Rạng sáng ngày 18/06/2016 theo giờ Việt Nam, cuộc họp định kỳ của Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) sẽ kết thúc với những quyết định cả thể giới chịu tác động.

Bối cảnh chung

Sau “Đại suy thoái” toàn cầu do khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới năm 2008, khởi đầu từ Mỹ, Fed đã liên tục cắt giảm lãi suất cơ bản từ mức 5,25% xuống 0,0 – 0,25% và đưa ra các gói nới lỏng định lượng QE1, QE2 và QE3. Nhờ đó, kinh tế Mỹ đã vực dậy và phát triển mạnh mẽ.

Từ giữa năm 2013, Fed phát tín hiệu sẽ sớm kết thúc gói QE3. Từ tháng 01/2014, gói QE3 đã bắt đầu được Fed cắt giảm dần dần và đến 29/10/2014, QE3 đã chính thức khép lại. Đồng thời, từ cuối năm 2014, căn cứ vào sự phục hồi rõ nét của nền kinh tế Mỹ và một số nền kinh tế lớn trên thế giới, Fed bắt đầu bàn tới việc thắt chặt tiền tệ bằng dự định nâng lãi suất cơ bản.

Từ đầu năm 2015, dự báo thời điểm Fed quyết định nâng lãi suất cơ bản và quy trình nâng lãi suất cơ bản như thế nào đã chi phối mạnh tới tất cá các nền kinh tế toàn cầu, khiến các thị trường chứng khoán, tiền tệ, hàng hoá rung lắc dữ đội và làm các dòng vốn đầu tư có những động thái dịch chuyển khó lường.

Chỉ vài tháng trước, giới phân tích đã dự báo cuộc họp Ủy ban thị trường mở (FOMC) giữa tháng 06/2015 là cuộc họp sẽ công bố đợt tăng lãi suất đầu tiên của FED sau 9 năm duy trì mức thấp nhất trong lịch sử gần 100 năm nay, tính từ Đại suy thoái 1929 - 1933. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến đã khiến việc này bị trì hoãn

Bà Janet Yellen, Chủ tịch Fed, cho rằng, sẽ tăng lãi suất cơ bản trong năm 2015 khi các điều kiện kinh tế cho phép. Nhưng các dữ liệu kinh tế Mỹ đang có những dấu hiệu tốt - xấu lẫn lộn, trong đó có nhiều chỉ báo kinh tế cho thấy, kinh tế Mỹ đang giảm tốc trong đầu năm 2015, nên câu chuyện lãi suất của Fed vẫn luôn là một đề tài quan trọng nhất trong năm nay.

Bà Janet Yellen, Chủ tịch Fed, cho rằng, sẽ tăng lãi suất cơ bản trong năm 2015 khi các điều kiện kinh tế cho phép

Chỉ số USD, thước đo sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chính khác trong rổ tiền tệ, đã tăng mạnh mẽ từ 70 điểm vào cuối năm 2011 lên mức cao kỷ lục là 100,39 điểm vào đầu năm 2015 khiến hầu hết các đồng tiền chính như đồng Yen của Nhật, Euro của cộng đồng châu Âu, Đôla Úc, Bảng Anh, Rúp của Nga, real của Brazil…giảm sâu, giá cà hàng hoá trượt dài, mà đặc biệt là giá dầu và giá năng lượng.

Nhưng, từ đầu tháng 04/2015, chỉ số USD đã có dấu hiệu chững lại và giảm về mức quanh 95 điểm, sau khi hàng loạt thông tin kinh tế Mỹ được công bố không khả quan làm kỳ vọng Fed sớm tăng lãi suất cơ bản của giới đầu tư giảm xuống.

Các chỉ số chứng khoán của Mỹ đã liên tục lập kỷ lục mới của mọi thời đại, do nền kinh tế Mỹ phát triển mạnh trong những năm gần đây nhờ các gói nới lỏng định lượng và chính sách lãi suất thấp gần bằng 0 của Fed. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại rằng, việc Fed sớm tăng lãi suất cơ bản sẽ khiến các thị trường chao đảo, thậm chí sụp đổ.

Cuộc họp Ủy ban thị trường mở Liên bang Mỹ giữa tháng 06/2015

Tất cả các thị trường toàn cầu và các nhà đầu tư đang nín thở chờ đợi kết quả của cuộc họp kéo dài 2 ngày của Ủy ban Thị trường Mở liên bang (Federal Open Market Committee - FOMC) thuộc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), sẽ kết thúc vào rạng sáng ngày thứ Năm, 18/06/2015, giờ Việt Nam.

