CPTPP không "làm khó" ngành thương mại điện tử Việt Nam
Trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), chiều nay, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo Ngành Phân phối - Thương mại điện tử - Logistics Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ Hiệp định CPTPP.
CPTPP – Cơ hội lớn cho Việt Nam mở rộng thị trường
Tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định, CPTPP đã chính thức có hiệu lực tại Việt Nam kể từ ngày 14/1/2019. Đây là một trong những hiệp định thương mại thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Trong đó, các vấn đề liên quan đến phân phối, thương mại điện tử, logistics là rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của nước ta.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc
Đồng tình và cho biết thêm, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI, những tác động trực tiếp từ CPTPP đến mở cửa thị trường là không đáng kể, tuy nhiên tác động gián tiếp lại khá rõ rệt. CPTPP tạo môi trường thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư nhờ việc môi trường kinh doanh Việt Nam được hoàn thiện khi thực thi các cam kết quy tắc trong CPTPP.
Mặt khác, thông qua cam kết về loại bỏ thuế quan và hàng rào phi thuế quan giúp tạo điều kiện gia tăng nguồn cung hàng hóa cho phân phối – thương mại điện tử, tăng cầu cho dịch vụ logistics. Các cam kết về hản quan, tạo thuận lợi thương mại cùng các biện pháp phi thuế… cũng sẽ làm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.
Làm rõ hơn về những lĩnh vực cụ thể, theo Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI, ngành phân phối, đặc biệt là thị trường bán lẻ đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển nhờ các cam kết trong CPTPP nói riêng và hội nhập nói chung.
Vì thế, cơ hội của ngành này là gia tăng quy mô thị trường nhờ tăng trưởng GDP và thu nhập của người dân. Hơn nữa, các cam kết về thương mại hàng hóa của CPTPP, đặc biệt là cam kết về thuế quan và tạo thuận lợi thương mại (thủ tục xuất – nhập khẩu) sẽ giúp cải thiện về nguồn hàng hóa (đa dạng về nguồn gốc và cạnh tranh về giá) cho ngành phân phối.
Đối với ngành thương mại điện tử, các cam kết của CPTPP về thương mại điện tử tạo ra khung khổ pháp lý an toàn, ổn định và có thể dự đoán trước, làm tiền đề thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử, trong đó đáng chú ý là hoạt động mua sắm trực tuyến qua biên giới ở cả hai chiều: từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam.
Cùng với đó, các cam kết khác trong CPTPP, đặc biệt là cam kết về mở cửa dịch vụ viễn thông, thị trường tài chính cũng được dự báo sẽ tạo ra cơ hội cải thiện các dịch vụ hạ tầng cho thương mại điện tử, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ phương thức thương mại này.
Đối với ngành logistics, Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI chỉ rõ, CPTPP có một số cam kết mở cửa thị trường đối với cả đầu tư và dịch vụ trong một số lĩnh vực logistics ở mức cao so với mức mở cửa trong WTO, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng không. Hơn nữa, với phương thức cam kết chọn – bỏ, rất nhiều dịch vụ logistics không được liệt kê tên cũng sẽ được mở cửa ở mức đáng kể, chỉ trừ tiếp cận thị trường hạn chế ở mức như WTO. Đây là cơ hội lớn thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào ngành này, từ đó có thể tạo ra những bước phát triển mạnh cho logistics.
Đi kèm với đó là cơ hội gia tăng quy mô thị trường, xuất phát từ nguồn cầu lớn đối với hoạt động logistics. Theo Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp tăng GDP Việt Nam thêm 1,1-3,5%, giúp tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thêm 4,2-6,9%, tăng tổng nhập khẩu của Việt Nam thêm 5,3-7,6%. Hoạt động sản xuất, xuất – nhập khẩu càng nhộn nhịp, thì thị trường đối với dịch vụ logistics càng mở rộng, đặc biệt là dịch vụ logistics quốc tế.
Cạnh tranh gay gắt với các đối thủ lớn
Song song với những cơ hội, thì thách thức từ CPTPP đối với các ngành phân phối, logistics ở Việt Nam cũng không hề nhỏ (các cam kết CPTPP hầu như không tạo ra thách thức hay khó khăn nào cho thương mại điện tử ở Việt Nam), thể hiện ở sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ từ nước ngoài.
Ví dụ, liên quan đến ngành phân phối, trong CPTPP, Việt Nam cam kết bỏ hoàn toàn yêu cầu ENT đối với cơ sở bán lẻ của nhà phân phối có vốn đầu tư CPTPP từ ngày 14/1/2014, tức là sau 5 năm CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam. Trong khi đó, các thành viên của CPTPP có nhiều đối thủ rất mạnh về phân phối. Cạnh tranh của các nhà phân phối Việt Nam ngay trên thị trường nội địa vốn đã căng thẳng, và dự báo sẽ còn gay gắt hơn nữa trong tương lai. Cạnh tranh này không chỉ về thị phần, mà còn cả về nguồn nhân lực, mặt bằng kinh doanh và nhiều yếu tố khác.
Hay trong ngành logistics, trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực logistics năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, thì các thành viên của CPTPP như Singapore xếp thứ 5, còn Nhật Bản, Canada, Australia thuộc top 20. Khi đó, với mức mở cửa mạnh về logistics trong CPTPP, sẽ tạo điều kiện cho các đối tác này mở rộng kinh doanh ở Việt Nam và cạnh tranh mạnh mẽ với doanh nghiệp Việt Nam.
Doanh nghiệp cần chú ý những gì?
Để có thể tận dụng tốt các cơ hội từ CPTPP, vượt qua thách thức, bà Nguyễn Thị Thu Trang khẳng định, các doanh nghiệp cần có kế hoạch bài bản, hành động quyết liệt trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp khi cung cấp dịch vụ, chăm sóc khách hàng.
Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, đảm bảo năng lực chuyên môn, chuyên nghiệp của đội ngũ lao động và quản lý.
Quan trọng không kém là, doanh nghiệp cần tích cực tham gia vào quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách của nhà nước về các khía cạnh quản lý đối với hoạt động phân phối, thương mại điện tử, logistics và các hoạt động có liên quan.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần cải thiện quy mô vốn, năng lực quản lý và phạm vi hoạt động kinh doanh, đặc biệt thông qua việc tận dụng cơ hội liên doanh với các nhà đầu tư CPTPP./.
Bình luận