Như một cơn lốc quét qua Trung Quốc, virus corona chủng mới khiến các trung tâm thương mại, nơi công cộng, thành phố... vắng vẻ khác thường. Trong ảnh là một trung tâm thương mại ở Bắc Kinh - Ảnh: AFP

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm mạnh

Các nền kinh tế chủ chốt đối mặt với nhiều khó khăn. Chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn do Trung Quốc là đối tác cung cấp hàng hóa đầu vào quan trọng với nhiều quốc gia và tập đoàn đa quốc gia trên thế giới. Ngành sản xuất hàng điện tử, ô tô, dệt may và giày dép chịu ảnh hưởng nặng nề. Ngành du lịch, dịch vụ và hàng không thế giới cũng sụt giảm do việc hạn chế đi lại.

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc có hạ nhiệt nhưng còn phức tạp; các yếu tố rủi ro địa chính trị; sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ đã tác động bất lợi tới hoạt động sản xuất, đầu tư và thương mại toàn cầu.

Các tổ chức quốc tế dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm mạnh trong quý I/2020. Bloomberg dự báo ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên nền kinh tế toàn cầu có thể lớn gấp 3 đến 4 lần so với SARS, với mức gây tổn thất lên tới 160 tỷ USD.

Theo Bloomberg, vài tuần trước nhiều nhà kinh tế Trung Quốc và quốc tế còn lạc quan nhận định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ sau khi dịch Covid-19 bị kiềm chế.

Tuy nhiên, sự lạc quan đang dần tan biến khi hàng trăm nghìn nhà máy ở Trung Quốc vẫn im lìm, hàng chục triệu công nhân nước này chôn chân tại nhà, các chuỗi cung ứng bị cắt đứt, du lịch và thương mại tê liệt. Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi dịch Covid-19 lan tới châu Âu và Mỹ.

Đồng quan điểm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 23/2 cũng đã đánh giá dịch Covid-19 hiện nay có thể đe dọa tới đà phục hồi vốn dĩ mong manh của kinh tế thế giới. Theo tổ chức này, Covid-19 có thể khiến tăng trưởng kinh tế thế giới giảm 0,1 điểm phần trăm và kiềm chế tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở mức 5,6% trong năm 2020.

Gia tăng căng thẳng thương mại và rủi ro suy giảm, suy thoái kinh tế trên diện rộng đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động thương mại toàn cầu chung. Chỉ số thương mại hàng hóa toàn cầu của WTO (tháng 2/2020) giảm mạnh xuống chỉ còn 95,5 điểm (so với 96,6 điểm tháng 11/2019).

Tăng trưởng GDP toàn thế giới được dự báo sẽ giảm xuống còn 2,8% trong năm 2020, mà theo BofA Global Research sẽ là lần mất mốc 3% đầu tiên kể từ cuộc suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính kết thúc vào giữa năm 2009. Và dĩ nhiên là do sự bùng phát của virus corona, nguyên nhân "tàn phá" hoạt động kinh tế ở Trung Quốc khi căn bệnh này lan rộng.

Các nhà kinh tế học tại BofA chưa nhìn thấy khả năng dịch Covid-19 có thể biến thành đại dịch toàn cầu, đồng thời không đưa ra dự báo về suy thoái kinh tế.

Ngày 27/2, nhóm chuyên gia thuộc Bank of America Corp dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay sẽ chỉ đạt 2,8%, mức yếu nhất kể từ năm 2009. Họ cho biết nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm nhất trong vòng 4 năm qua.

"Nguy cơ kinh tế trượt dốc là rất lớn", nhà kinh tế Ethan Harris của Bank of America cho biết. "Dự báo của chúng tôi còn chưa tính đến khả năng dịch Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu, làm tê liệt mọi hoạt động kinh tế ở các thành phố lớn".

Bức tranh Bank of America đưa ra ảm đạm hơn nhiều so với những gì Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố cuối tuần trước. Khi đó, IMF lạc quan nhận định tăng trưởng GDP toàn cầu chỉ giảm 0,1% vì dịch virus corona chủng mới và sẽ chạm mốc 3,3% trong năm nay.

