Định hướng phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 cần tính toán đến “biến số” Covid-19
Trong không khí hào hùng và xúc động của những ngày mùa Thu Hà Nội, kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã có buổi trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo về những thành tựu chính của đất nước sau gần 35 năm đổi mới và những định hướng trong xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, với “biến số” Covid-19 đang có diễn biến phức tạp cả trong nước và thế giới hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương - Ảnh: Zing.vn
Thế và lực của đất nước sau gần 35 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn nhiều!
Thưa Thứ trưởng, có thể nói, sau 35 năm đổi mới, diện mạo và bức tranh toàn cảnh của đất nước ta đã có những thay đổi đáng kể. Xin Thứ trưởng điểm qua những thành tựu chúng ta đã đạt được?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Sau 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặc biệt là qua gần 35 năm đổi mới, thế và lực của đất nước đã lớn mạnh hơn nhiều cả về quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tình hình chính trị - xã hội, đúng như Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng, khi đánh giá diện mạo đất nước sau 35 đổi mới và 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đã nhận định: “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới”.
Việt Nam đã đạt những thành tựu quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, đất nước rơi vào tình cảnh khủng hoảng kinh tế sau chiến tranh, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển, đất nước thoát khỏi khủng hoảng. Diện mạo kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên (đạt ngưỡng thu nhập trung bình); đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; tình hình chính trị - xã hội ổn định; đồng thời tạo ra nhu cầu và động lực phát triển cho tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước…
Thành tựu lớn nhất và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế là không những phá được thế cô lập, bao vây, cấm vận trước đó, mà còn đạt được thành quả vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế; xây dựng được vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong xử lý quan hệ với các nước cả song phương và đa phương. Những sự kiện ngoại giao nổi bật trong thời gian qua được các đối tác và cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Đó là Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 tại Hà Nội, góp phần thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên; Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục (192/193 phiếu); đảm nhiệm các trọng trách quốc tế quan trọng như Chủ tịch ASEAN 2020…
Ngoài ra, những đóng góp quan trọng của Việt Nam tại các diễn đàn ASEAN, ASEM, Liên hợp quốc với tư cách thành viên, cũng như tại G20 với tư cách khách mời đã được bạn bè, đối tác hưởng ứng tích cực.
Đặc biệt, những thành công và kinh nghiệm, cũng như sự hỗ trợ chí nghĩa, chí tình của Việt Nam cho một số nước trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác của Việt Nam ghi nhận, đánh giá rất cao… Qua đó càng khẳng định vị thế quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 xác định 3 khâu đột phá, gồm: (i) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (ii) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; (iii) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Năm 2020 là năm cuối thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, đây là thời điểm rất quan trọng để chúng ta nhìn lại, vậy những kết quả chủ yếu chúng ta đạt được là gì, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Thành tựu đạt được là rất đáng tự hào. Sau 10 năm thực hiện Chiến lược, mô hình tăng trưởng của nước ta đã dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt. Chúng ta đã giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, xuất khẩu thô, lao động nhân công giá rẻ và mở rộng tín dụng, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng ngày càng cao, trong khi ngành khai khoáng có xu hướng giảm; năng suất lao động cải thiện rõ nét. Theo số liệu dự báo trước thời điểm có đại dịch Covid-19, năng suất lao động cải thiện rõ nét, đến năm 2020 dự báo tăng gần 1,5 lần so với năm 2015, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng cao, bình quân giai đoạn 2016-2020 ước khoảng 44,3%, vượt mục tiêu đặt ra (30%-35%).
Đặc biệt, việc thực hiện 3 đột phá chiến lược đã đạt kết quả khả quan và thực chất.
Thứ nhất, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang dần được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập. Chúng ta đã hình thành hệ thống pháp luật về kinh tế khá đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý cho các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp hoạt động. Vai trò của Nhà nước đã được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường, về cơ bản, đã thiết lập được khung pháp luật và bộ máy thực thi hiệu quả hơn. Cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và người dân để có phản ứng chính sách kịp thời, giải quyết ngay và dứt điểm những vướng mắc, bất cập của môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội.
Các yếu tố thị trường và các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ từng bước hình thành đồng bộ, vận hành cơ bản thông suốt và bước đầu có sự gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế.
