Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết điều này trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5, diễn ra ngày 17/12. Tại Diễn đàn này đã diễn ra Hội thảo chuyên đề Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tạo động lực phát triển kinh tế năm 2023
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội thảo chuyên đề Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023

11 tháng năm 2022, số vốn giải ngân tuyệt đối cao nhất so với các năm trước đây

Phát biểu tại Hội thảo, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Duy Hưng nêu rõ, đầu tư công là kênh quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng đạt 53,8% kế hoạch cho thấy việc này rất bấp bênh.

"Đây không phải vấn đề mới, mà đã bàn, nói nhiều nhưng chưa được giải quyết căn cơ", ông Hưng nói.

Về nguyên nhân, các bộ, ngành, địa phương đã có báo cáo Chính phủ, trong đó nêu 25 - 30 khó khăn, vướng mắc trong 3 nhóm lĩnh vực. Trong đó thể chế, pháp luật chính sách thiếu đồng bộ; quy định phức tạp về ngân sách, đất đai, đấu thầu, môi trường, giải phóng mặt bằng...

Làm rõ hơn về tình hình giải ngân đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, kế hoạch đầu tư công năm 2022 thực hiện trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhiều thay đổi nhanh, mạnh cùng những yếu tố mới xuất hiện, nằm ngoài dự báo, đồng thời là năm đầu tiên triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nên cần thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, năm có số vốn cần giải ngân khá lớn, tăng 26% (120 nghìn tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2021 và cũng là năm chịu tác động của nhiều yếu tố từ bên ngoài dẫn tới giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước, phí vận chuyển hàng hóa quốc tế... tăng cao.

Bám sát các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, để đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, khơi thông nguồn vốn, từ đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ và Thủ tướng đã ban hành 12 nghị quyết (trong đó có 03 nghị quyết chuyên đề), 04 công điện, 07 văn bản; tổ chức 03 hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; thành lập 06 tổ công tác do 4 Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân.

Tại các hội nghị trực tuyến giải ngân, các cuộc họp của Tổ công tác, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cũng nêu khá chi tiết các nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Có nguyên nhân khách quan và chủ quan, có những nguyên nhân tồn tại trong nhiều năm, có những nguyên nhân mang tính đặc thù của từng năm kế hoạch.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo, tổng hợp 03 nhóm nguyên nhân chủ yếu, đó là nhóm thể chế, chính sách pháp luật; nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai, thực hiện; và nhóm khó khăn liên quan đến những đặc thù của năm 2022 với 39 nhóm vấn đề vướng mắc quy định tại các nghị định và văn bản pháp luật liên quan đến 07 lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công.

Từ phân tích, đánh giá một cách khách quan các nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành các giải pháp, kịp thời tháo gỡ, xử lý vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt đã yêu cầu các bộ, quản lý ngành, lĩnh vực phải rà soát tất cả các vướng mắc liên quan đến lĩnh vực được phân công quản lý. Trên cơ sở đó, tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực thi pháp luật, tổ chức lấy ý kiến, nhất là các đối tượng chịu tác động của chính sách, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi cho phù hợp yêu cầu thực tiễn.

Cùng với đó là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, giải ngân 11 tháng năm 2022 đã đạt được kết quả khá tích cực.

“Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 30/11/2022 là 338.319,81 tỷ đồng, đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 và một số năm gần đây, nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so các năm gần đây”, Thứ trưởng nêu rõ.

Năm 2022, ngân sách nhà nước tiếp tục tập trung, tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông quan trọng quốc gia và hạ tầng đô thị lớn, thúc đẩy liên kết vùng nhằm hỗ trợ các vùng phát triển theo các Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, tạo ra các khu vực và cực tăng trưởng mới.

Thứ trưởng cho biết, đến nay, đã đưa vào sử dụng một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như: đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, đoạn La Sơn - Túy Loan, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Thủ Thiêm 2; đang đôn đốc, phấn đấu cơ bản hoàn thành 361 km đường cao tốc Bắc - Nam trong năm 2022 (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây); khởi công xây dựng sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, sân bay Phan Thiết…

“Chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa là kết thúc niên độ ngân sách năm 2022, nên các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ, trong đó đôn đốc chủ đầu tư triển khai thi công, có khối lượng là ra kho bạc thanh toán ngay”, Thứ trưởng nói.

