Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải quyết tâm thực hiện và hành động, chứ không phải chỉ dừng lại ở ý chí chính trị.

Có cơ sở để thực hiện việc chuyển đổi

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14 đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là một đạo luật cực kỳ quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam và nếu được triển khai thực hiện tốt nó sẽ tác động tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong đạo luật này có nội dung rất quan trọng quy định điều kiện và khung nội dung hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, nhằm khuyến khích, thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Điều này góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp (Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ 5 Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và một số văn bản quan trọng khác của Chính phủ, bộ, ngành).

Đây là mục tiêu không hề đơn giản. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vào hiện trạng của khu vực hộ kinh doanh, chúng ta có thể nhận thấy được mục tiêu nêu trên là có cơ sở để thực hiện. Bởi 2 lý do sau:

Thứ nhất, số lượng hộ kinh doanh hiện tại rất lớn. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu năm 1999, ở nước ta chỉ có hơn 1,5 triệu hộ kinh doanh, sử dụng hơn 3 triệu lao động và tạo ra 9% tổng sản phẩm xã hội, thì đến năm 2015 đã có tới 4,754 triệu hộ kinh doanh, sử dụng gần 8 triệu lao động, với tổng doanh thu trên 2.249 nghìn tỷ đồng. Trong các hộ kinh doanh cá thể này, có rất nhiều hộ đã tổ chức sản xuất, kinh doanh nhiều năm (hàng chục năm). So với các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, hộ kinh doanh cá thể có nhiều kinh nghiệm và có số vốn ổn định hơn. Hiệu quả sử dụng vốn của khu vực này cũng ngày càng tăng cao. Nếu khu vực doanh nghiệp chính thức cần tới 1,42 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu (doanh nghiệp nhà nước là 1,81 đồng, doanh nghiệp tư nhân trong nước là 1,4 đồng, doanh nghiệp FDI là 1,09 đồng), thì hộ kinh doanh cá thể chỉ cần 0,3 đồng.


Hiệu quả sử dụng vốn của các hộ kinh doanh ngày càng tăng cao

Cần phải khẳng định là sự ra đời, tồn tại và phát triển hộ kinh doanh ở nước ta cả trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung và thời kỳ chuyển đổi sang kinh tế thị trường là thực tế khách quan. Các hộ kinh doanh đã có sự phát triển nhanh và có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ hai, thực tiễn đã cho thấy, nhiều doanh nghiệp được thành lập có tiền thân là hộ kinh doanh. Về lâu dài, hoạt động kinh doanh dưới loại hình hộ kinh doanh hạn chế hơn rất nhiều so với loại hình doanh nghiệp, như: mỗi hộ kinh doanh chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm; phạm vi kinh doanh của phần lớn các hộ kinh doanh chủ yếu trong địa giới hành chính quận, huyện, nơi hộ kinh doanh có đăng ký; không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện ở nơi khác ngoài địa điểm kinh doanh đã đăng ký; hộ kinh doanh cũng được phép sử dụng thường xuyên 10 lao động trở xuống; đối với một số ngành nghề kinh doanh (tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản…), pháp luật yêu cầu tổ chức kinh doanh phải có tư cách pháp nhân và vốn điều lệ. Chính vì vậy, nhiều hộ kinh doanh có tư tưởng làm ăn lâu dài đã chuyển đổi thành doanh nghiệp để được tham gia vào nhiều lĩnh vực, để làm ăn bài bản và thu hút được nhiều khách hàng hơn. Cho đến nay chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng hộ kinh doanh đăng ký thành lập dưới hình thức doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra về hộ kinh doanh năm 2015 của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, thì có 17,8% số doanh nghiệp điều tra được đăng ký thành lập trên cơ sở hộ kinh doanh (nghiên cứu khác cho kết quả là có trên 70% các doanh nghiệp được hình thành từ hộ kinh doanh bởi các chủ doanh nghiệp, hoặc người sáng lập đã từng có hoạt động liên quan đến hộ kinh doanh). Điều này cho thấy, các hộ kinh doanh đã phần nào nhận thấy được những lợi ích của việc chuyển đổi thành doanh nghiệp và việc tuyên truyền về lợi ích của việc chuyển đổi đã dần phát huy tác dụng.

