Tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại ở một số địa phương tác động đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2021. Vì vậy, cần khẩn trương phân tích, đánh giá thực trạng tình hình; rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng và có các giải pháp, đối sách quyết liệt, đồng bộ, tổng thể trên các lĩnh vực để phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, đồng thời có giải pháp phù hợp để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chù trì buổi thảo. Ảnh: Đức Trung luận
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chù trì buổi thảo luận. Ảnh: Đức Trung

Theo Văn bản số 3618/VPCP-KHTH, ngày 31/5/2021 và sau đó là tại Nghị quyết số 58/NQ-CP, ngày 08/6/2021, Thủ tướng và Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng, báo cáo Chính phủ trong tháng 6/2021.

Để đảm bảo chất lượng Đề án, ngày 9/6/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Thảo luận xây dựng Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Nhiều thách thức trong chặng đường 6 tháng cuối năm

Dẫn đề Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân Đỗ Thành Trung cho biết, Đề án được thực hiện về bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là tại các quốc gia triển khai tiêm vắc-xin trên quy mô lớn và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Sản xuất hàng hóa và hoạt động thương mại phục hồi nhanh, nhu cầu về hàng hóa tiêu dùng và sản xuất tăng nhanh trở lại.

Tuy vậy, lạm phát có xu hướng tăng tại một số quốc gia do nhu cầu tăng đột biến trong khi nguồn cung chưa đáp ứng đầy đủ, một số quốc gia, nền kinh tế lớn của thế giới như Đức, Mỹ…

Điều đáng lưu ý là đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt các quốc gia châu Á, Đông Nam Á, tiềm ẩn ở châu Âu làm gia tăng rủi ro dịch bệnh đối với Việt Nam.

Trong nước, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt, cân đối ngân sách được đảm bảo; tốc độ tăng trưởng các ngành công nghiệp đáng khích lệ, tăng trưởng tín dụng tiếp tục phục hồi nhanh, lãi suất ở mức thấp tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh; tăng trưởng hoạt động xuất khẩu ở mức cao.

Tuy nhiên, ông Trung cũng chỉ rõ, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã tiếp tục có tác động tới các ngành dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải, hàng không… đồng thời ra tăng nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng của nền kinh tế.

Điều đáng lưu ý là sức chống chịu của doanh nghiệp ngày càng suy giảm do chịu tác động liên tục của dịch bệnh. Một điểm đáng quan ngại là bên cạnh số doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thời gian hoạt động ngắn chiếm chủ yếu, thì số lượng các doanh nghiệp quy mô lớn rút lui cũng đã tăng cao so với năm 2020.

Bên cạnh đó, dịch bệnh lây lan trong các khu công nghiệp, có nguy cơ làm đứt gãy chuỗi sản xuất, ảnh hưởng lớn đến xuất - nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế. "Do vậy cần khẩn trương có những giải pháp giúp bảo đảm duy trì sản xuất, kinh doanh trong các khu coog nghiệp, khu kinh tế", ông Trung nhấn mạnh.

Cùng với đó, một điểm khác cần quan tâm đó là hiện tượng nhập siêu đã trở lại. 5 tháng đầu năm nước ta đã nhập siêu 369 triệu USD. Nhập khẩu chỉ tập trung vào 6 thị trường lớn với giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh trong thời gian qua. Điều này đặt ra yêu cầu xây dựng chính sách, giải pháp thúc đẩy đa dạng hóa thị trường xuất - nhập khẩu, tránh việc phụ thuộc vào một số ít thị trường.

Ngoài ra, việc thiếu hụt nguyên vật liệu đầu vào cũng là một điểm cần tính toán đến. Nhu cầu thế giới tăng nhanh đột biến đã gây ra sự thiếu hụt và tăng giá nhiều mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào. Một số mặt hàng dự báo chỉ thiếu hụt tậm thời, tuy nhiên, một số mặt hàng có khả năng thiếu hụt trong dài hạn.

Tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, thu hút vốn đầu tư nước ngoài thấp cũng phải tìm cách thay đổi.

Thu hút vốn FDI phục hồi chậm, trong khi dự báo dòng vốn FDI toàn cầu sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới, tập trung vào các nước đã phổ biến vắc-xin quy mô lớn, kiểm soát tốt bệnh dịch. Do vậy, theo ông Trung, cần có chính sách đặc thù đủ mạnh và quyết liệt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu công và thu hút FDI.

Một thách thức khác cần phải tính đến trong Đề án đó là nợ xấu của một số ngân hàng đang có xu hướng tăng cao do tác động liên tục của dịch bệnh đến doanh nghiệp, làm suy giảm chất lượng tài sản. Nhiều tổ chức quốc tế và chuyên gia đánh giá, nợ xấu còn tiềm ẩn từ các khoản nợ được cơ cấu lại.

"Dự báo nợ xấu có khả năng tiếp tục gia tăng, nhất là trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp", ông Trung lo ngại.

Điểm cuối cùng được nêu trong báo cáo đề dẫn là cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính có xu hướng chậm lại, trong khi vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục chuyên ngành gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc thảo luận. Ảnh: Đức Trung
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì Thảo luận xây dựng Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021. Ảnh: Đức Trung

Tăng trưởng kinh tế năm 2021: Phụ thuộc lớn vào khả năng kiềm soát dịch bệnh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục khởi sắc, thương mại hàng hóa toàn cầu dự báo sẽ phục hồi nhanh, cao hơn so với trước đại dịch. Nguồn vốn FDI toàn cầu cũng có xu hướng phục hồi tốt. Giá cả một số nguyên vật liệu có khả năng tiếp tục ở mức cao khi kinh tế thế giới phục hồi.

