Giải pháp góp phần hài hòa quan hệ lợi ích trong phát triển thị trường carbon ở Việt Nam hiện nay
TS. Phùng Lê Dung
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Email: dungphungle.ipe@gmail.com
Tóm tắt
Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang đặc biệt nghiêm trọng, thì việc thị trường carbon ra đời được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu để giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và góp phần gìn giữ hệ sinh thái một cách bền vững. Bài viết khái quát chung về tín chỉ carbon và thị trường carbon, tập trung phân tích các quan hệ trên thị trường này, từ đó đưa ra một số gợi ý chính sách nhằm góp phần hài hòa mối quan hệ giữa các chủ thể trong phát triển thị trường carbon.
Từ khóa: thị trường carbon, tín chỉ carbon, quan hệ lợi ích
Summary
In the context of particularly serious environmental pollution and climate change, the establishment of the carbon market is considered one of the effective measures to reduce greenhouse gas emissions, protect the environment and contribute to sustainably preserving the ecosystem. The article provides a general overview of carbon credits and the carbon market, focusing on analyzing the relationships in this market, thereby providing some policy suggestions to contribute to harmonizing the relationships between subjects in the development of the carbon market.
Keywords: carbon market, carbon credits, interest relations
ĐẶT VẤN ĐỀ
Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu đang ngày càng trở thành vấn đề cấp bách của nhân loại bởi những hậu quả nghiêm trọng khó lường mà chúng gây ra đối với con người, hệ sinh thái và nền kinh tế. Chính vì vậy, thị trường carbon ra đời được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu để giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và góp phần gìn giữ hệ sinh thái một cách bền vững. Tuy nhiên, làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa các chủ thể trên thị trường mới phát triển này cũng là một thách thức đối với Việt Nam. Do vậy, việc nghiên cứu xem xét vấn đề lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường carbon, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp cần thiết và hiệu quả góp phần hài hài quan lợi ích này ở Việt Nam hiện nay.
TỔNG QUAN CHUNG VỀ TÍN CHỈ CARBON VÀ THỊ TRƯỜNG CARBON
Quan niệm về tín chỉ carbon và thị trường carbon
Quá trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế khiến nền kinh tế thế giới ngày càng sôi nổi và phụ thuộc lẫn nhau. Cùng với quá trình đó là sự phát triển công nghiệp với tốc độ chóng mặt và sự tăng trưởng nóng của các nước đang phát triển. Sự tăng trưởng ấy được đánh đổi bằng việc khai thác, sử dụng quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên khiến tài nguyên thiên nhiên trở thành nguồn lực khan hiếm, là đối tượng bị tranh chấp quyết liệt ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là các nguồn tài nguyên không tái tạo. Đồng thời, điều đó cũng khiến diện tích rừng trên thế giới ngày càng thu hẹp, lượng khí CO2 trong khí quyển tăng cao gây nên hiệu ứng nhà kính toàn cầu dẫn đến đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu trên trái đất với những hậu quả nghiêm trọng như: hạn hán, cháy rừng tự phát, lũ lụt, mực nước biển dâng cao, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống con người và hệ sinh thái.
Chính vì vậy, tiêu chuẩn tín chỉ carbon được coi là một trong những giải pháp thiết thực nhằm giải quyết tình trạng trên, giảm lượng khí thải CO2 và các loại khí nhà kính khác từ các hoạt động công nghiệp, nhằm giảm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu, góp phần điều chỉnh cân bằng hơn mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường.
Tín chỉ carbon được quy ước là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc một tấn khí carbon dioxide (CO2) tương đương [1]. Do đó, thị trường carbon là thị trường hàng hoá đặc biệt, đặc biệt ở chỗ trên thị trường chỉ có một loại hàng hoá duy nhất, không giống với hàng hoá thông thường, đó là hạn ngạch phát thải khí nhà kính hay tín chỉ carbon. Đây là nơi mà các tổ chức, cá nhân mua bán quyền phát thải khí nhà kính, tham gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon theo các quy định được ban hành.
Tại Việt Nam, các chủ thể được phép tham gia vào thị trường, bao gồm: Cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành; Tổ chức tham gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định;Tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon trên thị trường carbon [2].