Quan điểm và chính sách khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi

Như đã nói ở trên, việc thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp để đạt được các mục tiêu về số lượng là hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, trước khi dùng các biện pháp thúc đẩy, thì chúng ta cần đi tìm nguyên nhân khiến các hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển thành doanh nghiệp, nhưng vẫn chưa đăng ký thành lập doanh nghiệp (theo Luật Doanh nghiệp, các hộ kinh doanh có quy mô lớn hoặc sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp).

Các nguyên nhân cơ bản có thể kể ra, đó là:

- Pháp luật và chính sách đã tạo ra nhiều khác biệt, lợi thế, bất lợi thế không có cơ sở, không hợp lý giữa hộ kinh doanh với DNNVV (một số quy định sau hơn 17 năm vẫn chưa được đổi mới, hoàn chỉnh). Việc phân định hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có mã số thuế với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh chưa có cơ sở rõ ràng và vững chắc. Số lượng sổ kế toán các DNNVV phải mở nhiều hơn so với hộ kinh doanh dẫn đến chi phí tuân thủ tốn kém hơn; lệ phí môn bài doanh nghiệp phải nộp vẫn gấp 2-3 lần so với hộ kinh doanh.

- Thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp còn chưa thuận tiện, chưa khuyến khích các hộ kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện hoặc có nhu cầu chuyển đổi... Việc thực thi quản lý nhà nước, nhất là việc thanh tra, kiểm tra đối với hộ kinh doanh còn lỏng lẻo hơn rất nhiều so với DNNVV, chưa có quy định về thời hạn và chế tài xử lý đối với hộ kinh doanh đáp ứng điều kiện chuyển đổi, nhưng không đăng ký thành lập doanh nghiệp (hiện nay chủ yếu là dựa vào sự tự giác của các hộ hoặc ý chí của chính quyền địa phương).

- Một số cá nhân, hoặc nhóm cá nhân lợi dụng sự buông lỏng quản lý, đặc biệt là trong chính sách thuế áp dụng đối với hộ kinh doanh để “né” thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Bên cạnh đó, trên một số địa bàn cơ sở còn có cả sự tiếp tay của một số cán bộ, công chức thông qua sự thỏa hiệp ăn chia về mức thuế khoán đối với hộ kinh doanh.

Dựa trên những nguyên nhân đã đề cập, theo tôi, để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, thì chính sách cần phải có quan điểm, định hướng, như sau:

Về quan điểm: Phải lấy biện pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục là chủ yếu trên cơ sở phân tích chi phí/lợi ích của việc chuyển đổi. Việc hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp phải thực hiện liên tục, lâu dài và phải được các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương cùng quyết tâm và thực hiện. Bảo đảm doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh hoạt động hiệu quả hơn; năng lực cạnh tranh được nâng cao hơn; thực hiện đúng, đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Tuyệt đối tránh tư tưởng nóng vội và thực hiện theo phong trào, chạy theo thành tích.

Về định hướng: Hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo hướng xác định các loại hình theo đúng bản chất pháp lý, giảm thiểu đến mức tối đa những quy định tạo ra sự khác biệt không có cơ sở, không hợp lý giữa hộ kinh doanh và DNNVV, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ.

Đối với chính sách hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển doanh nghiệp. Tập trung hỗ trợ các hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có mã số thuế, có nộp thuế và có tiềm năng phát triển thành doanh nghiệp. Các chương trình hỗ trợ sau khi chuyển đổi tập trung vào việc nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần đơn giản hoá quy trình, thủ tục chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang các loại hình doanh nghiệp.

