“Chúng tôi không chỉ có khát vọng, ước mơ mà phải hành động”
Đó là chia sẻ đầy xúc cảm của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tại phiên toàn thể VRDF 2019, diễn ra chiều ngày 19/09/2019.
Thủ tướng Chính phủ đã tham gia Diễn đàn và có bài phát biểu quan trọng
Những góp ý rất giá trị của các diễn giả đối với sự phát triển của Việt Nam
Báo cáo kết quả của 2 phiên tọa đàm trong buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các diễn giả đã nhất trí rằng xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong hiện tại cũng như trong giai đoạn sắp tới.
Các tham luận, bình luận, trao đổi đã làm rõ và cho rằng: Những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam gắn liền với việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Việt Nam đã hình thành được các loại thị trường, trong đó thị trường hàng hóa, dịch vụ là phát triển nhất, vận hành cơ bản thông suốt và có sự gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế.
Vai trò của Nhà nước được điều chỉnh trong điều kiện kinh tế thị trường, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao, phương thức quản lý được đổi mới, qua đó giảm chi phí cho các doanh nghiệp.
Một nhận định quan trọng của nhiều diễn giả là so với thông lệ quốc tế và yêu cầu của sự phát triển, các thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam về thực chất còn nhiều khiếm khuyết, dẫn đến kìm hãm sự phát triển, thí dụ như: Hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách và quản lý, điều hành còn chồng chéo, thiếu chặt chẽ, nhanh bị thay đổi, và nhiều trường hợp có những cách hiểu khác nhau, khó áp dụng trên thực tế.
Vấn đề sở hữu và quyền sở hữu tài sản chưa được bảo đảm, đặc biệt vấn đề đất nông nghiệp/quyền sử dụng đất nông nghiệp, sở hữu trí tuệ... Quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ khi việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thực chất, chưa thật sự minh bạch, cạnh tranh bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, thành phần kinh tế vẫn diễn ra.
Một số thị trường chậm phát triển; thị trường chưa là cơ sở, căn cứ để huy động và phân bổ nguồn lực có hiệu quả...
Đầu tư bằng nguồn vốn trong nước còn thấp, khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Các diễn giả quốc tế đã đề xuất về nhiều vấn đề, như: hỗ trợ khu vực tư nhân tiếp cận tín dụng, đất đai, đầu vào nhập khẩu, đảm bảo hiệu lực thực thi các hợp đồng và giải quyết tình trạng phá sản, xác định rõ lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, mở cửa các lĩnh vực dịch vụ như tài chính, viễn thông, tăng cường kết nối giữa khu vực tư nhân trong nước với khu vực đầu tư nước ngoài, tận dụng dòng vốn đầu tư của các nhà đầu tư toàn cầu, xác định tầm nhìn cho những cải cách ở khu vực tài chính và ngân hàng, xây dựng đội ngũ công chức có năng lực, tăng cường trách nhiệm giải trình của Nhà nước.
Các diễn giả trong nước đã có những kiến nghị tương đồng với các diễn giả quốc tế, như: cần xây dựng các thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế, bảo đảm đầy đủ quyền tự do, an toàn trong hoạt động kinh doanh; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo nguyên tắc thị trường, ưu tiên hoàn thiện thị trường quyền sử dụng đất và thị trường khoa học công nghệ để thúc đẩy huy động nguồn lực và đổi mới sáng tạo.
Về vai trò của Nhà nước, các ý kiến cho rằng cần xây dựng thể chế phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tự do kinh doanh và phát triển, bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh, thực thi hợp đồng của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Các diễn giả trong nước cũng đề xuất những ý tưởng mạnh mẽ và sáng tạo để thực sự xây dựng một Nhà nước pháp quyền, Nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam, bao gồm: thu hút người tài vào trong khu vực công, kiên quyết áp đặt một chế độ thi tuyển nghiêm khắc nhất vào bộ máy hành chính nhà nước, tận dụng tri thức của người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Những khuyến nghị của các diễn giả rất có giá trị đối với sự phát triển của Việt Nam/ Ảnh: Báo Đầu tư
Đặc biệt, trong Phiên 2 “Đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình”, các diễn giả cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm rất có giá trị.
