Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11

Không xem xét, đề xuất điều chỉnh tăng giá điện

Về kịch bản điều hành giá điện, Thứ trưởng cho biết, năm 2018, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã thực hiện nghiêm túc việc không xem xét, đề xuất điều chỉnh tăng giá điện.

Việc xây dựng kịch bản giá điện năm 2019, thì sẽ thực hiện theo Quyết định 24/QĐ-TTg và kế hoạch cung cấp điện năm 2019 do Bộ Công Thương ban hành.

Do tổng chi phí bị tăng lên năm 2018 và 2019 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khoảng 20.735 tỷ đồng dẫn đến có thể phải xem xét điều chỉnh giá điện bán lẻ điện trong năm 2019...

Thứ trưởng cũng khẳng định, Bộ Công Thương sẽ xem xét kỹ và xây dựng kịch bản giá điện năm 2019 theo đúng quy định và có xem xét tác động của việc điều chỉnh giá điện.“Hiện chúng tôi đưa ra 4 kịch bản tương ứng tăng trưởng phụ tải cao và tăng trưởng bình thường, và 2 kịch bản tương ứng lượng nước về hồ thuỷ điện bình thường và về ít hơn trung bình nhiều năm”, Thứ trưởng Thắng cho hay.

Cụ thể, quy trình sẽ là: Sau khi EVN xây dựng phương án, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để thẩm tra, thẩm định; phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá ảnh hưởng các kịch bản điều chỉnh giá điện lên tốc độ tăng trưởng, GDP, chỉ số CPI, ảnh hưởng đến chi phí của các khách hàng lớn và các hộ sinh hoạt.

“Dự kiến, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá kịch bản điều hành giá điện năm 2019 trong tháng 12/2018. Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Công Thương sẽ xem xét hoàn chỉnh các kịch bản điều hành giá điện để báo cáo Chính phủ”, Thứ trưởng cho biết.

Trước đó, tại phiên họp quý 3 của Ban Chỉ đạo điều hành giá, ngày 28/9, lý giải cho việc dự tính giá điện phải điều chỉnh tăng trong 2019, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, do tổng chi phí bị tăng lên năm 2018 và 2019 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khoảng 20.735 tỷ đồng dẫn đến có thể phải xem xét điều chỉnh giá điện bán lẻ điện trong năm 2019 theo quy định tại Quyết định số 34/2017.

Cụ thể, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lý giải, tổng chi phí phát sinh nêu trên gồm cả năm 2018 và 2019. Trong đó, năm 2018 chi phí tăng thêm trong cơ cấu tính giá điện khoảng 5.483 tỷ đồng, gồm chênh lệch tỷ giá năm 2017 là 3.071 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ và giá khí trong bao tiêu theo thị trường tăng thêm 1.910 tỷ.

Trong khi đó, dự kiến trong 2019, ngành điện ước tính phát sinh chênh lệch tỷ giá năm 2018 là 3.516 tỷ, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ, giá khí bao tiêu thực hiện theo thị trường năm 2019 tăng thêm khoảng 10.500 tỷ đồng...Tổng chi phí đội lên năm 2019 sẽ là 15.252 tỷ đồng.

Cùng với đó là khoản chênh lệch tỷ giá treo lại từ năm 2015 dự kiến phân bổ cho năm 2019 khoảng 734 tỷ đồng.

Song, ông Hải cũng cho biết, hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Cục Quản lý giá và Cục Tài chính doanh nghiệp... kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của EVN.

Sau khi kết thúc, nếu có biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu như phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện… so với thông số sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành, sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo việc điều chỉnh giá điện năm 2019.

Hiện, giá điện bán lẻ bình quân đang là 1.720,65 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT). Lần tăng giá điện gần nhất là đầu tháng 12/2017 với mức tăng 6,08%.

Sản lượng điện năm 2019 sẽ đạt 242 tỷ kWh

Từ tháng 10/2018, Bộ Công Thương đã làm việc với EVN để xây dựng kế hoạch cung cấp điện cho năm 2019 và trong các tháng cuối năm 2018.

Trong những ngày gần đây, sau cuộc họp của Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương đã công bố giá thành điện của năm 2017.

