Cải cách thể chế có tác động rất lớn đến khởi sự kinh doanh
Sáng 28/2, tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo Thúc đẩy, tạo thuận lợi gia nhập thị trường: Vấn đề và giải pháp cải thiện khởi sự kinh doanh và bảo vệ nhà đầu tư thiểu số.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, khởi sự kinh doanh là một trong 2 nội dung quan trọng nhất của Luật Doanh nghiệp
Khởi sự kinh doanh
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, khởi sự kinh doanh là một trong 2 nội dung quan trọng nhất của Luật Doanh nghiệp. Hiện Luật Doanh nghiệp đang trong quá trình soạn thảo và dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 9 này và có hiệu lực vào ngày 01/01/2021.
Thể chế không tốt có nguy cơ tạo ra 5 loại chi phí cho doanh nghiệp
Mở đầu bài phát biểu của mình, ông Hiếu đặt câu hỏi "Tại sao môi trường thể chế tốt lại quan trọng? Và thế nào là một môi trường kinh doanh tốt?".
Ông Hiếu cũng đưa ra hình ảnh một người đang phải “è cổ” cõng trên lưng rất nhiều gánh nặng.
“Tôi lấy hình ảnh này để hình dung một doanh nghiệp đang bị đè nặng bởi luật lệ”, ông Hiếu chia sẻ lý do chọn hình ảnh này.
Ngoài việc phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường, doanh nghiệp đang phải cõng trên vai các luật lệ chính sách, gánh nặng về thể chế.
“Một thể chế không tốt có nguy cơ tạo ra 5 loại chi phí cho doanh nghiệp”, ông bảo.
Đó là: Chi phí thực hiện thủ tục hành chính; Chi phí chính thức: chi phí DN chi cho cơ quan, cán bộ trong quá trình thực hiện pháp luật; Chi phí cơ hội: Mất cơ hội kinh doanh, chi phí vốn do thời gian thủ tục kéo dài hoặc chậm thủ tục, hoặc không đúng hẹn; Phí, lệ phí: tiền lệ phí, lệ phí phải trả cho cơ quan nhà nước khi làm thủ tục hành chính; Chi phí đầu tư: Tiền doanh nghiệp phải đầu tư mua sắm máy móc trang thiết bị, nhân công, đào tạo, nhằm đáp ứng yêu cầu của quy định pháp luật.
Ông Hiếu chỉ rõ, thể chế không tốt làm giảm năng lực cạnh tranh và có thể giết chết doanh nghiệp. Môi trường thể chế tốt là chi phí tuân thủ thấp và ít rủi ro.
Trả lời câu hỏi "Tại sao khởi sự kinh doanh quan trọng?", ông Hiếu chia sẻ rằng, theo suy nghĩ của ông, muốn có doanh nghiệp tốt thì việc ra đời phải dễ, tức là có số lượng, trong số lượng lớn mới có nhiều doanh nghiệp tốt. Thế nhưng, khởi sự kinh doanh của chúng ta lại chưa thật sự dễ dàng.
Ông đùa rằng, các doanh nghiệp mong ngày đầu tiên kinh doanh thật may mắn, suôn sẻ, thế nhưng, ngày đầu tiên khởi sự kinh doanh của doanh nghiệp lại là… gặp công an.
Ở Việt Nam, bằng chứng thực tế cho thấy, cải cách thể chế có tác động rất lớn đến khởi sự kinh doanh. Ông Hiếu lấy dẫn chứng, trước năm 2000, thời gian lập doanh nghiệp từ 6 tháng đến 1 năm. Tổng số doanh nghiệp được thành lập khoảng 50.000.
Sau năm 2000, doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm. Thời gian đăng ký doanh nghiệp là 5 - 7 ngày, khiến số lượng doanh nghiệp đăng ký và số vốn đăng ký đã tăng vọt. Điều này đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí kinh doanh, tăng động lực cho phát triển, góp phần vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thế nhưng, theo luật hiện hành, thời gian khởi sự kinh doanh phải mất đến 16 ngày.
Cụ thể là thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh là 3 ngày; Khắc dấu: 1 ngày; Thống báo mẫu dấu: 1 ngày; Mở tài khoản ngân hàng: 1 ngày; Mua hoặc tự in hóa đơn VAT: 10 ngày; Đăng ký lao động với sở lao động thươmg binh và xã hội: 1 ngày; Đăng ký bảo hiểm với cơ quan bảo hiểm xã hội: 1 ngày.
Do đó, để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, thay mặt nhóm nghiên cứu CIEM, ông Hiếu kiến nghị, cải cách 4/9 thủ tục để thực hiện khởi sự kinh doanh, bao gồm trao quyền tự quyết về con dấu cho doanh nghiệp đồng thời bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu.
“Điều này không cần thiết và có thể gây ra hiểu nhầm thậm chí là tranh chấp pháp lý không đáng có cho doanh nghiệp”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, CIEM cũng kiến nghị sửa đổi bãi bỏ thủ tục khai trình sử dụng lao động khi đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Bởi, theo ông Hiếu, với thời gian 30 ngày kể từ khi bắt đầu hoạt động, tình trạng sử dụng lao động thường không ổn định, vì vậy thông tin báo cáo sẽ không phản ánh đúng được thực trạng của doanh nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp thành lập mới chỉ cần quy định thời hạn khai, nộp lệ phí môn bài vào ngày 30/1 của năm kế tiếp đồng thời giám sát việc thực thi quy định đối với thủ tục in hóa đơn và thông báo phát hành cần đảm bảo đúng thời hạn 4 ngày theo quy định hoặc thủ tục mua hóa đơn đảm bảo giải quyết ngay trong ngày.
