Gói vay mua nhà 30.000 tỷ đồng: Có thực sự là là “ưu đãi”?
Người vay chịu thiệt
Gói hỗ trợ cho vay mua nhà 30.000 tỷ đồng bắt đầu triển khai từ tháng 06/2013. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Xây dựng, đến thời điểm 31/12/2015, tổng số tiền đã cam kết cho vay thuộc gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ về nhà ở là 26.999 tỷ đồng (đạt 90%). Trong đó, tổng số tiền đã giải ngân đạt 17.711 tỷ đồng, đạt 59% tổng gói tín dụng hỗ trợ. Có thể khẳng định rằng, trong thời hạn quy định của gói này thì việc giải ngân hết là bất khả thi.
Theo quy định của Thông tư số 11/2013/TT-NHNNN, ngày 15/05/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 07/01/2013 của Chính phủ, thì việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của ngân hàng đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước sẽ kết thức trong vòng 36 tháng, tức là đến ngày 01/06/2016, thì mức vay ưu đãi này cũng sẽ hết. Có nghĩa là lãi suất ưu đãi 5% của gói này chỉ kéo dài đến 01/06/2016 và sau thời gian này, mức lãi suất mà người vay phải trả sẽ do các ngân hàng quyết định. Điều này khiến cho nhiều khách hàng rất hoang mang vì tới đây, họ sẽ hết được ưu đãi và mức lãi suất phải trả không biết sẽ là bao nhiêu. Điều này cũng được nhiều chuyên gia đánh giá, đây là một bất cập lớn cả gói tín dụng này.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, vấn đề quy định thời gian lãi vay ưu đãi là một bất cập.
"Người ta cho vay với lãi suất ba năm đầu rất thấp để tiếp thị, kể cả những người không có khả năng chi trả dài hạn cũng vay mua nhà vì lãi suất quá thấp. Sau ba năm họ cho vay với lãi suất cao hơn, có thể cao hơn 50% so với lãi suất ban đầu. Những người đi vay mua bất động sản không có khả năng chi trả, phải phá vỡ hợp đồng. Những hợp đồng cho vay thành nợ xấu không thu hồi được, ngân hàng ôm nợ xấu, cả nền kinh tế bị ảnh hưởng theo", ông Thành phân tích (Châu Anh, 2016).
Liên quan đến gói vay này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng đặt câu hỏi liệu gói vay này đã thực hiện đúng mục đích chưa? Bởi, mục đích đề ra của gói vay này là giúp người nghèo, thu nhập thấp có chỗ ở, qua đó giúp hâm nóng lại thị trường bất động sản, song việc quy định thời gian lãi suất vay ưu đãi chỉ trong vòng 03 năm, khiến người vay gặp nhiều khó.
Những người có thu nhập thấp đang là đối tượng chịu thiệt từ những sự mù mờ, thiếu minh bạch liên quan đến gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng |
Không chỉ vậy, nếu nhìn thời điểm bắt đầu triển khai gói tín dụng này có thể thấy rằng, nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp thời điểm đó là rất ít. Điều này thể hiện rất rõ ở việc giải ngân gói tín dụng này năm đầu chỉ được rất ít (tính đến 31/12/2013 giải ngân được 732 triệu đồng), nguyên nhân là do người vay chưa có sản phẩm phù hợp với số tiền của họ (Phan Hoạt, 2016).
“Nếu thị trường có nguồn cung dồi dào để người dân có thể lựa chọn ngay từ năm đầu tiên, thì năm thứ 2 gói này sẽ được triển khai mạnh mẽ và năm thứ 3 nước rút thì sẽ đạt hiệu quả cao. Thế nhưng, năm đầu lại rất lình xình, chỉ đạt có vài phần trăm vì thị trường thiếu sản phẩm phù hợp với túi tiền người Việt Nam” ,TS. Nguyễn Chí Hiếu phân tích.
Đâu là nguyên nhân?
Chia sẻ về vấn đề đang gây nóng dư luận đối với gói 30.000 tỷ đồng, TS. Cấn Văn Lực - Cố vấn cao cấp cho Chủ tịch Hồi đồng Quản trị BIDV cho rằng: “Nguyên do là ở người dân đã rất sơ suất khi không xem xét kỹ hợp đồng, còn phía chủ đầu tư thì cũng mập mờ không nói rõ khi tư vấn cho khách hàng. Quy định đã có ngay từ đầu, không phải là mới nảy sinh. Đáng lẽ, người dân khi mua nhà cần phải đọc thật kỹ, hỏi thật kỹ về hợp đồng”.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều người mua khi ký kết với chủ đầu tư đều không hề biết quy định cụ thể về lãi suất khi gói tín dụng này kết thúc. “Bản hợp đồng dày tới cả chục trang, khi nghe nhân viên bán hàng tư vấn là vay gói này chỉ phải trả lãi 5% và đây là mức lãi suất ưu đãi cố định trong suốt thời gian vay nên tôi ưng luôn. Đâu có ai biết là sẽ có mức thay đổi lãi suất kể từ thời điểm tháng 6 tới trở đi”, một người vaycho biêt (Minh Phương, 2016).
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết chiều ngày 10/03/2016, đại diện Bộ Xây dựng, gói 30.000 tỷ đồng là đề xuất của Bộ trong việc đưa ra những ưu đãi cho người mua nhà thu nhập thấp, có nghĩa Bộ Xây dựng chỉ xây dựng chính sách còn khi tiền đã được đưa vào túi của ngân hàng thì quyết định việc giải ngân thế nào, quy định mức lãi suất ra sao… là do phía ngân hàng thực hiện.
Thiết nghĩ cho dù do người dân sơ xuất không đọc kỹ hợp đồng, song rõ ràng ở đây một lần nữa cho thấy, sự mập mờ của thị trường, thiếu minh bạch của chủ đầu tư và cả các ngân hàng thực hiện cũng không rõ ràng. Đồng thời, cũng phải kể đến trách nhiệm của cơ quan ban hành chính sách, nhất là chính sách đó lại ảnh hưởng đến đối tượng là những người có thu nhập thấp, thì càng cần phải thận trọng hơn. Nếu không sẽ mất đi ý nghĩa thiết thực của chính sách.
Tham khảo từ:
1. Châu Anh (2016). Gói 30.000 tỷ đồng: Hỗ trợ hay 'cái bẫy' của người nghèo? truy cập từ http://vtc.vn/goi-30000-ty-dong-ho-tro-hay-cai-bay-cua-nguoi-ngheo.1.598633.htm
2. Phan Hoạt (2016). Hết ưu đãi gói vay mua nhà 30 nghìn tỷ: Đừng đặt người dân vào thế đã rồi, truy cập từ http://cand.com.vn/tai-chinh-ngan-hang/dung-dat-nguoi-dan-vao-the-da-roi-385330/
3. Minh Phương (2016). Gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng: Người vay chịu thiệt? truy cập từ http://daidoanket.vn/quoc-te/goi-uu-dai-30000-ty-dong-nguoi-vay-chiu-thiet/91647
Bình luận