Chung tay gỡ khó về thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án 4 tỷ USD của Bạc Liêu
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức họp trực tuyến với UBND tỉnh Bạc Liêu để trao đổi nhằm tháo gỡ khó khăn về thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu.
Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cùng đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Tập đoàn điện lực Việt Nam…
Thứ trưởng Trần Duy Đông: Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn lắng nghe một cách khách quan ý kiến từ các bộ, ngành liên quan nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu |
Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu do Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE) của Singapore làm chủ đầu tư và Tập đoàn Bechtel (Mỹ) là tổng thầu EPC. Đây được xem là dự án đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài lớn nhất ĐBSCL tính tới thời điểm này, với tổng mức đầu tư trên 4 tỷ USD.
Dự án này tích hợp tổng thể gồm nhà máy điện có tổng công suất thiết kế 3.200 MW trên diện tích đất 70 ha tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu; trạm tiếp nhận và lưu trữ nhiên liệu có diện tích nổi FSU hoặc trạm lưu trữ và tái hóa khí nổi FSRU khoảng 100 ha mặt biển có công suất lưu trữ từ 150.000 đến 174.000 m3 khí LNG; trạm tái hóa khí và 35 km đường ống dẫn khí áp suất cao.
Theo kế hoạch, từ khi được cấp chứng nhận đầu tư (tháng 1/2020), nhà đầu tư có 12 tháng để hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư và khởi công dự án vào đầu năm 2021. Dự kiến đến đầu năm 2024, tổ máy tua-bin khí giai đoạn 1 (công suất 750 MW) sẽ vận hành và tiếp tục xây lắp, đưa vào vận hành các tổ máy còn lại của dự án để đạt đủ công suất 3.200 MW trước tháng 12/2027.
Dự án điện khí LNG Bạc Liêu 3.200 MW có nhiều điểm ưu việt so với các dự án điện trước đây và mang lại nhiều lợi ích kinh tế thiết thực cho Việt Nam, cụ thể sẽ góp phần giảm giá bán điện, cung cấp nguồn điện sạch, ổn định, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện năng đang tăng nhanh của khu vực Nam Bộ, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; giảm ngoại tệ do phải nhập khẩu điện trong những năm tới, giảm đầu tư và hao hụt đường truyền tải so với cấp điện từ nước ngoài, từ miền Bắc vào miền Nam.
Đối với quốc gia, việc thu hút đầu tư nước ngoài FDI cho dự án nhà máy điện khí Bạc Liêu là góp phần hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế biển, góp phần củng cố quốc phòng, chủ quyền biển đảo của Quốc gia.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều khẳng định, Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu là động lực quan trọng quyết định trong 5 trụ cột kinh tế - xã hội và là 1 trong 3 khâu đột phá của tỉnh |
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều khẳng định, Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu là động lực quan trọng quyết định trong 5 trụ cột kinh tế - xã hội và là 1 trong 3 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 của tỉnh Bạc Liêu. Dự án có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế, giúp tỉnh Bạc Liêu sớm tự chủ ngân sách và sớm vươn lên vào nhóm các tỉnh khá trong khu vực theo chỉ đạo Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng Bộ tỉnh.
Phát biểu khai mạc cuộc họp trực tuyến với UBND tỉnh Bạc Liêu, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Dự án đã được nhiều bộ, ngành quan tâm. Tại cuộc họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn lắng nghe một cách khách quan ý kiến từ các bộ, ngành liên quan nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu, làm cơ sở để Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tại cuộc họp, ông Phạm Văn Thiều cho biết, đến nay Dự án Nhà máy Nhiệt khí LNG tại Bạc Liêu đã hoàn thành các bước quan trọng đó là đã được Bộ Tài nguyên Môi trường phê duyệt đánh giá tác động môi trường; bến cảng khí hóa lỏng của Dự án tại xã Vĩnh Hậu A huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu đã được Thủ tướng phê duyệt đưa vào quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Các đối tác của Dự án, đánh giá cao về tính khả thi, tiềm lực của các đối tác thực hiện Dự án.
Từ tình hình thực tế như trên, UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị Tổ công tác đặc biệt và các Bộ ban ngành ủng hộ, sớm xử lý các vướng mắc còn lại của Dự án.
Cụ thể đến nay còn 3 vấn đề thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở ký kết Hợp đồng mua bán điện với EVN, đó là trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế bảo đảm Nhà nước để thực hiện Dự án (theo quy định tại Điều 11 Luật Đầu tư, Điều 3 Nghị định 31 của Chính phủ); Trình Thủ tướng phê duyệt đấu nối truyền tải điện 500KV (bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia) đáp ứng theo tiến độ của Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu; Trong thời gian chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế bảo đảm Nhà nước, đề nghị Bộ Công Thương sớm thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, đồng thời cho phép EVN và Công ty TNHH Điện khí Bạc Liêu được triển khai ngay việc đàm phán hợp đồng mua bán điện (như thông lệ đã áp dụng với các dự án nhà máy điện có sử dụng vốn vay quốc tế trước đây).
Tại cuộc họp, các đại biểu đến từ các bộ, ngành liên quan đã cùng nhau thảo luận 9 nội dung cần tháo gỡ để Dự án triển khai kịp tiến độ như việc áp dụng luật vào hợp đồng mua bán điện, cơ quan giải quyết tranh chấp hợp đồng, quy định nhằm đảm bảo các thay đổi về pháp luật sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực đối với dự án, đảm bảo tỉ giá hối đoái, bao tiêu sản phẩm, cam kết về đấu nối, trọng tài quốc tế …
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá đây là một dự án quy mô lớn, có tác động rất lớn tới phát triển kinh tế - xã hội, Dự án nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam, đây là dự án năng lượng sạch phù hợp với định hướng phát triển của đất nước. Dự án thành công sẽ là tiền đề tốt để Việt Nam thu hút các dự án có vốn đầu tư nước ngoài khác trong lĩnh vực này, đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn tới.
Thứ trưởng thống nhất, những nội dung đã được pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành thống nhất đánh giá là phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Thứ trưởng cũng khẳng định, việc đảm bảo quyền của Nhà nước đối với dự án có thể thực hiện trên cơ sở các biện pháp hỗ trợ đảm bảo theo quy định của Luật Đầu tư được xem xét thêm các quy định liên quan tới pháp luật; cân nhắc, đánh giá tổng thể lợi ích hài hòa trên cơ sở tiền lệ áp dụng.
Riêng về những nội dung thuộc thẩm quyền của EVN và nhà đầu tư, Thứ trưởng đề nghị hai bên đàm phán trực tiếp để đảm bảo lợi ích trên cơ sở nguyên tắc thị trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp./.
Bình luận