“Sau phiên họp thứ nhất đến nay, Đoàn giám sát đã triển khai thực hiện rất nhiều công việc theo đúng kế hoạch và tiến độ đã đề ra. Trong đó, đã tiếp nhận đầy đủ các báo cáo của Chính phủ; 5/5 bộ, ngành ở trung ương; 45/45 UBND, Hội đồng nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương đã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021...”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho biết, tại phiên họp thứ hai của Đoàn giám sát “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021” tổ chức hôm nay (ngày 25/3), theo Văn phòng Quốc hội.

Cần đánh giá sâu hơn vướng mắc khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy, Đoàn giám sát sẽ tổ chức 3 đoàn công tác đến khảo sát, làm việc trực tiếp với các địa phương. Ảnh: QH
Ngoài tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành, địa phương báo cáo bổ một số thông tin liên quan đến nội dung giám sát (nếu cần thiết), Đoàn giám sát sẽ tổ chức làm việc kỹ với các bộ, ngành và Chính phủ, để thống nhất các vấn đề thuộc nội dung Báo cáo kết quả giám sát...

Liên quan đến công việc triển khai thời gian tới, bà Thủy cho biết, theo kế hoạch, Đoàn giám sát sẽ tổ chức 3 Đoàn công tác đến khảo sát, làm việc trực tiếp với các địa phương. The đó, Đoàn công tác số 1 làm việc tại tỉnh Cao Bằng và tỉnh Quảng Ninh, dự kiến do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát làm Trưởng đoàn. Đoàn công tác số 2 làm việc tại tỉnh Hòa Bình và tỉnh Thanh Hóa, dự kiến do ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó trưởng Đoàn giám sát Thường trực làm Trưởng đoàn. Đoàn công tác số 3 làm việc tại tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Trị, dự kiến do bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu của UBTVQH, Phó trưởng Đoàn giám sát làm Trưởng đoàn.

Việc lựa chọn 6 địa phương nêu trên được căn cứ vào các đặc điểm, yếu tố có tính điển hình, đặc thù của các địa phương, như các địa phương đã thực hiện sắp xếp nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và giảm được nhiều đơn vị hành chính; các địa phương có tiến hành nhập đơn vị hành chính ở nông thôn vào đơn vị hành chính ở đô thị (mở rộng đô thị) hoặc thành lập mới đơn vị hành chính ở đô thị trên cơ sở điều chỉnh đơn vị hành chính...

Cần đánh giá sâu hơn vướng mắc khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã
Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ đề nghị bổ sung nội dung đánh giá sâu hơn một số khó khăn khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Ảnh: QH

“Để hoàn thiện hơn các báo cáo phục vụ Đoàn Giám sát và báo cáo UBTVQH thời gian tới, đề nghị bổ sung nội dung đánh giá sâu hơn một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Ví dụ như giải quyết chế độ, chính sách và số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sắp xếp; một số địa phương khó khăn trong việc sắp xếp cán bộ, công chức khi đồng thời thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã...”, ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ đề xuất.

Theo bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, cần điều chỉnh công tác quy hoạch sao cho phù hợp với nguồn lực ngân sách. Việc sắp xếp đơn vị hành chính phải phù hợp với Luật Quy hoạch. Các xã sáp nhập với nhau, thì cần có quy định trong việc sử dụng tài sản chung như thế nào?

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các thành viên Đoàn giám sát nghiên cứu kỹ các báo cáo, kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành trung ương, các địa phương, đoàn đại biểu Quốc hội ở các tỉnh. Đoàn giám sát khi đi giám sát ở địa phương phải cố gắng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, để nắm tình hình thực tế trước khi đưa ra đề xuất, phương hướng giải quyết các vấn đề.../.