Sáng 22/4 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Tại hội nghị, nhà đầu tư đã thể hiện sự tin tưởng vào Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong cải cách môi trường đầu tư Việt Nam trong thời gian tới.

Việt Nam giờ đây cần phải có những bước đi táo bạo và quyết đoán để duy trì đà tăng trưởng
Đại diên các hiệp hội đầu tư nước ngoài tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Các nhà đầu tư nước ngoài kiến nghị gì với Chính phủ Việt Nam?

Hội nghị đã tiếp nhận nhiều kiến nghị của nhà ĐTNN.

Cụ thể, về giấy phép lao động, các hiệp hội gồm: Kocham, Amcham, Britcham, Eurocham đã chỉ ra rằng, thời hạn và thủ tục để cấp giấy phép lao động mất nhiều thời gian, có những trường hợp kéo dài cả 1 năm. Các quy định cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài còn chưa rõ ràng.

Các hiệp hội này kiến nghị, nới lỏng các yêu cầu về cấp giấy phép lao động: thành phần hồ sơ, người nộp, thời gian giải quyết hồ sơ và các yêu cầu khi tuyển dụng lao động nước ngoài. Đề nghị sửa đổi Nghị định số 152/2020/NĐ-CP theo tinh thần đơn giản và thông thoáng như Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 đã hết hiệu lực.

Về thị thực, Hiệp hội Amcham, Eurocham cho rằng, chính sách miễn thị thực chưa mở rộng với các quốc gia có tiềm năng thương mại, du lịch; việc xét duyệt hồ sơ visa còn phức tạp; quy trình kéo dài. Visa nhập cảnh sân bay hiện được kiểm soát chặt chẽ và chỉ được coi là phù hợp với những trường hợp rất cụ thể.

Các hiệp hội này kiến nghị, mở rộng chính sách cấp thị thực điện tử, thị thực tại sân bay hoặc tại các Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài và miễn thị thực, mở rộng cơ hội chuyển đổi mục đích sử dụng đối với thị thực cá nhân mà không cần rời khỏi Việt Nam. Đề nghị đẩy nhanh thời gian giải quyết hồ sơ liên quan đến cấp, gia hạn thị thực.

Hiệp hội Kocham cũng đề cập thêm về việc chậm trễ thử nghiệm sơn chống cháy và quy trình phê duyệt của cơ quan phòng cháy, chữa cháy rất phức tạp và kéo dài. Tổ chức này kiến nghị sửa đổi các quy định để đẩy nhanh việc giải quyết hồ sơ liên quan đến phòng cháy, chữa cháy và giấy phép hoàn công.

Hiệp hội này cũng cho rằng, theo sửa đổi của Luật bảo vệ môi trường, nếu có khả năng phát sinh chất gây ô nhiễm, thì phải có đánh giá tác động môi trường từ chính quyền trung ương. Điều này sẽ trở thành gánh nặng cho các hoạt động kinh doanh thông thường. Trên cơ sở đó, kiến nghị đề nghị cụ thể hóa tiêu chí lựa chọn chỉ tiêu đánh giá tác động môi trường để rút ngắn thời gian và chi phí cần thiết trong việc xin giấy phép.

Đặc biệt các hiệp hội: Kocham, Eurocham, Amcham cùng có những kiến nghị về tác động của thuế tối thiểu toàn cầu. Họ đề nghị nghiên cứu ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư, và môi trường kinh doanh tại Việt Nam; có những giải pháp thiết thực, hiệu quả và kịp thời để đảm bảo đầu tư, bù đắp các lợi ích cho doanh nghiệp trong trường hợp các ưu đãi thuế bị giảm hoặc mất đi tác dụng do tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.

Bên cạnh đó, họ đề nghị cân nhắc bổ sung các chính sách ưu đãi về mặt chi phí (ví dụ như hỗ trợ chi phí đối với các khoản đầu tư vào hạ tầng, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoặc chuyển giao công nghệ) để khuyến khích các dự án trong các lĩnh vực ưu tiên có chọn lọc.

Về lĩnh vực điện lực và năng lượng, Amcham, Eurocham, Britcham đề nghị sớm phê duyệt Quy hoạch điện 8, trong đó ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo để giảm thiểu tác động tiêu cực của sản xuất điện đối với môi trường.

Đẩy nhanh chương trình thí điểm Hợp đồng mua bán điện trực (DPPA) với các điều kiện thuận lợi nhằm thu hút các nhà phát triển RE và bên bao tiêu cung cấp thêm các nguồn năng lượng tái tạo.

Các hiệp hội này cũng đề nghị quy định về ưu đãi đầu tư từ cơ chế FIT đối với dự án điện gió ngoài khơi; đề nghị hoàn thiện các quy định về chấp thuận khảo sát ngoài khơi, cũng như xem xét và phê duyệt đơn xin phép khảo sát ngoài khơi của các nhà phát triển; đề nghị xây dựng quy định rõ ràng đối với các dự án điện mặt trời áp mái.