Cách thức hoạt động của thị trường carbon
Việc mua bán tín chỉ carbon được quản lý bởi chính phủ hoặc các tổ chức quốc tế chịu trách nhiệm đặt ra giới hạn về lượng khí phát thải nhà kính (tính bằng một đơn vị CO2). Do đó, các doanh nghiệp chỉ được phát thải một lượng carbon nhất định từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng năm. Nếu vượt quá giới hạn quy định này, họ cần mua tín chỉ carbon hoặc đền bù carbon. Nếu không vượt quá giới hạn, họ có thể bán lại tín chỉ carbon chưa sử dụng cho các doanh nghiệp hay tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Như vậy, các chủ thể có lợi ích trên thị trường carbon bao gồm 3 chủ thể chính: Chính phủ; tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp mua bán tín chỉ carbon (gọi tắt là doanh nghiệp kinh doanh tín chỉ carbon) và người dân. Mặc dù tín chỉ carbon ra đời nhằm mục đích tạo ra động lực thúc đẩy cắt giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế gây tổn hại đến môi trường sinh thái nhưng thực chất nó lại hoạt động như một loại hàng hoá và một loại tài sản tài chính, mang lại lợi ích rất lớn cho các nhà đầu tư nếu khai thác đúng cách [3].
QUAN HỆ LỢI ÍCH TRÊN THỊ TRƯỜNG CARBON
Quan hệ lợi ích trên thị trường carbon được hiểu là hệ thống những mối liên hệ, gắn kết giữa các chủ thể trong sản xuất, mua bán, phân phối và tiêu dùng lợi ích từ thị trường carbon trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện giữa các bên nhằm thực hiện lợi ích theo nhu cầu của các chủ thể. Theo đó, các quan hệ lợi ích trên thị trường carbon tồn tại khách quan và được thực hiện trong các khâu của chu trình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng tín chỉ carbon. Vì thế, việc thực hiện các quan hệ lợi ích phải bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia, đồng thời khai thác tối đa lợi ích từ hoạt động phát triển thị trường carbon, hướng đến phát triển mạnh mẽ thị trường carbon ở Việt Nam trong tương lai. Các mối quan hệ lợi ích trên thị trường carbon có thể được thể hiện cụ thể như sau:
Chính phủ
Chính phủ có vai trò thiết lập hành lang pháp lý nhằm quản lý, điều hành cũng như dẫn dắt, định hướng sự phát triển của thị trường carbon; tạo ra môi trường kinh doanh tín chỉ carbon lành mạnh, bảo đảm sự hài hòa trong nước với quốc tế, minh bạch và hiệu quả thông qua các công cụ như kinh tế. Chính phủ cũng cần đảm bảo được quyền lợi của các chủ thể tham gia thị trường tín chỉ carbon, tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút vốn đầu tư vào các dự án bảo vệ và trồng rừng. Đồng thời, thúc đẩy các mục tiêu giảm phát thải quốc gia bằng cách sử dụng thị trường này như một công cụ để điều chỉnh hành vi của các doanh nghiệp. Thị trường carbon cũng giúp Chính phủ sớm “xanh hoá” được nền kinh tế, chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon bởi khi giá tín chỉ carbon tăng lên thì các doanh nghiệp sẽ có xu hướng chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo và các phương thức sản xuất ít phát thải hơn. Với những hành động và bước đi đúng đắn, hợp lý của Chính phủ sẽ góp phần tăng cường vị thế của đất nước trên trường quốc tế, thể hiện sự cam kết quốc tế với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.Từ đó, tạo dựng được lòng tin và uy tín đối với các tầng lớp nhân dân. Ngược lại, nếu Chính phủ không có những chính sách rõ ràng về thị trường carbon, áp dụng những quy định không hiệu quả thì sẽ dẫn đến lãng phí tài nguyên; cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước, phụ thuộc vào nguồn tín chỉ carbon nước ngoài. Khi đó, thị trường carbon sẽ trở thành rào cản làm giảm tăng trưởng kinh tế đất nước do phải tuân theo các quy định quốc tế về phát thải, trong khi các quốc gia giàu có lại có thể mua tín chỉ carbon để tiếp tục phát thải, thậm chí là bán tín chỉ carbon với giá cao. Chính phủ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Doanh nghiệp kinh doanh tín chỉ carbon
Việc áp dụng tín chỉ carbon sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh ngày càng chú trọng đến phát triển bền vững và giảm thiểu biến đổi khí hậu nhưng cũng đi kèm với đó là những thách thức không nhỏ. Cụ thể:
Nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như xây dựng được thương hiệu uy tín cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia thị trường carbon được nhìn nhận có trách nhiệm với môi trường, giúp tăng độ tin cậy và uy tín đối với khách hàng, đối tác và nhà đầu tư. Mặt khác, khi quyết định áp dụng tín chỉ carbon, các doanh nghiệp phải đánh giá sự tiêu hao năng lượng trong sản xuất cũng như mức độ phát thải khí ra môi trường. Trên cơ sở đó, để đảm bảo theo đúng các quy định đề ra thì doanh nghiệp phải tìm ra các cách tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa hiệu suất hoạt động. Điều này khuyến khích doanh nghiệp phải cải thiện quy trình sản xuất, sử dụng công nghệ tiên tiến để giảm thiểu lượng năng lượng tiêu thụ, giảm lãng phí và tối ưu hóa nguồn lực. Những thay đổi này không chỉ giảm phát thải mà còn cắt giảm chi phí dài hạn cho doanh nghiệp.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Chính nhu cầu nâng cao được năng lực cạnh tranh, tối ưu hoá các chi phí sản xuất và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường dẫn đến việc các doanh nghiệp phải không ngừng thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại vào quy trình sản xuất, vận hành của doanh nghiệp. Bằng cách áp dụng những giải pháp sáng tạo, hiệu suất kinh doanh được cải thiện, môi trường đỡ bị ô nhiễm, từ đó, nâng cao năng lực cạnh trạnh của doanh nghiệp.
