Cởi bỏ “nút thắt” miễn thị thực để thu hút khách quốc tế
Điểm nghẽn lớn
Theo Bộ Công an, từ khi thí điểm cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân 40 nước vào tháng 02/2017, đã có gần một triệu lượt truy cập với 96.000 lượt được cấp e-visa. Công dân 39/40 nước thuộc diện cấp e-visa, trừ Brunei, đã xin được thị thực qua mạng thành công. Sắp tới, sẽ có thêm 6 quốc gia được bổ sung vào danh sách.
Tuy nhiên, Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, ngành du lịch Việt Nam có 3 điểm hạn chế và một trong điểm nghẽn lớn nhất là về thị thực (visa).
Vẫn còn nhiều bất cập trong chính sách thị thực của Việt Nam
Phân tích về vấn đề này, dẫn lời ông Ngô Minh Đức, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam trên Báo điện tử Thông tấn xã Việt Nam cho rằng, chính sách miễn thị thực của Việt Nam không có sức cạnh tranh và hấp dẫn so với các quốc gia trong khu vực.
Chính sách thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam hiện vẫn kém sức cạnh tranh so với các quốc gia khác trong khu vực khi mới chỉ miễn thị thực cho công dân của 23 quốc gia và chủ yếu áp dụng trong 15 ngày, ít hơn thời gian lưu trú trung bình của khách quốc tế khi đến Việt Nam.
Danh sách các nước được miễn thị thực lại chỉ được công bố theo từng năm và trước thời gian áp dụng từ 1-3 tháng khiến các doanh nghiệp du lịch không kịp lên kế hoạch quảng bá và đón khách ở các thị trường này.
Quy định mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh trước đó ít nhất 30 ngày của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cũng gây khó khăn cho khách quốc tế tham gia các tua du lịch liên kết các nước chung quanh, nhất là tour du lịch ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Theo tour du lịch này thì khách vào thăm các tỉnh phía Bắc Việt Nam, sang hai nước bạn sẽ không thể nhập cảnh trở lại các tỉnh phía Nam Việt Nam.
Ngoài ra, theo các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, thế khó của họ là không thể lên chiến lược quảng bá và thu hút khách dài hạn do Chính phủ thường công bố danh sách các nước được miễn thị thực theo từng năm và trước thời điểm áp dụng chỉ từ một đến 3 tháng. Quy định mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày làm hạn chế số lượng khách đi theo tour kết hợp với các nước lân cận.
Tạo bước đột phá trong công tác cấp thị thực
Dẫn trường hợp Indonesia quyết định miễn thị thực cho 169 quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm quyết tâm hút khách du lịch, dẫn lời ông Trần Trọng Kiên, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch trên Báo điện tử Nhân dân cho rằng, trong khi chờ đợi các yếu tố khác, như: cơ sở vật chất hạ tầng, môi trường du lịch cải thiện để hút khách thì mở rộng miễn thị thực là con đường nhanh nhất để đạt được tham vọng phát triển.
Theo ông, nếu còn vướng những ràng buộc về chính sách và quan điểm ngoại giao thì Chính phủ cũng nên cân nhắc việc nâng thời gian miễn visa cho khách từ 15 lên 30 ngày. Đồng thời, cần thông báo danh sách các nước được miễn sớm để doanh nghiệp chủ động. Chương trình cấp thị thực điện tử cần được nâng cấp mạnh mẽ hơn về giao diện và tính thuận tiện cho người nước ngoài.
Trong các vấn đề xây dựng và hoàn thiện chính sách để tạo môi trường phát triển du lịch, thu hút du khách, phần lớn các chuyên gia và những người làm du lịch đều đề nghị các bộ, ngành nên có những điều chỉnh, sửa đổi về chính sách thị thực, nhất là quy định về thời hạn lưu trú, khoảng cách các lần nhập cảnh để tạo điều kiện kéo dài thời hạn lưu trú cho khách quốc tế đến Việt Nam từ đó chi tiêu, mua sắm nhiều hơn.
Thông tin về miễn thị thực cần thông báo sớm và áp dụng ổn định trong một khoảng thời gian nhất định, giúp doanh nghiệp du lịch xây dựng chiến lược và kế hoạch đón khách.
Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế, Việt Nam cần hoàn thiện và tiếp tục thực hiện việc cấp thị thực điện tử cho công dân các nước có nhu cầu du lịch đến Việt Nam, tạo nên bước đột phá trong công tác cấp thị thực nhờ thủ tục đơn giản và nhanh chóng. Muốn làm tốt điều này, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành du lịch, hàng không Việt Nam cần phối hợp tuyên truyền về chính sách cấp thị thực điện tử ở các thị trường trọng điểm. Cùng với đó, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam nên tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút khách một cách hiệu quả.
Về chính sách thị thực, các bộ ngành cần cân nhắc, sửa đổi các quy định về thời hạn lưu trú, khoảng cách các lần nhập cảnh để tạo điều kiện cho du khách lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn khi đến Việt Nam. Ngoài ra, thông tin về miễn thị thực nên được thông báo sớm và áp dụng ổn định trong một khoảng thời gian nhất định, giúp các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin, có chiến lược thu hút du khách hiệu quả.
Dẫn lời Thiếu tướng Lê Xuân Viên, Cục trưởng Cục quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an trên Báo điện tử VnExpress cho biết, việc miễn thị thực và thời gian miễn thị thực cho người nước ngoài đã được Chính phủ Việt Nam cân nhắc rất nhiều. Tuy nhiên, thị thực là vấn đề khó, phức tạp, liên quan nhiều đến vấn đề ngoại giao, an ninh giữa hai quốc gia do đó cần phải có quá trình đàm phán, thương lượng./.
Tham khảo từ các nguồn:
http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/item/35177202-tao-moi-truong-phat-trien-du-lich.html
http://bnews.vn/go-diem-nghen-ve-chinh-sach-cho-doanh-nghiep-nganh-du-lich/70040.html
https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/nut-that-mien-thi-thuc-de-hut-khach-ngoai-3680625.html
Bình luận