Thời cơ và thách thức mới năm 2017

Năm 2016, nền kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển khá, đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Trước những khó khăn bên trong và bên ngoài liên tiếp diễn ra, như: tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu đạt thấp, giá dầu thô và giá nhiều mặt hàng giảm mạnh, tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, thiên tai, bão lũ ở miền Trung, nước ngập mặn miền Tây Nam Bộ, hạn hán khắp cả nước và nhiều dịch bệnh diễn ra ở nhiều nơi, cùng với gánh nặng nợ công cao, ngân sách hạn hẹp và có nhiều vấn đề đột xuất phát sinh, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 vẫn đạt trên 6,21% (tăng trưởng kinh tế Quý I/2016: 5,48%; Quý II: 5,78%; Quý III: 6,56%; Quý IV: 6,68%), cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong 7 năm liên tục từ năm 2008 đến năm 2014. Đây là một thành công và một sự cố gắng vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân trong cả nước quyết tâm vượt mọi khó khăn, đổi mới đưa nền kinh tế nước ta đi lên. Với quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động, tháo bỏ mọi rào cản để doanh nghiệp và khoa học, công nghệ phát triển do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động đã được nhân dân đồng tình ủng hộ và làm nức lòng người dân trong năm qua.

Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,21%

Bước vào năm 2017, nền kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều thời cơ và thách thức cả ở bên trong và bên ngoài.

Cụ thể là kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn trong quá trình phục hồi kéo dài sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và chưa thể tạo được sức bật mạnh về tăng trưởng kinh tế trong một vài năm tới. Theo các tổ chức quốc tế dự báo thì năm 2017, tăng trưởng kinh tế thế giới ở mức 3,3%-3,4%, có khá hơn so với năm 2016 nhưng không nhiều. Có nhiều rủi ro và yếu tố khó lường đối với kinh tế thế giới trong năm 2017, như: Rủi ro do đình trệ kéo dài do quá trình phục hồi sức mua và sức sản xuất sau khủng hoảng kéo dài nhiều năm, hiệu quả của các giải pháp nới lỏng tiền tệ ngày càng suy giảm, nợ công tăng cao; Động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế thế giới và các nền kinh tế chủ chốt chưa xuất hiện và định hình rõ nét sau quá trình tái cân bằng và tái cơ cấu các nền kinh tế đó; Các sự kiện địa - chính trị đã tạo ra tính bất định tăng lên như sự kiện Brexit ở Anh hay sự kiện Tổng thống đắc cử Donald Trump ở Mỹ; Những rủi ro của kinh tế Trung Quốc trong quá trình tái cơ cấu như nợ công tăng cao, bong bóng tín dụng ngầm, bất động sản, dư thừa công suất và già hóa dân số; Chủ nghĩa khủng bố và xung đột có nguy cơ bùng phát...; Thương mại và đầu tư quốc tế tiếp tục gặp khó khăn, liên kết kinh tế và thương mại toàn cầu và khu vực diễn biến phức tạp hơn; Tình hình nội bộ Mỹ, Trung Quốc, quan hệ giữa các nước lớn, ASEAN có nhiều diễn biến khó lường...

Bên cạnh những khó khăn về kinh tế thế giới nêu trên, cũng cần phải khẳng định năm 2017, kinh tế thế giới cũng chuyển biến tích cực hơn năm 2016 khi các nước sử dụng kích thích tài khóa với triển khai đồng bộ chính sách tiền tệ với thương mại để vượt qua "bẫy tăng trưởng thấp" nhờ kích hoạt kinh tế tư nhân; Năm 2017, giá hàng hóa và dầu hỏa tiếp tục quá trình phục hồi; Các chuyển biến bên trong của các nước lớn có thể tạo ra sự tăng trưởng của kinh tế thế giới...