Theo đó, tổng doanh thu bán điện năm 2017 từ điện của EVN là 289.954 tỷ trong đó chi phí sản xuất là 291.278 tỷ đồng, như vậy kinh doanh điện đang bị lỗ. Tuy nhiên, EVN có thêm một số khoản thu nhập như tiền gửi ngân hàng, cổ tức, lợi nhuận mà EVN có hợp tác, liên doanh trong ngành điện.

Ngoài ra năm 2017, EVN có khoản chênh lệch tỷ giá 5.117 tỷ đồng và nếu cộng tất cả nguồn thu và chi của năm 2017, thì EVN lỗ 2.219 tỷ đồng.

“Có thực tế nhiều hồ thuỷ điện ở miền Trung - Tây Nguyên xảy ra tình trạng khô hạn, mực nước thấp hơn mức trung bình nhiều năm, làm ảnh hưởng đến việc chuẩn bị cho kế hoạch cung cấp điện năm 2019”, Thứ trưởng Thắng cung cấp thêm thông tin.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN tính toán phương án cung ứng điện theo 4 kịch bản trên. Và có thể khẳng định, sản lượng điện năm 2019 sẽ đạt 242 tỷ kWh ở phương án cơ sở và 243,5 tỷ kWh ở phương án cao với tốc độ tăng trưởng tương đương tốc độ tăng trưởng dự báo trong tổng sơ đồ phát triển điện lực.

“Chúng tôi cũng khẳng định các phương án cung cấp điện đã tính toán đến khả năng cung cấp nước cho hạ du của các hồ thuỷ điện trong mùa khô 2019 mà trước mắt là cấp nước cho vụ Đông Xuân của Đồng bằng Bắc Bộ”, Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh.

Và qua tính toán, Bộ Công Thương khẳng định, cả 4 phương án cho thấy hệ thống đều bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế-xã hội, sản xuất kinh doanh, nhu cầu của người dân.

“Tuy nhiên trong một số trường hợp sẽ phải huy động từ 2-7 tỷ kWh từ các nguồn điện dầu, có thể đắt hơn, nhưng quan trọng nhất Bộ Công Thương khẳng định bảo đảm đủ điện trong năm 2019”, Thứ trưởng Thắng cho biết.

Nếu trong trường hợp trong nước không đủ than, thì phải nhập than

Việc giữa ngành than và ngành điện nói rằng, không đủ than để cho sản xuất nhiệt điện, theo báo cáo của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Than Đông Bắc, hai đơn vị hiện cung cấp than chính cho nhiệt điện, riêng năm 2018, TKV đạt xấp xỉ cam kết cung cấp than để sản xuất điện tương tự Tổng công ty Than Đông Bắc.

Dự kiến năm 2018 TKV khai thác 28,9 triệu tấn than, tăng 22% so với năm 2017. Tổng công ty Than Đông Bắc khai thác 5,8 triệu tấn than, tăng 15% so với năm 2017, đạt 98% cam kết cung cấp than cho nhiệt điện.

Do năm 2018 lượng nước về các hồ thuỷ điện thiếu hụt làm ảnh hưởng đến thuỷ điện, trong khi giá than thế giới cao hơn trong nước nên một số nhà máy nhiệt điện không mặn mà nhập khẩu.

Vì thế, Thứ trưởng Thắng cho biết, nếu trong trường hợp trong nước không đủ than thì phải nhập than.

“Quan trọng nhất là chúng ta phải khẳng định luôn luôn bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt”, ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Nếu để xảy ra mất điện, "một số đồng chí sẽ mất chức"

Cùng ngày, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11, sáng nay, về vấn đề cung ứng điện, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu không để thiếu điện trong năm 2019.

“Bây giờ, đâu đó cứ nói trên báo sẽ cắt điện dịp này, dịp khác. Tôi đã viết nhiều thư cho các đồng chí có liên quan về việc chuẩn bị điện ngay từ đầu năm. Các đồng chí Bộ Công Thương, EVN chỉ đạo thế nào về vấn đề này?", Thủ tướng nêu rõ thái độ cương quyết, sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm cán bộ liên quan nếu để xảy ra tình trạng mất điện.

Cũng trong Phiên họp, về việc chuẩn bị Tết Nguyên đán, Thủ tướng cho biết có rất nhiều việc phải chuẩn bị để tổ chức cho nhân dân đón Tết, trong đó, Thủ tướng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng, nếu để xảy ra mất điện, "một số đồng chí sẽ mất chức"./.