CPI tháng 5 giảm nhẹ
Giá xăng, dầu tác động mạnh đến CPI tháng 5
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước, đồng thời giảm 1,24% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016- 2020.
Trong mức giảm 0,03% của CPI tháng 5/2020 so với tháng trước, có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm. Trong đó, nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 2,21% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 28/4/2020 và tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 13/5/2020 làm chỉ số giá xăng, dầu giảm 4,98% (tác động làm CPI chung giảm 0,21%). Ngoài ra, nhiều chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng của các hãng xe ô tô đưa ra nhằm giảm lượng hàng tồn kho làm giá ô tô giảm 0,25%.
Nhóm bưu chính viễn thông và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch đều giảm 0,02%; nhóm may, mũ nón và giày dép giảm 0,01% chủ yếu do các cửa hàng thời trang đã áp dụng nhiều chương trình giảm giá để thu hút khách hàng sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ở chiều ngược lại, các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,34% (trong đó: lương thực giảm 0,08%; thực phẩm tăng 0,43%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,35%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,25% do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát tăng cao (giá nước khoáng tăng 0,12%, giá nước giải khát có ga tăng 0,05%, giá nước quả ép tăng 0,3%, giá nước uống tăng lực đóng chai tăng 0,35%); nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,25%, chủ yếu do giá gas tăng 12,08% (làm CPI chung tăng 0,14%) và giá nước sinh hoạt tăng 0,17%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,07%. Riêng nhóm giáo dục không thay đổi.
CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2020 tăng 4,39% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; CPI tháng 5/2020 giảm 1,24% so với tháng 12/2019 và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 2,88% so với bình quân cùng kỳ năm 2019./.
Bình luận