Năm 2017, tình hình trong nước cũng có nhiều điểm đáng lưu ý, như: Thể chế kinh tế còn nhiều bất cập; Quản lý hành chính vẫn còn nhiều yếu kém; Nợ công còn cao; Nguồn lực ngân sách còn nhiều hạn chế; Hệ thống ngân hàng chưa thực sự mạnh; Trình độ sáng tạo, khoa học, công nghệ còn ở mức thấp; Hiệu quả nền kinh tế và năng suất lao động còn ở mức quá thấp; Động lực của nền kinh tế vẫn còn là ẩn số; Thiên tai, bão lũ, hạn hán, dịch bệnh vẫn đang rình rập; Biển đông vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Bên cạnh những khó khăn nêu trên, phải kể đến những thuận lợi, như: Đại hội XII của Đảng và Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững toàn diện về cả kinh tế, xã hội và môi trường. Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, cụ thể là đổi mới toàn diện và đồng bộ, đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt theo hướng chuyển mô hình tăng trưởng của nền kinh từ chiều rộng sang mô hình tăng trưởng kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, kinh tế tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt, năng suất lao động phải được coi là thước đo quan trọng nhất của sự phát triển trong giai đoạn hiện nay. Năm 2017 tiếp tục là năm tinh thần đổi mới của Đảng và Chính phủ đi vào cuộc sống sâu rộng hơn. Quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động đang đi dần vào cuộc sống: Nhiều yếu tố tích cực đang hình thành theo tinh thần xóa bỏ mọi rào cản để doanh nghiệp phát triển; Tinh thần doanh nghiệp khởi nghiệp đang được mở rộng; Đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng khoa học, công nghệ vào thực tiễn, gắn khoa học, công nghệ với hơi thở của cuộc sống đang được định hình; Tinh thần sáng tạo, khát vọng vươn lên đang dần lan tỏa trong cả nước; Văn hóa trong kinh tế, văn hóa trong doanh nghiệp và văn hóa trong mọi mặt của đời sống xã hội đang chuyển biến ngày một tích cực....

Để tái cơ cấu nền kinh tế thành công

Với những thuận lợi nêu trên chắc chắn năm 2017, nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều khả năng khởi sắc, vì ngay từ đầu Chính phủ đã đặt ra các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng khắc phục khó khăn, tranh thủ thuận lợi để phát triển nhanh và bền vững. Ý tưởng tái cơ cấu nền kinh tế đã được nêu lên từ năm 2008, tuy nhiên đến năm 2011 đề án tái cơ cấu nền kinh tế được đưa ra và thông qua. Hơn 5 năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế có thể thấy có đạt được một số kết quả như: Ổn định kinh tế vĩ mô; Thực hiện ba trọng tâm tái cơ cấu kinh tế (Tái cơ cấu đầu tư với trong tâm là đầu tư công; Tái cơ cấu thị trường tài chính; Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước); Tái cơ cấu các ngành kinh tế; Tái cơ cấu kinh tế vùng... Tuy nhiên, kết quả của tái cơ cấu nền kinh tế trong năm qua chưa đạt được nhiều như mong đợi, chưa tạo ra được dấu ấn của tái cơ cấu, chưa đi vào chiều sâu, bản chất của tái cơ cấu nền kinh tế mà phần lớn mới dừng ở hình thức, phong trào, hiệu quả kinh tế còn thấp và chưa rõ nét. Tái cơ cấu nền kinh tế chưa tạo được sự chuyển biến về mô hình tăng trưởng, mà vẫn phát triển theo chiều rộng, các chỉ số về chất lượng tăng trưởng, năm suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn ở mức thấp; Tái cơ cấu nền kinh tế chưa tạo được động lực cho kinh tế phát triển; Thất nghiệp; nghèo đói vẫn còn là điểm nóng; Kinh tế vĩ mô chưa thật sự bền vững; Chưa tạo được tính đột phá trong tăng trưởng và phát triển; Yếu tố khoa học, công nghệ cao chưa được coi trọng và chưa thành yếu tố quyết định trong tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế; Tái cơ cấu nền kinh tế chưa tạo được một văn hóa làm ăn mới trong kinh tế, chưa chuyển biến được cách nghĩ, lối sống và nhận thức mới của người dân...