Tuy nhiên, nguồn tin Bloomberg cho biết IMF đang đánh giá lại tác động của dịch bệnh và sẽ công bố trong các cuộc họp vào giữa tháng 4 tới.

Theo Oxford Economics, một cơ quan dự báo và phân tích kinh tế toàn cầu hàng đầu, virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) có thể làm thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 1,1 nghìn tỷ USD nếu nó trở thành đại dịch.

Oxford Economics cho biết họ dự báo ​​tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm từ 6% năm ngoái xuống còn 5,4% trong năm 2020 do sự bùng phát của dịch COVID-19. Nếu dịch bệnh lan rộng hơn ở châu Á, GDP thế giới sẽ giảm 400 tỷ USD năm nay, tương đương 0,5%.

Tuy nhiên, nếu virus ra khỏi phạm vi châu Á và trở thành đại dịch toàn cầu, một viễn cảnh xấu, GDP thế giới sẽ giảm 1,1 nghìn tỷ USD, tương đương 1,3% so với dự báo hiện nay. Mức giảm 1,1 nghìn tỷ USD tương đương thế giới mất toàn bộ sản lượng hàng năm của Indonesia, nền kinh tế lớn thứ 16 thế giới.

Các nền kinh tế lớn cũng đối mặt với không ít khó khăn

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nền kinh tế chủ chốt cũng đối mặt với không ít khó khăn.

Mặc dù kinh tế Mỹ vẫn khả quan dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài, song Chỉ số PMI ngành chế biến chế tạo của Mỹ tháng 1/2020 giảm so với tháng 12/2019 xuống 51,9 điểm (từ 52,4 điểm), trong khi chỉ số PMI ngành dịch vụ tăng mạnh lên 53,4 điểm tháng 1/2020 (từ 52,8 điểm). Tỷ lệ thất nghiệp tháng 01/2020 tăng nhẹ lên 3,6% so với mức 3,5% vào hai tháng trước. Lạm phát có dấu hiệu giảm do giá năng lượng giảm.

Nhà Trắng dự báo dù dịch Covid-19 bùng phát được dự báo sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ ở mức nhẹ - giảm 0,2% tăng trưởng trong quý I/2020.

Khu vực châu Âu tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì ở mức thấp, đạt 0,1% trong quý IV/2019. PMI tổng hợp của Eurozone tháng 01/2020 đạt 51,3 điểm, tăng so với 50,9 điểm tháng 12/2019. Chỉ số PMI tại Ireland, Tây Ban Nha, Đức lần lượt đạt 54,7; 51,5 và 51,2 điểm. Sản xuất công nghiệp tháng 12/2019 giảm 2,1% so với tháng trước. Thất nghiệp tháng 12/2019 giảm xuống 7,4% - mức thấp nhất kể từ tháng 05/2008. Lạm phát tháng 12/2019 đạt 1,3%, tăng so với 1,0% trong tháng 11/2019.

Kinh tế Nhật Bản có nguy cơ suy thoái. Thâm hụt thương mại của Nhật Bản lên đến 1,3 tỷ Yên trong tháng 01/2020, tăng đột ngột so với mức 0,15 tỷ Yên trong tháng 12/2019 do xuất khẩu giảm 5,43 nghìn tỷ Yên và nhập khẩu tăng lên 6,74 nghìn tỷ Yên so với tháng 12/2019. Chỉ số PMI ngành chế biến chế tạo tăng nhẹ lên mức 48,8 điểm trong tháng 01/2020 so với mức 48,4 điểm tháng 12/2020. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng 1/2019 vẫn ở mức thấp 39,1 điểm.

