Đánh giá khả năng đưa TPP vào thực thi
Đây là cuộc gặp tiếp sau cuộc gặp của các Bộ trưởng Thương mại trong khuôn khổ các Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua.
Cuộc gặp dự kiến kéo dài ít nhất 2 ngày, tại đó các bộ trưởng nhất trí "khởi động một tiến trình đánh giá các khả năng để nhanh chóng đưa TPP vào thực thi".
Bộ trưởng Chính sách tài chính và kinh tế Nhật Bản Nobuteru Ishihara cho biết, Nhật Bản muốn thúc đẩy đàm phán hướng tới sớm thực thi TPP, bao gồm cả việc tìm cách đưa Mỹ trở lại TPP.
Theo quy định hiện hành, TPP sẽ được triển khai khi các quốc gia chiếm tổng 85% GDP của 12 nước ký hiệp định hoàn tất thủ tục phê chuẩn trong nước. Vì vậy, việc Mỹ, thành viên chiếm tới 60% GDP toàn khối, rút khỏi TPP sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền đồng nghĩa không thể đưa Hiệp định vào thực hiện theo các điều khoản quy định hiện tại, khiến số phận của TPP ngày càng mong manh.
Trong khi đó, các thành viên khác của TPP đang hy vọng sẽ đạt được tiến bộ trong việc tìm kiếm một thỏa thuận thay thế mà không cần sự tham gia của Mỹ, được gọi là "TPP 11" hoặc "TPP 12-1", trước khi Hội nghị APEC diễn ra tại Việt Nam vào tháng 11 tới tại Đà Nẵng, Việt Nam.
Trước đó, ngày 21/5, tại Hà Nội, các bộ trưởng và thứ trưởng kinh tế của 11 nước đã nhóm họp để thảo luận về TPP, khẳng định lại kết quả cân bằng và tầm quan trọng về mặt kinh tế và chiến lược của TPP.
Các bộ trưởng nhấn mạnh, các nguyên tắc và tiêu chuẩn cao của Hiệp định này là giải pháp nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên, tạo thêm cơ hội cho người lao động, các hộ gia đình, nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đồng thời, các bộ trưởng cũng đồng ý cần phải hiện thực hóa những lợi ích của Hiệp định TPP. Theo đó, các bộ trưởng nhất trí giao cấp kỹ thuật nghiên cứu những kịch bản phù hợp để nhanh chóng đưa Hiệp định toàn diện và tiêu chuẩn cao vào thực thi, trong đó bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của các nước ký kết ban đầu./.
Bình luận