Điều này đòi hỏi phải tái cơ cấu một cách toàn diện, đồng bộ nền kinh tế, lấy hiệu quả kinh tế và năng suất lao động làm thước đo của sự thành công. Để làm được điều đó theo chúng tôi cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, phải thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ, sâu rộng một số lĩnh vực như: Đổi mới mạnh mẽ thể chế kinh tế, tháo bỏ mọi cơ chế, chính sách lỗi thời và cản trở sự phát triển của mọi chủ thể kinh tế. Áp dụng mạnh mẽ thể chế kinh tế tiên tiến vào thực tiễn Việt Nam. Xử lý hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia - dân tộc. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính trên cơ sở sử dụng công nghệ cao. Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đầy đủ, hiện đại. Tinh thần Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động không chỉ dừng ở Chính phủ, mà phải trở thành hành động cụ thể của tất các bộ, ban, ngành cũng như là những hành động trong thực tiễn của mọi chính quyền thuộc các cấp ở các địa phương. Hơn nữa phải có một cơ chế kiểm tra, giám sát mọi quyền lực, ở mọi cấp để tránh lợi dụng và tha hóa quyền lực. Có biện pháp mạnh để thực thi và kiểm soát các vấn đề trên.

Thứ hai, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong năm 2017 trong lĩnh vực đầu tư, cụ thể là đầu tư công, không thuần túy và không phải ở việc cắt giảm đầu tư công về số lượng mà cần có biện pháp hiệu quả hóa nguồn lực này. Không cắt giảm đầu tư công khi chưa có biện pháp hiệu quả thay thế. Tái cấu trúc đầu tư công cần nhận thức là bố trí đủ nguồn lực cho các công trình đầu tư mà tư nhân không đảm đương được, đầu tư cho các công trình quan trọng, có hiệu quả cao, không cắt giảm một cách cơ học, thiếu tính toán. Có giải pháp hiệu quả cho đầu tư công. Cụ thể là phải lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo cơ bản để bố trí và phân bổ nguồn lực (đáp ứng yêu cầu cấp bách của nền kinh tế, thời gian ít, tiến độ nhanh, chi phí thấp, công nghệ cao, năng suất lao động cao...). Cần tháo gỡ các thủ tục phê duyệt dự án rườm rà, nhiêu khê, mất nhiều thời gian, cũng như rút ngắn thời gian và thủ tục giải ngân vốn của kho bạc Nhà nước và đơn giản hóa các khâu hành chính khác. Tái cấu trúc đầu tư công còn cần phải tiến hành trên cơ sở áp dụng các định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức đầu tư theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Điều quan trọng đặc biệt trong khâu này chính là kiểm tra, giám sát chặt chẽ mọi công việc trong quá trình tiến hành dự án đầu tư công. Ngăn chặn và đẩy lùi lợi ích nhóm, cũng như tham nhũng, lãng phí.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường tài chính, cụ thể là các tổ chức tín dụng trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng. Chấp nhận phá sản đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, không mua ngân hàng cổ phần với giá bằng không (thực chất ở đây là chuyển nợ của tư nhân thành nợ của Nhà nước), mà bắt các chủ ngân hàng phải bỏ tài sản ra để xử lý nợ xấu. Không để tình trạng nhiều ngân hàng cho vay ồ ạt, lấy lợi nhuận cao chia nhau và dẫn đến nợ xấu hình thành và tăng lên, khi không xử lý được nợ xấu lại đổ cho Nhà nước chịu, mà thực chất là lấy tiền thuế của nhân dân đóng góp. Giám sát chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng thương mại cổ phần, kiên quyết ngăn chặn sự hình thành lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng. Không để các tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo và quản trị ngân hàng có nhiều rủi ro tồn tại. Đồng thời, không dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu, mà bắt các ngân hàng thương mại có nợ xấu cao phải dùng vốn của mình để xử lý nợ xấu. Đẩy mạnh việc mua bán nợ tự do khi doanh nghiệp và ngân hàng thương mại có khả năng và đủ điều kiện để mua và bán. Không tập trung nợ xấu một cách hành chính vào một công ty mua bán nợ thuộc ngân hàng Nhà nước mà phải thị trường hóa các hoạt động này. Mở rộng quy mô thị trường vốn và đổi mới phương thức quản trị thị trường chứng khoán.

