“Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới Việt Nam,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời phỏng vấn với phóng viên Haslinda Amin của Bloomberg Television tại văn phòng chính phủ ở Hà Nội trước thềm diễn ra Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018 mà Việt Nam đăng cai tổ chức. “Chúng tôi đang tìm những hướng đi mới để phát triển,” ông nói thêm. “Chúng tôi muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc.”


Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc

Bởi là nước có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội – nhiều hơn tất cả các quốc gia ở châu Á ngoại trừ Singapore, nền kinh tế của Việt Nam đặc biệt nhạy cảm với bất kỳ sự gián đoạn nào trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Khoảng một phần tư tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam là với Trung Quốc, nước đang phải đối mặt với việc bị đánh thuế lên tất cả các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ trong cuộc chiến thương mại leo thang với Tổng thống Donald Trump.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, điều quan trọng đối với Việt Nam hiện nay là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xuất khẩu và đảm bảo chất lượng cuộc sống cho 96 triệu người dân của đất nước. Ông liên tục nhắc lại rằng, Việt Nam luôn “kiên cường” khi đối mặt với những thách thức toàn cầu và sẽ thúc đẩy đàm phán các thỏa thuận thương mại khác bên cạnh 12 thỏa thuận đang có.

"Chúng tôi sẽ phải dựa vào sức mạnh nội tại của mình để có thể vượt qua mọi trở ngại và duy trì đà tăng trưởng," Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói. Theo Thủ tướng Phúc, Việt Nam sẽ phải cố gắng để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và “theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thị trường quốc tế để quản lý đồng nội tệ với các chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt kết hợp với các chính sách tài khóa chặt chẽ”. Tại diễn đàn WEF ASEAN 2018, Việt Nam “hy vọng sẽ có cơ hội thảo luận về các giao dịch kinh doanh mới với các công ty và nền kinh tế trong khu vực,” Thủ tướng Phúc cho biết thêm.

GDP của Việt Nam đã tăng 7,1% trong sáu tháng đầu năm nay, nhanh thứ hai trong số các nền kinh tế lớn của châu Á chỉ sau Ấn Độ. Tuy nhiên, Chính phủ dự báo, tăng trưởng có thể chậm lại trong nửa cuối năm và Việt Nam đang cố gắng kiềm chế lạm phát bằng các biện pháp như trợ giá nhiên liệu và giữ nguyên giá điện.

Tổ chức xếp hạng tín dụng Moody đã nâng mức điểm tín dụng của Việt Nam vào tháng trước, dựa trên các yếu tố như tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ được hỗ trợ bởi hệ thống ngân hàng đã khỏe mạnh hơn, mức nợ ổn định và sử dụng vốn hiệu quả hơn. VND là một trong những đồng tiền ổn định nhất ở châu Á trong năm nay, so với mức giảm lớn ở các đồng tiền khác như đồng rupee của Ấn Độ và đồng rupiah của Indonesia.

Việt Nam nổi lên như một nhà máy sản xuất và xuất khẩu sau khi thực hiện biện pháp cải cách “Doi Moi” theo định hướng thị trường vào những năm 1980, bán mọi thứ từ giày dép đến điện thoại thông minh. Kim ngạch xuất khẩu đã tăng lên mức kỷ lục 215 tỷ USD vào năm ngoái, với các khách hàng Mỹ chiếm khoảng 42 tỷ USD trong số đó – lớn hơn gấp đôi so với 5 năm trước đây.

Việt Nam cũng có nguy cơ bị tấn công vì thặng dư thương mại với Mỹ đạt 39 tỷ USD vào năm ngoái, đứng thứ sáu sau Nhật Bản, Canada, Đức, Mexico và Trung Quốc. Cho đến nay, Việt Nam đã xoay sở thành công trong việc tránh được sự giận dữ của ông Trump.

"Tôi đã nói với Tổng thống Trump rằng tôi nhất trí hai bên cần cân bằng thương mại, nhưng thực tế thì những gì Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ là đều có lợi cho người tiêu dùng Mỹ và dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam cũng rất tích cực", Thủ tướng nói.

Việt Nam đã phát triển mối quan hệ kinh tế và quân sự mạnh mẽ hơn với Mỹ để chống lại quyền lực ngày càng tăng của Trung Quốc và việc gây hấn của nước này trên vùng lãnh thổ tranh chấp. Một cuộc thăm dò ý kiến Pew phát hành năm ngoái cho thấy chỉ có 10% người Việt Nam xem Trung Quốc là có lợi, so với 84% bầu cho Mỹ - một sự khác biệt lớn nhất trong số 36 quốc gia được khảo sát.

Việt Nam bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về hơn 80% khu vực Biển Đông đang bị tranh chấp và hai nước đã đụng độ với nhau về vấn đề thăm dò dầu mỏ. Vào tháng Tư vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết những căng thẳng đã làm tổn hại đến việc thăm dò dầu khí, cũng như những nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực ngoài khơi.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ Việt Nam đang dốc hết sức mình để đảm bảo các nhà đầu tư có thể tiến hành các hoạt động kinh doanh bình thường và "tất cả các hoạt động kinh tế trong vùng biển thuộc chủ quyền của chúng tôi, quyền chủ quyền và thẩm quyền là hoàn toàn hợp pháp và được luật pháp bảo vệ."

Dịch từ nguồn:

https://www.bloomberg.com/news/articles/2018-09-10/vietnam-premier-seeks-new-ways-to-survive-u-s-china-trade-war