Theo Bộ Công an, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát kinh tế (10/8/1956 – 10/8/2021), trong bài viết “Khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và sự tinh nhuệ của lực lượng Cảnh sát kinh tế”, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã điểm lại lịch sử hình thành và phát triển của lực lượng Cảnh sát kinh tế...

Bộ trưởng Công an điểm lại nhiều vụ án kinh tế “chấn động” dư luận
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ảnh: Bộ Công an
Kết quả điều tra, xử lý các vụ án đã thu hồi một lượng lớn tài sản cho Nhà nước, kiến nghị các vấn đề quan trọng về quản lý kinh tế, xã hội, về công tác cán bộ..., qua đó khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và mức độ tinh nhuệ của lực lượng Cảnh sát kinh tế.

Theo Bộ trưởng, thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, trên lĩnh vực kinh tế diễn ra quá trình chuyển đổi từ cơ chế tập trung, bao cấp sang nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Đây là cơ chế chưa có tiền lệ, lần đầu tiên áp dụng ở nước ta. Số đối tượng phạm tội về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã triệt để lợi dụng những mặt còn sơ hở, bất cập khi thực hiện cơ chế quản lý mới để hoạt động...

“Trước tình hình đó, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã đẩy mạnh công tác nắm tình hình, triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra, khám phá thành công nhiều vụ án lớn trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như thuế giá trị gia tăng, xuất nhập khẩu, tài chính, ngân hàng, xây dựng cơ bản, giao thông, bưu điện... có tác dụng răn đe, phòng ngừa cao tại thời điểm đó như: Vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế và tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa tại Công ty Cao su Tân Biên; vụ tham ô ở Công ty Xuất nhập khẩu Minh Hải; vụ buôn bán 4.000 tấn thép, thu lợi bất chính ở Ban quản lý Công trình đường dây 500KV Bắc - Nam; vụ Lã Thị Kim Oanh tham ô, cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Công ty Tiếp thị đầu tư Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; vụ tham ô, buôn lậu xảy ra tại Công ty Xăng dầu Hàng không, góp phần giữ vững an ninh, trật tự...”, bài viết đề cập.

Bộ trưởng viết tiếp: “Từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tình hình tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn biến ngày càng phức tạp trên nhiều lĩnh vực, có xu hướng gia tăng cả về số vụ và tính chất, mức độ thiệt hại, tác động xấu đến môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Để góp phần ngăn chặn tình trạng trên, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã kịp thời triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực được phân công; qua đó phát hiện, điều tra, xử lý thành công nhiều vụ án lớn như: Vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Nguyễn Đức Kiên, vụ Phạm Công Danh, vụ Hà Văn Thắm... về các hành vi sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, làm lũng đoạn chính sách tiền tệ, phá hoại kinh tế vĩ mô; vụ Châu Thị Thu Nga; vụ Trịnh Xuân Thanh; vụ cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế tại Công ty ALCII, Bảo hiểm xã hội Việt Nam gây thiệt hại hơn 3.394 tỷ đồng; vụ đưa, nhận hối lộ, vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông MobiFone... Đây đều là những vụ án gây “chấn động” dư luận tại thời điểm xảy ra khi thiệt hại gây ra trong mỗi vụ án lên tới hàng nghìn tỷ đồng, cùng các hệ lụy lớn về kinh tế, xã hội. Kết quả điều tra, xử lý các vụ án đã thu hồi một lượng lớn tài sản cho Nhà nước, kiến nghị các vấn đề quan trọng về quản lý kinh tế, xã hội, về công tác cán bộ..., qua đó khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và mức độ tinh nhuệ của lực lượng Cảnh sát kinh tế...”.

Từ năm 2018 đến tháng 6/2021, toàn lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, khởi tố, điều tra 11.822 vụ án/14.562 bị can phạm tội về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; kết luận điều tra đề nghị Viện kiểm sát truy tố 7.880 vụ/14.179 bị can; kê biên, thu hồi số lượng lớn tài sản, tỷ lệ tài sản thu hồi so với thiệt hại xảy ra ngày càng được nâng lên...

“Đặc biệt, đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo luôn đảm bảo tiến độ, xử lý nghiêm minh, được Đảng, Nhà nước đánh giá cao và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Điển hình như: Vụ án tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, TP. Hồ Chí Minh gây thất thoát hơn 725 tỷ đồng; vụ buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán xảy ra tại Công ty Nhật Cường Mobile; vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba với gần 4.000 bị hại, chiếm đoạt hơn 2.373 tỷ đồng. Hay hàng loạt vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, nâng khống giá thiết bị trong lĩnh vực y tế và giáo dục gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, gây bức xúc dư luận xã hội...”, bài viết nêu.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, thời gian tới, hoạt động của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp, hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia với nhiều thủ đoạn mới tinh vi hơn. Lực lượng Cảnh sát kinh tế cần tập trung dự báo sát xu hướng, diễn biến của tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Công an những chủ trương, giải pháp có ý nghĩa cơ bản, chiến lược trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế. Thường xuyên rà soát, tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, tạo hành lang pháp lý đồng bộ làm cơ sở vững chắc trong tổ chức các hoạt động phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu. Chủ động phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, xã hội, kịp thời tham mưu cho Bộ đề xuất Chính phủ chỉ đạo và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khắc phục, không để tội phạm lợi dụng gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Chú trọng nghiên cứu chiến lược, dự báo vĩ mô, sơ kết, tổng kết các chuyên đề, công tác lớn để kịp thời nhận diện, giải quyết những vấn đề nổi lên về tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu trên các lĩnh vực kinh tế trọng điểm...

“Với phương châm “lấy phòng ngừa là chính, là cơ bản, chiến lược, lâu dài; đấu tranh là trọng tâm, thường xuyên, cấp bách”, lực lượng Cảnh sát kinh tế phải tập trung triển khai đồng bộ, xuyên suốt các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản; kịp thời phát hiện, điều tra các vụ án lớn, nghiêm trọng về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu. Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng trọng điểm, các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo, nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án. Xây dựng đội ngũ cán bộ Cảnh sát kinh tế thực sự bản lĩnh, liêm chính, vững về nghiệp vụ, pháp luật. Siết chặt công tác quản lý cán bộ, việc chấp hành quy định, quy chế, quy trình công tác, điều lệnh công an nhân dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ...”, bài viết đề cập./.