Ngay sau cuộc họp, đúng 2 giờ sáng, Fed sẽ công bố quyết định của FOMC về lãi suất cơ bản, đưa ra báo cáo đánh giá về triển vọng kinh tế và lạm phát của Mỹ trong 2 năm tới cùng với kỳ vọng lãi suất cơ bản của các thành viên FOMC (FOMC Economic Projections) và đưa ra Tuyên bố chính sách tiền tệ của FOMC (FOMC Statement hay Monetary Policy Statement). Quan trọng hơn là thông tin về họp báo của Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen lúc 01 giờ 30 phút, sáng ngày 18/06/2015.

Khảo sát mới nhất của hãng tin Bloomberg với các nhà kinh tế cho thấy 17 nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ nâng lãi suất lên mức 0,625% cho tới cuối năm nay, không thay đổi so với khảo sát hồi tháng 03/2015.

Nhiều khả năng Fed sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên sau 9 năm trong kỳ họp FOMC tháng 09 tới đây, nhưng cho tới thời điểm hiện tại, nhiều chuyên gia kinh tế lại dự báo khả năng Fed sẽ di dời việc tăng lãi suất vào tháng 12/2015.

Theo các nhà phân tích, trong cuộc họp báo đó, nhiều khả năng Chủ tịch Yellen sẽ nhấn mạnh vào thời điểm khả quan nhất để nâng lãi suất và lãi suất có thể được nâng vào 1 trong 4 cuộc họp FOMC còn lại trong năm nay, chủ yếu phụ thuộc vào các diễn biến của nền kinh tế. Vào ngày 22/5/2015, bà đã cho biết nếu kinh tế tiến triển như mong đợi, việc nâng lãi suất trong năm nay là hợp lý.

Bà Yellen cũng có thể sẽ nhấn mạnh rằng tình hình kinh tế yếu kém trong quý I/2015 là do nhiều yếu tố tạm thời, ví dụ như giá dầu giảm và ảnh hưởng của mùa đông giá lạnh. Đồng thời, bà có thể đưa ra cam kết trấn an thị trường rằng, tiến trình nâng lãi suất sẽ diễn ra một cách từ tốn.

Những rào cản cho quyết định tăng lãi suất cơ bản của Fed

Cần lưu ý rằng, cách đây ít ngày, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF và ngân hàng Thế giới World Bank đã khuyến cáo Fed chưa nên tăng lãi suất cơ bản trong năm nay.

Nhà kinh tế trưởng Kaushik Basu của WB cho biết FED nên hoãn nâng lãi suất cho đến năm sau để tránh làm trầm trọng hóa các biến động tỉ giá hối đoái và khiến tăng trưởng toàn cầu “hụt hơi”.

Báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” được công bố 2 lần mỗi năm, WB dự đoán tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 2,8% trong năm nay, thấp hơn mức 3% đưa ra vào hồi tháng 1. Báo cáo nhận định giá hàng hóa giảm, đặc biệt là việc giá dầu giảm hơn 40%, đã gây tổn hại đến các nước xuất khẩu hàng hóa nhiều hơn mức dự tính. WB cũng cảnh báo các nước nên chuẩn bị cho việc Mỹ nâng lãi suất cơ bản, điều này sẽ khiến lãi suất vay tiền tại các nước đang phát triển tăng cao.

Kinh tế gia của World Bank, Basu cho biết: “Nếu chúng tôi được đưa ra lời khuyên cho FED, chúng tôi sẽ đề xuất rằng việc nâng lãi suất nên được tiến hành vào năm sau thay vì cuối năm nay”. Ông lo lắng rằng, lãi suất tại Mỹ tăng sẽ gây ra biến động tỉ giá hối đoái và khiến đồng USD mạnh lên. Nhưng điều này đều không tốt cho kinh tế Hoa Kỳ và gây tác động tiêu cực tới các quốc gia khác. Ông cũng nhấn mạnh đây là quan điểm cá nhân của ông chứ không phải quan điểm chung của WB.

Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 05/6 đã đưa ra khuyến cáo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nên trì hoãn việc tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần 9 năm qua cho đến nửa đầu năm 2016. Theo IMF, nền kinh tế Mỹ chưa thật sự ổn định và tiềm ẩn lạm phát tăng, nên FED cần chờ cho đến khi có những dấu hiệu lạc quan trở nên rõ ràng hơn. IMF cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tốt hơn nếu tăng lãi suất vào đầu năm 2016

Kevin Logan, chuyên gia tại HSBC Securities Inc. (USA) cho rằng, các điều kiện kinh tế hiện tại không thích hợp để Fed tiến hành nâng lãi suất vào tháng 9 và định chế này sẽ không “hành động” cho đến tháng 12 năm nay.