Năm 2017, cần đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường tài chính, cụ thể là các tổ chức tín dụng trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng

Thứ tư, đẩy mạnh một cách thực chất tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước. Đưa các doanh nghiệp nhà nước ra sân chơi chung là thị trường hiện đại, lấy năng lực cạnh tranh, lấy hiệu quả kinh tế và năng suất lao động làm thước đo cụ thể đối với các doanh nghiệp nhà nước. Vốn nhà nước, đất đai và các tài sản của nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước phải tiền tệ hóa và định giá rõ ràng trong giá trị doanh nghiệp. Cổ phần hóa mạnh mẽ các doanh nghiệp nhà nước. Chỉ giữ lại một số ít doanh nghiệp nhà nước đặc biệt quan trọng, còn lại nên cổ phần hóa hết một cách nhanh chóng. Minh bạch và gắn trách nhiệm cá nhân của các nhà quản lý doanh nghiệp nhà nước vào hiệu quả và lợi nhuận của các doanh nghiệp. Có biện pháp cứng rắn và có công cụ hữu hiệu để kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, tránh trường hợp chuyển tiền, tài sản của nhà nước và lợi nhuận doanh nghiệp vào tay cá nhân (nhiều doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, nhưng các cá nhân quản lý lại giàu lên bất thường). Đồng thời, giảm mạnh các doanh nghiệp công ích. Chuyển các hoạt động mà các doanh nghiệp công ích đang đảm nhiệm sang đấu thầu rộng rãi để các doanh nghiệp tư nhân có điều kiện có thể tham gia (như cấp, thoát nước, cây xanh, vệ sinh, môi trường...). Yêu cầu các doanh nghiệp phải đổi mới, sáng tạo trong mọi hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Hơn nữa, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đưa khoa học, công nghệ cao với hiệu quả cao vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Xây dựng văn hóa trong các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào không có văn hóa doanh nghiệp thì nên loại bỏ, cho giải thể, phá sản (nếu các doanh nghiệp nhà nước nào không có các yếu tố nêu trên thì những người quản lý doanh nghiệp nhà nước đó nên nghỉ quản lý). Có chính sách thuế và cơ chế tài chính hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng khoa học, công nghệ cao vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thứ năm, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, trong đó coi trọng thay đổi phương thức hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt là thay đổi phương thức quản lý, quản trị ngành, lĩnh vực. Phân bổ nguồn lực cho các ngành, lĩnh vực cần tuân thủ theo cơ chế thị trường và hiệu quả kinh tế, cũng như dựa trên năng lực cạnh tranh. Đẩy mạnh phát triển các ngành có năng suất lao động cao và hiệu quả kinh tế cao. Điều đặc biệt quan trọng trong tái cơ ngành kinh tế là phải chú trọng đến vấn đề môi trường và chống biến đổi khí hậu. Bảo vệ môi trường sống là lẽ sống còn của mỗi người, cả cộng đồng xã hội, các doanh nghiệp và cả đất nước. Chống biến đổi khí hậu cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu là những vấn đề lớn đặt ra với tái cơ nền kinh tế, cũng như tái cơ cấu ngành và tái cơ cấu nội ngành, cần được nghiên cứu và có giải pháp phù hợp theo mỗi vùng, mỗi lĩnh vực nhất định. Tái cơ cấu nền kinh tế đòi hỏi phải cơ cấu lại các vùng, miền một cách hợp lý và hiệu quả nhất. Những nơi nào có lợi thế so sánh đối với ngành, lĩnh vực nào thì phát triển ngành, lĩnh vực đó, không phát triển trùng lắp, kém hiệu quả trong một vùng. Không phát triển sản xuất, kinh doanh theo kiểu phong trào với hiệu quả không cao.

