Đề xuất tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đến tháng 12/2020 do bị ảnh hưởng của Covid-19
Khoảng 15% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước hiện nay có hơn 55 triệu lao động có việc làm, trong đó gần 15 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp; hơn 9 triệu lao động đang làm việc trong các hợp tác xã, cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp. Số lao động làm trong các doanh nghiệp thuộc các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; vận tải, kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống là 8,8 triệu lao động.
Trong tháng 2, qua báo cáo nhanh của các doanh nghiệp thì có khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Bước sang đầu tháng 3, đặc biệt tuần thứ 2 của tháng 3, khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, số lượng doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với khoảng trên 15% trong tổng số doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Công ty điện tử Samsung Thái Nguyên
Các doanh nghiệp thực hiện cắt giảm tập trung vào Ngành dệt may với gần 2,8 triệu lao động đang làm việc, nhiều doanh nghiệp đã phải áp dụng các biện pháp giãn ca, không làm thêm giờ, đặc biệt là vào thứ bảy, chủ nhật.
Dịch vụ vận tải hàng không, vận tải đường sắt, đường bộ, hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho vận tải với gần 500.000 lao động đang làm việc, trong đó vận tải hàng không thực hiện cắt giảm lương từ 20%-40% tùy vào từng vị trí, chưa sa thải nhân viên nhưng đang áp dụng biện pháp cho nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương. Do vậy, tình hình dịch bệnh kéo dài thì nguy cơ hàng ngàn lao động thuộc ngành này cũng sẽ bị mất việc làm trong thời gian tới.
Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống với hơn 500.000 lao động đang làm việc cũng gặp rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn vay, lãi xuất ngân hàng và gánh nặng chi phí tiền thuê mặt bằng bắt buộc phải ngừng hoạt động nhưng hầu hết các doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động thực hiện cắt giảm lương, giãn ca hoặc cho nhân viên nghỉ không lương để người lao động có thể quay trở lại làm việc ngay sau khi phục hồi kinh doanh.
“Theo báo cáo của các địa phương, do bị tác động bởi Covid-19, hàng chục ngàn hộ sản xuất kinh doanh buộc phải tạm ngưng, bỏ kinh doanh (riêng Hà Nội 2 tháng đầu năm đã lên tới 3000 ngàn hộ), chủ yếu tập trung vào nhóm kinh doanh thuộc lĩnh vực lưu trú, ăn uống, kinh doanh các mặt hàng có liên quan đến thị trường hoặc có xuất xứ từ Trung Quốc. Tính trung bình mỗi hộ thuê 2 lao động thì một số lượng lớn lao động với vài chục ngàn người đã không có việc làm. Những lao động này hầu như không hợp đồng lao động hoặc được hưởng bất kỳ chế độ gì khi mất việc", Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay.
Số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tháng 2/2020 là 47.164 nghìn người, tăng 59,2% so với tháng 01/2020 (29.839 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm 2019.
6 nhóm giải pháp
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, người lao động, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có đề án với 6 nhóm chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động. Cụ thể:
Nhóm giải pháp thứ nhất là chính sách Bảo hiểm xã hội. Bộ đề xuất tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất. Trước mắt tập trung hai nhóm đối tượng cụ thể là người lao động bị ngừng việc, thôi việc và đối tượng thứ hai là doanh nghiệp có trên 50% lao động phải nghỉ việc, giãn việc, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19 từ 50% trở lên.
“Trong điều kiện hiện nay, bộ đề xuất với Chính phủ và Thường vụ Quốc hội mở rộng đối tượng này theo hướng không chỉ phần trăm số lượng lao động bị ảnh hưởng. Theo đó, sẽ không khống chế tỷ lệ 50% đối với doanh nghiệp mà việc này áp dụng cho mọi doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp bị ảnh hưởng 10% chứ không riêng doanh nghiệp bị ảnh hưởng 50%. Thời hạn áp dụng tạm dừng đóng BHXH theo chúng tôi là từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải thích.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, với tác động, đề xuất như trên, ước tính sẽ có khoảng 1,5 triệu đến 3 triệu người được hưởng lợi từ chính sách này; và 150.000 - 200.000 doanh nghiệp với kinh phí từ 25.000 - 49.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho biết quan điểm của bộ là tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp, người lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020. Đây là chủ trương rất lớn, chúng ta có khoảng 10,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, như vậy số tiền tạm ngừng đóng là 12.800 tỷ đồng.
