Ngày 23/10/2015, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2015. Theo đó, cơ quan này đã đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP quý IV/2015 sẽ là 6,83% và cả năm có thể tăng 6,61% so với cùng kỳ năm 2014.

Tăng trưởng cao…

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô (CIEM) cho biết, đà phục hồi tăng trưởng kinh tế vững chắc hơn. GDP tăng 6,81% trong quý III/2015 và GDP 9 tháng đầu năm 2015 tăng 6,5%.

Ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô

Loại trừ các diễn biến mang tính mùa vụ, GDP quý III đã vượt lên xu thế trung hạn. Đây là chuyển biến đáng kể so với 2 quý trước đó.

Đáng lưu ý, xu thế trung hạn được cải thiện đáng kể trong quý III. Kết quả này là nhờ: (i) Gia tăng đầu tư và tiêu dùng; (ii) Kết quả của những cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn được thực hiện từ đầu năm 2015.

“Nếu tiếp tục đà cải cách kinh tế trong các quý tới, khả năng tăng trưởng vượt mức 7% là hoàn toàn khả thi”, ông Dương cho biết thêm.

Chi tiêu dùng và đầu tư là các nhân tố chính giúp phục hồi tổng cầu. Trong 9 tháng đầu năm, tiêu dùng cuối cùng tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2014, đóng góp 7,3 điểm phần trăm vào mức tăng chung; tích lũy tài sản tăng 8,1%, đóng góp 2,62 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, thâm hụt cán cân xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ làm giảm 3,4 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung. Diễn biến này khá tương đồng với giai đoạn 2006-2010.

Khu vực công nghiệp – xây dựng tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Giá trị gia tăng của khu vực này tăng 9,6% trong 9 tháng đầu năm, cao hơn đáng kể so với các khu vực nông – lâm nghiệp và thủy sản, và dịch vụ.

…nhưng vẫn lo

Song, ông Dương cũng lưu ý, nếu chỉ nhìn những số liệu báo cáo, có thể coi là điểm phục hồi, nhưng cũng có thể là những điểm sáng nhất thời và khó có tính bền vững, nếu không có những cải cách thực sự.

Mặc dù chỉ số công nghiệp - IIP tăng trưởng tương đối nhanh, cao hơn hẳn các khu vực khác, tăng 9,6%, nhưng, trước những khó khăn của nền kinh tế thế giới, giá thế giới đang giảm, thì liệu sự tăng trưởng của khu vực này liệu có kéo dài hay không?

Lĩnh vực nông nghiệp đang có xu hướng giảm hàng tháng. Hoạt động sản xuất nông nghiệp đang gặp khó khăn hơn các khu vực khác. Ngay cả thủy sản cũng giảm, đây là một xu thế đáng lo ngại.

Giá cả tương đối giảm, diễn biến giá thế giới giảm, tổng cầu chưa phục hồi nhiều. Cần lưu ý giá mặt hàng một số mặt hàng do Chính phủ quản lý đang tăng trong mặt bằng giá giảm, đã ảnh hưởng tới khả năng tiêu dùng và tiếp cận của người dân.

Nguyên nhân của những hạn chế được chỉ rõ là do “3 Chưa”: Chưa quyết liệt trong tiết kiệm chi ngân sách nhà nước và đầu tư; Chưa có kế hoạch trả nợ; Chưa quan tâm đến tác động đối với khu vực tư nhân, trong khi vẫn còn nhiều chèn lấn đến khu vực này.

Đồng tình với bản báo cáo của CIEM, PGS, TS. Lê Xuân Bá thẳng thắn: "Tăng trưởng đúng là đã có thành tích, nhưng phải xem chất lượng tăng trưởng thế nào và từ đâu mà có kết quả tăng trưởng đó? Thực sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa bền vững, mô hình tăng trưởng bao năm nay vẫn chưa hề thay đổi, vẫn dựa vào lao động giá rẻ và xuất khẩu thô".

Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tâm huyết: “Những ngày qua, thông điệp Chính phủ đưa ra rất sáng sủa, như là một sự phục hồi, sáng sủa trước một nhiệm kỳ mới, một giai đoạn mới. Nhưng, tôi không thấy được điều đó. Tình hình vẫn đang rất khó khăn”.

Tán thành “3 Chưa” của CIEM, bà Lan còn bổ sung thêm nhiều “Chưa” nữa, như: nợ công, bội chi ngân sách chưa hề giảm mà còn tăng lên, 2015 đang chứng kiến tình trạng nợ công đang tăng rất rõ; Nghị quyết 19 chưa được hưởng ứng từ các bộ, địa phương; người dân và doanh nghiệp chưa được hưởng lợi từ cải thiện môi trường kinh doanh…

Dự báo GDP năm 2015 ước đạt 6,61%

Theo nhóm nghiên cứu, diễn biến kinh tế vĩ mô trong quý IV có thể chịu ảnh hưởng của 5 yếu tố sau:

Thứ nhất, quá trình phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới vẫn còn bất định. Căng thẳng và/hoặc xung đột giữa các nước lớn có thể phủ bóng hoạt động kinh tế toàn cầu.

FED vẫn để ngỏ khả năng nâng lãi suất USD trong quý IV; nếu điều này không được hiện thực, thì dòng vốn và/hoặc mặt bằng lãi suất và/hoặc tỷ giá VNĐ/USD ở Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều bất định hơn.

Thứ hai, các nền kinh tế lớn tiếp tục tăng cường ảnh hưởng thông qua nhiều biện pháp, đặc biệt là hợp tác phát triển hạ tầng (chẳng hạn như ở Đông Á).

Thứ ba, nguy cơ “chiến tranh tiền tệ” giữa các nền kinh tế lớn đã giảm đáng kể, song cũng làm giảm động lực hợp tác nhằm tăng cường ổn định cho thị trường tài chính – tiền tệ toàn cầu.

Thứ tư, việc nới lỏng chính sách tiền tệ và sự tương tác của chính sách này với chính sách tài khóa sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam.

Đặc biệt, việc xử lý thông tin và kỹ thuật quanh các thời điểm quan trọng (như Hoa Kỳ cân nhắc tăng lãi suất, hay hoàn trả khoản vay 30.000 tỷ đồng cho NSNN từ Ngân hàng Nhà nước).

Thứ năm, chất lượng của các cải cách môi trường kinh doanh - nhằm thực thi các Luật quan trọng (như: Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi...), tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh (theo Nghị quyết 19) và giảm bớt đối xử phân biệt và khác biệt ảnh hưởng đến cạnh tranh – cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến niềm tin và hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, không chỉ trong quý IV, mà còn cả các năm tiếp theo.

Nhóm nghiên cứu cũng dự báo, tăng trưởng kinh tế quý IV năm 2015 ước đạt 6,83%. Tính chung cả năm 2015, tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 6,61%.

Tăng trưởng xuất khẩu quý IV và cả năm 2015 dự báo tương ứng ở mức 10,38% và 9,66%. Tuy nhiên, nếu tăng trưởng kinh tế ở các nước đối tác nhanh hơn và Hoa Kỳ không nâng lãi suất, thì tăng trưởng xuất khẩu cả năm 2015 có thể đạt khoảng 10%.

Thâm hụt thương mại ở mức 0,5 tỷ USD trong quý IV, và lũy kế đạt 4,6 tỷ USD cho cả năm 2015. CPI sẽ tăng trở lại, song chỉ ở mức 0,28% trong quý IV.

Kinh tế vĩ mô, quý IV và cả năm 2015

Đơn vị: %

Quý IV

Cả năm

Tăng trưởng GDP (so với cùng kỳ 2014)

6,83

6,61

Lạm phát (so với cuối kỳ trước)

0,28

0,68

Tăng trưởng xuất khẩu (so với cùng kỳ 2014)

10,38

9,66

Cán cân thương mại (tỷ USD)

-0,5

-4,5

Nguồn: Dự báo từ mô hình kinh tế lượng vĩ mô sử dụng số liệu quý

Về tỷ giá VNĐ/USD trong thời gian tới, theo ông Dương, nhiều khả năng sẽ ổn định trong quý IV (với xác suất là 94,3%)./.