Thứ sáu, tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần theo hướng làm ăn lớn và sản xuất hàng hóa cho thị trường với chất lượng cao trên cơ sở áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học và hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất, kinh doanh. Thay đổi và loại bỏ dần phương thức sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả. Đồng thời đưa phương thức quản trị nông nghiệp hiện đại và hiệu quả vào thực tiễn. Đặc biệt, chú trọng mở rộng yếu tố thị trường đầu ra của sản phẩm nông nghiệp cả trên thị trường trong nước và thế giới.

Thứ bảy, tái cơ cấu công nghiệp theo hướng tạo ra nhiều giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh quốc tế của ngành. Đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành công nghiệp. Nâng cao chất lượng và hiệu quả các ngành dịch vụ. Đặc biệt, coi trọng phát triển các ngành dịch vụ có năng suất lao động cao, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, dịch vụ du lịch hiện đại, công nghiệp dịch vụ và công nghiệp văn hóa với công nghệ và chất lượng cao.

Như vậy, để tái cơ cấu nền kinh tế đạt được hiệu quả thực chất cần gắn kết chặt chẽ với hội nhập quốc tế với tinh thần chủ động, sáng tạo mạnh mẽ và đồng bộ. Tạo mọi điều kiện để nghiên cứu và áp dụng khoa học, công nghệ cao vào thực tiễn đời sống của nền kinh tế, đưa khoa học công nghệ cao trở thành công cụ và yếu tố quyết định, chủ yếu tạo ra tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế. Có chính sách phù hợp để đón đầu áp dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và vào quản trị nền kinh tế Việt Nam.

Để tái cấu trúc nền kinh tế thành công trong năm 2017, cần đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong kinh tế. Xây dựng một văn hóa sống chủ động, tích cực, luôn đổi mới, văn hóa sáng tạo, văn hóa vươn lên, văn hóa không chịu sống nghèo, văn hóa trọng nhân phẩm, nhân cách, trọng chữ tín trong mỗi con người và trong toàn xã hội. Hình thành văn hóa trong doanh nghiệp (hiệu quả cao, năng suất cao, chất lượng cao, chữ tín, vì cộng đồng, vì xã hội, vì quốc gia- dân tộc, vì giá trị cốt lõi của doanh nghiệp...) theo hướng hội nhập quốc tế. Tạo động lực mạnh mẽ trong mọi hoạt động, trong đó có hoạt động sản xuất, kinh doanh của mọi cá nhân và trong toàn xã hội trên cơ sở làm giàu cho mình, cho xã hội và dân tộc và làm cho đất nước ngày một phát triển và phồn vinh.

Tái cơ cấu nền kinh tế trong năm 2017 chắc chắn thành công và nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng cao và có bước phát triển đột phá khi toàn xã hội dấy lên một khí thế, một tinh thần xả thân vì cái chung và riêng hợp lý. Mọi người coi đổi mới, sáng tạo là một lẽ sống và là một hành động cần thiết hàng ngày. Khoa học và công nghệ cao trở thành công cụ, phương tiện không thể thiếu trong các hoạt động của mọi người, đặc biệt trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoạt động có tính kinh tế và hoạt động dịch vụ phục vụ con người.

Với quyết tâm của Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động, chắc chắn năm 2017, nền kinh tế Việt Nam sẽ có bước phát triển khá như mong đợi, tạo cú hích cho bước phát triển cao hơn trong các năm tiếp theo để đạt được mục tiêu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại./.

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội

2. Ban Chấp hành Trung ương (2016). Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ

3. Học viện Ngoại giao (2016). Kỷ yếu Hội thảo Dự báo tình hình thế giới và khu vực năm 2017, Hà Nội tháng 12/2016