có thể ảnh hưởng cả tiêu cực lẫn tích cực đến các nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam. Nguồn cung - cầu trên thế giới có thể diễn biến phức tạp. Thị trường vốn, tiền tệ, chứng khoán cũng có thể có nguy cơ bất ổn.
Ở trong nước, mặc dù Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng trên thực tế không phải tất cả các bộ, ngành, các địa phương đều có hành động cụ thể và thực chất.

Chẳng hạn, sau 4 năm đưa vào thực hiện, Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), cơ chế nền tảng để hiện đại hóa và cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu, mới chỉ triển khai được 47/245 thủ tục (chiếm 19% tổng số thủ tục xuất nhập khẩu). Trong số 47 thủ tục đã được thực hiện, không ít trường hợp chưa điện tử hóa đồng bộ, thậm chí còn gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.

Đơn cử, trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, sau 3 năm thực hiện vẫn chưa được như kỳ vọng. Số mặt hàng được loại khỏi diện kiểm tra chuyên ngành chỉ chiếm chưa đầy 6%.

Cùng với đó, dù tất cả các bộ, ngành đã được yêu cầu phải cắt giảm, đơn giản hóa 50% số điều kiện kinh doanh. Song đến thời điểm này, mới chỉ có Bộ Công Thương đã soạn thảo và trình Chính phủ Nghị định theo yêu cầu. 4 bộ khác (Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế) đã soạn thảo Nghị định, gửi VCCI lấy ý kiến doanh nghiệp.

“Còn lại các bộ khác đang làm gì, làm tới giai đoạn nào, giải pháp cắt giảm có phù hợp không thì doanh nghiệp không được biết, cũng không được tham gia ý kiến”, Chủ tịch VCCI thẳng thắn.

Cùng nhận định cho rằng, vai trò của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng khung chính sách đầy đủ, minh bạch là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn nhiều bất cập.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Kim Heung Soo cho biết, Tập đoàn thép Posco đã thành lập liên doanh với các doanh nghiệp Việt Nam vào năm 1994 và đang có nhiều hợp tác thành công bao gồm chuyển giao công nghệ. Tháng 01/2019, Tập đoàn mới cần gia hạn thời hạn của liên doanh, tuy nhiên tháng 6 năm 2017, mặc dù chưa hết thời hạn liên doanh, Chính phủ Việt Nam đã cấp mới quyền sử dụng đất cho một doanh nghiệp Việt Nam ở Hải Phòng (cũng thuộc liên doanh), khiến cho liên doanh của Posco phải kết thúc trước hạn.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Kim Heung Soo phát biểu tại Diễn đàn/ Ảnh: Đức Trung

Không riêng Posco, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc khi đầu tư và hoạt động ở Việt Nam đầu những năm 1990 dưới hình thức liên doanh cũng để cho doanh nghiệp Việt Nam góp vốn bằng quyền sử dụng đất, nên những quyết định hành chính tương tự sẽ làm ảnh hưởng đến việc chuyển giao kỹ thuật và hợp tác cùng phát triển dưới hình thức liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI.

Tương tự, doanh nghiệp Vina Pioneer ở tỉnh Hưng Yên vẫn còn thời hạn ưu đãi được bảo đảm trong Luật Đầu tư cũng bất ngờ nhận được thông báo về việc bị chấm dứt ưu đãi một cách đơn phương. Mặc dù doanh nghiệp đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác nhận là nằm trong khu vực được hưởng ưu đãi về pháp luật, nhưng vẫn nhận được thông báo từ Tổng cục Thuế cho rằng, doanh nghiệp không thuộc đối tượng được ưu đãi.

“Những trường hợp này không phải là vấn đề của riêng một doanh nghiệp nào. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đều xem đây là vấn đề rất nghiêm trọng, làm thu hẹp hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam và ảnh hưởng đến ý định hợp tác với doanh nghiệp địa phương”, Chủ tịch KoCham nhấn mạnh.