Ông Hiếu cho rằng, chỉ khi tháo gỡ được những quy định bất hợp lý thì mới không gây hệ lụy cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp "dễ thở" trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sẽ đóng góp nhiều hơn cho kinh tế đất nước.
Bà Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng, để cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh, thì phương pháp cách tiếp cận là bám sát thông lệ quốc tế
Cần bám sát thông lệ quốc tế để cải cách
Làm rõ nhiều điểm về khởi sự kinh doanh, đặc biệt là về việc làm sao giảm thời gian khởi sự kinh doanh, bà Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh thì phương pháp cách tiếp cận là bám sát thông lệ quốc tế, cụ thể là nội dung khởi sự kinh doanh trong báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business) hàng năm của Ngân hàng Thế giới; từ đó đề ra giải pháp để cải thiện chỉ số.
“Chúng tôi được giao xây dựng Nghị định về khởi sự kinh doanh và đã bám sát quy trình mà Ngân hàng Thế giới chỉ ra. Tại cuộc họp đầu tiên với các bộ ngành liên quan về dự thảo Nghị định đã chỉ ra những điểm cần cải thiện trong khởi sự kinh doanh”, bà Việt Nam cho biết.
Để tinh gọn khâu thủ tục mua hóa đơn và tự in hóa đơn VAT, “Chúng tôi đề xuất phương án với Bộ Tài chính rằng sẽ tích hợp thủ tục xin mua hóa đơn và in hóa đơn vào mẫu đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp nộp hồ sơ đang ký thành lập cho đầu mối cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh thì Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia sẽ gửi thông tin đó đến cơ quan thuế. Sau khi cơ quan thuế gửi mã số thuế doanh nghiệp thì đồng thời gửi trả kết quả thông báo sử dụng hóa đơn cho doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Việt Anh cung cấp thêm thông tin.
Theo bà Việt Anh, với giải pháp liên thông này, sẽ cắt giảm được thủ tục doanh nghiệp phải gửi cho cơ quan thuế và tiết kiệm được thời gian và chi phí cho khâu thành lập doanh nghiệp. Nếu giải pháp trên được thực hiện, thì khâu thực hiện mua hoặc tự in hóa đơn VAT sẽ được rút ngắn còn 3 ngày, thay vì 10 ngày như hiện nay.
Đối với thủ tục khai trình sử dụng lao động, giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là doanh nghiệp không cần đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động để nộp tờ khai sử dụng lao động. Thay vào đó, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh sau khi cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp sẽ đồng thời chia sẻ dữ liệu về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và số lao động mà doanh nghiệp đó khai báo.
Theo phương án này, doanh nghiệp không cần phải khai trình lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ khi bắt đầu hoạt động. Như vậy, sẽ cắt giảm được thủ tục hành chính này cũng như tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp sửa đổi chú trọng nâng cao quản trị doanh nghiệp
Liên quan tới nội dung quản trị công ty và quản trị công ty tốt, ông Hiếu chỉ rõ, hiện nay, quản trị công ty tốt vẫn chưa được nhận thức đầy đủ ở nước ta.
Ông Hiếu cũng cho biết, Nhóm nghiên cứu của CIEM phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lập báo cáo đánh giá quản trị công ty các công ty niêm yết năm 2019, trong đó, chia làm 3 mức: thấp nhất, trung bình và quản trị công ty cao nhất. Sau khi chấm điểm, lấy báo cáo tài chính ra so sánh thì quản trị công ty tương ứng với tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản/tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROA/ROE). Ở nước ta chưa có nội dung này.
Theo thẻ điểm quản trị công ty ASEAN, báo cáo về đánh giá quốc gia năm 2012 – 2017, Việt Nam đạt điểm thấp nhất trong ASEAN. Năm 2017 chỉ đạt 41,3 điểm.
Đồng tình với ông Hiếu, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mặc dù các quy định pháp luật đã thường xuyên cập nhật các thông lệ, nguyên tắc quốc tế tốt nhất của quản trị doanh nghiệp, nhưng thực tế chất lượng quản trị của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tốt như nhiều nước.
“Đằng sau không ít công ty cổ phần, tỷ lệ góp vốn vẫn là các ông chồng, bà vợ cùng với con cái là kế toán. Vì thế, các công ty cổ phần này chỉ là cái tên, còn bộ máy, chức năng quản trị vẫn bé. Nhiều doanh nghiệp có vẻ “hoành tráng” nhưng khi kiểm toán, công khai báo cáo tài chính thì lại hoàn toàn khác”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Do đó, đại diện VCCI đánh giá cao việc Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này đưa trọng tâm vào nâng cao quản trị doanh nghiệp, bởi để có doanh nghiệp lớn phải có quản trị tốt.
“Các cơ quan chức năng phải có giải pháp giúp hình thành hệ sinh thái về quản trị, nhiều nước trên thế giới có các viên nghiên cứu, hiệp hội về quản trị để thúc đẩy công tác này được tốt hơn lên”, ông Tuấn nhấn mạnh./.
Bình luận