Kinh nghiệm của Nhật Bản và Thái Lan

Ở Nhật Bản từ những năm 1980 đã khởi xướng phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP - One Village One Product), đầu tiên ở tỉnh Oita. Theo đó, “mỗi làng”, tuỳ theo điều kiện và hoàn cảnh lịch sử của mình lựa chọn ra những sản phẩm độc đáo, mang đậm nét đặc trưng, có tiềm năng tiếp cận thị trường để phát triển.

Phong trào được thực hiện theo ba nguyên tắc cơ bản: (1) Hành động địa phương – hướng tới toàn cầu, nghĩa là nhận biết và khai thác các nguồn lực sẵn có ở địa phương và phát triển chúng thành các sản phẩm có khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu bằng cách gia tăng giá trị cho chúng và theo tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế; (2) Tự lực – tự tin và sáng tạo, nghĩa là để có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, người dân cần liên tục phát triển giá trị độc đáo của riêng mình, bằng tinh thần sáng tạo của chính mình; (3) Phát triển nguồn nhân lực, nghĩa là tạo ra nguồn nhân lực bền vững, có trình độ và có tính mạng lưới, thông qua OVOP, lãnh đạo cộng đồng, người đứng đầu các tổ chức kinh tế (giám đốc doanh nghiệp, hợp tác xã, trưởng nhóm).

Trong phong trào này, người dân là chủ thể chính thực hiện, còn chính quyền đóng vai trò hỗ trợ kỹ thuật, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, trợ giúp tài chính và đào tạo nguồn nhân lực…

OVOP được thực hiện thành công ở tỉnh Oita và lan rộng trên khắp Nhật Bản, tạo một động lực lớn trong phát triển vùng nông thôn. Có khoảng 40 quốc gia đã học tập OVOP Nhật Bản và triển khai một cách sáng tạo ở đất nước mình. Một trong những quốc gia triển khai thành công là Thái Lan, nơi cái tên OVOP đã được “Thái hóa” thành OTOP (One Tambon One Product, nghĩa là “Mỗi làng/cộng đồng một sản phẩm”). Chương trình do cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Sinnawatra khởi xướng, được triển khai từ năm 2000 đến nay. Các sản phẩm của OTOP do chính người dân các làng xã phát triển, dựa trên tri thức và kinh nghiệm của bản thân họ. OTOP được triển khai thành chu trình thường niên (Hình), trong đó có việc thi sản phẩm hằng năm, từ mỗi địa phương lên cấp tỉnh và toàn quốc.

Hình: Chu trình OTOP thường niên ở Thái Lan

Để triển khai chương trình OTOP, Chính phủ Thái Lan đã hình thành một bộ máy tương đối gọn nhẹ từ trung ương đến địa phương. Tất cả các bộ, ngành đều được yêu cầu tham gia vào OTOP nhằm hỗ trợ cộng đồng phát triển và thương mại hóa thành công sản phẩm của mình.

Thực trạng ở Việt Nam

Ở Việt Nam, mô hình OCOP (One commune, one product - được học tập từ phong trào OVOP của Nhật Bản) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khởi xướng và triển khai thí điểm từ năm 2008. Đã có nhiều địa phương tiên phong và thực hiện chương trình thành công, tiêu biểu như tỉnh Quảng Ninh. Mặc dù vậy, nhiều địa phương khác như Thừa Thiên – Huế, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long... lại gặp khó khăn, hạn chế trong triển khai đề án với nhiều lý do khác nhau:

Thứ nhất, Chương trình đã được triển khai, nhưng sức lan tỏa chưa mạnh. Việc triển khai Chương trình ở các địa phương chưa gắn liền với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hầu hết làng nghề chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, tổ chức thiếu chuyên nghiệp, tư duy làm ăn nhỏ, manh mún, không bền vững. Các làng nghề hiện nay chưa tìm ra được sản phẩm độc đáo, chuyên biệt, mang tính “độc quyền” để đầu tư chiều sâu, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm từ việc gia tăng hàm lượng sáng tạo của sản phẩm. Một hiện tượng phổ biến ở các làng nghề Việt Nam là khi một hộ gia đình, một làng nghề, một địa phương nào đó thành công với một loại sản phẩm, thì các địa phương khác cũng sản xuất theo, gây dư thừa nguồn cung, trong khi đó sáng tạo ra các sản phẩm khác lại còn yếu.

Thứ hai, công nghệ sản xuất và thiết bị phần lớn ở trình độ lạc hậu, thủ công, bán cơ khí. Hiện nay, do thiếu đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại, hệ thống xử lý nước thải, chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường nên môi trường của các làng nghề đang bị tàn phá nặng nề.

Khảo sát của Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội tại hơn 40 làng nghề trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cho thấy, phần lớn môi trường nước, không khí, đất đai... các làng nghề đều bị ô nhiễm, nhiều nơi ô nhiễm nặng tới mức báo động, như các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu (huyện Hoài Ðức), Kỳ Thủy, Thanh Lương, Cự Ðà, Bích Hòa (huyện Thanh Oai)... Nước thải phát sinh do quá trình sản xuất, lượng nước sử dụng lớn, có nơi lên tới 7.000 m3/ngày, nhưng không được xử lý, xả thải trực tiếp ra môi trường.