Ông Michael Kelly, Chủ tịch AmCham cũng bày tỏ, một điều đáng lưu ý là những năm vừa qua, việc tăng lương cùng với chi phí bảo hiểm bắt buộc không hề làm cho năng suất lao động tăng. Kết quả là nhiều công ty tại Việt Nam đã bị suy giảm hiệu suất trên mỗi đô la đầu tư vào nguồn nhân lực. Đây là một yếu tố không bền vững.

“Chúng tôi cũng đặc biệt quan ngại về yếu tố chi phí kinh doanh khi nghe thông báo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về một điều khoản gây nhiều tranh cãi là “yêu cầu người lao động nước ngoài phải đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội của Việt Nam”. Điều này làm dấy lên mối quan ngại sâu sắc trong cộng đồng các doanh nghiệp và người lao động nước ngoài tại Việt Nam vì chi phí tăng, nhưng không có gì chứng minh rằng lao động nước ngoài sẽ được hưởng lợi từ những đóng góp đó”, ông Michael Kelly nói.

Trong khi đó, ông Mark Gillin, Trưởng nhóm công tác thuế và hải quan cho hay, việc Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào quy trình quyết toán thuế làm công cụ thu ngân sách là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự thiếu ổn định. Đây là một cách làm vô cùng thiếu hiệu quả, là căn nguyên chính gây tham nhũng và là nguyên nhân gây ra sự mất tín nhiệm ngày càng tăng của cơ quan thuế.

Kỷ luật ngân sách phải “thắt”, thủ tục hành chính cần tiếp tục cắt giảm

Tại Diễn đàn, ông Koji Ito, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đưa ra đề xuất về 3 nội dung cụ thể, đó là: cải cách thủ tục hành chính, nợ công và môi trường.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, ông Kojo Ito phát biểu tại Diễn đàn/Ảnh: Đức Trung

Thứ nhất, về “cải cách thủ tục hành chính”, ngoài 2 khuyến nghị đã nêu tại VBF giữa kỳ 2017 (thành lập một ủy ban mới có đầy đủ quyền hạn tiếp nhận, xử lý mọi vấn đề phát sinh, đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ và có quy định thống nhất về việc sử dụng các “công văn” hướng dẫn thực thi luật), đại diện JCCI đề xuất thêm việc “thí điểm dự án đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính”. Cụ thể là chọn Tổng cục Hải quan để tổ chức thí điểm, phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp các nước thực hiện các hoạt động đẩy nhanh tiến trình minh bạch hóa và tiến độ xử lý thủ tục hải quan.

Thứ hai, đại diện nhà đầu tư một lần nữa bày tỏ quan ngại về vấn đề nợ công và cho rằng nếu Chính phủ quy định chính sách tài khóa quá chặt chẽ, cụ thể là hạn chế quy mô nợ công dưới 65% GDP, thì sẽ cản trở đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong khi Việt Nam đang rất cần những khoản đầu tư này để bảo đảm tăng trưởng kinh tế trong trung hạn và dài hạn. Kết cấu hạ tầng lạc hậu sẽ làm giảm sức hút đầu tư của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài và hơn nữa cũng làm mất đi cơ hội để kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài.

“Dĩ nhiên, JCCI không hề phản đối việc phải duy trì kỷ cương về chính sách tài khóa. Không những thế, chúng tôi khẩn thiết đề nghị Chính phủ có biện pháp xử lý căn nguyên thực sự của vấn đề và có những giải pháp căn bản như tăng cường cải cách cơ cấu ở cả hai chiều thu và chi ngân sách, cũng như rà soát lại hiệu quả sử dụng nợ công hiện nay”, ông Koji Ito nói thêm.

Thứ ba, về vấn đề môi trường, nhà đầu tư Nhật Bản cho biết, Nhật Bản từng có thời kỳ phải đối mặt với những vấn đề môi trường nghiêm trọng trong giai đoạn tăng trưởng nhanh, khi quy mô sản xuất, tiêu dùng, lượng rác thải lớn gây ô nhiễm… Nhưng Nhật Bản đã khắc phục được vấn đề này chủ yếu nhờ các công nghệ môi trường hiện đại và chính sách khuyến khích doanh nghiệp có hoạt động thân thiện với môi trường. JCCI “tin tưởng rằng những kinh nghiệm này sẽ giúp ích cho Việt Nam xử lý vấn đề môi trường của mình và trong thời gian tới mong muốn sẽ tiếp tục thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong các vấn đề môi trường”.