Có khả năng thích ứng nhanh hơn với các tiêu chuẩn và yêu cầu mới trong sản xuất, kinh doanh. Khi các quy định về khí thải ngày càng chặt chẽ, việc tham gia thị trường carbon sớm sẽ giúp doanh nghiệp nắm rõ các quy định và tiêu chuẩn liên quan đến tín chỉ carbon để từ đó có những sự chuẩn bị và bước đi thích hợp cho tương lai.
Tuy nhiên, cũng tiềm ẩn rủi ro nếu doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn cung cấp tín chỉ carbon. Trong ngắn hạn, doanh nghiệp có thể mua tín chỉ carbon để đáp ứng các quy định về phát thải mà không cần phải đầu tư ngay lập tức vào công nghệ giảm phát thải, giúp duy trì sản xuất mà không chịu áp lực tài chính lớn từ việc cải thiện công nghệ hoặc thay đổi mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, giá thành tín chỉ carbon trên thị trường biến động không ngừng có thể ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Người dân
Đối với người dân tham gia vào thị trường carbon, mà thành phần chủ yếu là người nông dân thì đây là cơ hội để họ phát triển kinh tế, tăng thu nhập và cải thiện sinh kế. Thị trường carbon tạo ra nguồn thu nhập mới từ các dự án và hoạt động giảm phát thải như trồng rừng, bảo vệ rừng và phải triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt, việc cung cấp đa dạng các dịch vụ hệ sinh thái rừng cũng sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn miền núi, dân tộc thiểu số, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tham gia vào thị trường carbon cũng chính là tham gia để tạo dựng một hệ sinh thái bền vững cho xã hội, cho cộng đồng, đóng góp quan trọng vào xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau.
Đối với người dân được thụ hưởng thành quả từ thị trường tín carbon, lợi ích lớn nhất thu được chính là hệ sinh thái xanh hoá, môi trường sống trong lành và ngày càng thân thiện hơn. Từ đó, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, thị trường carbon cũng rất dễ mang lại những bất bình đẳng khi một số dự án bù đắp carbon dẫn đến di dời hay làm gián đoạn sinh kế của cộng đồng bản địa mà lại không được bù đắp xứng đáng.
