Đây là kết quả sơ bộ tổng điều tra kinh tế năm 2017 của Tổng cục Thống kê vừa mới được công bố ngày 19/10/2018.

Quy mô doanh nghiệp đang nhỏ dần

Theo Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 01/01/2017 cả nước có hơn 10 nghìn doanh nghiệp lớn, tăng 29% so với năm 2012 và chiếm 1,9% tổng số doanh nghiệp, giảm so với 2,3% của năm 2012. Trong khi đó, doanh nghiệp vừa tăng 23,6%, doanh nghiệp nhỏ tăng 21,2% và doanh nghiệp siêu nhỏ tăng tới 65,5% và chiếm 74% tổng số doanh nghiệp.

Đáng chú ý là tỷ trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng tới 6 điểm phần trăm so với năm 2012 trong khi tỷ trọng lao động giảm 0,8 điểm phần trăm. Điều này cho thấy quy mô doanh nghiệp đang nhỏ dần.

Theo khu vực doanh nghiệp, thì doanh nghiệp ngoài nhà nước có số lượng lớn nhất với 500 nghìn doanh nghiệp, tăng 52,2% so với năm 2012 và mỗi năm tăng bình quân 8,7%.

Tại thời điểm 01/01/2017, các doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng đang thu hút nhiều nguồn vốn nhất với 16,8 triệu tỷ đồng, gấp 2,2 lần năm 2012, bình quân giai đoạn 2012-2017 mỗi năm khu vực này thu hút thêm 17,1% nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này cũng khả quan, với doanh thu đạt cao nhất là 9,76 triệu tỷ đồng, gấp 1,75 lần năm 2011, bình quân giai đoạn 2011-2016 khu vực này tạo ra thêm 11,9% doanh thu. Theo đó, đóng góp của khu vực này vào ngân sách nhà nước cũng cao nhất, chiếm 46%.

Doanh nghiệp ngoài nhà nước có số lượng lớn nhất

Đối với các doanh nghiệp FDI, tại thời điểm 01/01/2017, cả nước có khoảng 14,6 nghìn doanh nghiệp, tăng mạnh nhất với 54,2% so với thời điểm 01/01/2012, bình quân hàng năm tăng 9,2%.

Khối doanh nghiệp này thu hút 5,07 triệu tỷ đồng vốn cho sản xuất kinh doanh, gấp 2,12 lần năm 2012, bình quân giai đoạn 2012-2017 các doanh nghiệp FDI thu hút thêm 16,3% vốn/năm. Doanh thu năm 2016 của khối doanh nghiệp này là 4,81 triệu tỷ đồng, gấp 2,37 lần năm 2011, bình quân giai đoạn 2011-2016 khu vực này tạo ra thêm 18,8% doanh thu/năm. Tuy nhiên, đóng góp vào ngân sách nhà nước chỉ 25%.

Đối với doanh nghiệp nhà nước, do thực hiện chủ trương cổ phần hóa, nên số doanh nghiệp đang hoạt động chỉ còn 2.701 doanh nghiệp, giảm 18,3% so với năm 2012, bình quân mỗi năm giảm 3%.

Mặc dù số doanh nghiệp liên tục giảm do cổ phần hóa, nhưng các doanh nghiệp nhà nước vẫn thu hút nhiều nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh. Tính đến thời điểm 01/01/2017, khu vực này thu hút 8,4 triệu tỷ đồng, gấp 1,72 lần năm 2012, bình quân giai đoạn 2012-2017 mỗi năm các doanh nghiệp nhà nước thu hút thêm 11,5% vốn.

Tuy nhiên, doanh thu của khối doanh nghiệp này lại thấp nhất trong 3 khu vực. Theo thống kê, năm 2016 chỉ tạo ra 2,88 triệu tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2011 và đóng góp 29% vào ngân sách nhà nước.

Doanh nghiệp dịch vụ chiếm 70% tổng số doanh nghiệp

Theo kết quả sơ bộ tổng điều tra kinh tế năm 2017, trong các khu vực kinh tế, thì khu vực doanh nghiệp dịch vụ tăng cao nhất, với 362 nghìn doanh nghiệp, chiếm 70% tổng số doanh nghiệp, tăng 57% so với năm 2012, trong đó 354 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 61% so với năm 2012.

Bên cạnh đó các doanh nghiệp thuộc khu vực này cũng thu hút nhiều vốn cho sản xuất, kinh doanh nhất với 18,5 triệu tỷ đồng, gấp 1,9 lần năm 2012, bình quân giai đoạn 2012-2017 mỗi năm khu vực này thu hút thêm 13,6% (tại thời điểm 01/01/2017).

Mặc dù có số lượng doanh nghiệp chiếm đa số, cao hơn nhiều so với khu vực công nghiệp và xây dựng, nhưng các doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, nên tại thời điểm 01/01/2017 số lao động thu hút được chỉ đạt 2,7 triệu người, tăng 31,9% so với năm 2012, bình quân giai đoạn 2012-2017 mỗi năm thu hút thêm 132 nghìn lao động

Doanh thu của các doanh nghiệp dịch vụ năm 2016 đạt 8,75 triệu tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2011. Đóng góp của các doanh nghiệp này chiếm khoảng 51,7% tổng các khoản nộp ngân sách của doanh nghiệp.

Đối với khu vực công nghiệp và xây dựng, thì có 151 nghìn doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 29% và tăng 41% so với năm 2012, trong đó 146 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 44,6%, bình quân giai đoạn 2012-2017 số doanh nghiệp khu vực này tăng 7,7%/năm.

Các ngành trong khu vực kinh tế này có tốc độ tăng khá gồm cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 73%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 40,5%, xây dựng tăng 43%.

Tuy có khối lượng vốn thu hút thấp hơn khu vực dịch vụ, nhưng các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực công nghiệp và xây dựng đang là khu vực có tốc độ thu hút vốn nhanh nhất khối doanh nghiệp. Thời điểm 01/01/2017 các doanh nghiệp khu vực công nghiệp và xây dựng thu hút 11,6 triệu tỷ đồng vốn, gấp 2,3 lần năm 2012, bình quân giai đoạn 2012-2017 khu vực này thu hút thêm 18,4%/năm.

Theo đó, số lao động mà các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực này thu hút cũng nhiều nhất, với 9,1 triệu người, chiếm 64,7% tổng số lao động của khu vực doanh nghiệp, tăng 28,4% so với năm 2012, bình quân giai đoạn 2012-2017 khu vực này thu hút thêm 404 nghìn lao động/năm.

Năm 2016, doanh thu của các doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng vào khoảng 9,02 triệu tỷ đồng, gấp gần 2 lần năm 2011 và đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 48%.

Đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, số lượng doanh nghiệp thấp nhất với 4.942, tăng 27% so với năm 2012, trong đó doanh nghiệp đang hoạt động năm 2017 là 4.447 doanh nghiệp, tăng 34,5% so với năm 2012, bình quân giai đoạn 2012-2017 khu vực này chỉ tăng 6,1%/năm.

Ở khu vực này, đáng chú ý là các doanh nghiệp hoạt động nông nghiệp tăng cao với 50% so với năm 2012. Đây là kết quả của chính sách thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản những năm gần đây.

Tuy nhiên, do số lượng doanh nghiệp còn rất nhỏ bé, nên số lượng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tại thời điểm 01/01/2017 chỉ có 253 nghìn người, giảm nhẹ so với năm 2012./.