Năm 2023, vốn đầu tư công tăng khoảng 25% so với năm 2022

Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu chủ yếu là "Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công theo hướng giảm tỷ trọng vốn đầu tư công trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công, xây dựng cơ chế thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước, hoàn thiện cơ bản kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội". Để triển khai thực hiện thành công mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội, công tác xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch từng năm có ý nghĩa quan trọng, có vai trò quyết định đến kết quả thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng năm và của cả kỳ kế hoạch.

Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140 nghìn tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 (năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025).

Năm 2023 cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, hoạt động đầu tư công vẫn còn nhiều hạn chế đã tồn tại từ lâu, chưa xử lý được trong thời gian ngắn, như: công tác giải phóng mặt bằng; chất lượng chuẩn bị dự án; năng lực Ban Quản lý dự án, nhà thầu...

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, năm 2023 tập trung khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các bộ, ngành, địa phương, góp phần phát triển nhanh và bền vững.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định, năm 2023, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Lạm phát duy trì ở mức cao; quan điểm điều hành chính sách của nhiều quốc gia thay đổi nhanh, mạnh. Giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh tiếp tục xu hướng tăng. Thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống như: An ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… gia tăng và dự báo có tác động không nhỏ tới nền kinh tế trong nước.

Để thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công năm 2023, đòi hỏi tinh thần đổi mới, quyết tâm chính trị cao, trách nhiệm hơn nữa của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, trong đó, tập trung giải pháp như rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công.

“Trước tiên là sửa ngay các bất cập đã phát hiện trong năm 2022 như đã nêu ở trên nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, có nhiều yếu tố tác động đến đầu vào của hoạt động đầu tư công”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chỉ rõ.

Tiếp đến là làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2023, đặc biệt là các dự án khởi công mới, lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án.

Đặc biệt, các đơn vị cần khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án trước ngày 31/12/2022 để có thể giải ngân từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2023.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý, việc phân bổ phải bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực, địa phương và các quy hoạch đã được phê duyệt.

Triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm 2023, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, bảo đảm các mục tiêu đề ra.

“Thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ thực hiện công tác lập kế hoạch để nâng cao nhận thức của đội ngũ này, cập nhật các chính sách, chế độ, phương pháp lập kế hoạch mới”, Thứ trưởng nêu giải pháp.

Dưới góc độ nhà thầu, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho rằng, để đẩy mạnh việc giải ngân đầu tư công, bên cạnh các chỉ đạo của Chính phủ về chuẩn bị ngân sách, giải phóng mặt bằng, cần có biện pháp giải quyết rốt ráo để đầu ra của vốn ngân sách ở các dự án đầu tư công được lưu thông nhanh chóng.

Trước hết, theo ông Hiệp, cần nhanh chóng điều chỉnh và bổ sung hệ thống đơn giá định mức hiện nay. Cụ thể là cần có kế hoạch rà soát phân loại các đơn giá, định mức để có kế hoạch bổ sung ngay trong quý I/2023 cho kịp triển khai các dự án. Đồng thời bổ sung ngay các định mức chuyên ngành giao thông vào hệ thống định mức xây dựng làm cơ sở áp dụng cho các gói hạ tầng.

Tiếp đến, cần phải có quy trình phân cấp, phân quyền cụ thể và quy định rõ ràng cho các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư để xử lý việc điều chỉnh, giải quyết các việc phát sinh, điều chỉnh các gói thầu song song với việc tập trung cải thiện chất lượng hồ sơ khảo sát, thiết kế, dự toán của các gói thầu.

Đồng thời, cần nghiên cứu ban hành cơ chế tổng thầu, cơ chế liên danh, cơ chế xét thầu phù hợp cho các gói thầu xây dựng hạ tầng lớn sắp triển khai để tập hợp được sức mạnh của các nhà thầu Việt Nam./.