Giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vùng Trung du và Miền núi Bắc bộ
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 146/TB-VPCP, ngày 21/4/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác số 3 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại Hội nghị trực tuyến với 09 tỉnh Vùng Trung du và Miền núi Bắc bộ.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác số 3 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại Hội nghị trực tuyến với 09 tỉnh Vùng Trung du và Miền núi Bắc bộ. |
Hết quý I/2023, tỷ lệ giải ngân của 9 tỉnh đều chưa đạt được mức bình quân chung của cả nước
Thông báo nêu, đến hết quý I/2023 tỷ lệ giải ngân của 09 tỉnh đều chưa đạt được mức bình quân chung của cả nước (10,35%) và còn hạn chế so với kết quả cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ giao tổng kế hoạch vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2023 cho 9 địa phương là gần 49.000 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương là hơn 32.000 tỷ đồng, còn lại là vốn cân đối ngân sách địa phương.
Trong tổng số vốn ngân sách Trung ương, còn hơn 7.952 tỷ đồng chưa được các địa phương phân bổ, chiếm 24,8% tổng số vốn được giao.
Về giải ngân, đến hết quý I/2023, tiến độ giải ngân của 9 địa phương mới đạt 7,23% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân của cả nước là 10,35% theo báo cáo của Bộ Tài chính.
Trong số 9 địa phương, Lai Châu có tỉ lệ giải ngân cao nhất với 10,25%, cao hơn bình quân chung của 14 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ (9,72%).
Trong khi đó, chỉ có Bắc Kạn có tỉ lệ giải ngân vốn ODA đạt 41,16%, trong khi các tỉnh còn lại chưa giải ngân nguồn vốn này.
Bên cạnh những yếu tố khách quan, công tác giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương còn gặp nhiều vướng mắc, tập trung vào một số nhóm nguyên nhân như: (i) các văn bản hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đầy đủ hoặc chưa rõ ràng, thống nhất trong hệ thống pháp luật; (ii) cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục về giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn bất cập, làm kéo dài thời gian thực hiện các dự án; (iii) quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và rừng để thực hiện các dự án lớn, trọng điểm còn phức tạp, cần báo cáo nhiều cấp, nhiều ngành, gây mất nhiều thời gian; (iv) quy trình, thủ tục đầu tư các dự án còn phức tạp, nhất là đối với các dự án đầu tư xây dựng; (v) vướng mắc liên quan đến quy định về khai thác tài nguyên, khoáng sản và nguyên vật liệu đầu vào phục vụ các dự án đầu tư công, đặc biệt là đối với đất san lấp, cát, sỏi; (vi) năng lực thực thi của một số cơ quan, đơn vị, nhà thầu còn yếu kém; (vii) một số nơi còn tình trạng "trên nóng dưới lạnh", chưa thực sự quyết liệt trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công...
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm 2023, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước cũng như các địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ; các Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/2/2023, số 123/CĐ-TTg ngày 10/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong công tác phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2023 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; thực hiện ngay việc phân bổ 100% vốn đầu tư công theo kế hoạch được giao bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo hướng phân cấp mạnh hơn cho cấp huyện, cấp cơ sở, tránh dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh trong nội bộ của bộ, cơ quan, địa phương mình theo quy định; kiên quyết thực hiện điều chuyển vốn đầu tư công từ các bộ, cơ quan, địa phương, dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, chậm giải ngân sang các bộ, địa phương, đơn vị, dự án có tiến độ giải ngân cao và có tính khả thi; không để tái diễn tình trạng các dự án khởi công mới chậm hoặc không thể giải ngân trước ngày 30/10 hằng năm.
Các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp so với mức trung bình cả nước nghiêm túc rà soát, rút kinh nghiệm, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế để phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương; chủ động rà soát, lựa chọn một số cơ chế, chính sách để ưu tiên nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và quy định hiện hành theo hướng tháo gỡ các "nút thắt", khơi thông các "điểm nghẽn" trong giải ngân vốn đầu tư công bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức triển khai thực hiện thuận lợi, thông suốt, thống nhất trong hệ thống pháp luật; các văn bản đề xuất, trao đổi, phối hợp giữa các bộ, cơ quan, địa phương phải được xử lý, trả lời trong thời hạn 07 ngày làm việc (trường hợp không trả lời hoặc chậm trả lời theo thời hạn được xác định là đồng ý và bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ) và đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Chủ động chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để cùng hoàn thiện, thống nhất trong công tác triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, đặc biệt là trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; tăng cường công tác theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau quá trình triển khai thực hiện để phát hiện sớm các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, kịp thời hướng dẫn và đề xuất các giải pháp tháo gỡ, khắc phục với cấp có thẩm quyền.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan: Tài chính; Lao động – Thương binh và Xã hội; Xây dựng; Y tế; Thông tin và Truyền thông; Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban Dân tộc theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Thông báo số 127/TB-VPCP ngày 13/4/2023 và Thông báo số 129/TB-VPCP ngày 14/4/2023 của Văn phòng Chính phủ; hoàn thành trong tháng 4/2023.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan Thường trực của Tổ công tác, tổng hợp chung kết quả kiểm tra và kiến nghị của các địa phương thuộc trách nhiệm theo dõi, kiểm tra của Tổ công tác số 3 cùng với kết quả kiểm tra của các Tổ công tác khác để báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2023 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 14/3/2023./.
Bình luận