Vị này phát biểu rằng: “Với tỷ lệ lạm phát hiện đang ở mức thấp nhiều so với mục tiêu của Fed và dự báo tăng trưởng chậm hơn so với năm 2014, chúng tôi không nghĩ nền kinh tế Mỹ đủ lực để đón nhận cú nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần 1 thập kỷ vào tháng 9/2015. FOMC có khả năng sẽ trì hoãn thắt chặt, ít nhất cho đến tháng cuối năm nay. Chúng tôi cho rằng, tốc độ tăng GDP chậm chạp sẽ “hãm” số lần nâng lãi suất trong năm 2016. Dự báo con số này sẽ giảm còn 2 lần, so với kì vọng trước đó là 3 lần.”

Theo tổ chức này, trước cuối năm 2016, lãi suất có thể ở ngưỡng 0,75% – 1%, thấp hơn mức dự báo 1,25% – 1,5% trước đây.

Dự báo những tác động của việc Fed tăng lãi suất cơ bản

Còn quá sớm để đưa ra dự báo về những ảnh hưởng từ việc Fed tăng lãi suất cơ bản tới nền kinh tế toàn cầu hay riêng mỗi quốc gia, cũng như những ảnh hưởng tới sức mạnh đồng USD, tới thị trường hối đoái, chứng khoán và hàng hoá. Nhưng, chắc chắn rằng quyết định thắt chặt tiền tệ của Fed sẽ gây ra những rung lắc mạnh cho tất cả các thị trường toàn cầu cũng như sự phát triển kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Trong nhiều tháng gần đây, thế giới đã chứng kiến một sự dịch chuyển ngược chiều đáng kể của sức mạnh nền kinh tế Mỹ so với các nền kinh tế khác, về sức mạnh của đồng USD so với các đồng tiền còn lại của thế giới, về xu hướng thắt chặt tiền tệ của Mỹ và nới lỏng tiền tệ của EU, Trung Quốc, Nhật Bản…

Về mặt lý thuyết, khi Fed tăng lãi suất cơ bản, đồng USD sẽ mạnh hơn và thị trường hối đoái sẽ biến động mạnh, các dòng vốn đầu tư sẽ dịch chuyển và nền kinh tế thế giới sẽ thay đổi sâu rộng, với khả năng tiêu cực nhiều hơn là tích cực.

Quyết định tăng lãi suất của Fed sẽ làm gia tăng các cách biệt và làm thay đổi nhiều điều trên thế giới. Nhưng, thực tế vẫn là một câu hỏi lớn chưa có hồi đáp rõ ràng.

Trong quá khứ, đã ít nhất hai lần các quan chức Fed gặp sai lầm nghiêm trọng trong việc bắt đầu thay đổi chính sách lãi suất. Đó là vào năm 1937 và 1989, sau một giai đoạn dài giữ lãi suất ở mức thấp để vực dậy nền kinh tế sau Đại suy thoái, các quan chức Fed khi đó đã quyết định nâng lãi suất cơ bản và cả hai lần tăng lãi suất đó đã đẩy thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ.

Tất nhiên, trong hiện tại, Fed chỉ bắt đầu tăng lãi suất cơ bản khi các quan chức trong cuộc họp FOMC của Fed cho rằng các điều kiện kinh tế Mỹ (và của toàn cầu) đã thật sự chin muồi trong bối cảnh những bài học quá khứ liệu đã được rút kinh nghiệm sâu sắc?!.

Riêng đối với Việt Nam, quyết định tăng lãi suất của Fed sẽ tác động mạnh tới nền kinh tế cũng như chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, ảnh hưởng nhiều đến giá cả xuất - nhập khẩu, khiến tỷ giá USD/VND bị ảnh hưởng, lãi suất vay tiền từ nước ngoài sẽ tăng lên trong bối cảnh nợ công của Việt Nam đang ở mức cao…, đây mới thực sự là một thử thách lớn?

Đồng USD mạnh sẽ khiến giá cả hàng hoá thế giới sụt giảm, ảnh hưởng mạnh tới xuất khẩu hàng hoá, nông sản của Việt Nam./.