Nhìn lại chặng đường 60 năm

Giai đoạn 1954-1975

Kinh tế - xã hội Hà Nội ngày đầu tiếp quản (năm 1954) với xuất phát điểm của một nước thuộc địa, nửa phong kiến, lại bị chiến tranh tàn phá, nên hết sức yếu ớt, lạc hậu và què quặt. Toàn Thành phố chỉ có 1.522 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp với 5.352 lao động và 9,6 triệu đồng vốn sản xuất kinh doanh. 1.097 ha đất canh tác bị bỏ hoang, hàng vạn trâu bò bị giết hại, hệ thống đê điều, kênh mương bị bom đạn cày phá gây sạt lở nghiêm trọng. 7,7 vạn lao động thất nghiệp, 1,2 nghìn người ăn xin… Trong khu vực nội thành chỉ có 231,8 km đường nhựa và 65,3km đường rải đá, nhưng đều đã xuống cấp.

Để nhanh chóng khắc phục tình trạng này, Hà Nội đã tích cực triển khai kế hoạch ba năm khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh 1955-1957 đã được Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam đề ra tháng 9/1954, kinh tế Hà Nội đã có sự cải thiện rõ rệt. Đầu năm 1956, Hà Nội đã hoàn thành về cơ bản cải cách ruộng đất theo chủ trương của Trung ương. Sau ba năm phấn đấu, sản xuất nông nghiệp ngoại thành Hà Nội đã cơ bản được khôi phục. Sản lượng lúa năm 1955 đạt trên 14,3 nghìn tấn; năm 1956 tăng lên đạt 24 nghìn tấn. Sản lượng toàn ngành công nghiệp Thủ đô năm 1957 (tính theo giá cố định năm 1970) gấp 3,2 lần năm 1955; Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 1955 đã đạt 38,5 triệu đồng.

Công cuộc cải tạo và xây dựng đã thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thủ đô tiếp tục phát triển khi bước sang thời kỳ 1957-1960 và được đẩy cao trong thời kỳ 1961-1975. Ở thời kỳ này, Hà Nội đã mở rộng địa bàn, tiếp nhận thêm huyện Đông Anh của tỉnh Vĩnh Phúc, 7 xã vùng Bắc sông Đuống của tỉnh Bắc Ninh và một số xã của hai huyện Hoài Đức, Thường Tín của tỉnh Hà Tây.

Do đẩy mạnh đầu tư và đề ra được các chính sách, giải pháp phù hợp, nên hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 1975 đều đạt mức cao hơn so với năm 1960: Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn gấp 2,1 lần; Thu nhập quốc dân sản xuất gấp 2,4 lần; Giá trị tổng sản lượng công nghiệp gấp 3,5 lần; Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp gấp 1,4 lần; Sản lượng lương thực quy thóc gấp 1,2 lần; Tổng mức bán lẻ hàng hóa gấp 3,2 lần; Thu ngân sách trên địa bàn gấp 1,2 lần; Chi ngân sách trên địa bàn gấp 6,2 lần; Thu nhập bình quân đầu người của một gia đình công nhân, viên chức gấp 1,5 lần.

Mặc dù vậy, do các ngành, các lĩnh vực kinh tế then chốt sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, nên kinh tế Thủ đô trong 15 năm (1961-1975) tăng trưởng chậm, không tương xứng với các nguồn lực đã đầu tư. Trong thời kỳ này, bình quân mỗi năm vốn đầu tư tăng 17,3%, nhưng các chỉ tiêu kết quả sản xuất đều tăng dưới 10% (Bảng 1).

Giai đoạn 1976-1985

Điểm nhấn trong giai đoạn này là việc địa giới hành chính Hà Nội được mở rộng. Cụ thể, tại phiên họp ngày 19/12/1978, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa VI đã phê chuẩn địa giới hành chính Hà Nội. Sau lần mở rộng này, Hà Nội từ 4 khu phố nội thành và 4 huyện ngoại thành, bao gồm: 78 tiểu khu, 104 xã và 9 thị trấn với tổng diện tích tự nhiên 586,1 km2, đã tăng lên 4 khu phố nội thành, 11 huyện ngoại thành và 1 thị xã, bao gồm: 78 tiểu khu, 266 xã và 12 thị trấn với tổng diện tích tự nhiên 2.131 km2 .

Đặc biệt, trong những năm 1981-1985, Hà Nội đổi mới cơ chế quản lý: thực hiện khoán sản phẩm trong nông nghiệp và thừa nhận vai trò của kinh tế tư nhân. Nhờ vậy, tổng sản phẩm xã hội năm 1985 tăng 47,6% so với năm 1980, bình quân mỗi năm trong 5 năm 1981-1985 tăng 8,1%. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp năm 1985 (tính theo giá cố định 1982) tăng 62,6% so với năm 1981, bình quân mỗi năm tăng 12,9%. Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp năm 1985 (tính theo giá cố định 1982) đạt 3.197,9 triệu đồng, tăng 60,5% so với năm 1980, trong 5 năm (1981-1985) bình quân mỗi năm tăng 9,9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa theo giá thực tế năm 1985 tăng lên gấp 14,6 lần năm 1981.

Giai đoạn Đổi mới (từ năm 1986 đến nay)

Tháng 12/1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức tại Hà Nội đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, trong đó đổi mới kinh tế được xác định là trọng tâm. Trong một giai đoạn triển khai đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ Hà Nội đã tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ X, XI, XII, XIII, XIV và XV. Cho đến nay, quá trình đổi mới kinh tế của cả nước, cũng như của Hà Nội đã trải qua gần 30 năm với 6 Kế hoạch 5 năm: 1986-1990, 1991-1995, 1996-2000, 2001-2005, 2006-2010 và hiện nay đang thực hiện Kế hoạch 5 năm 2011-2015.

Ngày 12/8/1991, Quốc hội khóa VIII, Kỳ họp thứ 9 ra nghị quyết điều chỉnh theo hướng thu hẹp địa giới hành chính thành phố Hà Nội: chuyển huyện Mê Linh của thành phố Hà Nội về tỉnh Vĩnh Phúc, chuyển thị xã Sơn Tây và 5 huyện: Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì và Thạch Thất của thành phố Hà Nội về tỉnh Hà Tây. Địa giới Hà Nội sau khi thu hẹp còn 920,97 km2.

Tuy nhiên, đến năm 2008, Hà Nội điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12, ngày 29/5/2008 của Quốc hội. Theo đó, hợp nhất toàn bộ tỉnh Hà Tây, chuyển toàn bộ huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc về thành phố Hà Nội, chuyển toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số hiện tại của 4 xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình vào thành phố Hà Nội. Sau khi hợp nhất, diện tích Hà Nội tăng từ 920,97 km2 lên 3348,5 km2, quy mô dân số tăng từ 3.444,8 nghìn người lên 6.450 nghìn người. Tăng trưởng GRDP giai đoạn 2008-2013 bình quân đạt 9,59%/năm; Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao (Biểu đồ).

Cơ cấu kinh tế của Thành phố chuyển dịch theo hướng tích cực: tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ (Bảng 2).

Góp phần vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở Hà Nội là có sự tham gia đắc lực của các thành phần kinh tế, đặc biệt thành phần kinh tế ngoài Nhà nước ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế - xã hội Hà Nội. Khoảng ¼ vốn đầu tư thực hiện của cả nước được thực hiện trên địa bàn Hà Nội. Bằng những chính sách cụ thể và các cải cách hành chính nhất định, Hà Nội vẫn đứng thứ ba (sau TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tầu) về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký còn hiệu lực đến 31/12/2013 hơn 22,4 tỷ USD bằng 9,6% của cả nước.

Để Hà Nội xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước

Phát biểu tại Hội thảo khoa học "60 năm Ngày giải phóng Thủ đô-Thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển", tổ chức ngày 03/10/2014, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những thành tựu to lớn, Hà Nội đang đối mặt với những thách thức gay gắt. Nhất là sau khi mở rộng địa giới hành chính, trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa bàn không đồng đều, cơ cấu kinh tế và hệ thống quản lý giữa các địa phương cũng chưa ăn khớp nhịp nhàng, nên chưa thể phát huy ngay những tiềm năng và lợi thế do việc mở rộng địa giới mang lại.

Ngày 21/11/2012, với 466 đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ 75,7%, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật Thủ đô. Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Luật Thủ đô ra đời vừa là sự khẳng định, vừa trở thành động lực cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Năm 2012-2013, dù bối cảnh rất khó khăn về mọi mặt, Thủ đô Hà Nội vẫn duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao hơn bình quân cả nước ít nhất 1,5 lần. Đặc biệt, Hà Nội đã giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo niềm tin cho bạn bè quốc tế... Bên cạnh đó, Thành phố đã đẩy mạnh và có những bước tiến quan trọng trên các lĩnh vực như quy hoạch, quản lý và phát triển hạ tầng - đô thị, xây dựng nông thôn mới...

Cùng với đó, Hà Nội cũng chịu sự tác động bởi các mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, như: (i) Tốc độ đô thị hóa và dân số cơ học tăng nhanh; kinh tế phát triển, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng; (ii) Nhiều nguồn lực và lợi thế chưa được khai thác và sử dụng có hiệu quả; (iii) Sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô còn hạn chế, hội nhập kinh tế quốc tế chưa đáp ứng yêu cầu; (iv) Sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội Thủ đô chưa tương xứng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế, chưa xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Trên lĩnh vực văn hóa, đời sống tinh thần có một số mặt xuống cấp; nhiều tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống… chưa được ngăn chặn hiệu quả. Công tác quy hoạch và xây dựng theo quy hoạch còn nhiều bất cập…

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ mục tiêu: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2011 - 2015 đạt 12 - 13%/năm, thời kỳ 2016 - 2020 đạt khoảng 11 - 12% và thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 9,5 - 10%. Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người của Hà Nội đạt 4.100 - 4.300 USD; đến năm 2020 đạt khoảng 7.100 - 7.500 USD, năm 2030 đạt khoảng 16.000 - 17.000 USD (tính theo giá thực tế). Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; dịch vụ chất lượng cao đóng vai trò trọng yếu trong cơ cấu kinh tế của Thủ đô.

Đến năm 2015, trong cơ cấu kinh tế: tỷ trọng dịch vụ chiếm 54 - 55%, công nghiệp - xây dựng chiếm 41%- 42% và nông nghiệp là 3%-4%. Năm 2020, khu vực dịch vụ chiếm 55,5%-56,6%, công nghiệp - xây dựng chiếm 41%- 42% và nông nghiệp là 2%-2,5%. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu trên địa bàn bình quân là 14%-15%/năm thời kỳ 2011-2015 và 13%-14% thời kỳ 2016-2020.

Vì thế, trong những năm tới, trên cơ sở quán triệt và tiếp tục thực hiện Nghị quyết 15/NQ-QH12 của Quốc hội, vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, của Luật Thủ đô, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ Thành phố, Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Hà Nội cần huy động tối đa sức mạnh tổng hợp cả về vật chất và tinh thần để xây dựng, phát triển Thủ đô xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Cùng với đó, Hà Nội cần đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao để "Hà Nội trở thành một trung tâm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm mới" như Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XV (năm 2010) đã xác định. Đó là bước chuyển lớn, mang tính chiến lược, lâu dài của Thủ đô trong vài thập kỷ tới…

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững, tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của kinh tế Thủ đô. Coi trọng sử dụng công nghệ hiện đại, tăng nhanh tỷ lệ nội địa hoá, có nhiều sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Phấn đấu để Hà Nội thực sự là địa phương đi đầu, về đích sớm 1-2 năm hoàn thành cơ bản sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Những danh hiệu thi đua của Thủ đô Hà Nội đạt được:

- Năm 1999, Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”.

- Năm 2000, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký bằng tặng thưởng thành phố Hà Nội danh hiệu “Thủ đô anh hùng” vì đã có công lao to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.

- 5 năm liền (2008 - 2012), Thành phố được tặng Cờ thi đua của Chính phủ.

- Năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng (lần thứ 3).

- Năm 2014, nhân kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô, Hà Nội vinh dự nhận Huân chương Hồ Chí Minh.

Tài liệu tham khảo:

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội (2014). Công văn số 3593/KH&ĐT-TH cung cấp thông tin viết bài “Kinh tế Thủ đô: 60 năm vững bước trên con đường phát triển và hội nhập”, ngày 30/9/2014
2. Báo Hà Nội mới (2014). 60 năm Giải phóng Thủ đô - Thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển, truy cập từ http://hanoimoi.com.vn/Media/Truyen-hinh/709359/60-nam-giai-phong-thu-do---thanh-tuu-thoi-co-thach-thuc-va-phat-trien