Từ khóa: công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế Việt Nam, tăng trưởng kinh tế

Summary

The article analyzes the current state of the industrialization and modernization process in Vietnam in the period 2016-2020. At the same time, presenting the new context of the process of industrialization and modernization in Vietnam, thereby pointing out some of the issues raised for the process of industrialization and modernization in Vietnam in the coming time, including: awareness and perspective on industrilization and modernization; innovating the content of industrialization; developing science and technology, and education and training; improving innovation capacity and quality of human resources, etc.

Keywords: industrialization, modernization, Vietnamese economy, economic growth

Giới thiệu

CNH là vấn đề có tính quy luật của quá trình chuyển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn. Ở nước ta, đường lối CNH được hình thành khá sớm, ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (năm 1960). Kể từ đó, CNH luôn được xác định là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, tiến hành CNH, HĐH, đất nước đã có sự phát triển vượt bậc, đạt được những thành tựu to lớn, từ một nước nghèo, kém phát triển đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, quá trình CNH, HĐH ở nước ta cũng còn những hạn chế: Nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt. Do đó, việc nhận thức đúng về thực trạng, đặc biệt là những vấn đề đặt ra trong bối cảnh có nhiều nhân tố mới so với giai đoạn CNH, HĐH trước đây là một điều hết sức cần thiết.

THỰC TRẠNG QUÁ TRÌNH CNH, HĐH GIAI ĐOẠN 2015-2020

Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (năm 2011) đến năm 2020, quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH đã đạt được những kết quả quan trọng:

Một là, CNH, HĐH đã thúc đẩy nền kinh tế nước ta tăng trưởng cao, cải thiện chất lượng tăng trưởng, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình.

Theo Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của nước ta là 6,0%/năm, cao hơn mức trung bình của các nước đang phát triển. Quy mô GDP nước ta năm 2020 tăng 1,4 lần so với năm 2015, đạt khoảng 271,2 tỷ USD (theo đánh giá lại, đạt khoảng 343,2 tỷ USD), thu nhập bình quân đầu người đạt 2.779 USD, gấp 1,3 lần năm 2015. Chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP bình quân cả giai đoạn 2011-2020 đạt 39,0%. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011-2015 là 4,3%/năm, giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm. Hiệu quả đầu tư được nâng lên; hệ số ICOR giảm từ gần 6,3 giai đoạn 2011-2015 xuống còn 6,1 giai đoạn 2016-2020.

Hai là, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực; công nghiệp có đóng góp ngày càng lớn trong nền kinh tế.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, cơ cấu các ngành kinh tế đã chuyển dịch tích cực theo hướng CNH, HĐH. Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP giảm từ mức 18,9% năm 2010 xuống còn 14,8% năm 2020; tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ (bao gồm cả thuế sản phẩm trợ cấp) tăng từ 81,1% năm 2010 lên 85,2% năm 2020, vượt mục tiêu đề ra. Các thành phần kinh tế có đóng góp tích cực vào quá trình CNH, HĐH đất nước. Cơ cấu kinh tế vùng có sự chuyển dịch theo hướng phát huy các lợi thế so sánh của từng vùng, tăng cường liên kết, kết nối vùng. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực theo cơ cấu kinh tế, tỷ lệ lao động khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng lao động xã hội giảm từ 48,6% năm 2010 xuống còn 34% năm 2020. Tỷ trọng lao động ngành công nghiệp và xây dựng tăng từ 21,7% lên 30,3%, ngành dịch vụ từ 29,7% lên khoảng 35,7% cùng giai đoạn.

Ba là, CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp ổn định, bền vững; ngành dịch vụ phát triển mạnh, chuyển dịch theo hướng hiện đại.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2011-2020 đạt trung bình 3%/năm. Nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại gắn với thị trường. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản được đẩy mạnh; cơ giới hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp được áp dụng rộng rãi, tạo nhiều thay đổi về phương thức canh tác, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh. Trình độ khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp từng bước được nâng cao theo hướng áp dụng công nghệ mới. Đóng góp của ngành dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng. Tăng trưởng bình quân của khu vực dịch vụ giai đoạn 2011-2020 là 6,4%/năm. Một số ngành có tiềm năng, lợi thế, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, như: thông tin, bưu chính, viễn thông, du lịch, hàng không... phát triển với tốc độ nhanh. Thương mại điện tử phát triển mạnh. Một số ngành dịch vụ được hiện đại hóa, hình thành các sản phẩm dịch vụ hiện đại, có chất lượng cao, như: y tế, bảo hiểm... Kinh tế số được chú trọng phát triển trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, xã hội số.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình CNH, HĐH cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: Nền công nghiệp nước ta thời gian qua phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH đất nước, chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững; Sự tham gia vào Cách mạng công nghiệp 4.0 còn thụ động; Trình độ công nghệ còn lạc hậu, chậm được đổi mới; Chất lượng sản phẩm, năng suất lao động ngành công nghiệp còn thấp; Phát triển công nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ với các ngành kinh tế khác; Còn quá chú trọng vào lao động giá rẻ, chưa tận dụng tốt được lợi thế trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng; Hiệu quả hoạt động của đa số doanh nghiệp công nghiệp nhà nước thấp, nhiều dự án công nghiệp quy mô lớn thua lỗ; Công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, tỷ lệ nội địa hóa của các ngành công nghiệp ở mức thấp; Sự phát triển công nghiệp diễn ra không đồng đều giữa các vùng, dẫn đến di dân tự phát cùng với nhiều hệ lụy về mặt xã hội; Trình độ tay nghề của đa số lao động còn thấp không đáp ứng kịp thời yêu cầu chuyển nhanh sang phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số; Tình trạng ô nhiễm môi trường do phát triển công nghiệp ngày càng trầm trọng, một số nơi đã trở thành nguyên nhân gây ra bất ổn xã hội.