Còn Chủ tịch AmCham kỳ vọng, Chính phủ sẽ tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính, hỗ trợ hướng dẫn thêm về chính sách cho các doanh nghiệp tư nhân, bảo đảm cơ chế bảo hộ đầu tư hiệu quả, cải thiện các cơ chế giải quyết tranh chấp và thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp một cách nhất quán.

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ, ông Michael Kelly phát biểu tại Diễn đàn/ Ảnh: Đức Trung

“Chúng tôi cũng khuyến nghị có những thay đổi tích cực trong việc thực thi và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như Luật về Chuyển giao Công nghệ được hướng dẫn thi hành một cách rõ ràng và cụ thể”, Chủ tịch AmCham nói.

Đặc biệt, chính sách thuế là vấn đề cần cải thiện để mời gọi đầu tư nước ngoài và hợp tác quốc tế hơn nữa. Ví dụ như việc cải cách trong cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt trong ngành ô tô có thể giúp cho các đại lý phân phối duy trì kinh doanh hiệu quả.

Theo Trưởng nhóm công tác thuế và hải quan, cần thay đổi nếp nghĩ, mở rộng các khái niệm về nhiệm vụ/định hướng/giá trị; Luật định phải kiểm chứng về mặt logic; Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác hướng dẫn về thuế điện tử/hải quan điện tử, hướng dẫn trực tuyến; Sử dụng thanh kiểm tra/quyết toán thuế làm công cụ kiểm tra không phải là cách bảo đảm nguồn thu chính; Cần chấm dứt chế độ định hạn mức hay chỉ tiêu thu thuế của cơ quan thuế trong hậu kiểm/quyết toán…

Giải pháp khả thi, ít tốn kém và hiệu quả

Đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khuyến nghị, thời gian tới, các bộ, ngành của Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực thi tinh thần cải cách quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng hành lang pháp lý hiệu quả hơn.

Các FTA sẽ mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức mới, trong đó các doanh nghiệp cần nỗ lực rút ngắn khoảng cách khoa học công nghệ với các nước tiên tiến.

Nhìn ra thế giới, trong bối cảnh hiện tại, chủ nghĩa bảo hộ, căng thẳng thương mại, biến động kinh tế toán cầu cũng đặt ra nhiều thách thức. Ở trong nước, Việt Nam vẫn còn nhiều ngành lĩnh vực cần phải cải thiện, như: thể chế, năng suất lao động, kết cấu hạ tầng…
TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện triệt để các mục tiêu cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là biện pháp mà chúng ta luôn có thể chủ động thực hiện, luôn khả thi và ít tốn kém trong khi hiệu quả lại rất đáng kể, đặc biệt trong thúc đẩy xuất nhập khẩu; tận dụng cơ hội mới về thương mại và đầu tư.

Bên cạnh đó cần tăng cường các nỗ lực mở các con đường ưu tiên cho doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tận dụng triệt để các lợi thế xuất khẩu từ các FTA là một trong những giải pháp để xuất khẩu Việt Nam tìm được con đường riêng, ổn định trong bối cảnh thương mại thế giới diễn biến phức tạp.

Cần tận dụng tối đa cơ hội từ việc rà soát chuẩn bị phê chuẩn và thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để tạo ra đột phá trong cải cách toàn diện hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế theo các chuẩn mực mới.

Để bảo đảm tính hiệu quả và thực chất của các hoạt động này, các bộ ngành liên quan cần thường xuyên thông tin, tham vấn với cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, cần triển khai ngay công tác chuẩn bị thực hiện các cam kết trong Hiệp định, cả từ phía Chính phủ và doanh nghiệp, đặc biệt là cam kết về thể chế và hàng hóa, từ đó, doanh nghiệp có thể tận dụng hiệu quả các cơ hội của CPTPP ngay khi Hiệp định này có hiệu lực./.