“Những nhận định của diễn giả chính của Phiên 2 đến từ Indonesia về bối cảnh phát triển hiện nay và sắp tới, vai trò của FDI và thương mại – tiếp tục là động lực tăng trưởng tại các nước mới nổi như Việt Nam, nhưng cần đi liền với yêu cầu nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo để tăng trưởng và những gợi ý về giải pháp thực hiện rất đáng để chúng ta suy ngẫm”, Bộ trưởng Dũng phát biểu.
Cả ba chủ thể Nhà nước, doanh nghiệp, trường đại học đều có vài trò quan trọng. Cần giáo dục phát triển kỹ năng đáp ứng nhu cầu. Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và số hóa sẽ giúp Việt Nam nắm bắt được các cơ hội đổi mới sáng tạo; đồng thời, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia (NIS) cần được điều chỉnh phù hợp với sự phát triển của ICT và số hóa. Chiến lược nhảy vọt (bỏ qua một số giai đoạn phát triển) và chiến lược điều chỉnh (đưa công nghệ tiên tiến vào các ngành truyền thống) có thể được áp dụng và điều này sẽ giúp các ngành truyền thống có thể trở nên cạnh tranh.
Liên quan đến Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, cần trao trách nhiệm cho một cơ quan chính phủ duy nhất để thiết lập và củng cố hệ thống này; cơ quan này cần có quyền lực, đội ngũ lãnh đạo có năng lực và tầm nhìn bao quát để dẫn dắt và phối hợp các chính sách đổi mới sáng tạo giữa các bộ, ngành.
Các diễn giả cũng phân tích, làm rõ và cho rằng, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo luôn đòi hỏi các dòng vốn đầu tư mạo hiểm. Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đã đạt được các kết quả tích cực.
Việt Nam đã và đang đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các ngành sản xuất, nông nghiệp, dịch vụ, đào tạo lực lượng lao động mới, hợp tác học thuật…
Để phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Việt Nam vẫn còn một số điểm cần cải thiện đó là: số lượng kỹ sư có trình độ cao còn ít; cơ sở hạ tầng dữ liệu và chất lượng dữ liệu còn hạn chế; doanh nghiệp chưa có động lực đầu tư vào trí tuệ nhân tạo để tự động hóa vì chi phí lao động tại Việt Nam còn thấp.
Đặc biệt, các diễn giả cũng nhận định rằng, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang có dư địa phát triển rất lớn ở Việt Nam và cần được thúc đẩy phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.
Để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam, các diễn giả cũng đề xuất và kiến nghị nhiều giải pháp cho Việt Nam trong giai đoạn tới.
Để chuyển đổi thành công sang nền kinh tế công nghệ, Chính phủ cần khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân không chỉ trong việc thiết kế chính sách mà cả trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng.
Các diễn giả cũng khuyến nghị sự tham gia đầu tư trực tiếp của Chính phủ để kích thích tăng trưởng về số lượng và chất lượng cho Startup. Chính phủ cũng cần xây dựng được thị trường đầu tư mạo hiểm đủ lớn mạnh trong nước, các Startup Việt Nam sẽ có thể kêu gọi được đầu tư trên chính quê hương của mình và Việt Nam sẽ giữ lại được tất cả những Startup triệu đô trong tương lai.
“Luật Đầu tư mạo hiểm và Thí điểm đầu tư vốn mồi vào các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước cần được xem xét, ban hành để kêu gọi dòng đầu tư từ nước ngoài vào các công ty khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam”, Bộ trưởng Dũng tóm lại.
Bà Pinelopi Koujianou Goldberg, Chuyên gia kinh tế trưởng, Nhóm Ngân hàng Thế giới chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và hàm ý đối với Việt Nam/Ảnh: Đức Thanh
Tôi muốn chia sẻ về một Việt Nam không ngừng mơ ước
Sau khi lắng nghe tổng hợp của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và trân trọng những ý kiến tham luận, phát biểu hết sức ý nghĩa, tâm huyết, xây dựng của các đại biểu tại Diễn đàn.
