Lượng khiếu nại, tố cáo tăng

Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”, họp Phiên thứ 2 hôm nay (ngày 8/3), dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát, theo Văn phòng Quốc hội.

“Phiên họp nhằm cho ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát sơ bộ về Chuyên đề và dự kiến đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế, báo cáo UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp tháng 3 này…”, ông Phương cho biết.

Công dân khiếu kiện vượt cấp còn diễn ra khá phổ biến
Theo Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công, số lượt đoàn khiếu nại, tố cáo đông người tăng, nhưng số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước giảm. Ảnh: QH

Theo ông Hoàng Anh Công, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn giám sát, tính đến ngày 3/3/2022, Đoàn giám sát đã nhận được toàn bộ báo cáo của các cơ quan thuộc đối tượng giám sát. Qua nghiên cứu bước đầu cho thấy, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, việc ban hành văn bản hướng dẫn của các cơ quan còn chậm, chưa kịp thời; vẫn còn một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn và chưa đảm bảo tính thống nhất hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể.

Các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, trong quá trình giám sát, cần lựa chọn các vụ việc điển hình, kéo dài để tiến hành giám sát.

“Công tác triển khai, tổ chức thực hiện các quy định của luật đã được các cơ quan tổ chức đầy đủ, đúng yêu cầu. Tuy nhiên, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ gửi Đoàn giám sát, so với giai đoạn 2011-2016, số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng. Số lượt đoàn đông người tăng, nhưng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước giảm. Tình trạng công dân khiếu kiện vượt cấp, gửi đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền còn diễn ra khá phổ biến…”, ông Công cho biết.

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, Báo cáo cần nêu rõ những nguyên nhân chủ quan, chủ yếu mà các vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa giải quyết hoặc chỉ giải quyết được một phần; đánh giá được nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh khiếu nại, tố cáo. Trong quá trình giám sát, cần lựa chọn các vụ việc điển hình, kéo dài để tiến hành giám sát. Báo cáo cũng cần đánh giá bước đầu về hệ thống văn bản pháp luật để nêu được những bất cập và có kiến nghị sau giám sát, trong đó chỉ rõ văn bản nào chậm, chậm như thế nào. Cũng cần nghiên cứu chỉ ra được những nội dung nào chưa được quy định trong luật và các văn bản hướng dẫn, những quy định nào không còn hiệu lực hoặc chậm hướng dẫn...

Truy rõ trách nhiệm

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý việc kết cấu báo cáo theo bố cục sao cho hợp lý. Về kết quả triển khai kế hoạch của Đoàn giám sát, phần này cần đánh giá cả về số lượng và chất lượng báo cáo mà các các bộ, ngành gửi về Đoàn giám sát.

Công dân khiếu kiện vượt cấp còn diễn ra khá phổ biến
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận phiên họp. Ảnh: QH

“Đoàn giám sát đã yêu cầu có báo cáo bổ sung đối với những đơn vị, địa phương nào, những ai đã làm, ai chưa làm? Chất lượng báo cáo bổ sung so với báo cáo ban đầu như thế nào, so với Đề cương ra sao?”, ông Phương nhấn mạnh.

Về tình hình tiếp công dân và giải quyết khiếu tại, tố cáo, qua nghiên cứu bước đầu, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, những gì đã chín, thì đưa vào báo cáo để có một bức tranh khá rõ, trong đó nêu cả hướng kiến nghị sửa luật, bao gồm cả các luật chung về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và các luật chuyên ngành. Kiến nghị phải rõ khoản mấy, điều gì, luật nào? Dự kiến kiến nghị với Chính phủ, địa phương nội dung gì?

“Về kế hoạch tiếp theo, nội dung này sẽ gồm việc dự kiến các bộ, ngành, địa phương mà Đoàn sẽ tiến hành giám sát, để báo cáo UBTVQH cho chủ trương và các vụ việc cụ thể để Đoàn sẽ giám sát kỹ hơn…”, ông Phương kết luận./.