GỢI Ý MỘT SỐ GIẢI PHÁP HÀI HOÀ QUAN HỆ LỢI ÍCH TRÊN THỊ TRƯỜNG CARBON
Với những lợi ích nêu trên, để thị trường carbon sớm vận hành theo lộ trình Chính phủ đã đề ra và hoạt động một cách hiệu quả và bền vững, phát huy được những mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực thì cần có các giải pháp nhằm hài hòa các quan hệ lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, đảm bảo rằng thị trường này không chỉ đạt được các mục tiêu kinh tế mà còn mang lại lợi ích to lớn cho xã hội và môi trường. Hơn thế nữa, thị trường carbon thế giới đang phát triển với tốc độ như vũ bão với khối lượng giao dịch lên tới hàng chục tỷ đô la và gần một tỷ tấn carbon dioxide dẫn đến triển vọng tăng trưởng rất lớn cho các chủ thể đã, đang và sẽ tham gia thị này. Điều đó cũng tác động không nhỏ đến chiến lược phát triển nền kinh tế. Việc lựa chọn mô hình tăng trưởng thích hợp và đầu tư năng lượng tái tạo, các dự án phát triển và tăng hiệu quả ngày càng rõ ràng hơn. Vì thế, để sớm tận dụng được những cơ hội từ thị trường carbon, trở thành “người chơi” chủ động trên sân chơi quốc tế này, giảm thiểu được những thách thức từ môi trường và “luật chơi” thì Việt Nam cần:
Thứ nhất, xây dựng khung khổ pháp lý cho thị trường carbon phát triển để tạo môi trường thuận lợi, minh bạch và bình đẳng cho các chể thể tham gia thị trường này. Điều này sẽ góp phần tránh gây ra tổn thất, thiệt hại cho doanh nghiệp, bảo vệ được lợi ích quốc gia. Ngoài ra, cần coi tín chỉ carbon là một loại hàng hoá đặc biệt, xây dựng cơ chế giá tín chỉ hợp lý và ổn định, đảm bảo giá tín chỉ carbon đủ hấp dẫn để khuyến khích giảm phát thải. Một trong những vấn đề lớn của thị trường carbon là giá tín chỉ còn quá thấp, dẫn đến việc mua tín chỉ trở nên rẻ hơn so với đầu tư vào công nghệ giảm phát thải. Mặt khác, cần thiết lập quyền sở hữu tín chỉ carbon để hạn chế phát sinh tranh chấp xảy ra, cũng khuyến khích được các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và khai thác tín chỉ carbon.
Thứ hai, cần thiết lập các cơ chế kiểm soát để đảm bảo giá tín chỉ carbon phản ánh đúng giá trị của việc giảm phát thải, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp giảm phát thải dài hạn thay vì chỉ dựa vào việc mua tín chỉ; tạo cơ chế ổn định giá tín chỉ để tránh sự biến động lớn về giá, khiến các doanh nghiệp khó dự đoán và lập kế hoạch. Thành lập cơ quan giám sát độc lập nhằm đảm bảo các giao dịch tín chỉ carbon, cũng như các dự án bù đắp carbon được quản lý minh bạch và không bị thao túng bởi các tập đoàn lớn. Cơ quan này chịu trách nhiệm về các dự án giảm phát thải hoặc bù đắp carbon phải thực sự mang lại tác động tích cực đến môi trường chứ không chỉ là biện pháp đối phó hình thức. Bên cạnh đó, việc tham gia vào các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính cũng như tham gia vào thị trường carbon cũng tiềm chứa rất nhiều rủi ro. Vì vậy, nếu không được quản lý chặt chẽ, thị trường có thể bị lợi dụng, dẫn đến sự thao túng của các tập đoàn lớn và xảy ra lợi ích nhóm.
Thứ ba, quy hoạch đảm bảo tầm nhìn dài hạn rừng Việt Nam. Với tiềm năng của Việt Nam và trữ lượng lớn về tín chỉ carbon thì đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững rừng Việt Nam cũng như hướng tới việc cung cấp tín chỉ carbon siêu cấp, gọi là organic carbon. Nói cách khác là chất lượng tín chỉ carbon ở mức cao nhất. Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh và nông nghiệp tuần hoàn để tạo cơ sở phát triển thị trường carbon.
Thứ tư, nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tín chỉ carbon, nâng cao xác định và phân bổ hạn ngạch phát thải cho các ngành, lĩnh vực theo kế hoạch cụ thể, rõ ràng; thực thi được các quy định, tiêu chuẩn về cơ chế thống kê, đo đếm, chứng nhận về hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn quốc tế, nhất là trong lĩnh vực vận tải, điện tử, nông nghiệp…
Thứ năm, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng và vai trò của tín chỉ carbon cũng như thị trường carbon nhằm tăng cường hơn nữa sự tham của người dân vào thị trường này. Các hình thức tuyên truyền cần đa dạng, phong phú, bao gồm tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, truyền hình, đài phát thanh; các cuộc hội thảo, toạ đàm, báo cáo chuyên đề;… Sự tham gia của người dân giúp đảm bảo rằng các lợi ích từ các dự án này không chỉ tập trung vào các nhà đầu tư nước ngoài mà còn mang lại lợi ích thực tế cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Từ đó, mang lại những đóng góp nhất định cho sự phát triển của thị trường này ở Việt Nam.
Thứ sáu, khuyến khích hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm trong việc giải quyết biến đổi khí hậu, liên kết cùng phát triển thị trường carbon toàn cầu. Toàn cầu hoá thị trường carbon sẽ tạo cơ hội cho các quốc gia đang và kém phát triển tham gia sâu hơn vào thị trường này và có thêm nguồn lực để thực hiện các cam kết khí hậu của mình. Do đó, cần không ngừng thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về tín chỉ carbon và các dự án bù đắp carbon để đảm bảo tính nhất quán và tránh các lỗ hổng về pháp lý; tăng cường các cơ hội trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia về nguồn tài chính, công nghệ, cách thức quản lý, chia sẻ những chiến lược thành công trong việc giảm phát thải và phát triển thị trường carbon hiệu quả … để hỗ trợ quá trình giảm phát thải toàn cầu. Ngoài ra, tận dụng vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong việc giám sát độc lập để đảm bảo rằng các dự án giảm phát thải thực sự mang lại lợi ích xã hội và môi trường, đồng thời cung cấp các đánh giá khách quan về tác động của thị trường carbon.
Thứ bảy, hài hoà lợi ích giữa các tập đoàn lớn, các tập đoàn xuyên quốc gia với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Để tránh tạo ra mâu thuẫn giữa các chủ thể trên thị trường carbon khiến thị trường mất ổn định; đồng thời, để tránh rơi vào“bẫy xanh hoá nền kinh tế” của chủ nghĩa tư bản mà công cụ là tín chỉ carbon khiến các nước đang và kém phát triển không thể thoát ra khỏi sự kiểm soát và phụ thuộc thì làm thế nào để hài hoà lợi ích giữa các tập đoàn lớn, các tập đoàn xuyên quốc gia với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước là điều rất quan trọng. Vì thế, Các doanh nghiệp cần trang bị những kiến thức về thị trường carbon cũng như hoạt động giao dịch trên sàn giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu. Nắm chắc các vấn đề pháp lý là bước đầu tiên để gia nhập vào thị trường carbon toàn cầu. Đồng thời, Chính phủ cần xây dựng các chính sách, các quy định để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thị trường tín chỉ carbon dễ dàng hơn như chính sách ưu đãi thuế, chính sách hỗ trợ tài chính, tạo ra quỹ hỗ trợ tín chỉ carbon dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để giúp các doanh nghiệp này thực hiện các dự án giảm phát thải mà không phải cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn lớn. Từ đó, giúp họ có đủ tiềm lực để tham gia thị trường này. Mặt khác, khuyến khích các tập đoàn lớn hợp tác với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua chuyển giao công nghệ hoặc cung cấp các chương trình đào tạo kỹ thuật. Điều này vừa tạo ra sự cân bằng lợi ích, nơi mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỗ trợ về tài chính và công nghệ, trong khi tập đoàn lớn được tiếp cận các nguồn tín chỉ carbon từ các dự án nhỏ lẻ, giúp tăng khả năng phát triển bền vững cho cả hai bên. Bên cạnh đó, cần xây dựng các tiêu chí và yêu cầu nghiêm ngặt cho các tập đoàn xuyên quốc gia để tránh tình trạng "mua quyền phát thải" mà không có biện pháp giảm phát thải thực sự. Điều này cũng cũng góp phần thúc đẩy các tập đoàn này tham gia vào các sáng kiến giảm phát thải mà không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
KẾT LUẬN
Như vậy, các giải pháp trên không chỉ nhằm mục tiêu hài hoà lợi ích giữa các bên tham gia trên thị trường carbon mà còn đảm bảm quyền lợi của chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Bằng cách xây dựng hành lang pháp lý, hướng đến tính minh bạch, đảm bảo công bằng giữa các chủ thể tham gia thị trường; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, khuyến khích hợp tác quốc tế và tăng cường sự tham gia của người dân, thị trường carbon mới có thể trở thành công cụ hữu hiệu trong việc giảm phát thải cũng như góp phần vào sự phát triển bền vững trên toàn cầu./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chính phủ (2022), Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/1/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.
2. Quốc hội (2020), Luật Bảo vệ môi trường, số 72/2020/QH14, ngày 17/11/2020.
3. Yinpeng Zhang, Zhixin Liu and Xueying Yu (2017), The Diversification Benefits of Including Carbon Assets in Financial Portfolios, MDPI, Sustainability, 9(3), 437; https://doi.org/10.3390/su9030437.
Ngày nhận bài: 20/10/2024; Ngày phản biện: 28/10/2024; Ngày duyệt đăng: 01/11/2024 |
Bình luận