Nhiều tổ chức quốc tế và chuyên gia đã nhận định, lạm phát có thể tăng năm 2021, nhưng sẽ ổn định hơn trong năm 2022.

Trong nước, nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục có những dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam.Tuy nhiên, triển vọng kinh tế phụ thuộc lớn vào khả năng kiểm soát dịch bệnh.

Dự báo đợt bùng phát dịch lần thứ 4 khả năng kéo dài các các ngành dịch vụ, du lịch, vận tải, hàng không... sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn.

Do phải thực hiện giãn cách tại TP. Hồ Chí Minh, nên khả năng tăng trưởng và thu ngân sách của Thành phố bị ảnh hưởng, từ đó tác động tới tăng trưởng và thu ngân sách chung, do đây là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý, áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm dự báo có thể gia tăng khi nền kinh tế thế giới phục hồi nhanh và dịch bệnh trong nước được kiểm soát.

Các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng phải có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng

Trên cơ sở phân tích về cơ hội, khó khăn, thách thức và các dự báo trong các tháng còn lại của năm 2021, dự kiến Đề án sẽ đề xuất chính sách, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2021.

Trong đó, về quan điểm, mục tiêu, phạm vi nghiên cứu, xây dựng chính sách, tập trung nghiên cứu, đề xuất, xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Về đối tượng, cần phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các đối tượng thuộc các thành phần kinh tế, khu vực và vùng lãnh thổ, doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp kinh doanh thuộc các lĩnh vực vận tải, hàng không, dịch vụ khách sạn, du lịch, nhà hàng, lữ hành, có vai trò, tiềm năng lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các chính sách, giải pháp đề xuất có thể phân tích thành 2 nhóm chính. Thứ nhất, các chính sách, giải pháp có thể ban hành, thực hiện được ngay và có tác động tức thì trong các tháng cuối năm 2021 để thực sự thúc đẩy tăng trưởng năm 2021. Các chính sách cần cụ thể, rõ ràng, đảo đảm tính khả thi để thực hiện với quan điểm đối tượng cụ thể, chính sách phải trọng tâm.

Thứ hai, các chính sách, giải pháp mang tính căn cơ, dài hạn có thể nghiên cứu, chuẩn bị và triển khai ngay trong thời điểm hiện tại để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2022 và giai đoạn 2021-2025. Các chính sách tập trung vào việc củng cố, phát triển động lực tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn mới như: cơ cấu lại nền kinh tế, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số; đẩy mạnh giải ngân và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công; đào tạo lao động…

Phát buổi tại cuộc họp, các ý kiến đều cho rằng, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đã đề ra, việc xây dựng Đề án là cần thiết và đánh giá cao những nội dung và kết cấu của Đề án. Đồng thời, đưa ra những góp ý cho rằng, về đánh giá tình hình quốc tế, lên đưa ra các vấn đề như các đối tác lớn của Việt Nam đã phục hồi và mở cửa trở lại như Hoa Kỳ, Trung Quốc, các nước châu Âu, việc G7 họp thống nhất về chính sách thuế là không cho các tập đoàn đa quốc gia chuyển thuế ra các thiên đường thuế, vấn đề đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển… Góp ý thêm về bối cảnh trong nước, các đại biểu đề xuất, Đề án cần nêu ra hiệu quả của các chính sách đã ban hành, đánh giá rõ tác động, ảnh hưởng của đợt dịch lần thứ tư đến các vùng động lực của nền kinh tế.

Về các giải pháp của 6 tháng cuối năm 2021, các đại biểu đề xuất quan điểm, an toàn xã hội, đẩy nhanh tiêm vắc-xin vẫn là giải pháp cần phải đặt lên hàng đầu. Tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp phải đảm bảo vấn đề an toàn sản xuất, các khu công nghiệp phải thực hiện nghiêm 5k + vắc-xin. Đồng thời, để đảm bảo an toàn sản xuất phải tiêm vắc-xin cho các khu công nghiệp, các doanh nghiệp có nguy cơ cao; xe vận chuyển hàng hóa quá cảnh; khu vực hải quan, cần có các chính sách đầu tư đặc biệt, ưu đãi mạnh hơn cho đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, tiếp tục đẩy nhanh hộ chiếu vắc-xin để thúc đẩy du lịch, hình thành các trung tâm tài chính, trung tâm đổi mới sáng tạo để tạo lên động lực phát triển...

Phát biểu kết luận buổi thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các giải pháp cần rà soát lại theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, xem giải pháp nào cần tiếp tục nhấn mạnh, giải pháp nào còn dư địa.

Bộ trưởng đề nghị, các lãnh đạo các đơn vị được Bộ trên góc độ, lĩnh vực của đơn vị mình quản lý đưa ra những ý kiến đóng góp, đánh giá về những động lực tăng trưởng, xem những động lực còn dư địa tăng trưởng trong ngắn, dài hạn và các giải pháp để thực hiện. Trên cơ sở đó, Lãnh đạo Bộ sẽ xem xét, có ý kiến để hoàn thiện Đề án tăng trưởng kinh tế năm 2021, thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2021./.