GRDP Hà Nam tăng 10,84% trong năm 2017

Theo Báo cáo Kết quả thực hiện Kế hoạch năm 2017 của tỉnh Hà Nam, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt 32.363,5 tỷ đồng, tăng 10,84% so với năm 2016. GRDP bình quân đầu người ước đạt 48,6 triệu đồng, tăng 8,5% so với năm 2016.

Sản xuất công nghiệp cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,15% so với cùng kỳ; tính theo giá trị sản xuất, ước đạt 78.613,9 tỷ đồng, tăng 14,28% so với năm 2016. Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng, trong đó một số sản phẩm tăng khá. Cụ thể, thiết bị điện, điện tử tăng 33,2%, nước giải khát tăng 17,9%, xi măng tăng 15,7%, thức ăn chăn nuôi tăng 28,6%, xe gắn máy tăng 30,2%...

Năm 2017 GRDP tỉnh Hà Nam tăng trưởng khá 10,84%

Trong năm 2017, thu cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 6.150 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2016, tăng 122% dự toán địa phương. Trong đó, thu nội địa ước đạt 4.950 tỷ đồng (tăng 35,9% so với cùng kỳ). Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 96%, thu tiền sử dụng đất tăng 80%, thuế thu nhập cá nhân tăng 37%...

Giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong năm 2017 ước đạt 1.742 triệu USD, tăng 39,3% so với năm 2016, bằng 116,1% kế hoạch năm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 19.123 tỷ đồng, tăng 15,9% so với năm 2016, bằng 100,1% kế hoạch năm.

Cùng với đó, hoạt động du lịch của Tỉnh cũng đạt kết quả khá trong năm qua. Hà Nam thu hút được khoảng 932 nghìn lượt khách du lịch trong năm 2017. Trong đó có 17.000 lượt khách quốc tế, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 17 nghìn lượt khách so với năm 2016, doanh thu du lịch ước đạt 213 tỷ đồng.

Về tình hình thu hút đầu tư, từ đầu năm đến 27/11/2017, tỉnh Hà Nam thu hút được 88 dự án đầu tư (trong đó có 15 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và 73 dự án trong nước) với tổng vốn đầu tư 101,06 triệu USD và 12.633,1 tỷ đồng; điều chỉnh 72 dự án đầu tư (có 51 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và 21 dự án trong nước) với tổng vốn tăng 26,35triệu USD và 348,07 tỷ đồng. Luỹ kế đến 27/11/2017 trên địa bàn có 721 dự án đầu tư còn hiệu lực (201 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và 520 dự án trong nước) với vốn đăng ký 2.236 triệu USD và 93.379,48 tỷ đồng. Tuy nhiên so với năm 2016, tình hình thu hút đầu tư của Tỉnh giảm về tổng vốn đầu tư do các dự án đầu tư mới đều có quy mô nhỏ.

Về sản xuất nông nghiệp, năm 2017, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh ước đạt 7.644,4 tỷ đồng. Trong đó, vụ Đông, diện tích, năng suất, sản lượng các cây trồng tăng so với cùng kỳ. Vụ Xuân, năng suất lúa đạt 66,7 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha so với vụ xuân năm 2016. Tuy nhiên, do vụ Mùa bị ảnh hưởng của mưa lũ nên năng suất và sản lượng giảm. Theo đó, sản lượng lương thực cả năm ước đạt 411.228,4 tấn, giảm 6,5% so với năm 2016.

Cùng với đó, công tác chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn gặp khó khăn về giá và thị trường tiêu thụ, cộng thêm thiệt hại do mưa lũ nên tổng đàn giảm. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm ước đạt 72.126,3 tấn, giảm 4,5%; thịt gia cầm hơi 15.889,3 tấn, tăng 0,2% so với năm 2016.

Danh lam thắng cảnh của Hà Nam

Ngoài ra, các hoạt động phong trào xây dựng Nông thôn mới được triển khai hiệu quả; Văn hoá xã hội có nhiều hoạt động sôi nổi; An sinh xã hội được đảm bảo; Chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì tốt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân ổn định.

