Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Ấn Độ
Đây là thông tin được nêu ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 02/11/2016.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, từ khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Ấn Độ chính thức được ký kết, quan hệ giữa hai nước phát triển ngày càng tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.
Xét ở khía cạnh thương mại, Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể: năm 2015, kim ngạch thương mại Việt Nam - Ấn Độ đạt tới 5,1 tỷ USD (trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 2,4 tỷ USD và nhập khẩu từ Ấn Độ đạt 2,6 tỷ USD).
Tính đến tháng 07/2016, kim ngạch thương mại hai nước đã đạt 2,9 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Ấn Độ là điện thoại di động, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, than đá, cao su, quặng, nông sản… và nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu là nguyên phụ liệu thức ăn gia súc, dược phẩm, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Các diễn giả có mặt tại Diễn đàn |
Về đầu tư, Việt Nam đang trở thành đích đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Ấn Độ. Tính đến tháng 12/2015, Ấn Độ đã có 118 dự án đầu tư tại Việt Nam, với vốn đăng ký 439 triệu USD, đứng thứ 28/62 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam.
Tính đến tháng 09/2016, Ấn Độ đầu tư thêm 85 triệu USD vào Việt Nam, nâng tổng số vốn lên 524 triệu USD. Các ngành doanh nghiệp Ấn Độ hiện đang tập trung đầu tư tại Việt Nam là khai khoáng, dầu khí, chế biến khoảng sản, công nghệ thông tin, chế biến nông sản...
Đánh giá tiềm năng hợp tác giữa hai nước, ông Đỗ Hữu Huy, Phó Vụ trưởng Vụ châu Phi, Tây Á, Nam Á, Bộ Công Thương cho biết, hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước vẫn còn rất nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy.
Cụ thể: với vị trí trung tâm của ASEAN và Tiểu vùng sông Mê kông, Việt Nam là đối tác quan trọng trong quan hệ Ấn Độ với các nước ASEAN nói chung, Tiểu vùng sông Mê Kông nói riêng. Trong khi đó, với dân số 1,2 tỷ người và có sức mua lớn, Ấn Độ cũng là thị trường tiềm năng cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện 2 nước đều đẩy mạnh công cuộc cải cách, mở cửa hội nhập khu vực và quốc tế và tăng cường tham gia chuỗi giá trị khu vực. Ngoài ra, Ấn Độ có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp chế tạo thực phẩm… trong khi đây là những lĩnh vực mà Việt Nam cần thu hút đầu tư...
Ông Naushad Forbes, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ cho rằng, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ đã giúp 2 nước có nhiều động lực hợp tác không chỉ trong thương mại, mà còn nhiều tiềm năng trong lĩnh vực công nghiệp, khai thác dầu khí, khoáng sản. Tuy nhiên, hợp tác về thương mại và đầu tư giữa hai nước vẫn chưa xứng với tiềm năng.
Ông Naushad Forbes cho biết, hiện nay, về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, Việt Nam và Ấn Độ có nhiều hàng hóa bổ trợ cho nhau. Chẳng hạn như, trong khi Việt Nam có các ngành sản xuất sử dụng nhiều nhân công, đặc biệt là dệt may, chế biến thực phẩm, da giầy…, thì Ấn Độ lại phát triển các ngành về dược, kỹ thuật, tổng thầu, IT, dịch vụ giáo dục đào tạo, y tế…
Theo đó, ông Naushad Forbes cho rằng, hai bên có thể biến những khác biệt đó thành cơ hội hợp tác và cung cấp dịch vụ bổ trợ cho nhau hiệu quả.
“Chúng tôi đến đây chỉ sau chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ đến Việt Nam và chúng tôi muốn hiện thực hoá những cơ hội mà lãnh đạo hai nước đã định hướng, nhất là trong các lĩnh vực, như: Năng lượng, nông nghiệp, tài chính, dầu khí, y tế, công nghệ thông tin, giáo dục…”, ông Naushad Forbes nhấn mạnh./.
Bình luận