Đưa quan hệ Việt – Trung lên tầm cao mới
Quan hệ không ngừng mở rộng và phát triển
Sau khi cách mạng Trung Quốc thành công, ngày 15/1/1950, Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đến ngày 18/1/1950, Trung Quốc gửi điện trả lời đồng ý. Trung Quốc là nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, cũng là nước đầu tiên cử đại sứ sang Việt Nam.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Trung Quốc đã hỗ trợ mạnh mẽ cho Việt Nam về cả con người và vật chất. Giai đoạn 1950-1954, Trung Quốc cử các tướng lĩnh như Đại tướng Trần Canh, Thượng tướng Vi Quốc Thanh và rất nhiều cố vấn sang giúp Việt Nam đánh Pháp. Giai đoạn 1965-1975, Trung Quốc cử nhiều đơn vị quân đội sang Việt Nam để giúp bảo vệ hệ thống cầu đường, đảm bảo giao thông vận chuyển vũ khí, quân nhu từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Rất nhiều bộ đội Trung Quốc đã hy sinh trên đất nước ta.
Tuy nhiên, lịch sử quan hệ hai nước cũng tồn tại những mảng tối. Năm 1974, lợi dụng thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ đi vào giai đoạn quyết liệt, Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa. Năm 1979, Trung Quốc gây nên cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Đến năm 1988, Trung Quốc lại đưa quân ra chiếm 7 đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Có thể nói giai đoạn 1979-1990, quan hệ hai nước xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.
Đến năm 1990, trước sự thay đổi của tình hình thế giới, hai nước đều có nhu cầu bình thường hóa quan hệ. Tháng 11/1991, trong chuyến thăm Bắc Kinh của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ.
Từ 1991 đến nay, quan hệ Việt - Trung tuy còn những khó khăn, nhưng nhìn tổng thể, vẫn phát triển sâu rộng trên mọi lĩnh vực. Nhận thức về tầm quan trọng của mối quan hệ ổn định, hữu nghị giữa hai nước láng giềng xã hội chủ nghĩa, lãnh đạo cấp cao hai bên đã thường xuyên tiếp xúc, trao đổi và liên tục củng cố khuôn khổ quan hệ hai nước. Việt Nam – Trung Quốc đã xác định phát triển quan hệ theo phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Gần 20 năm sau khi bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Trung Quốc đã giải quyết thành công 2 trong 3 vấn đề do lịch sử để lại hết sức phức tạp trong quan hệ hai nước, đó là hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền và phân định Vịnh Bắc Bộ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và người đồng cấp trong chuyến thăm Trung Quốc hôm 4/7/2015
Năm 2008, quan hệ Việt - Trung đã được nâng lên thành “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”. Từ đó đến nay quan hệ hai nước không ngừng mở rộng, ngày càng đi vào chiều sâu trong tất cả các lĩnh vực, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Quan hệ hợp tác giữa hai Đảng không ngừng được củng cố và phát triển. Hai bên duy trì trao đổi đoàn và thiết lập các cơ chế hợp tác giao lưu giữa các cơ quan Đảng; tiến hành thường xuyên các cuộc hội thảo lý luận, trao đổi kinh nghiệm về xây dưng Đảng, quản lý đất nước, phát triển kinh tế, xã hội; tiến hành hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ…
Quan hệ hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại, đầu tư có tiến triển. Kim ngạch thương mại hai chiều 9 tháng năm 2015 đạt hơn 49 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 10/2015, hai bên đã tiến hành kỳ họp thứ 9 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Trung Quốc; Phiên họp lần thứ nhất cấp bộ trưởng Nhóm công tác hợp tác cơ sở hạ tầng Việt Nam-Trung Quốc. Việt Nam cũng đã khai trương Văn phòng xúc tiến thương mại đầu tiên tại Trùng Khánh, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc vào tháng 5/2015. Đến nay, Trung Quốc có gần 1.180 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký trên 8,4 tỷ USD, đứng thứ 9 trong 105 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trung Quốc vẫn dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam, với hơn 12,6 triệu lượt khách trong 9 tháng năm 2015.
