Huyện cuối cùng của TP. Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới
Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Huyện Mỹ Đức đứng trước với muôn vàn khó khăn, thách thức, các tiêu chí về cơ sở hạ tầng đều đạt thấp, nhiều công trình xuống cấp và thiếu đồng bộ phải cần nhiều nguồn lực đầu tư, như: quy hoạch, giao thông, trường học, điện, hạ tầng y tế, cơ sở vật chất văn hóa, thủy lợi. Việc chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch kinh tế còn chậm.
Huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới |
Sau khi Trung ương triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thành ủy Hà Nội triển khai Chương trình 02-CTr/TU, ngày 29/8/2011 và Chương trình 04-CTr/TU, ngày 17/3/2021, Huyện uỷ - HĐND – UBND – UB MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội đã nhanh chóng bắt tay ngay vào triển khai công tác xây dựng nông thôn mới, tổ chức quán triệt các nội dung Chương trình, bộ tiêu chí quốc gia và các văn bản của các bộ, ban, ngành của Trung ương, Thành phố đến toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân biết và thực hiện.
Theo đó, UBND Huyện đã ban hành hệ thống các văn bản bao gồm các nghị quyết, chương trình, đề án, quyết định, kế hoạch, kết luận và các công văn chỉ đạo, triển khai, thực hiện. Trong đó, xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, liên tục, lâu dài, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn. Đồng thời, phát động và đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” trong các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, tập trung tuyên truyền, vận động nông dân tích cực thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng và các công trình văn hoá, giáo dục; chấp hành tốt các chủ trương về giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án. Những mô hình hiệu quả, kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo của các địa phương, đơn vị, tuyên truyền các kết quả, bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới.
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện Mỹ Đức đã có 21/21 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 3/21 xã Hồng Sơn, Phùng Xá, Hương Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, thị trấn Đại Nghĩa đủ điều kiện đạt chuẩn đô thị văn minh và hoàn thành 9/9 tiêu chí Huyện nông thôn mới theo Quyết định số320/QĐ-TTg, ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, huyện Mỹ Đức đã đầu tư xây mới, nâng cấp gần 1.234 km đường giao thông nông thôn, trong đó có 111,5 km đường trục xã, liên xã; 398,98 km đường trục thôn, liên thôn; 400,75 km đường ngõ xóm và hơn 320 km đường nội đồng. Hiện nay, 100% số xã trên địa bàn Mỹ Đức có đường ô tô kết nối với đường huyện và các trung tâm hành chính, bảo đảm đi lại thuận tiện. Nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông phát triển nên thu nhập và đời sống của người dân ngày càng được nâng cao; 21 xã và huyện đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Theo UBND huyện Mỹ Đức, trong giai đoạn 2021- 2025, huyện phấn đấu hoàn thành các dự án: Cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 424; đường trục phát triển kinh tế Miếu Môn - Hương Sơn; trục nối với đường Bái Đính - Ba Sao; trục nối thị trấn Đại Nghĩa với đường trục phát triển phía Nam (Cienco5); đường từ tỉnh lộ 419 nối với tỉnh lộ 425... Đây đều là những tuyến giao thông quan trọng để liên kết vùng, rút ngắn thời gian di chuyển; kết nối di sản của các địa phương, mở ra cơ hội lớn cho phát triển du lịch. Đồng thời tạo ra không gian phát triển mới của huyện Mỹ Đức; thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; giảm khoảng cách chênh lệch vùng miền.
Có thể nói, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo ra bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, an sinh xã hội được đảm bảo, văn hóa, giáo dục, y tế phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Nhiều nhóm tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao.
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế đã có sự chuyển dịch mạnh trong cơ cấu theo hướng tăng nhanh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ du lịch, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm từ 36% năm 2010 xuống còn 24,1% năm 2022. Trong sản xuất nông nghiệp, Mỹ Đức đã có nhiều tiến bộ và đạt được những kết quả quan trọng, cơ cấu nội bộ của ngành được chuyển dịch theo hướng tích cực, giá trị của ngành nông nghiệp tăng, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng - vật nuôi theo hướng tích cực. Đã và đang hình thành được các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng cây ăn quả, vùng chăn nuôi, vùng chăn nuôi thủy sản, vùng rau an toàn, VietGap, Global GAP, sản xuất lúa hữu cơ... Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất được coi trọng đã góp phần tích cực thúc đẩy các hoạt động sản xuất ở khu vực nông thôn.
Kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người ngày càng cao, đến hết năm 2022 đã đạt 58 triệu đồng/người/năm tăng gấp 5,6 lần so năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,25% (cả nghèo và cận nghèo) giảm 15,15% so năm 2010, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,55%, tăng 31,55% so năm 2010; số nhà kiên cố đạt 100%; tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt 83,09%, tăng 53,52% so năm 2010.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao UBND TP. Hà Nội có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND huyện Mỹ Đức tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường, để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới./.
Bình luận