“Tôi hiểu rằng quý vị là các chuyên gia, bậc thầy về kinh tế, số liệu mà từ sáng tới nay đã phải “chịu đựng” nghe rất nhiều phân tích, con số, tỷ lệ phần trăm,…, vì vậy ở thời điểm sắp kết thúc Diễn đàn, tôi muốn chia sẻ về một Việt Nam không ngừng mơ ước”, Thủ tướng dẫn đề đầy xúc cảm.
Thủ tướng cho biết, vào những thập niên đầu sau chiến tranh, đất nước Việt Nam khi đó còn muôn vàn khó khăn, tỷ lệ nghèo đói rất cao, những gia đình Việt Nam chỉ mơ ước có được bữa cơm no, có áo mặc ấm, con em được đến trường học hành tử tế, một cuộc sống không còn đói rét và vất vả.
Từ năm 1986, công cuộc Đổi mới lan tỏa sâu rộng, đã chắp cánh cho bao giấc mơ được hiện thực hóa, để rồi hơn 70 triệu người, gần 1,3% dân số thế giới, trong những thập niên sau đó, đã vươn lên vượt qua cái đói, cái nghèo, muôn nhà ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành như chính mong ước bình dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Trong 30 năm Đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng cao và đó là cơ sở để tỷ lệ đói nghèo ở mức rất cao là 53%, năm 1992 (tính theo mức 1,9 USD/ngày và theo tỷ giá PPP năm 2011), giảm 10 lần còn 5,23% năm 2018, theo chuẩn nghèo đa chiều. Đồng thời tầng lớp trung lưu cũng tăng lên hơn 15% dân số và đang tăng nhanh.
“Xét về quy mô dân số, có thể nói rằng đây là một trong những cuộc vượt đói nghèo vĩ đại trong lịch sử các nước”, Thủ tướng tự hào chia sẻ.
“Song, có thể vẫn còn đó nhiều ước mơ dang dở với nhiều day dứt. Những con trẻ ngày nay đang lớn lên trong điều kiện cuộc sống tốt đẹp hơn trước và có những ước mơ tiếp nối mơ ước của các bậc cha mẹ, thế hệ đi trước với những khát vọng bay cao hơn, vươn xa hơn. Chúng ta có vinh dự, trách nhiệm để nuôi dưỡng, tiếp sức cho những ước mơ đó trở thành hiện thực”, Thủ tướng nêu rõ sứ mệnh.
Một Việt Nam không ngừng mơ ước và luôn hành động quyết liệt để hiện thức ước mơ trong toàn bộ lịch sử cải cách và phát triển vừa qua và tiếp tục trên con đường tiến tới tương lai.
Thủ tướng trăn trở với giấc mơ Việt Nam/ Ảnh: Đức Thanh
“Ước mơ, khát vọng hướng về phía trước dù rất đẹp, nhưng thực tại là những điều chúng ta buộc phải đối mặt, buộc phải vượt qua. Với quan điểm nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém, tôi đồng tình, đánh giá cao nhiều nhận định xác đáng của các chuyên gia quốc tế về những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro; khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài của Việt Nam còn yếu; năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn nhiều hạn chế”, Thủ tướng thừa nhận.
Gần đây, tốc độ tăng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu còn cao. Năng suất lao động có tiến bộ nhưng còn thấp. Năm 2018, dân số Việt Nam đứng thứ 3 trong ASEAN, nhưng quy mô kinh tế là thứ 6. Nhiều địa phương, vùng xa đời sống còn nhiều khó khăn.
“Những hạn chế yếu kém đó không làm chúng tôi chùn bước mà càng thôi thúc chúng tôi không chỉ có khát vọng, ước mơ mà phải hành động, phải vươn lên mạnh mẽ và trong tiến trình còn nhiều gian khó thách thức này rất mong có sự hợp tác, đồng hành của quý vị và cộng đồng quốc tế”, Thủ tướng chia sẻ.
Phải có bản lĩnh vững vàng để tự tin bước tiếp
Thủ tướng cho biết, Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều biến động, khó lường với nhiều dự báo đầy lo âu về căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, suy thoái kinh tế, thương mại toàn cầu, biến đổi khí hậu nặng nề...