Quan hệ hợp tác giáo dục, văn hoá, thể thao và du lịch với Trung Quốc cũng được đẩy mạnh. Hàng năm, Trung Quốc cung cấp 130 học bổng dài hạn và 10 học bổng thực tập sinh ngắn hạn cho Việt Nam. Hiện có hơn 13.500 lưu học sinh Việt Nam đang học tại các trường đại học của Trung Quốc với những ngành nghề đa dạng và có khoảng trên 3.500 học sinh Trung Quốc đang du học tại Việt Nam, chủ yếu tập trung vào các ngành ngôn ngữ , du lịch và kinh doanh.
Về văn hóa, thể thao, hai bên vẫn đang tích cực triển khai “Kế hoạch thực hiện Hiệp định văn hóa Việt - Trung giai đoạn 2013-2015” (ký dịp Phiên họp 6 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung); tích cực thúc đẩy việc thành lập Trung tâm văn hóa của nước này tại nước kia; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực sản nghiệp văn hóa, nguồn nhân lực... Hàng năm, hai bên trao đổi nhiều đoàn biểu diễn nghệ thuật, tổ chức nhiều cuộc giao lưu văn hoá, thể thao, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Hai bên cũng đã triển khai thực hiện hiệu quả “Thoả thuận về hợp tác Thể dục thể thao”, Trung Quốc giúp ta trong việc huấn luyện và đào tạo vận động viên tài năng cho những đấu trường lớn.
Một số trở ngại
Mặc dù quan hệ Việt - Trung đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tuy nhiên hai nước vẫn còn tồn tại một số khó khăn và thách thức. Trong đó phải kể đến vấn đề Biển Đông, lòng tin trong quan hệ hai nước và tình trạng nhập siêu lớn từ Trung Quốc của Việt Nam.
Có thể thấy rõ vấn đề Biển Đông là trở ngại chính trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hiện nay. Đây là vấn đề phức tạp do lịch sử để lại, không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Những diễn biến gần đây trên Biển Đông càng cho thấy sự cần thiết phải tôn trọng lợi ích chính đáng, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở những nhận thức chung và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và thoả thuận đạt được giữa hai bên Việt - Trung như “Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển hay Tuyên bố DOC giữa Trung Quốc, ASEAN.
Lòng tin trong quan hệ hai nước đang bị xói mòn, dù sau bình thường hoá quan hệ hai nước đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng lại. Nhưng việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, xây dựng đảo nhân tạo, sân bay trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cũng như 2 hải đăng tại đá Châu Viên và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa đã làm tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với quan hệ Việt - Trung, tác động tiêu cực đến sự tin cậy lẫn nhau mà hai bên vừa qua phải nỗ lực mới đạt được.
Một trong những trở ngại tiếp theo trong quan hệ Việt - Trung là tình trạng nhập siêu lớn của Việt Nam từ Trung Quốc. Theo số liệu của Bộ Công thương và Tổng Cục Hải quan Việt Nam, nhập siêu của Việt Nam trong cán cân thương mại với Trung Quốc tăng từ 221 triệu USD năm 2001 lên 28,16 tỷ USD năm 2014, và dự tính sẽ còn tiếp tục tăng. Trong 9 tháng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt khoảng 12,4 tỷ USD, nhưng kim ngạch nhập khẩu lại lên tới 36,7 tỷ USD. Việc nhập siêu quá lớn như hiện nay có nguy có phá vỡ tính bền vững trong quan hệ thương mại của hai nước.
Trước những cơ hội mới và thách thức mới hiện nay, yêu cầu hai bên cùng nhau giải quyết nhằm đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển lành mạnh trong tương lai và đạt được nhiều thành quả thiết thực, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước./.
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 5-6/11. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc trong 9 năm qua. Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc và trong tổng thể quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Với chuyến thăm này, Việt Nam tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; nhất quán coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ tốt đẹp, thực chất với Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng cùng có lợi; duy trì hoạt động trao đổi đoàn cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước; bảo vệ lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, kiểm soát tốt bất đồng, cùng duy trì xu thế hòa bình, ổn định trên Biển Đông, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. |
Bình luận