Thứ hai, quy mô nguồn nhân lực tăng lên trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực đột phá. Quy mô nhân lực của nền kinh tế có sự gia tăng rõ nét trong tất cả các ngành, lĩnh vực, ước năm 2020 có khoảng 56,2 triệu người (tăng so với mức 54 triệu người năm 2015). Công tác đào tạo nhân lực đã có những thay đổi theo hướng tập trung nâng cao chất lượng; đào tạo gắn kết với nhu cầu lao động của địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng lao động; bước đầu áp dụng các phương pháp đào tạo của các tổ chức đào tạo nhân lực quốc tế. Giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm hơn. Nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng, trong đó một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế, như: công nghệ thông tin, y tế, công nghiệp xây dựng, cơ khí...
Đặc biệt, tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia được tăng cường. Khoa học xã hội đã đóng góp tích cực vào cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hạ tầng nghiên cứu trong một số lĩnh vực trọng điểm, như: công nghệ sinh học, hóa dầu, vật liệu, tự động hoá, nano, công nghệ tính toán, y học… được tăng cường; Khởi động và phát triển hệ tri thức Việt số hóa.
Đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia hình thành và có những bước phát triển nhanh chóng, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu.
Thứ ba, kết cấu hạ tầng của Việt Nam đã được quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện theo hướng đồng bộ hiện đại và cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, đối với 4 lĩnh vực hạ tầng trọng tâm:
Hạ tầng giao thông vận tải quy mô lớn đã được đầu tư, nâng cấp, đảm bảo kết nối giữa các vùng miền trong cả nước như việc nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ; đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; Hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng 1050 km đường cao tốc; các công trình cảng hàng không quan trọng như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ, Phú Quốc, Pleiku; Cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải; Luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu...
Hạ tầng năng lượng đã được đầu tư cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Nhiều công trình lớn đã hoàn thành và đang được xây dựng, như: Thủy điện Sơn La, Lai Châu; Nhiệt điện Duyên Hải, Mông Dương 1, Vũng Áng I, Vĩnh Tân II; đưa điện lưới ra các đảo Phú Quốc, Lý Sơn, Cô Tô, Vân Đồn... đã tăng thêm 18,5 nghìn MW công suất nguồn; khoảng 7,6 nghìn km truyền tải các loại 500kV, 220kV và 37,4 nghìn MVA công suất các trạm biến áp.
Hạ tầng thủy lợi được tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp theo hướng đa mục tiêu nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn ở miền Trung, Tây Nguyên, Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long…
Hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư, nhất là ở các thành phố lớn. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, như: các trục giao thông hướng tâm, các đường vành đai, các nút giao lập thể tại các giao lộ lớn, tuyến tránh đô thị, đặc biệt ưu tiên là các vành đai, các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; Chương trình chống thất thoát, thất thu nước sạch đã được triển khai thực hiện có hiệu quả góp phần nâng cao năng lực trong quản lý, vận hành hệ thống cấp nước; Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn cũng đang được triển khai tích cực ở các địa phương.
Nhưng, chúng ta cũng cần nhìn thẳng và phải thấy rõ những hạn chế
Mặc dù đã đạt được những thành tựu, nhưng cũng vẫn phải thừa nhận rằng, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt trong việc thực hiện các đột phá chiến lược đúng không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Đúng vậy, chúng ta cần nhìn thẳng và thấy rõ những hạn chế để khắc phục trong giai đoạn phát triển mới.
Một là, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa đồng bộ, đầy đủ để bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, hiệu quả. Một số thị trường chậm phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, nhất là thị trường quyền sử dụng đất và thị trường khoa học, công nghệ. Một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu chặt chẽ, không ổn định, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, quy hoạch, đất đai, môi trường. Vẫn còn các điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, ban hành giấy phép con trái quy định. Thiếu cơ chế, chính sách thí điểm các mô hình kinh doanh mới, mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã.
Hai là, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Giáo dục và đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng xã hội, kỹ năng sống và khả năng tự học, kỹ năng sáng tạo... Một số nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo triển khai còn chậm; hệ thống trường lớp phân bổ chưa hợp lý, một số nơi còn thiếu, xuống cấp.
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Năng suất lao động vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2019 đạt 11.575 USD, chỉ bằng 7,6% năng suất lao động của Singapore; 19,5% của Malaysia; 37,9% của Thái Lan; 45,6% của Indonesia và bằng 56,9% của Philippines. Điều đáng lo ngại là khoảng cách chênh lệch này vẫn tiếp tục gia tăng. Chênh lệch năng suất lao động (tính theo PPP 2011) của Việt Nam so với Singapore tăng từ 136,5 nghìn USD năm 2015 lên 142,1 nghìn USD năm 2019; tương tự với Malaysia từ 43,99 nghìn USD lên 48,4 nghìn USD; Thái Lan từ 17,6 nghìn USD lên 19,3 nghìn USD; Indonesia từ 13,1 nghìn USD lên 14 nghìn USD; Philippines từ 7,3 nghìn USD lên 8,9 nghìn USD.
Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả. Thị trường khoa học và công nghệ phát triển còn chậm, còn ít các tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm trong hoạt động kết nối cung - cầu. Các hoạt động nghiên cứu khoa học mới tập trung vào các trung tâm, viện nghiên cứu, các nhà khoa học, chưa có cơ chế để phát huy tính sáng tạo và khả năng nghiên cứu khoa học trong nhân dân. Doanh nghiệp chưa thực sự là trung tâm, đóng vai trò quyết định cho đổi mới sáng tạo. Mối liên kết giữa nghiên cứu với đào tạo, giữa nghiên cứu với thị trường và doanh nghiệp còn yếu.
Bên cạnh đó, việc khai thác tài nguyên của nước ta còn thiếu bền vững, hiệu quả quản lý, sử dụng chưa cao, chưa theo nguyên tắc thị trường, nhất là đất đai. Chất lượng không khí ở các đô thị giảm; rác thải ở khu vực nông thôn, ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các nhà máy sản xuất công nghiệp gia tăng. Chưa có cơ chế thúc đẩy việc giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải một cách hiệu quả. Tình trạng xâm nhập mặn, phèn hoá, sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra nghiêm trọng ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung khắc phục còn chậm. An ninh nguồn nước chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng phá rừng, khai thác cát, đá, sỏi trái phép ở một số nơi ngăn chặn chưa hiệu quả. Xu hướng suy giảm nguồn lợi thuỷ sản chưa được khắc phục.
Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại chưa đạt yêu cầu. Các dự án, công trình giao thông khởi công mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016-2020 rất ít so với yêu cầu, quy hoạch phát triển. Vận tải hàng hoá trong nước chủ yếu là đường bộ, chi phí logistics còn ở mức cao. Đầu tư mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đường bộ, chưa quan tâm đúng mức đến đường sắt, đường thủy, thiếu các cảng biển, cảng đường sông hiện đại để phát triển kinh tế và du lịch. Hạ tầng hàng không đã được nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và du lịch, một số sân bay quốc tế lớn, như: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng... đều đã quá tải. Hạ tầng năng lượng còn thiếu tính đồng bộ, một số dự án điện quan trọng chậm tiến độ, việc phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng thay thế còn có những bất cập.
Phát triển không đồng bộ giữa mở rộng không gian đô thị và chất lượng đô thị vẫn tồn tại. Số lượng các đô thị nhỏ nhiều. Năng lực hệ thống hạ tầng đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ gia tăng dân số đô thị, nhất là về giao thông, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải... Kết cấu giao thông đồng bộ kết nối đô thị và nông thôn, giữa trung tâm và các khu vực mở rộng ven đô vẫn thiếu. Phát triển nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra.
Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 cần tính đến biến số Covid-19
“Bối cảnh mới với biến số Covid-19 khiến công tác dự báo chưa bao giờ khó khăn như hiện nay”, đó là phát biểu của Thứ trưởng trong một cuộc họp báo. Xin Thứ trưởng chia sẻ rõ hơn về quan điểm này?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Thực sự đó không chỉ là cảm xúc của tôi, mà là sự chia sẻ thực tâm của không chỉ riêng tôi, mà còn của cả đội ngũ các cơ quan, cá nhân thực hiện công tác dự báo hiện nay.
Tăng trưởng kinh tế thế giới chắc chắn sẽ chậm hơn giai đoạn trước; thương mại và đầu tư quốc tế có xu hướng giảm; nợ công toàn cầu tăng, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Đặc biệt, ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch Covid-19 có khả năng gây ra suy thoái và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, không chỉ tác động đến năm 2020, mà có khả năng kéo dài đến những năm đầu của thời kỳ kế hoạch 5 năm 2021- 2025.
Các liên kết kinh tế khu vực và song phương tiếp tục được thúc đẩy, tuy nhiên liên kết kinh tế toàn cầu vẫn gặp khó khăn. Xu hướng đa cực, nhiều trung tâm của kinh tế thế giới ngày càng rõ với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Các hiệp định thương mại đi liền với việc gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan.
Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư cũng tác động nhanh, sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường. Tiến bộ công nghệ có thể làm thay đổi bản chất của thương mại, đầu tư và lao động toàn cầu, tạo cơ hội cho các nước đi sau tăng tốc phát triển nhưng cũng có thể khiến cho các khâu sản xuất có thể chuyển ngược trở lại các quốc gia phát triển, làm hạn chế dòng dịch chuyển vốn toàn cầu.
Ngoài ra, các thách thức về biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên, sử dụng nguồn nước xuyên biên giới, nhất là nguồn nước sông Mê Kông, an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng, đặt ra yêu cầu ngày càng cấp bách về tăng cường hợp tác xử lý; đặt ra nhiều vấn đề, thách thức lớn chưa từng có cho phát triển nhanh và bền vững.
Với việc có quá nhiều yếu tố bất định, công tác dự báo hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Dẫn chứng như việc dự báo tăng trưởng năm 2020, trong quá trình chúng tôi làm dự báo, khi giả định các kế hoạch, dự kiến mở cửa lại nền kinh tế của một số nền kinh tế trên thế giới, qua diễn biến của dịch Covid-19 đã cho thấy, có nhiều kế hoạch đã đổ vỡ, có nền kinh tế dự kiến mở cửa nhưng phải lùi thời điểm, có những nơi mở cửa rồi nhưng một thời gian ngắn phải đóng lại. Thực tế hiện nay, kết quả dự báo của các tổ chức quốc tế có tiếng trên thế giới cũng khác nhau.
Trong diễn biến đó, chúng ta cần lưu ý điều gì khi xây dựng Kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế khiến tăng trưởng dự báo sẽ đạt thấp. Trong Kế hoạch 5 năm tới, nhiệm vụ đầu tiên là phục hồi kinh tế, mà phục hồi kinh tế trong điều kiện phải ổn định kinh tế vĩ mô. Để thực hiện song song điều này là rất khó, các cân đối lớn phải được tính toán rất nghệ thuật. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới phải tính toán làm sao tìm kiếm được nguồn lực cho phát triển, đặc biệt là nguồn lực cho giai đoạn phục hồi kinh tế.
Đại dịch Covid diễn biến rất phức tạp, lại khó dự báo, cho nên việc xây dựng kế hoạch phải chia làm nhiều kịch bản. Các kịch bản phải dựa theo dự báo về tốc độ sản xuất vắc xin. Chúng ta phải đưa ra dự liệu, tùy vào tình hình. Ví như kịch bản có vắc xin đầu năm 2021, thì như thế nào, đến giữa năm mới có, thì ra sao? Bối cảnh hiện nay đang có một làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới, do đó kịch bản tăng trưởng phải được xây dựng phù hợp và chi tiết.
Vì thế, việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 cần phải phân tích rõ hơn bối cảnh hiện tại, nhất là dịch Covid-19 gây ra cuộc “khủng hoảng kép” y tế và kinh tế lớn nhất trong lịch sử phát triển của kinh tế hiện đại (đầu thế kỷ XX đến nay), tác động to lớn đến sự phát triển của năm 2020 và cả đầu nhiệm kỳ tới.
Trong bối cảnh mới, nhằm phát huy các kết quả đã đạt được, vượt qua các khó khăn, thách thức, tạo tiền đề thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Nghiên cứu, hình thành khung khổ pháp lý cho sự phát triển phù hợp với tình hình mới, như: thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển xanh lam, thân thiện với môi trường; thúc đẩy chuyển đổi hạ tầng số, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và các mô hình kinh tế mới ứng dụng công nghệ số...
Đồng thời, cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế, khơi dậy nội lực trong nước; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh để ứng phó linh hoạt với tác động của thiên tai, dịch bệnh; khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế sau thiên tai, dịch bệnh.
Đặc biệt, cần tăng cường huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế. Nâng cao hiệu quả quản lý nợ công và sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm.
Thúc đẩy phát triển các vùng và khu kinh tế theo quy hoạch đã được phê duyệt; nghiên cứu, ban hành quy chế phối hợp điều hành các vùng, liên kết vùng; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng; phát triển các mô hình kinh tế xanh cho các vùng và khu kinh tế; phát triển các vùng nguyên vật liệu trong nước để chủ động hơn các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh; phát triển kinh tế biển.
Một giải pháp rất quan trọng không thể không nhắc đến, đó là nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kĩ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, am hiểu pháp luật, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư.
Xin trân trọng cám ơn Thứ trưởng về buổi trao đổi hôm nay!
Phương Anh (Thực hiện)
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 25/2020)
Bình luận