Bên cạnh đó, kinh tế Nhật Bản cũng đang bị ảnh hưởng rất lớn từ dịch Covid-19, đặc biệt là ảnh hưởng đến ngành du lịch và xuất khẩu. Nếu dịch bệnh kéo dài đến thời điểm diễn ra thế vận hội Olympic Tokyo 2020 sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

Kinh tế Hàn Quốc hồi phục trong tháng 01/2020 nhưng đối mặt với nhiều rủi ro do dịch Covid-19. Lạm phát tháng 01/2020 tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sự trì trệ do Tết âm lịch và tình hình dịch Covid-19 đã khiến thặng dư thương mại giảm xuống còn 0,62 tỷ USD trong tháng 01/2020 do xuất khẩu giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước và nhập khẩu giảm 5,3%. Chỉ số PMI ngành chế biến chế tạo giảm xuống còn 49,8 điểm vào tháng 01/2020 từ mức 50,1 điểm trong tháng trước. Tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh nhất trong 6 tháng gần đây - tăng lên mức 4% trong tháng 01/2020 từ mức 3,7% trong tháng 12/2019.

Đặc biệt, Kinh tế Trung Quốc tiếp tục đối mặt với khó khăn trong tình hình diễn biến dịch Covid-19 kéo dài. The Economist Intelligence Unit (EIU)dự báo, GDP của Trung Quốc giảm từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm trong năm 2020; riêng trong Quý I có thể giảm 2 điểm % (Bloomberg và Nomura ).

Tác động thực tế sẽ phụ thuộc vào khả năng khống chế dịch bệnh của Chính phủ Trung Quốc trong thời gian tới. Kênh tác động chính là từ gián đoạn giao thương và giảm cầu tiêu dùng trong nước (tiêu dùng đóng góp 35% GDP năm 2003 và 76% vào năm 2018). Chỉ số CPI tháng 01/2020 ở mức 5,4%, tăng 0,9 điểm % so với tháng 12/2019, chủ yếu do giá thịt lợn và rau tươi tăng mạnh. Chỉ số PMI tháng 01/2020 vẫn trong ngưỡng 50. Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt các biện pháp bình ổn nền kinh tế và kiểm soát dịch bệnh, tăng cường điều tiết kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh sản xuất để duy trì đà tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Nhà kinh tế học Roubini tin rằng, virus SARS-CoV-2 sẽ dẫn đến thảm họa kinh tế toàn cầu. (Nguồn: AP)

Thị trường tiền tệ thế giới lao đao

Trong thời gian qua, thị trường tài chính tiền tệ thế giới cũng có nhiều biến động do tác động của dịch bệnh và biến động địa chính trị.

Đồng USD và các tài sản an toàn khác như vàng, Yên Nhật và trái phiếu chính phủ Mỹ tăng giá, trong khi đồng tiền của các nền kinh tế đang nổi giảm giá.

FED vẫn đang theo dõi sát nguy cơ suy thoái kinh tế do dịch Covid-19, cho rằng đây là một trong các rủi ro đe dọa nền kinh tế Mỹ và thế giới, có thể gây ra nhiều rủi ro và thiệt hại trong năm 2020.

Đồng EUR giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017. Dự báo EUR sẽ tiếp tục giảm giá do triển vọng kinh tế kém khả quan, vì vậy Ngân hàng Trung ương châu Âu phải tiếp tục duy trì chính sách lãi suất âm và nới lỏng định lượng hiện hành.

Thị trường hàng hóa thế giới cũng lao dốc

Giá dầu thế giới đã giảm trên 10% từ đầu năm tới nay do tác động của dịch Covid-19 khiến nhu cầu của Trung Quốc và các hãng hàng không lớn trên thế giới giảm. Giá dầu WTI giảm từ 65 USD/thùng vào đầu tháng 01/2020 (khi Iran phòng tên lửa vào hai căn cứ quân sự Mỹ) xuống 52,2 USD/thùng (ngày 19/2/2020), do cầu về dầu giảm (Trung Quốc chiếm gần 1/4 nhu cầu dầu mỏ toàn cầu).

Thị trường nông sản thế giới tháng 02/2020 có nhiều biến động trái chiều, một số loại nông sản đang chịu áp lực giảm do thị trường lo ngại nhu cầu thu mua nông sản của Trung Quốc giảm khi dịch Covid-19 bùng phát. Giá vàng thế giới tháng 02/2020 vẫn xu hướng tăng cao (đạt mức 1.685,15 USD/ounce vào ngày 24/2). Các chuyên gia dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do xu hướng tránh rủi ro từ các lĩnh vực khác.