BỐI CẢNH MỚI VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI QUÁ TRÌNH CNH, HĐH Ở VIỆT NAM

Bối cảnh mới

Trong giai đoạn mới, nước ta tiến hành CNH, HĐH trong bối cảnh có nhiều nhân tố mới so với giai đoạn trước, đó là:

Thứ nhất, Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đất nước.

Thứ hai, biến đổi khí hậu là quá trình khách quan đang diễn ra nhanh chóng. Việt Nam là một trong những nước được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Vấn đề được đặt ra là quá trình CNH, HĐH vừa phải đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu vừa phải đảm bảo thực hiện các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, phải thực hiện bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Thứ ba, môi trường quốc tế có nhiều thay đổi. Một mặt, quá trình toàn cầu hóa tiếp diễn; mặt khác, cạnh tranh địa chính trị dẫn đến cạnh tranh kinh tế, sử dụng các ngày càng nhiều hơn các chính sách kinh tế, nhất là thương mại để cạnh tranh. Vấn đề đặt ra là một mặt phải tranh thủ các cơ hội của hội nhập để phát triển thị trường, huy động vốn đầu tư, công nghệ mới và kỹ năng quản lý tiên tiến, mặt khác phải chủ động và tích cực nâng cao tính tự chủ của quốc gia để giảm thiểu tác động bất lợi của cạnh tranh địa chính trị cũng như các biến động bất thường khác trên thị trường quốc tế.

Những vấn đề đặt ra để thực hiện thành công CNH theo hướng hiện đại

Từ bối cảnh có nhiều nhân tố mới so với giai đoạn trước đây và những vấn đề về thực trạng của quá trình CNH, HĐH ở Việt Nam trong thời gian qua đã đặt ra những vấn đề cần phải giải quyết đối với CNH theo hướng hiện đại ở nước ta hiện nay:

Vấn đề nhận thức, quan điểm

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra với tốc độ rất nhanh, quy mô rất lớn, tạo ra những thay đổi sâu rộng trong mọi lĩnh vực, vì vậy, nếu bỏ lỡ, không tận dụng được thời cơ này thì đất nước sẽ tụt hậu xa hơn so với các nước, những hậu quả do nó gây ra sẽ rất to lớn. Đây là vấn đề mà toàn Đảng, toàn dân cần phải nhận thức sâu sắc, quyết tâm nắm bắt thời cơ, phải xem đây là vấn đề hàng đầu, sống còn đối với đất nước hiện nay.

Vấn đề đổi mới nội dung CNH

Thực hiện CNH trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, trước hết, phải định hướng lại chính sách (hay chiến lược) CNH, vừa phát triển theo chiều rộng để tận dụng, phát huy tiềm năng, lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới và của lực lượng lao động đông đảo, giá rẻ của thời kỳ “dân số vàng”; phát triển nông, lâm, ngư nghiệp và các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, như: dệt may, giầy da; vừa phải chuyển mạnh sang phát triển theo chiều sâu dựa trên khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Định hướng tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế đều phải đổi mới công nghệ; chuyển mạnh sang sử dụng những công nghệ ở trình độ cách mạng công nghiệp lần thứ tư; ứng dụng những thành tựu mới nhất của công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ in 3D, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, rô-bốt, các máy móc, thiết bị thông minh... vào sản xuất, kinh doanh và quản lý sản xuất, kinh doanh. Tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế phải từng bước chuyển sang tự động hóa, tiến tới thông minh hóa, nông nghiệp thông minh, công nghiệp thông minh, dịch vụ vận tải thông minh, ngân hàng thông minh...

Vấn đề phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, nâng cao năng lực sáng tạo, chất lượng nguồn nhân lực

Đây là những yếu tố then chốt, tạo ra sự phát triển đột phá, là đặc trưng của phương thức phát triển mới trong nền kinh tế tri thức - thông minh. Tăng cường đầu tư của toàn xã hội, của Nhà nước, của các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước cho phát triển khoa học - công nghệ; đổi mới phương thức quản lý hoạt động khoa học và công nghệ; thực hiện quyền tự chủ đầy đủ cho các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ; gắn kết chặt chẽ hoạt động khoa học và công nghệ với thực tiễn cuộc sống, với nhu cầu phát triển, đổi mới của các ngành, lĩnh vực. Phát triển thị trường khoa học và công nghệ để trao đổi, mua bán, đưa các thành tựu nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất. Định hướng nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào những lĩnh vực trung tâm, mũi nhọn của Cách mạng công nghiệp 4.0, như: trí tuệ nhân tạo, điện tử, tin học, công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ năng lượng tái tạo...

