Liên quan đến kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, nhìn chung, các cơ quan có thẩm quyền đã quan tâm giải quyết và phối hợp chặt chẽ với cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc tiếp công dân, xem xét, đôn đốc cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhất là việc giải quyết một số vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài…

Ông Bình cho biết như trên tại Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng nay (ngày 11/10) để cho ý kiến về các dự thảo báo cáo: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội; Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021, theo Văn phòng Quốc hội.

Xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, có vụ việc không nêu rõ lộ trình giải quyết
Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo vẫn còn một số hạn chế. Ảnh: Quốc hội
Theo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân phản ánh còn nhiều đối tượng chưa được nhận các gói hỗ trợ an sinh xã hội; thủ tục hỗ trợ cho doanh nghiệp còn bất cập, rườm rà, tiến độ giải ngân chậm; việc quy định hỗ trợ đối với một số đối tượng chưa cụ thể nên các địa phương áp dụng chưa thống nhất; một bộ phận nông dân gặp khó khăn nhưng chưa được đưa vào diện hỗ trợ; vẫn còn tình trạng lợi dụng việc thực hiện chính sách phòng, chống dịch để trục lợi, gây bức xúc trong nhân dân…

Cũng theo Ban Dân nguyện, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tham mưu, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan vẫn còn một số hạn chế như: việc thông báo kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo cho cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã chuyển đơn còn chưa kịp thời; việc ban hành văn bản trả lời của một số cơ quan còn không đúng về hình thức, thẩm quyền và nội dung trả lời không đầy đủ thông tin; một số vụ việc cụ thể có kiến nghị từ các kỳ trước còn để kéo dài, không nêu rõ lộ trình giải quyết.

Liên quan đến kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ lo lắng trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra. Nhân dân mong muốn các cấp, các ngành, các tập thể, cá nhân có trách nhiệm phải nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với một số nội dung chỉ đạo chưa sát với thực tiễn, thiếu thống nhất, những việc còn lúng túng, chậm trễ, bị động,… để chuẩn bị các điều kiện cần thiết, ứng phó với mọi tình huống xấu hơn có thể xảy ra, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với các biến thể mới của Covid-19.

“Báo cáo của của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phản ánh rõ thêm các ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến các vấn đề phát sinh trong đại dịch như: những cuộc di dân chưa từng có trong lịch sử; chiến dịch chống dịch ở một số địa phương có lúc, có nơi còn lúng túng...”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề xuất.

Xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, có vụ việc không nêu rõ lộ trình giải quyết
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của người dân. Ảnh: Quốc hội

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, chỉ còn ít ngày nữa là khai mạc Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, nên đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan, trong đó có Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp trung thực, đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của người dân; bổ sung đầy đủ các nội dung còn thiếu.../.