Những gói kích cầu được tung ra

Trong bối cảnh kinh tế suy giảm do dịch bệnh, Trung Quốc và nhiều nền kinh tế đã đưa ra các giải pháp kích thích tiền tệ. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã 2 lần bơm lượng tiền khá lớn ra thị trường trong tháng 02/2020, đợt 1 là 1.200 tỷ NDT (tương ứng 171,4 tỷ USD), đợt 2 là 500 tỷ NDT (tương ứng 71,5 tỷ USD). Đồng thời, ngày 17/2, Trung Quốc đã hạ lãi suất cho vay trung hạn cho các thể chế tài chính xuống còn 3,15% nhằm hạ chi phí vốn, giảm sức ép tài chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Ngoài ra, Thái Lan cắt giảm 0,25%, xuống 1%/năm; Philippines giảm 0,25%, xuống 3,75%…

Một số quốc gia như Hàn Quốc, Malaixia cũng đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp.

Cụ thể, Hàn Quốc cũng đang đề xuất một gói ngân sách bổ sung trị giá 11.700 tỷ won (9,82 tỷ USD) để ứng phó với dịch COVID-19 và giảm thiếu tác động của dịch bệnh này đối với nền kinh tế. Khoản ngân sách bổ sung trên, dư kiến sẽ được trình lên Quốc hội thông qua vào ngày 5/3, là khoản bổ sung lớn nhất từ trước đến nay của Hàn Quốc nhằm đối phó với các tác động của dịch bệnh.

Nếu được Quốc hội thông qua, Chính phủ Hàn Quốc sẽ sử dụng 1.400 tỷ Won làm quỹ "dự phòng" và phát hành 10.300 tỷ won trái phiếu mới để huy động vốn cho ngân sách.

Ngoài ra, khoản ngân sách bổ sung này sẽ được đưa vào ngân sách trị giá 512.500 tỷ Won dành cho chi tiêu hàng năm trong năm 2020, mức ngân sách lớn nhất từng có ở Hàn Quốc.

Đề xuất ngân sách bổ sung của chính phủ được đưa ra sau hai gói hỗ trợ có tổng trị giá 20.000 tỷ won, một phần nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 và một phần nhằm khôi phục nền kinh tế.

Ngày 3/3/2020, Nhóm Ngân hàng Thế giới công bố gói hỗ trợ khẩn cấp lên tới 12 tỷ USD nhằm hỗ trợ các quốc gia đối phó với các tác động về y tế và kinh tế của dịch bệnh toàn cầu COVID-19, trong bối cảnh dịch bệnh đã lan tới hơn 60 quốc gia.

Thông qua gói hỗ trợ khẩn cấp với thủ tục rút gọn này, Nhóm Ngân hàng Thế giới mong muốn hỗ trợ các nước đang phát triển cải thiện hệ thống y tế, bao gồm nâng cao khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế để bảo vệ người dân trước dịch bệnh, tăng cường giám sát dịch bệnh, đẩy mạnh các biện pháp can thiệp y tế cộng đồng, phối hợp với khu vực tư nhân giảm bớt tác động đến nền kinh tế. Gói tài chính với nguồn lực tổng hợp từ IDA, IBRD và IFC sẽ được triển khai trên phạm vi toàn cầu nhằm hỗ trợ các chương trình thích ứng phù hợp với bối cảnh của từng quốc gia.

Gói hỗ trợ COVID-19 sẽ cung cấp nguồn lực ban đầu lên tới 12 tỷ USD, trong đó có 8 tỷ USD mới được bổ sung và thực hiện theo cơ chế thủ tục rút gọn. Gói này bao gồm 2,7 tỷ USD nguồn tài chính mới từ IBRD, 1,3 tỷ USD tài trợ mới từ IDA và 2 tỷ USD tái cơ cấu danh mục đầu tư hiện có, cộng thêm 6 tỷ USD từ IFC, trong đó bao gồm 2 tỷ USD tái cơ cấu từ các chương trình hỗ trợ thương mại hiện có.

Gói hỗ trợ sẽ bao gồm các chương trình tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật dựa trên kiến ​​thức toàn cầu và chia sẻ kinh nghiệm tầm quốc gia./.