Chỉ phá thai khi bị hiếp dâm, loạn luân... Đã tính đến mặt trái của vấn đề?
Quy định với mục đích tốt
Theo thống kê của Ủy ban quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình, ở nước ta, cứ 1 trẻ em ra đời thì có 1 bào thai bị phá bỏ. Mỗi năm có 1,2-1,6 triệu trẻ em được sinh ra tương ứng với đó con số bào thai bị phá bỏ.
Đáng chú ý hơn cả là số trẻ vị thành niên nạo phá thai ở Việt Nam cao hơn nhiều lần so với các quốc gia dẫn đầu về nạo phá thai. Theo nghiên cứu được công bố tại Toạ đàm với thanh niên về dự thảo Luật Dân số vào ngày 15/09/2015, ở Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 70.000 ca phá thai ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên chưa có gia đình. Chỉ riêng Bệnh viện Phụ sản Trung ương hàng năm có khoảng 5.000 ca phá thai, trong đó có tới 30% thai phụ dưới 24 tuổi, thậm chí có em 15 tuổi đã có 2 lần phá thai. Còn tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tỷ lệ này khoảng 18% nhưng tuổi đời của thai phụ trẻ hơn (trung bình 20 tuổi). Khi có thai các em thường không biết cách xử lý phù hợp, thường đến bệnh viện khi tuổi thai đã quá lớn. Chính vì vậy, khi thai to tiến hành phá thai rất có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Trước mức độ nghiêm trọng của tình trạng phá thai ở Việt Nam, Dự thảo Luật Dân số đã được xây dựng với quy định tại Điều 21 Dự thảo Luật Dân số nêu rõ phụ nữ được phá thai theo nguyện vọng nếu tuổi thai dưới 12 tuần tuổi, trừ trường hợp phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi, phá thai gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe phụ nữ;
Đối với tuổi thai từ 12 tuần trở lên, phụ nữ được phá thai do mang thai gây nguy hại đến tính mạng hoặc sức khỏe của thai phụ, thai nhi; do loạn luân; do bị hiếp dâm; có những bằng chứng về nguy cơ sinh ra đứa trẻ có dị tật hoặc có nguy cơ phát triển không bình thường.
Nhưng hệ lụy còn phải cân nhắc
Quy định điều kiện đối với việc phá thai từ 12 tuần tuổi trở lên tại Dự thảo đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội. Một số ý kiến ủng hộ quy định này, bởi nó có thể sẽ giúp hạn chế số lượng thai nhi bị phá bỏ, tăng quyền được sống của trẻ em.
Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến phản đối với nhiều phân tích về hệ lụy có thể sẽ xảy ra nếu quy định này được ban hành, như:
(i) Việc xác định lý do phá thai là không dễ, bởi ngoài bố mẹ thai nhi, không ai có thể chắc chắn về lý do họ muốn phá bỏ bào thai đó. Chưa kể, để xác định một người có hành vi hiếp dâm người khác hoặc một người bị hiếp dâm, có tính chất loạn luân dẫn đến có thai là những trường hợp giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự, phải qua các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Còn nếu bắt buộc phải thẩm tra, xác minh (mà không qua hoạt động tố tụng hình sự) thì ai, cơ quan nào thực hiện việc này? Liệu cơ quan nào dám đứng ra xác minh sản phụ bị hiếp dâm, bị loạn luân dẫn đến có thai không?
(ii) Với việc quy định chặt chẽ việc phá thai, nếu sản phụ không chứng minh được mình bị hiếp dâm hoặc bị loạn luân sẽ không được cơ sở phụ sản hợp pháp can thiệp, đẩy họ vào tình thế chọn lựa: hoặc để sinh nở, hoặc vào cơ sở không hợp pháp phá thai, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của phụ nữ. Phải hiểu bản chất của việc phá thai là giải quyết hậu quả, muốn giảm tình trạng này thì phải quan tâm đến các giải pháp như: quan hệ an toàn, môi trường sống lành mạnh, văn minh…
(iii) Ảnh hưởng đến danh dự của người phụ nữ. Trong tố tụng hình sự, để bảo vệ danh dự, nhân phẩm của nạn nhân (người bị hiếp dâm), pháp luật cũng quy định nạn nhân có quyền yêu cầu tòa xử kín, nghĩa là để người khác hạn chế biết về chuyện đời tư của họ. Vậy mà, Dự thảo lại yêu cầu phụ nữ muốn phá thai phải chứng minh mình bị hiếp dâm, loạn luân là chưa thực sự hợp lý. Hơn nữa, trong trường hợp người mang thai được chứng minh mình bị hiếp dâm nhưng lúc này thai đã lớn thì xử lý sao? Bởi ai cũng biết những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính không phải dễ và nhanh, mà thai nhi là cơ thể sống phát triển từng ngày.
Đó mới là một số hệ lụy có thể sẽ xảy ra nếu như quy định trên tại Dự thảo Luật Dân số được ban hành. Vẫn biết, mục đích của quy định là tốt, nhưng trước khi luật hóa quy định, cần phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng về những hệ lụy, mặt trái mà có khi còn nguy hại hơn cả trước khi có quy định đó ra đời.
Bình luận