MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ KINH DOANH ĐƯỢC CẢI THIỆN THEO HƯỚNG TÍCH CỰC

Năm 2020 là một năm chồng chất khó khăn, kinh tế thế giới và Việt Nam gánh chịu những tổn thất nặng nề chưa từng có do dịch bệnh Covid-19, thiên tai khó lường, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, thị trường thu hẹp, nhiều đơn hàng bị cắt giảm. Tuy vậy, nhờ những giải pháp hết sức quyết liệt và linh hoạt, mà Bắc Giang được coi là điểm sáng về tăng trưởng và phục hồi kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng đầu toàn quốc (đạt 13,02%); thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp đạt kết quả đáng khích lệ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng. Hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật có bước phát triển vượt bậc, thay đổi toàn diện từ đô thị đến nông thôn, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là môi trường đầu tư kinh doanh.

af
Bắc Giang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Bắc Giang đã được nhiều nhà đầu tư tin tưởng lựa chọn nhờ môi trường đầu tư thông thoáng.

Những năm qua, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã rất cầu thị và nỗ lực trong việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền các cấp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn dưới tác động của dịch bệnh Covid-19. Điều đó, đã giúp doanh nghiệp sớm trở lại ổn định hoạt động góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của toàn Tỉnh.

Đặc biệt, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu các đơn vị đã giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn Tỉnh thay đổi về nhận thức, tư duy, thái độ trong việc phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Công tác cải cách thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Các thủ tục hành chính liên quan đều được rà soát và chuẩn hóa, một số thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa và nhiều thủ tục hành chính được giải quyết theo phương án tại chỗ góp phần tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc thực hiện các thủ tục hành chính và được các doanh nghiệp, nhà đầu tư ghi nhận và đánh giá cao.

Khả năng tiếp cận thông tin, văn bản không có sẵn trên các kênh thông tin đại chúng được các doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang đánh giá khá tốt. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và các địa phương (DDCI) năm 2020 của tỉnh Bắc Giang cho thấy, 85,7% doanh nghiệp được hỏi cho rằng, các sở, ban, ngành sẵn sàng cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ phía doanh nghiệp và ở chính quyền các địa phương là 82,1%.

Việc công khai các thủ tục hành chính cũng được doanh nghiệp đánh giá cao, chỉ có 1,7% doanh nghiệp cho rằng, thủ tục hành chính chưa được công khai niêm yết tại bảng thông tin/cổng thông tin điện tử ở cấp sở, ban, ngành và 2,4% ở cấp địa phương. Đồng thời, 74% doanh nghiệp được hỏi cho rằng, họ không thấy hiện tượng đùn đẩy công việc ở khối sở, ban, ngành.

Đáng chú ý, hiện tượng trả lại hồ sơ khi doanh nghiệp đến thực hiện thủ tục hành chính đã được cải thiện rất nhiều. Cụ thể, 75,3% doanh nghiệp được hỏi cho rằng, họ không bị trả lại hồ sơ khi đến thực hiện thủ tục hành chính tại các sở, ban, ngành và 75,1% ở cấp địa phương.

Bên cạnh đó, cán bộ tại bộ phận 1 cửa cũng được các doanh nghiệp đánh giá khá tốt. Chỉ có 4,5% doanh nghiệp được hỏi cho rằng, cán bộ tại bộ phận một cửa ứng xử thiếu chuyên nghiệp, chưa đúng mực đối với khối sở, ban, ngành và 7,69% đối với khối địa phương.

Tỷ lệ phản hồi của các cơ quan quản lý nhà nước khi doanh nghiệp phản ánh khó khăn, vướng mắc cũng được đánh giá khá tốt. Cụ thể, 72% doanh nghiệp trả lời, họ luôn nhận được phản hồi từ phía các sở, ban, ngành và 70,1% từ phía chính quyền các địa phương. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đánh giá lãnh đạo các đơn vị luôn nắm bắt và xử lý kịp thời những bất cập, vướng mắc của doanh nghiệp trong phạm vi quyền hạn của mình. Theo đó, đối với cấp sở, ban, ngành là 91%, đối với địa phương là 87,2%.

