60% cha mẹ trên thế giới sẵn sàng vay nợ để trang trải chi phí học đại học
Báo cáo thể hiện quan điểm của 6.241 bậc cha mẹ có ít nhất 1 con từ 23 tuổi trở xuống ở 15 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bao gồm: Úc, Canada, Trung Quốc, Ai Cập, Pháp, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mexico, Singapore, Đài Loan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Anh và Mỹ.
Cha mẹ ở khu vực châu Á và Mexico là những người sẵn sàng vay nợ
Kết quả khảo sát cho thấy, có đến 84% người tham gia khảo sát chia sẻ quan điểm cha mẹ là những người chịu trách nhiệm chính cho các chi phí học tập của con cái. Nhưng cũng có đến 31% cha mẹ đã có một con chưa đến tuổi học đại học hy vọng con cái của họ sẽ san sẻ phần nào gánh nặng chi phí học tập.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện chỉ có 13% sinh viên đại học thực hiện được điều này. Các quốc gia phương Tây có tỷ lệ sinh viên đóng góp vào chi phí học tập của bản thân cao hơn, cụ thể là Canada (39%), Mỹ (37%) và Úc (22%), trong khi tỷ lệ thấp nhất thuộc về Ai Cập (thấp hơn 1%), Ấn Độ (1%), Hồng Kông (4%) và Singapore (5%).
Đặc biệt, khi hỏi về mức độ sẵn sàng vay nợ để trang trải cho việc học của con mình, có đến 60% cha mẹ khẳng định sẵn sàng vay nợ. Trong đó, cha mẹ ở khu vực châu Á và Mexico là những người sẵn sàng vay nợ để trang trải cho việc học của con mình nhất, với tỷ lệ cụ thể là 81% tại Trung Quốc, 74% tại Mexico, 71% tại Ấn Độ, và 67% tại Hồng Kông. Trong khi đó, cha mẹ ở Anh, Úc và Pháp ít sẵn sàng hơn, với tỷ lệ lần lượt là 43%, 44% và 46%.
Ngoài ra, có 88% cha mẹ trên thế giới cân nhắc việc học tập sau đại học cho con cái. Trong khi đó, hầu hết các bậc cha mẹ (tương đương 95%) cho biết họ kỳ vọng con cái của họ sẽ hoàn tất chương trình đại học. Theo họ, tấm bằng sau đại học là chìa khóa để con cái họ có thể tiếp cận với nhiều cơ hội nghề nghiệp, trong đó, 69% cha mẹ nghĩ rằng nhờ đó mà con họ dễ dàng được tuyển dụng hơn trong lĩnh vực nghề nghiệp mà chúng chọn.
Phần lớn cha mẹ ở các quốc gia đều sẵn sàng vay nợ để chi trả cho việc học của con cái
35% cha mẹ cân nhắc cho con du học bậc đại học
Trong số này, tỷ lệ cao nhất thuộc về các bậc cha mẹ ở Indonesia (60%), Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (58%) và Hồng Kông (54%) và tỷ lệ thấp nhất thuộc về Ai Cập (10%), Pháp và Úc (đều cùng 16%). Thêm vào đó, 44% cha mẹ được hỏi cho biết, sẽ cân nhắc cho con mình có một trải nghiệm giáo dục quốc tế, với tỷ lệ cao nhất thuộc về các quốc gia Châu Á bao gồm Indonesia (58%), Malaysia (56%) và Singapore (53%).
Đáng chú ý, mặc dù điều mà các bậc phụ huynh lo lắng nhất khi cho con đi du học là gánh nặng chi phí. 48% cha mẹ được hỏi đều nói rằng chi phí này cao hơn khả năng thu nhập của họ, hoặc sẽ là gánh nặng cho chính con cái của họ (34%). Trong đó, cha mẹ ở Malaysia (64%) và cha mẹ tại Singapore (63%) là những người lo lắng nhiều nhất về vấn đề chi phí. Nhưng, 49% người tham gia khảo sát khẳng định đầu tư cho việc học của con là ưu tiên hàng đầu, thậm chí, ưu tiên cho việc học của con cái quan trọng hơn cả mục tiêu tiết kiệm cho hưu trí của bản thân. Các quốc gia có tỷ lệ cha mẹ đồng thuận cao nhất về mục này bao gồm Pháp (70%), Trung Quốc (61%), Ai Cập (59%) và Singapore (55%).
Nếu phải cắt giảm chi tiêu do khó khăn về tài chính, 32% bậc phụ huynh cho rằng họ hầu như sẽ không cắt giảm chi phí đầu tư cho học tập của con cái. Các bậc cha mẹ tại châu Á là những người tán đồng ý kiến này mạnh mẽ nhất, cụ thể là Trung Quốc (59%), Indonesia (52%) và Hồng Kông (50%). Ai Cập (9%) và Anh (12%) là hai quốc gia có tỷ lệ cha mẹ đồng thuận với ý kiến này ít nhất.
Mặc dù không nằm trong số quốc gia được khảo sát, nhưng cũng giống nhiều quốc gia trên thế giới, tại Việt Nam, các bậc cha mẹ đang đầu tư ngày càng nhiều vào tương lai giáo dục của con cái trong đó có việc cân nhắc cho con đi du học để chúng có điều kiện trải nghiệm môi trường giáo dục quốc tế. Theo số liệu từ Diễn đàn Giáo dục Việt Nam 2015, hiện có hơn 110.000 du học sinh Việt Nam tại 47 quốc gia trên thế giới, ước tính chi phí du học của họ vào khoảng 3 tỷ USD/năm. Trung bình mỗi du học sinh chi tiêu khoảng 30.000-40.000 USD/năm cho học phí và sinh hoạt phí.
Việt Nam xếp thứ sáu (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ả Rập Saudi và Canada) trong số các quốc gia có số lượng du học sinh tại Mỹ cao nhất, tính cả hệ thống giáo dục bao gồm cao đẳng, đại học và các cấp đào tạo khác. Úc và Canada cũng là hai quốc gia được nhiều người Việt lựa chọn để du học. Cơ hội được rèn luyện trong môi trường nói tiếng Anh là một trong những lý do chính để những quốc gia trên được lựa chọn, xét trong bối cảnh tiếng Anh đang trở thành ngôn ngữ nước ngoài phổ biến nhất tại Việt Nam./.
Bình luận