Họ cũng cho rằng, quy định của luật về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) hiện hành chỉ mới quy định tỷ lệ tái chế bắt buộc. Điều này sẽ dẫn đến việc vật liệu tái chế tràn ngập thị trường mà không có người mua. Đề nghị công bố một danh sách các tiêu chí rõ ràng (bao gồm cả tiêu chí về môi trường) xem xét các tiêu chuẩn quốc tế mà các nhà tái chế phải đáp ứng để được đăng ký là nhà tái chế.

Theo Britcham, với quy định không áp dụng tính lãi đối với tài khoản ngoại tệ, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có xu hướng chuyển tiền ra nước ngoài khi nhận được những khoản ngoại tệ lớn thay vì để trong một tài khoản không có lãi hoặc chuyển đổi khoản tiền đó sang Việt Nam đồng. Đây đang là một quan ngại đối với nhiều tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động trong nước. Họ đề nghị rà soát lại các quy định này để đảm bảo môi trường cạnh tranh...

Tổ chức này cũng cho rằng, thủ tục xin cấp phép thành lập, vận hành các cơ sở giáo dục còn kéo dài, phức tạp hay các đơn vị quản lý khác nhau còn chưa hành động phối hợp, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển và độ mở của lĩnh vực này với doanh nghiệp quốc tế. Britcham đề nghị xem xét lại các quy định để giảm thiểu các thủ tục xin cấp phép thành lập, vận hành các cơ sở giáo dục có vốn nước ngoài.

Eurocham đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật Dược để giải quyết một số vấn đề như: đồng bộ với các quy định tại Luật Khám chữa bệnh; thời gian thẩm định và cấp Giấy phép lưu hành (MA) cho trang thiết bị y tế loại C và D còn dài; cơ chế đấu thầu cụ thể đối với trang thiết bị, vật tư tiêu hao y tế. Họ cũng đề nghị loại bỏ các rào cản hành chính đối với tính liên tục của chuỗi cung ứng và cung cấp khả năng dự đoán cho việc mua sắm để ngăn tình trạng thiếu thuốc.

Hiệp hội JCCI, Amcham đề nghị nới lỏng quy định, mở Giấy phép 5G tại địa phương; xây dựng và hoàn thiện môi trường cho phép thành lập các dự án sáng tạo thông qua chuyển đổi kỹ thuật số; xây dựng các quy định liên quan về lưu chuyển dữ liệu xuyên biên giới và đảm bảo người dùng Việt Nam có thể tiếp cận các dịch vụ hàng đầu trong ngành và cơ chế bảo mật dữ liệu theo tiêu chuẩn toàn cầu.

Việt Nam giờ đây cần phải có những bước đi táo bạo và quyết đoán để duy trì đà tăng trưởng
Ông Nitin Kapoor, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022. Ảnh: VGP

Nhà đầu tư đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt của Chính phủ

Tại Hội nghị, ông Nitin Kapoor, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022 khi nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới. Việt Nam đã làm tốt trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và nhanh chóng thích ứng với kỷ nguyên chuyển đổi số mới.

Việt Nam đã kịp thời thành lập 3 tổ công tác gồm: Nhóm công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng, nhóm công tác liên quan đến xử lý khó khăn với thị trường bất động sản và Tổ công tác xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời mở cửa biên giới Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh ngoại giao kinh tế.

Cộng đồng doanh nghiệp VBF (bao gồm cả FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước) cam kết đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, hướng tới phát triển kinh tế bền vững.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) quan ngại về GDP quý I/2023 chỉ tăng ở mức 3,32%, có phần không như kỳ vọng và đầu tư nước ngoài đã giảm mạnh. Đặc biệt, tỷ trọng đầu tư trong lĩnh vực sản xuất - lĩnh vực mà các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất cũng đã giảm mạnh, cho thấy các doanh nghiệp đang đối mặt với muôn vàn khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

“Đáng tiếc là tổng quy mô đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam quý I chỉ đạt 474 triệu USD, tương đương 70,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng dự án cũng giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 344 dự án, đưa Hàn Quốc, nhà đầu tư số một tại Việt Nam, xuống vị trí thứ tư, mức thấp nhất kể từ năm 2008. Cho thấy cơ cấu thương mại tập trung vào một số mặt hàng cụ thể rất nhạy cảm với những biến động kinh tế”, ông Hong Sun quan ngại.

Ông Michael Michalak khẳng định, các doanh nghiệp Hoa Kỳ rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới trên nền tảng quan hệ song phương ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn, thể hiện qua chuyến thăm Mỹ dự Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ - ASEAN của Thủ tướng vào tháng 5 năm ngoái và cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden hôm 29/3.

Sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Đơn cử như: Công ty Điện tử Samsung – doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam – cũng đã đầu tư thêm 20 tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất, hoàn tất xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm nghiên cứu R&D quy mô lớn nhất Đông Nam Á từ cuối năm ngoái. Các công ty như: Điện tử LG, LG Display, LG Innotek đang mở rộng đầu tư để phát triển thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về điện ô tô, thiết bị điện tử và thiết bị gia dụng.

“Tôi tin rằng nếu Chính phủ quan tâm và nỗ lực tháo gỡ những khó khăn của các doanh nghiệp FDI để các doanh nghiệp này có thể mở rộng kinh doanh ổn định tại Việt Nam, thì doanh nghiệp sẽ có thể gạt bỏ những lo lắng và tin tưởng đầu tư nhiều hơn nữa”, ông Hong Sun tin tưởng.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit hoan nghênh Chính phủ Việt Nam vì những nỗ lực không ngừng trong việc giải quyết những thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang phải đối mặt.

“Hội nghị này là cơ hội quý giá để chúng ta cùng suy nghĩ và đưa ra các chiến lược giúp Việt Nam có thể tận dụng và khai thác tiềm năng to lớn của mình”, ông nói.

Ông Gabor Fluit chỉ rõ, mặc dù phải đối mặt với một số rào cản, nhưng Việt Nam đã được công nhận là một ngôi sao đang lên trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế hiện nay, không có chỗ cho sự tự mãn. Việt Nam giờ đây cần phải có những bước đi táo bạo và quyết đoán hướng tới những cải cách mang tính đột phá để duy trì đà tăng trưởng.

Về vấn đề này, EuroCham đề xuất một số hành động có thể mở đường cho sự tăng trưởng bền vững và ổn định.

Các mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng xanh đã được ghi nhận rõ ràng và Việt Nam đã phát triển một chiến lược quốc gia toàn diện để đạt được các mục tiêu này. Tuy nhiên, việc thực hiện chiến lược này chưa đáp ứng được kỳ vọng. Năng lượng sạch và tái tạo là chất xúc tác cho đầu tư và tăng trưởng trên toàn nền kinh tế, đồng thời các doanh nghiệp châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng này.

“Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ không nên sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt như một công cụ để bù lại việc việc xóa bỏ thuế nhập khẩu. Chính phủ có thể xem xét áp dụng hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hỗn hợp đối với rượu vang và rượu mạnh và không nên áp dụng thuế TTĐB đối với các sản phẩm thiết yếu như: sữa và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng. Chúng tôi cũng kiến nghị miễn hoặc giảm thuế TTĐB cho các sản phẩm công nghiệp thân thiện với môi trường, chẳng hạn như xe điện”, đại diện EuroCham nêu đề xuất.

Do số lượng các ca mắc Covid-19 tăng cao thời gian gần đây, EuroCham mong muốn và đề xuất rằng Chính phủ Việt Nam sẽ đánh giá sự cần thiết của những biện pháp chống dịch và những biện pháp quá mức cẩn trọng, sẽ trở thành rào cản cho các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, lưu trú.

“Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cam kết sẵn sàng sát cánh với Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một quốc gia thịnh vượng và kiên cường, hướng tới phát triển bền vững và nền kinh tế xanh”, ông Gabor Fluit cam kết.

Ông Michael Michalak, Phó Chủ tịch cấp cao, Giám đốc điều hành khu vực ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) ấn tượng với sự thẳng thắn, chân thành và cầu thị của Thủ tướng và nhiều thành viên Chính phủ trong việc lắng nghe kiến nghị và chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Michael Michalak khẳng định, các doanh nghiệp Hoa Kỳ rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới trên nền tảng quan hệ song phương ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn, thể hiện qua chuyến thăm Mỹ dự Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ - ASEAN của Thủ tướng vào tháng 5 năm ngoái và cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden hôm 29/3.

Để khai thác hết tiềm năng đó, ông Michael Michalak đề xuất, trong lĩnh vực năng lượng, chúng tôi mong muốn Việt Nam đơn giản hoá và rút ngắn thời gian xem xét và phê duyệt các dự án điện. Cần ưu tiên phê duyệt sớm những dự án đã hoàn thành các thủ tục cần thiết. Cần sớm ban hành Quy hoạch điện 8.

“Việt Nam đang thu hút được ngày càng nhiều nhà đầu tư chất lượng cao và nhiều trong số họ đã cam kết thực hiện lộ trình trung hoà carbon nên cần được tiếp cận năng lượng tái tạo sớm. Đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt kế hoạch thí điểm thực hiện cơ chế bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất điện đến hộ tiêu thụ công nghiệp (DPPA)”, ông Michael Michalak đề xuất./.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư, trong đó, cần ...

"Nếu chúng ta tin cậy, chân thành, chia sẻ, trách nhiệm, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng nhau, thì mọi vướng mắc đều có thể được tháo gỡ"

"Để thích ứng linh hoạt một cách hiệu quả, trước tiên chúng ta cần phải có niềm tin, sự chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu ...