Có nhận được phản ánh về việc “chạy” hộ nghèo
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội, bà Phạm Thị Hải Chuyền đã cho biết điều này tại Chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời, tối chủ nhật ngày 12/10/2014.
Việc người dân phản ánh, cứ vào dịp tháng 10 hằng năm các thôn, làng, cụm dân cư chỗ tôi lại “chạy đua” trong cuộc rà soát bình xét hộ nghèo, bà Chuyền khẳng định có có nhận được phản ánh tại một vài địa phương.
Bà cho biết, hiện có hai nhóm chính sách hỗ trợ người dân thoát nghèo. Thứ nhất là hỗ trợ người dân giúp vay vốn, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, hay cho vay cho con đi học sẽ tiếp tục được phát huy. Thứ hai là các chính sách cho không trực tiếp, trong tương lai sẽ dần phải giảm đi.
Bắt đầu từ năm 2016, tiêu chí về hộ nghèo chỉ tính trên phần thu nhập cũng sẽ không phù hợp. Vì vậy, để tránh việc “chạy” hộ nghèo tận gốc vấn đề, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề xuất với Chính phủ nghiên cứu chuẩn nghèo đa chiều và đang xin ý kiến của các tổ chức, cá nhân, địa phương để làm cơ sở xác định chuẩn nghèo đa chiều và áp dụng trong giai đoạn 2016-2020.
Về hiện tượng có các đơn vị xoay vòng hộ nghèo, người đứng đầu ngành Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định, điều này hoàn toàn trái với quy định của Nhà nước. Theo Quyết định 21 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về rà soát hộ nghèo đã nêu rõ từng cơ sở, thôn, bản phải xác lập danh sách hộ nghèo, trên cơ sở đó có bình xét với sự tham gia của, cấp ủy, các tổ chức đoàn thể sau đó công khai. Vì vậy, “Tôi nghĩ rằng dứt khoát phải xem xét, rà soát lại cho phù hợp”, bà chia sẻ.
Bà Chuyền khẳng định, việc áp đặt chỉ tiêu hộ nghèo để không ảnh hưởng tới thành tích của địa phương cũng là trái với hướng dẫn, với những chính sách tốt đẹp về người nghèo của Đảng và Nhà nước.
“Vì bình xét không vì thành tích, tỷ lệ mà phải thực chất trên thực tế số hộ nghèo đến đâu, nếu địa phương ấn định tỷ lệ và áp xuống dưới là trái với hướng dẫn, dứt khoát không được công nhận”, Bộ trưởng Chuyền giải thích.
Bà đề nghị chính quyền cấp trực tiếp, ví dụ cấp xã làm thì cấp huyện phải trực tiếp kiểm tra, xem xét lại, nếu cần thiết phải hủy kết quả bình xét để đảm bảo đối tượng người nghèo được hưởng đúng chế độ, dẫu có tỷ lệ lên 16-17%, thực chất có những nơi lên đến 30-40%, thì vẫn nằm trong diện nghèo theo của Nhà nước quy định.
Trước sự sai phạm của nhiều địa phương, Bộ trưởng Chuyền cho hay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có những cuộc thanh tra, ra văn bản yêu cầu địa phương phải làm đúng quy định, rà soát, bình xét lại. Song, bà không nêu rõ số sai phạm và mức độ sai phạm đã phát hiện ra.
Về định hướng chính sách giảm nghèo trong thời gian tới, bộ trưởng cho biết, trong phiên họp Chính phủ tháng 9/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có chỉ đạo riêng đối với các lĩnh vực an sinh nói chung, trong đó có giảm nghèo, phải hết sức ưu tiên đặc biệt đối với những hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn, miền núi để giảm khoảng cách chênh lệch. Những chính sách cụ thể của đồng bào dân tộc phải được xem xét, rà soát để tạo điều kiện giảm nhanh tỷ lệ nghèo.
Bên cạnh đó là không để chuẩn nghèo theo thu nhập, mà tiếp tục nghiên cứu chuẩn nghèo đa chiều.
Cuối cùng, các địa phương phải nghiêm túc trong việc xem xét, đánh giá triển khai các chính sách giảm nghèo và đảm bảo thực chất. Những trường hợp làm không đúng phải xem xét trách nhiệm cụ thể.
“Chuẩn nghèo trước đây chúng ta dựa trên thu nhập nhằm hỗ trợ cho người nghèo giảm bớt khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Chuẩn nghèo đa chiều gồm có nghèo về thu nhập, nghèo về thụ hưởng an sinh xã hội (y tế, giáo dục, nhà ở)… Trên cơ sở đó, có đối tượng chúng ta hỗ trợ để tăng thu nhập ngay nhưng có đối tượng hỗ trợ để cải thiện về y tế hay nhà ở”. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền |
Bình luận