Tập trung 8 giải pháp trọng tâm trong năm 2018

Bước sang năm 2018, tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu GRDP tăng khoảng 10,5-11% so với năm 2017. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Hà Nam sẽ triển khai đồng bộn 8 giải pháp, như sau:

Thứ nhất, rà soát, đánh giá, báo cáo giữa kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX gắn với các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy và Kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh, đề xuất điều chỉnh mục tiêu phù hợp thực tế và xu hướng phát triển, các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong giai đoạn 2018-2020.

Thứ hai, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, thực hiện đa dạng hóa các hình thức đầu tư. Đổi mới phương thức thu hút đầu tư; nhanh chóng khắc phục các tồn tại hạn chế để nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ hoạt động của doanh nghiệp, nhất là điện, thoát nước.... Tập trung thu hút đầu tư xây dựng cảng ICD và các dự án làm tăng dân số cơ học, tạo nguồn lực đầu tư cao.

Tổ chức thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn đảm bảo hiệu quả, đúng quy định. Tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách nhà nước, khắc phục tình trạng đầu tư kém hiệu quả, dàn trải, thất thoát, lãng phí, chậm tiến độ. Ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng của tỉnh, các công trình dở dang cần hoàn thành năm 2018, các công trình đáp ứng nhu cầu bức thiết của nhân dân, công trình bị thiệt hại do mưa lũ năm 2017; đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, tái định cư để triển khai các dự án đầu tư đảm bảo tiến độ.

Thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo các huyện, thành phố xây dựng các chương trình, đề án đề nghị nâng loại đô thị theo quy định. Phấn đấu huyện Thanh Liêm, TP. Phủ Lý đạt tiêu chí cấp huyện nông thôn mới.

Thứ ba, triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, các Quy hoạch về phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Tiếp tục thực hiện các cơ chế hỗ trợ đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung tích tụ đất đai, xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất nông sản sạch và các doanh nghiệp có thương hiệu; phát triển đàn bò sữa, bò thịt, lợn gắn với thu hút các dự án chế biến nông sản.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, tiết kiệm tài nguyên và nguồn nhân lực; phát triển thương mại, dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ y tế, du lịch. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu du lịch Tam Chúc, cơ sở II Bệnh viện: Bạch Mai, Việt Đức, Lão khoa, Bệnh viện Sản – Nhi, sân golf Tượng Lĩnh, Kim Bảng... Đặc biệt, tỉnh thực hiện nghiêm 10 cam kết của tỉnh với các nhà đầu tư, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển, đặc biệt đối với các dự án mới hoàn thành đi vào sản xuất kinh doanh, các dự án trọng tâm, trọng điểm của tỉnh.

Thứ tư, tăng cường quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, hạn chế nợ đọng ngân sách; thường xuyên rà soát các cơ sở, căn cứ thu để điều chỉnh kịp thời, phù hợp; phấn đấu tăng dần tỷ trọng thu nội địa, thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành vượt mức dự toán thu năm 2018. Điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp, đồng thời nghiên cứu thực hiện cơ chế khoán chi đối với các cơ quan hành chính nhà nước.

Thứ năm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, quy hoạch, trật tự xây dựng. Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, thực hiện các giải pháp để giải quyết có hiệu quả vấn đề xử lý rác thải, chất thải chăn nuôi, môi trường khu, cụm công nghiệp, kiểm soát khối lượng khoáng sản khai thác … , đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án giảm thiểu ô nhiễm môi trường Tây Đáy. Triển khai Quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm.

Thứ sáu, phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa – xã hội, chăm lo đời sống của người dân trong tỉnh. Duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo toàn diện. Tạo điều kiện để phân hiệu Trường Đại học Sư phạm I sớm triển khai các hoạt động đào tạo tại tỉnh. Hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, tiếp tục huy động các nguồn lực để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo…

Thứ bảy, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng và trách nhiệm cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Tiếp tục vận hành hiệu quả Trung tâm Hành chính công của tỉnh và các huyện, thành phố; tạo chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thứ tám, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội; thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm an toàn giao thông. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài./.