Nhóm giải pháp thứ hai là tập trung miễn đóng hoàn toàn bảo hiểm thất nghiệp cho người bị mất việc, ngừng việc do tác động của Covid-19, thời gian tính toán cũng từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020.
Nhóm giải pháp thứ ba, có thể nói đây là thời cơ để sử dụng kết dư của quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Quỹ này sẽ sử dụng cho việc đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề của người lao động; hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động để giữ chân người lao động, đồng thời đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, để khi tình hình ổn định thì người lao động quay trở lại làm việc.
Nhóm giải pháp thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn, tập trung hai việc: doanh nghiệp được hỗ trợ tiền để trả lương trong trường hợp người lao động ngừng việc tạm thời, mục tiêu là để giữ chân người lao động, tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định.
Nhóm giải pháp thứ năm là chính sách tín dụng với người lao động, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ hợp tác, hợp tác xã... Đây là chính sách đề nghị cho các loại hình này được vay vốn sản xuất, phục hồi sản xuất, hỗ trợ tìm nguyên liệu, vật liệu phụ liệu mới để tiếp tục tái tạo sản xuất, với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, tức vào khoảng 3,96%.
Nhóm giải pháp thứ sáu, theo đề xuất của nhiều nghiệp đoàn, tập đoàn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã bàn với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có chính sách tạm hoãn đóng quỹ công đoàn cho các doanh nghiệp theo lộ trình phù hợp trong từng giai đoạn.
Tạo điều kiện để người lao động thất nghiệp được hưởng trợ cấp nhanh nhất
Ngày 20/3, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) có văn bản số 236/CVL-BHTN gửi các địa phương về việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thát nghiệp trước tình hình dịch bệnh Covid-19.
Người lao động muốn được hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì trong thời hạn 3 tháng sau khi nghỉ việc phải nộp sơ theo quy định
Văn bản trên thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thực hiện nghiêm công tác phòng dịch, nhưng vẫn hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, Cục Việc làm yêu cầu các trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương bên cạnh việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong quá trình chi trả bảo hiểm thất nghiệp thì đồng thời cũng phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp nhanh nhất, đúng quy định.
Tăng cường đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến về chính sách hỗ trợ tạo việc làm, tập trung về quyền và lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động khi tham gia và hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định, hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.
Các trung tâm dịch vụ việc làm cũng phải chủ động nắm bắt thị trường lao động trên địa bàn, đặc biệt là tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với sản xuất, kinh doanh và việc làm của người lao động để đề xuất phương án hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng.
Đồng thời, xây dựng và triển khai các phương án sắp xếp, bố trí, tăng cường nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị,... phù hợp để kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, người sử dụng lao động trong việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp phòng dịch, tránh trục lợi chính sách.
Ngoài ra, cần nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai các hoạt động giao dịch, kết nối, tuyển dụng, tránh tập trung đông người để phòng chống Covid-19.
Hồ sơ, thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
Điều 16, Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, ngày 12/03/2015 quy định hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
(i) Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định);
(ii) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn;
(iii) Quyết định thôi việc hoặc quyết định sa thải hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;
(iv) Sổ bảo hiểm xã hội.
Theo Điều 17, Nghị định số 28/21015/NĐ-CP, để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ cho trung tâm giới thiệu việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
Bước 2: Thời hạn giải quyết hồ sơ:
- Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, người lao động chưa tìm được việc làm thì trung tâm giới thiệu việc làm thực hiện xác nhận giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, trung tâm giới thiệu việc làm ra quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp kèm theo sổ bảo hiểm xã hội có xác nhận trả cho người lao động.
- Trường hợp người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trung tâm giới thiệu việc làm phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Thời điểm tính hưởng trợ cấp thất nghiệp: Ngày thứ 16 tính từ ngày nộp hồ sơ.
Bước 3: Nhận tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp
- Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ thời điểm có quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp, cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương thực hiện chi trả tiền trợ cấp tháng đầu cho người lao động kèm theo thẻ bảo hiểm y tế.
- Hàng tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp trong vòng 12 ngày tính từ ngày hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng đó nếu không nhận được quyết định tạm dừng, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Bước 4: Thông báo tìm việc hàng tháng của người lao động.
Hàng tháng người lao động phải đến trung tâm dịch vụ việc làm thông báo về việc tìm việc làm trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo đúng lịch hẹn kèm theo quyết định trợ cấp thất nghiệp)./.
Bình luận