Nhiều khó khăn

Ngay từ cuối tháng 06/2016, trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 của Tổng cục Thống kê đã nhận định, nếu giá cả hàng hóa trên thế giới tiếp tục giảm, cùng với những khó khăn của kinh tế thế giới và sự chững lại về nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước sẽ khiến tăng trưởng xuất khẩu năm nay khó đạt mục tiêu 10%. Bởi, tính chung 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 82,2 tỷ USD, chỉ tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 23,7 tỷ USD, tăng 3,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 58,5 tỷ USD, tăng 6,9%.

Còn sang đến tháng 07/2016, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 07/2016 ước tính đạt 14,70 tỷ USD, giảm 0,2% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 96,83 tỷ USD, cũng chỉ tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,5%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 27,93 tỷ USD, tăng 2,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 68,90 tỷ USD, tăng 6,5%.

Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước tháng 7 diễn ra ngày 26/07 mới đây, bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất - nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng cho hay, mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng năm 2016 thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (9,2%). Mục tiêu phấn đấu để kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 10% đang ngày càng khó khăn và cần sự đồng thuận cao của các hiệp hội, doanh nghiệp và địa phương mới có thể đạt được.

Nguyên nhân là do, các mặt nông lâm thủy sản đã đến “ngưỡng”. Công nghiệp chế biến không có mức tăng trưởng cao và đột biến như những năm trước do các doanh nghiệp đã chạy hết công suất. Những nhóm hàng, như: điện tử và dệt may năm nay suy giảm về mức tăng trưởng xuất khẩu...

Một nguyên nhân quan trọng khiến tăng trưởng xuất khẩu ở mức thấp do nhu cầu nhập khẩu của nhiều bạn hàng của Việt Nam trên thế giới đang suy giảm. Điển hình như mặt hàng gạo đang thiếu những hợp đồng lớn, có vai trò dẫn dắt thị trường với những bạn hàng truyền thống lớn, như: Philippines, Indonesia… Vì vậy, trong tháng 07/2016, chỉ có xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 0,1% còn 2 nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản và công nghiệp chế biến đều suy giảm.

Tăng trưởng xuất khẩu cả năm khó đạt mục tiêu 10%

Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội sáng ngày 29/07/2016 về kế hoạch và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức mà đất nước phải đối mặt trong thời gian tới. Trong đó, về xuất - nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm chỉ tăng 5,9%, thấp nhất so mức tăng cùng kỳ các năm kể từ năm 2011 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu cả năm đề ra là 10%; trong đó, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước.

"Khó khăn lớn nhất của xuất khẩu nước ta là giá xuất khẩu giảm (dầu thô, cà phê, cao su, hạt tiêu,…) và khả năng cạnh tranh yếu kém", báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

Chính phủ nhận định, sự kiện Anh rời khỏi EU (“Brexit”) và sự giảm giá của đồng Bảng Anh, đồng Euro, sự điều chỉnh giảm giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ tác động giảm khả năng cạnh tranh hàng xuất khẩu của nước ta vào các thị trường này.

Hiện tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU năm 2015 khoảng 19%, riêng Vương Quốc Anh khoảng 2,9%, tương đương 4,6 tỷ USD, vào Trung Quốc khoảng trên 11%, tương đương trên 17 tỷ USD.

"Nếu hiệu ứng "domino" xảy ra với các vùng của nước Anh và cả khu vực EU, thì những tác động đến xuất khẩu nước ta còn lớn hơn", Chính phủ nhận định và cho rằng cần có những nghiên cứu nghiêm túc để có giải pháp ứng phó chủ động, phù hợp.

Nỗ lực những tháng cuối năm

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng bức tranh xuất khẩu 7 tháng đầu năm vẫn không thiếu những “điểm sáng” đáng ghi nhận. Đơn cử, trong nhóm nông sản, một số mặt hàng đã đạt mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao như: Rau quả tăng gần 33%, cà phê 17%, điều 11%... Đây là những mặt hàng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng đều đặn và tương đối cao từ đầu năm đến nay và được kỳ vọng sẽ vẫn là động lực đóng góp quan trọng cho tăng trưởng xuất khẩu những tháng cuối năm.

Sau 7 tháng, cả nước đã xuất siêu 1,8 tỷ USD. Đây là tín hiệu tốt, giúp cân bằng kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ. Nhiều mặt hàng nguyên phụ liệu có kim ngạch nhập khẩu tăng như xơ sợi dệt may, nguyên phụ liệu da giày, báo hiệu tình hình sản xuất công nghiệp ở 2 mặt hàng trong thời gian tới sẽ có bước tiến triển và tăng trưởng khá hơn so với 7 tháng đầu năm.

Tại Hội nghị giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các tháng cuối năm 2016 do Bộ Công thương tổ chức ngày 19/07 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: Năm 2016 là năm hoàn tất ký kết các hiệp định thương mại tự do mới, đặc biệt là Hiệp định TPP và Hiệp định Việt Nam – EU sẽ mở ra những cơ hội xuất khẩu mới cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm kinh tế – xã hội 2016 – 2020, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều quyết tâm và nỗ lực trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, các giải pháp nhằm nâng cao năng suất chất lượng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Năm 2016 cũng là năm hoàn tất ký kết các Hiệp định Thương mại tự do FTA mới, đặc biệt là các Hiệp định TPP và Hiệp định FTA Việt Nam – EU hứa hẹn mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam và có tác động tích cực và quan trọng đối với tăng trưởng xuất khẩu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương cho biết sẽ sát cánh cùng doanh nghiệp nhằm giải quyết nhanh những khó khăn cho doanh nghiệp như thành lập đường dây nóng và giao cho Cục Xuất - nhập khẩu xử lý các vướng mắc cho doanh nghiệp xuất khẩu thông qua đường dây nóng này. Thực hiện đơn giản hoá thủ tục hành chính, ban hành nhiều văn bản về hướng dẫn các cơ hội, thách thức từ các FTA cho doanh nghiệp…

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, công tác xúc tiến thương mại cần được triển khai đều đặn và hiệu quả hơn nữa. Theo đó, Cục Xuất - nhập khẩu cần tích cực phối hợp với các bên liên quan rà soát lại những quy định liên quan đến thủ tục xuất - nhập khẩu, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp để đẩy mạnh xuất khẩu.

Riêng với mặt hàng gạo, Bộ Công Thương cần tăng cường giám sát các thị trường lớn và truyền thống để có giải pháp kịp thời giúp tiêu thụ gạo cho bà con nông dân. Hiện này, tồn kho gạo trong doanh nghiệp khoảng 1,2 triệu tấn - mức tồn kho tương đối an toàn so với con số tồn kho 1,8 - 1,9 triệu tấn của nhiều thời điểm trước đây. Doanh nghiệp cũng đang nỗ lực tìm kiếm những hợp đồng thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu.

Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng cường kiểm soát chất lượng thủy sản chế biến phục vụ xuất khẩu, cung cấp thông tin cho các đối tác nhập khẩu nhằm hạn chế những thiệt hại do việc thiếu thông tin dẫn đến lo ngại chất lượng thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam. Mục tiêu quan trọng là giữ vững kim ngạch xuất khẩu thủy sản ở mức 7-8 tỷ USD/năm./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://baocongthuong.com.vn/tang-truong-xuat-khau-kho-dat-muc-tieu.html

http://www.thesaigontimes.vn/149429/Chinh-phu-nhan-dinh-kho-dat-muc-tieu-tang-truong-67.html

http://enternews.vn/nhieu-giai-phap-day-manh-xuat-khau-6-thang-cuoi-nam-2016.html