Theo báo cáo “Chính thức hóa” hộ kinh doanh ở Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách”, được CIEM công bố ngày 28/4, thì đến năm 2015, cả nước có trên 4,754 triệu hộ kinh doanh và có nhiều đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế. Xét theo quá trình, thì tổng số lượng hộ kinh doanh doanh liên tục tăng qua các năm, nếu năm 1989, tổng số hộ kinh doanh của cả nước chưa đến 400.000 hộ, thì đến năm 2015, con số này đã lên đến trên 4,754 triệu hộ.

Các hộ kinh doanh phân bố tương đối đồng đều trong cả nước. Trong mối tương quan giữa thành thị và nông thôn, có 43% hộ kinh doanh nằm ở các thành thị, 57% ở nông thôn, có 43% hộ kinh doanh nằm ở các thành thị và nông thôn, nhưng mật độ cơ sở lại dày hơn ở khu cực thành thị. Theo khu vực, Đồng bằng sông Cửu Long có 19,86%, Đông Nam Bộ 17, 25%, Trung du miền núi phía Bắc 9,26% và Tây Nguyên có 4,76% tổng số hộ kinh doanh.

Các hộ kinh doanh phân bố tương đối đồng đều tỏng cả nước

Theo ngành nghề kinh doanh, hiện có khoảng 80% hộ kinh doanh trong ngành thương mại – dịch vụ và 20% trong ngành công nghiệp – xây dựng. Xem xét sự phân bố theo cả ngành kinh tế và khu vực, 80% số hộ kinh doanh hoạt động trong ngành công nghiệp – xây dựng tập trung ở khu vực nông thôn và 51% trong ngành thương mại, dịch vụ tập trung ở khu vực thành thị.

Quy mô vốn bình quân và giá trị tài sản cố định bình quân của một hộ kinh doanh có xu hướng tăng lên qua các năm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2007-2015, quy mô vốn bình quân tăng 16,5%/năm, từ 59,3 triệu đồng/hộ (năm 2007), lên 150,61triệu đồng/hộ (năm 2015), gấp 2,54 lần so với năm 2007; và quy mô giá trị tài sản cố định cũng tăng 17,3%/năm, từ 40,1 triệu đồng/hộ (năm 2007) lên 90,39 triệu đồng/hộ (năm 2015), gấp 2,25 lần so với năm 2007.

Doanh thu của các hộ kinh doanh gần như liên tục tăng trưởng trong 10 năm qua, từ 439.364 tỷ đồng (năm 2005), lên 2.249.377 tỷ đồng (năm 2015). Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng vốn của khu vực này cũng ngày càng tăng cao.

Theo báo cáo, năm 2013, trong khi khu vực doanh nghiệp chính thức cần tới 1,42 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu (doanh nghiệp nhà nước là 1,81 đồng, doanh nghiệp tư nhân trong nước là 1,4 đồng, doanh nghiệp FDI là 1,09 đồng), thì hộ kinh doanh chỉ cần 0,3 đồng. Hay nói cách khác, hộ kinh doanh sử dụng 1 đồng vốn kinh doanh để tạo ra trên 3 đồng doanh thu, cao hơn nhiều so với cá doanh nghiệp chính thức nói chung (0,7 đồng), doanh nghiệp nhà nước (0,6 đồng), doanh nghiệp ngoài nhà nước (0,7 đồng), doanh nghiệp FDI (0,9 đồng).

Tuy nhiên, xét theo tiêu chí quy mô tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP (dưới 20 tỷ đồng đối với ngành công nghiệp, xây dựng và dưới 10 tỷ đồng đối với ngành thương mại, dịch vụ), quy mô bình quân hộ kinh doanh vẫn thuộc loại nhỏ và siêu nhỏ.

Đặc biệt, hộ kinh doanh chủ yếu sử dụng vốn tự có cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tính trung bình năm 2014, trong khi nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp chính thức đạt tới 220% (gấp 2,2 lần), thì hộ kinh doanh chỉ 8,8%.

Mặc dù, tổng số lao động làm việc của các hộ kinh doanh lớn, nhưng quy mô lao động bình quân 1 hộ kinh doanh chỉ là 1,7 người (năm 2013 và năm 2014) và 1,68 người (năm 2015). Trong đó, mức trung bình trong lĩnh vực thương mại dịch vụ là 1,52 người/hộ, tỏng lĩnh vực sản xuất vật chất là 2,36 người/hộ. Điều này cho thấy đúng tính chất kinh doanh của loại hình này là nhỏ lẻ, manh mún./.