“Trong tình hình đó, đòi hỏi chúng tôi phải có bản lĩnh vững vàng, phát huy những thành tựu, kinh nghiệm vừa qua để tự tin tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng và phát huy nguồn nhân lực với những quan điểm và hành động mạnh mẽ”, Thủ tướng mạnh mẽ.
Thủ tướng chỉ rõ 5 nhiệm vụ chính.
Thứ nhất là phải gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định chính trị xã hội cho phát triển nhanh, bền vững.
Thứ hai là thực hiện Đổi mới mạnh mẽ thể chế kinh tế, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện đại hội nhập, phục vụ người dân, doanh nghiệp, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.
Thứ ba là phát huy nội lực, giải phóng các nguồn lực tiềm năng trong xã hội trên cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ mới, phát triển khu vực tư nhân năng động, sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, động lực cho phát triển.
“Tập trung đào tạo nghề cho người dân, nhất là lớp trẻ. Chỉ có thể bằng con đường học tập thì những người trẻ tuổi mới có cơ hội hiện thực hóa ước mơ của mình”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thứ tư là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có sức chống chịu và khả năng thích ứng cao; thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững SDG 2030 của LHQ mang thịnh vượng đến mọi nhà, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ năm là mở rộng đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện hiệu quả các hiệp định FTA đã ký, tích cực tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu...
Nâng cao “quốc lực” để tự tin phát triển nhanh, bền vững
Qua báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Thủ tướng đánh giá cao chủ đề của 2 phiên thảo luận sáng nay về (i) Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập và (ii) Đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, đây là những nội dung phù hợp với quan điểm chiến lược của Chính phủ.
Diễn đàn thu hút được đông đảo diễn giả, các đại biểu và báo giới/ Ảnh: Lê Tiên
Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn chia sẻ về đề xuất (ngày 1/7/2019) của bà Pinelopi Goldberg, Phó Chủ tịch cao cấp, Kinh tế trưởng của Nhóm Ngân hàng Thế giới về Tầm quan trọng của “các chuỗi giá trị toàn cầu” (GVC) gắn với các hợp tác, chuyển giao công nghệ và giao dịch thương mại “có địa chỉ” trong chuỗi GVC,.. sẽ được WB đưa vào Báo cáo phát triển thế giới 2020 (WDR) tháng 10/2019, và đây là một xu hướng phát triển trên toàn cầu.
Thời gian qua, tăng trưởng thương mại, GDP tích cực của Việt Nam có phần do đã nỗ lực hợp tác FDI, tham gia các Hiệp định FTA quy mô lớn. Theo đó, đã hướng được “dòng chảy” đi qua Việt Nam của các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, điển hình như hợp tác sản xuất và xuất khẩu hàng hóa “có địa chỉ” nằm trong các kênh phân phối của Samsung, LG, Fujitsu, Aeon, Nestle, Nike, Intel…
“Tuy vậy, chỉ mới có 21% doanh nghiệp Việt Nam tham gia liên kết với chuỗi cung ứng nước ngoài, thấp hơn tỷ lệ của Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%. Tỷ lệ nội địa hóa bình quân của Việt Nam mới đạt 33%, nên mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp, doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới thu được “tiền lẻ” khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu”, Thủ tướng trăn trở.
Vì thế, theo Thủ tướng, không có cách nào khác là Việt Nam phải hành động vươn lên, phát huy nguồn nhân lực năng động, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ mới nhằm nâng cao trình độ để ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, mạnh mẽ tiến lên những “nấc thang” có giá trị gia tăng cao hơn, thu được nhiều hơn khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.
“Nhìn rộng ra, phải chăng đây là một phương cách để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế, góp phần giúp Việt Nam nâng cao “quốc lực” để tự tin phát triển nhanh, bền vững, không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương lắng nghe những chia sẻ về kinh nghiệm và kiến thức quốc tế, những ý kiến nhận định, đề xuất của các chuyên gia quốc tế và trong nước, để tìm ra những cách làm phù hợp cho Việt Nam, đóng góp trực tiếp cho việc hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, trở thành nước công nghiệp, thuộc nhóm dẫn đầu các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045./.
Bình luận