Cùng với đó, Tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để lắng nghe, nắm bắt và giải quyết kịp thời những kiến nghị, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, qua đó, từng bước nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh, góp phần tích cực vào việc ổn định thị trường, phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Ngoài ra, hạ tầng giao thông trên địa bàn được cải thiện theo hướng tích cực, có đến 70,1% doanh nghiệp đánh giá hạ tầng giao thông trong thời gian qua được cải thiện, tạo điều kiện cho việc đi lại và giao thương.

Mặc dù trong điều kiện kinh tế khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, song, với những cố gắng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh Bắc Giang vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Theo đó, năm 2020, toàn Tỉnh thu hút được 215 dự án đầu tư. Trong đó, cấp mới cho 93 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 8.752,7 tỷ đồng; có 23 dự án đầu tư trong nước (DDI) tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 1.125 tỷ đồng; cấp mới cho 36 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 397,02 triệu USD; có 67 dự án FDI tăng vốn với số vốn tăng thêm là 571,78 triệu USD. Như vậy, tổng vốn DDI thu hút đạt 9.877,7 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư FDI thu hút đạt 968,8 triệu USD.

Trong bối cảnh khó khăn chung, tổng vốn đầu tư FDI thu hút thấp hơn cùng kỳ, song, Bắc Giang vẫn đứng trong top các tỉnh dẫn đầu cả nước về tổng vốn thu hút đầu tư FDI (năm 2020, Bắc Giang đứng thứ 9 cả nước về tổng vốn thu hút đầu tư FDI sau: Bạc Liêu, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hải Phòng, Đồng Nai và Bắc Ninh).

Trong 9 tháng năm 2021, Tỉnh đã thu hút được 853,2 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, bằng 90,7% cùng kỳ. Trong đó, cấp mới 24 dự án DDI vốn đăng ký 1.565 tỷ đồng, gấp 5,1 lần; 17 dự án FDI vốn đăng ký 620,2 triệu USD, gấp 2,02 lần; điều chỉnh 7 dự án DDI vốn đăng ký tăng thêm 90 tỷ đồng, 34 dự án FDI vốn đăng ký bổ sung 166,4 triệu USD, bằng 55,8% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, 9 tháng năm 2021, toàn Tỉnh có 965 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 3,9%; tổng số vốn đăng ký 19.371 tỷ đồng, gấp 2,3 lần; có 359 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 86,9%. Như vậy, hiện nay, toàn Tỉnh có 11.675 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, tổng vốn đăng ký là 103.516 tỷ đồng. Riêng doanh nghiệp FDI có 479 doanh nghiệp, số vốn đăng ký là 3,891 tỷ USD.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ KINH DOANH

Năm 2021, là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, đây là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX. Để có thể triển khai hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, cũng như tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút nhà đầu tư, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị từ Tỉnh đến cơ sở, đặc biệt, người đứng đầu phải ý thức sâu sắc vai trò tiên phong trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năng động, gương mẫu thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, nói đi đôi với làm; không ngừng đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tạo niềm tin với doanh nghiệp.

Thứ hai, tiếp tục quán triệt sâu sắc, nâng cao trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của đội ngũ công chức, viên chức trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ công chức, viên chức gây khó khăn phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở theo hướng thông thoáng, hạn chế chi phí và thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng; tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp đã được thành lập để phục vụ công tác thu hút đầu tư.

Thứ tư, thực hiện nhất quán chủ trương “đồng hành cùng doanh nghiệp”; tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh giao tiếp, nhằm lắng nghe ý kiến đề xuất, kịp thời giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động cũng như thực hiện dự án. Đổi mới phương pháp đối thoại như lãnh đạo địa phương phối hợp với lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng tham gia đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thứ năm, tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Đồng thời, phát triển đồng bộ và hiện đại hệ thống bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, hệ thống cung cấp điện, hệ thống cung cấp nước sạch... để sẵn sàng đón nhà đầu tư.

Thứ sáu, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về chính sách, pháp luật để doanh nghiệp biết để thực hiện thay vì kiểm tra, xử phạt doanh nghiệp khi đã vi phạm. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, thường xuyên tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…/.

Hồng Ánh

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31 năm 2021)