Tỷ lệ người mắc bệnh tại các làng nghề đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây như các bệnh ngoài da, hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, bệnh phụ khoa, ung thư... Tuổi thọ trung bình của người dân sống trong các làng nghề giảm, thấp hơn mười năm so với tuổi thọ trung bình cả nước và thấp hơn từ 5 đến 10 năm so với làng không có nghề.

Thứ ba, thị trường tiêu thụ sản phẩm, khả năng xúc tiến thương mại của làng nghề còn yếu. Rất nhiều làng nghề hiện nay rơi vào tình trạng sản xuất cầm chừng do chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, mẫu mã, kiểu dáng còn đơn điệu, không hấp dẫn. Công tác nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng, xúc tiến thương mại, tiếp thị cũng không được làm bài bản. Phần lớn các làng nghề chưa chủ động mở rộng địa bàn tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Các hoạt động du lịch, tham quan làng nghề, nhất là ở các làng nghề thủ công mỹ nghệ, gốm sứ, dệt... chưa được tổ chức một cách chuyên nghiệp.

Thứ tư, chất lượng lao động thấp. Hiện các làng nghề vẫn sử dụng chủ yếu là lao động thủ công, những người thợ có tay nghề đạt trình độ nghệ nhân ngày một ít.. Công tác đào tạo lao động có tay nghề và nghệ nhân chưa được chú trọng đúng mức; việc không phổ biến những bí quyết gia truyền cũng làm mai một chất lượng tay nghề của các thế hệ sau. Năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm của đội ngũ thợ còn hạn chế, hiểu biết về bản sắc văn hoá truyền thống chưa sâu. Việc giữ gìn, tôn vinh và truyền bá bản sắc văn hoá dân tộc của địa phương, của vùng miền trong sản phẩm truyền thống chưa được coi trọng.

Ngoài ra, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp còn chưa thực sự vào cuộc, chưa tạo động lực để thúc đẩy kinh tế phi nông nghiệp phát triển. Hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác xã còn lúng túng, chưa hiệu quả.

Một số giải pháp

Để nâng cao hiệu quả của Chương trình OCOP ở Việt Nam, dựa trên những kinh nghiệm của Thái Lan và Nhật Bản, Việt Nam cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương khẩn trương hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý, cũng như các cơ chế, chính sách cho phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn, xây dựng cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển kinh tế phi nông nghiệp.

Cùng với đó, Nhà nước có vai trò hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân thông qua các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Các địa phương cũng phải tạo điều kiện thật tốt để các nhà khoa học, các nhà tư vấn tham gia vào quá trình tạo ra sản phẩm, liên kết chuỗi giá trị.

Hai là, tổ chức quy hoạch sản xuất ở khu vực nông thôn. Căn cứ vào các quy hoạch tổng thể của ngành, từng địa phương tiến hành rà soát quy hoạch, cơ cấu sản xuất, xác định lựa chọn những sản phẩm có lợi thế, có thị trường, rà soát quy hoạch phát triển ngành nghề và nhóm các sản phẩm đặc sản của địa phương trên cơ sở phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Với những làng có nhiều nghề, nhiều sản phẩm, thì cần lựa chọn những nghề có sản phẩm đặc trưng nhất để tập trung nguồn lực đầu tư, tạo ra sự khác biệt so với sản phẩm cùng loại của địa phương khác.

Trên cơ sở quy hoạch đã có, cần xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó phải nêu rõ các nguồn lực cần đáp ứng như vốn, lao động, khoa học công nghệ…, từ đó đề xuất các giải pháp để triển khai thực hiện.

Ba là, tiếp tục hỗ trợ mở các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động tại làng nghề; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng cho đội ngũ nghệ nhân. Đặc biệt, công nghệ mới cần được đưa vào quá trình sản xuất, vừa nâng cao được chất lượng sản phẩm, cải thiện năng suất lao động, vừa bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe người lao động và cộng đồng dân cư. Khâu thiết kế mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm cũng cần được chú trọng.

Bốn là, tăng cường xây dựng, quảng bá thương hiệu, hình ảnh về làng nghề, về sản phẩm. Chủ động tìm kiếm các cách làm hay, độc đáo trong công tác tiếp thị, bán hàng, tạo ấn tượng đối với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tăng cường các dịch vụ sau bán hàng, như: bảo hành, bảo trì, dịch vụ chăm sóc khách hàng, có các chế độ ưu đãi đối với khách hàng truyền thống, quan tâm phát triển khách hàng tiềm năng. Các bộ, ngành liên quan cần có những chính sách hỗ trợ để các làng nghề đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đầu tư kỹ thuật, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, tạo chuỗi liên kết trong hoạt động sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Còn các làng nghề nói riêng và hiệp hội các làng nghề nói chung cần phối hợp với các cơ quan xúc tiến thương mại của địa phương và quốc gia để giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác để xuất khẩu ra thị trường thế giới./.