Cùng với chính sách hỗ trợ, khuyến khích, cần áp dụng quy định cụ thể thời hạn và chế tài xử lý những hộ kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện phải chuyển đổi thành doanh nghiệp, nhưng không thực hiện chuyển đổi.

Một số giải pháp

Trên cơ sở quan điểm và định hướng trên, tác giả đề xuất một số giải pháp hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, như sau:

Một là, tiếp tục thực hiện các giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách chung đã được nêu trong Nghị quyết số 10/NQ-TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5 về phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 11-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 19/NQ-CP, ngày 06/02/2017 về thực hiện các giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/05/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; tích cực triển khai thực thi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các luật pháp có liên quan.

Hai là, khẩn chương ban hành Nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động của hộ kinh doanh, bao gồm cả trình tự, thủ tục chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, nhằm đưa hộ kinh doanh vào hoạt động nền nếp (khắc phục quy định tại Chương VIII "Đăng ký hộ kinh doanh" của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP, ngày 14/09/2015 về đăng ký doanh nghiệp). Nghị định cần quy định và làm rõ những nội dung sau: khái niệm hộ kinh doanh; các loại hộ kinh doanh chỉ bao gồm 2 loại là hộ kinh doanh do cá nhân làm chủ và loại do nhóm người làm chủ; quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh do cá nhân làm chủ; của hộ kinh doanh do nhóm người làm chủ; hạn chế quyền đối với chủ hộ kinh doanh là cá nhân và các cá nhân tham gia làm chủ hộ kinh doanh do nhóm người làm chủ; vốn của hộ kinh doanh; nguyên tắc quản lý; đăng ký hộ kinh doanh; chế độ báo cáo; trình tự, thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp; tạm ngừng kinh doanh, chấm dứt hoạt động kinh doanh…

Ba là, các chính sách khác cũng cần phải được điều chỉnh để đảm bảo giảm bớt sự khác biệt trong hoạt động giữa hộ kinh doanh với doanh nghiệp siêu nhỏ: (i) Tất cả các hộ kinh doanh đều được cấp mã số thuế tương tự như doanh nghiệp siêu nhỏ; (ii) Hỗ trợ hộ kinh doanh áp dụng các công nghệ thông tin kết nối với cơ quan thuế nhằm hạn chế thất thoát thông qua thực hiện hình thức nộp thuế theo phương pháp khoán, trong đó cần sớm thực hiện đối với các đối tượng hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có doanh thu lớn; (iii) Hỗ trợ hộ kinh doanh mở sổ kế toán, ghi chép hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính, quyết toán thuế nhằm tạo thói quen quản trị kinh doanh, đồng thời thực hiện thủ tục hành chính thuế, chế độ kế toán đơn giản cho doanh nghiệp siêu nhỏ.

Bốn là, thực thi đồng bộ các nhóm giải pháp: truyền thông nâng cao nhận thức của các hộ kinh doanh về lợi thế và lợi ích của việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp; hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; hỗ trợ đào tạo nhân lực; hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận các nguồn tài chính, tín dụng; hỗ trợ miễn giảm thuế, phí, lệ phí, áp dụng thủ tục thuế, chế độ kế toán đơn giản; nâng cao năng lực thực thi của các cơ quan nhà nước, tổ chức có liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp và “chính quy hóa” hộ kinh doanh (trong đó, cần chú trọng đến đối tượng là các cán bộ, công chức thực thi công tác đăng ký hộ kinh doanh, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, như: quản lý lao động, tiền lương, an toàn lao động, vệ sinh môi trường… đặc biệt là đối với cấp quận, huyện nhằm khắc phục điểm yếu trong thanh, kiểm tra chuyên ngành)./.

Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội (2017). Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, số 04/2017, ngày 12/06/2017

2. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (2017). Báo cáo “Chính thức hóa” hộ kinh doanh cá thể ở Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách

3. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (2017). Đề án Hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp