Toàn cảnh Hội thảo

Ngày 19/07/2018, trong khuôn khổ chương trình "Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam" (Chương trình Aus4Reform), Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Đổi mới cơ chế giảm sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình cơ cấu lại DNNN”. Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia khẳng định tới thời điểm hiện tại, hệ thống giám sát doanh nghiệp nhà nước vẫn còn tồn tại nhiều "lỗ hổng".

Hệ thống giám sát DNNN vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề

Tại hội thảo, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp (CIEM), trong những năm gần đây, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước không phải quá tồi nhưng xét về góc độ tài chính thì tỷ suất lợi nhuận đang giảm: ROE - tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu - giảm 39%, ROA (tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản) giảm 30% từ 2011 – 2016.

Dẫn đánh giá của đoàn giám sát của Quốc hội công bố tại kỳ họp vừa qua, "hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu, kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả là một trong các nguyên nhân dẫn đến những vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp", ông Trung nhận định, hiện chưa có cơ quan nào đủ thẩm quyền và khả năng theo dõi đánh giá doanh nghiệp đầy đủ, toàn diện.

“Mỗi bộ tham gia một mảng nên kết quả giám sát phụ thuộc vào sự tham gia tích cực của các bộ, hệ quả là chia cắt không đảm bảo yêu cầu thường xuyên liên tục của giám sát”, chuyên gia CIEM thẳng thắn bình luận.

Dẫn báo cáo đánh giá của CIEM đưa ra tại hội thảo, bà Phạm Chi Lan cho biết, suốt 21 trang đầu tiên nói về kinh nghiệm của các nước, kinh ngiệm chuẩn mực của OECD, World Bank, Việt Nam có rất nhiều bài học. Thế nhưng, "Phải chăng, Việt Nam là một học trò dốt học biết bao nhiêu người thầy, bài vở mà thực tiễn không làm được gì cả", bà Lan nhận định.

Bởi, theo báo cáo của CIEM, thì dù đã có hoạt động quản lý giám sát nhưng trong giai đoạn 2011-2016, tỷ trọng DNNN thua lỗ không giảm. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 cho thấy 23/91 tập đoàn, tổng công ty, nhóm công ty mẹ - con lỗ lũy kế trên 17.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân được bà Lan chỉ ra là do hiện nay Việt Nam không làm rõ được nội hàm vai trò của cơ quan giám sát, làm cho các cơ quan không hiểu được nhiệm vụ và trách nhiệm của mình.

Bên cạnh đó, quá nhiều cơ quan được phân công nghiệm vụ tương tự nhau nên không ai chịu trách nhiệm trước các vấn đề thua lỗ, thất thoát trong quản lý vốn nhà nước.

"DNNN chịu nhiều tròng giám sát nhưng không ai thực sự chịu trách nhiệm sẽ chỉ đưa ra những báo cáo giám sát mờ nhạt chồng chéo lên nhau, như thầy bói xem voi", bà Lan quan ngại

Hồi tháng 3/2018, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp" (hay thường được gọi là "Siêu ủy ban") được chính thức thành lập. Ủy ban này được kỳ vọng sẽ giúp Chính phủ quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khả năng giám sát, đầu tư và hiệu quả của Siêu ủy ban này vẫn là điều mà ông Cung băn khoăn.

Theo vị chuyên gia này, hiện vẫn chưa có cơ chế giám sát siêu ủy ban. Ông cho rằng, tư duy cả hệ thống giám sát là sai lầm và không phù hợp, vì không có cơ quan nào chịu trách nhiệm trong công tác này.

Thiếu thông tin thì làm sao giám sát?

Cho rằng, thông tin nguồn lực giám sát là quan trọng nhất, có thông tin mới giám sát được, nhưng thực tế, theo ông Phạm Đức Trung, tình trạng thiếu thông tin về vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế đã khiến cho việc trả lời câu hỏi “vốn nhà nước hiện đang nằm ở bao nhiêu doanh nghiệp, giá trị thực tế thế nào” trở nên thiếu chính xác.

Cách thức đánh giá các bộ, ngành hiện nay đầu kỳ DNNN báo cáo, bộ ngành phê duyệt, cuối kỳ DNNN lại báo cáo để các bộ, ngành phê duyệt kết quả kinh doanh. Rõ ràng là chỉ có sự thông tin một chiều, đánh giá hình thức, kém hiệu quả. Việc xếp hạng các cơ quan chủ sở hữu cũng chưa có.

“Bao năm nay vẫn làm như vậy, chưa bảo đảm yếu tố khách quan hiệu quả hoạt động DNNN. Ai giám sát cơ quan chủ sở hữu khi được giao nguồn lực lớn, hiện nay chưa có quy định rõ ràng”, ông Trung băn khoăn.

Đặt vấn đề tình trạng thiếu thông tin là trách nhiệm của các chủ sở hữu, các bộ ngành, cộng với căn bệnh ưa thành tích, giấu khiếm khuyết, chuyên gia kinh tế, PGS, TS. Trần Đình Thiên đặt câu hỏi: “Vì sao nhiều doanh nghiệp nhà nước không công khai thông tin theo luật mà chả thấy bị xử lý gì?”.

Ông Thiên cho rằng, trong hoạt động quản trị, quản lý nhà nước bị sai lệch quá mức, đề quá cao vai trò tập thể, coi nhẹ trách nhiệm cá nhân.

“Hệ thống chịu trách nhiệm tập thể che mờ trách nhiệm cá nhân, thì rất khó giám sát tài sản nhà nước”, ông Thiên giãi bày.
TS. Nguyễn Đình Cung cũng chia sẻ thêm thông tin, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhiều lần chỉ đạo về việc yêu cầu doanh nghiệp nhà nước công khai minh bạch thông tin theo đúng các quy định tại nghị định của Chính phủ, “nhưng doanh nghiệp không làm cũng chả sao; vẫn không làm và rồi cũng vẫn không sao” (?).

Siêu ủy ban phải có “củ cà rốt và cây gậy đủ mạnh”

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, dù mang tên gọi "Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp" (hay thường được gọi là "siêu ủy ban"), nhưng không hề thực hiện chức năng quản lý nước. Ủy ban quản lý này chỉ nên thực hiện chức năng như nhà đầu tư.

Ông Cung cho rằng nếu siêu ủy ban tiếp tục chức năng quản lý nhà nước thì mục tiêu nâng cao hiệu quả vốn và tài sản nhà nước sẽ khó đạt được.

"Để cơ quan này hoạt động tốt đừng áp dụng những quy chuẩn nhà nước cùng đừng tìm nhân tài từ hệ thống công chức nhà nước", ông Cung chia sẻ quan điểm.

"Hệ thống công chức cứ đúng quy trình làm việc sẽ không bao giờ có cách làm khác, sáng tạo đổi mới được", ông Cung nhận định.

Theo đó, nhiệm vụ cho nhân sự của siêu ủy ban nên ở mức rất cao, yêu cầu đầu tư đưa doanh nghiệp tăng trưởng 30-40% để tạo động lực cho phát triển thay vì chỉ yêu cầu tăng 1-2% so với mức đang thua lỗ hiện nay.

Đặc biệt, ai sẽ là người giao nhiệm vụ và nhiệm vụ cụ thể cho siêu ủy ban là câu hỏi lớn mà Viện trưởng CIEM cho rằng cần phải tìm ra.

Về phía góc độ quản trị doanh nghiệp, ông Raymond Mallon - Chuyên gia tư vấn chính sách của Chương trình Aus4reform cho rằng, quản trị DNNN cần được cải thiện và minh bạch là điều cần thiết cho công bằng, và cho năng suất và lý do tăng trưởng kinh tế. Việc thực thi các hệ thống giám sát và báo cáo hiệu suất là rất cần thiết.

Vì thế, vị chuyên gia này nhấn mạnh khuyến nghị, cơ quan sở hữu/Chính phủ phải thực thi các yêu cầu mà DNNN công bố các báo cáo hàng năm và báo cáo tài chính với thông tin cụ thể, bao gồm các báo cáo kiểm toán từ các kiểm toán viên độc lập.

“Cơ quan sở hữu phải ký kết hợp đồng bằng văn bản giữa chủ sở hữu và DNNN về mục tiêu và tiêu chuẩn thực hiện. Các nhà quản lý DNNN phải chịu sự sa thải nếu họ không đạt được các mục tiêu hiệu suất đã thỏa thuận”, ông Raymond Mallon khuyến nghị.

Cho rằng, việc thành lập ủy ban là bước tiến, xây dựng được hệ thống thông tin, nhưng ông Cung vẫn quan ngại rằng, để làm được điều này cần nhiều thứ khác, tập đoàn, tổng công ty phải nhập số liệu.

“Nếu tập đoàn, tổng công ty không nhập thông tin, dữ liệu, Ủy ban có xử lý được không”, người đứng đầu CIEM đặt câu hỏi và ông tự trả lời rằng: “Thẩm quyền Ủy ban rõ ràng phải có củ cà rốt, cây gậy mạnh hơn thì lúc đó mới thực hiện được”./.