Đổi mới mô hình tổ chức, quản lý, chương trình, phương pháp giáo dục - đào tạo ở tất cả các cấp học, ngành học theo chuẩn quốc tế, cung cấp nguồn lao động chất lượng cao, có kỹ năng và năng lực sáng tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa đất nước trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Định hướng phát triển giáo dục và đào tạo gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước, với định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất thông minh của nền kinh tế tri thức. Khuyến khích các doanh nghiệp đào tạo lực lượng, lao động có tay nghề cao. Chú trọng đào tạo đội ngũ doanh nhân có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng quản lý, quản trị hiện đại, ngang tầm với doanh nhân ở các nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp hiện nay. Thu hút được các chuyên gia, cán bộ khoa học - công nghệ có trình độ cao của nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.

Vấn đề đổi mới, hoàn thiện thể chế

Việc đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong những năm tới đòi hỏi tập trung vào tạo khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ cho những ngành, lĩnh vực mới, những tổ chức, phương thức sản xuất, kinh doanh mới, những thị trường sản phẩm mới; đưa vào sử dụng những loại vật liệu mới, những sản phẩm mới.

Cần phải có những cơ chế, chính sách ưu tiên, hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, các sản phẩm công nghệ cao, đặc trưng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển nền công nghiệp thông minh, nông nghiệp thông minh, dịch vụ thông minh; thúc đẩy việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Việc đổi mới, hoàn thiện thể chế phải thúc đẩy hình thành, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, chuyển những ý tưởng sáng tạo mới thành sản phẩm cung cấp cho thị trường; thúc đẩy, hỗ trợ đổi mới doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân, hình thành những tập đoàn kinh tế lớn tham gia, có vị trí vững chắc trong chuỗi giá trị toàn cầu; thu hút có chọn lọc FDI, ưu tiên thu hút những dự án đầu tư có công nghệ cao ở những lĩnh vực mũi nhọn của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, liên kết, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận, tiếp thu những thành tựu mới của khoa học - công nghệ, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.

Việc đổi mới, hoàn thiện thể chế phải tạo ra và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cho việc đổi mới cơ chế quản lý phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực xã hội vào phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo; thực hiện cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo; hoạt động của thị trường sản phẩm khoa học - công nghệ, nhất là đối với những sản phẩm mới do Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với các sản phẩm nghiên cứu, sáng tạo.

Vấn đề đổi mới quản trị nhà nước, xây dựng chính phủ điện tử, quản trị thông minh

Trong đổi mới quản trị nhà nước thì vấn đề trực tiếp nhất, quan trọng nhất là đổi mới quản trị của Chính phủ, xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ quản trị thông minh. Để làm được điều này, có rất nhiều công việc phải thực hiện, nhưng có thể tổng hợp lại là:

Thứ nhất, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống mạng kết nối Chính phủ tới tất cả các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị, thậm chí tới từng hộ gia đình, từng người dân; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về từng người dân, từng hộ gia đình, từng cơ quan, đơn vị, tới tất cả các ngành, các địa phương; tất cả các văn bản chỉ đạo, các báo cáo, số liệu về tình hình của các cấp, các ngành, các địa phương...

Thứ hai, cần đổi mới tổ chức bộ máy, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước theo hướng tinh gọn, hợp lý, phù hợp với yêu cầu, chức năng, quản lý nhà nước nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và với điều kiện hệ thống quản lý đã được tin học hóa, được trang bị những thiết bị thông tin, hệ thống mạng hoàn chỉnh, hiện đại cho phép mở rộng khả năng theo dõi, nắm bắt tình hình, phân tích, đánh giá thông tin.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức các cơ quan quản lý nhà nước có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý cao. Đặc biệt, trong bối cảnh mới, công chức, viên chức phải làm chủ được các công cụ, phương tiện hiện đại trong hoạt động quản lý; nhạy bén với cái mới, ủng hộ cái mới và có ý tưởng đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của mình./.

TS. Đào Mạnh Ninh - Khoa Cơ bản 1, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 31, tháng 11/2023)


Tài liệu tham khảo

  1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2020), Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật.

  2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.

  3. Bộ Chính trị (2018), Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22/3/2018 về định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

  4. Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

  5. Cao Đức Phát (2022), Một số vấn đề lý luận-thực tiễn về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, truy cập từ https://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/mot-so-van-de-ly-luan-thuc-tien-ve-chu-truong-chinh-sach-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-dat-nuoc-den-nam-2030-tam-nhin-den-nam-2045.html.

  6. Tổng cục Thống kê (2011-2022), Niên giám Thống kê các năm, từ năm 2011 đến năm 2021, Nxb Thống kê.