Hoàn thiện thể chế với tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo
Tạo niềm tin cho doanh nghiệp qua thể chế
Chính phủ tập trung thảo luận kỹ những vấn đề rất quan trọng như Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, Luật Hỗ trợ DNNVV.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chính phủ khóa mới phải đổi mới tư duy trong vấn đề xây dựng pháp luật bảo đảm tính khả thi, tính hợp lý, thực sự quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Từ đó đánh giá kỹ tác động của chính sách, tiếp thu ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Do vậy, các quy định chính sách phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng và coi trọng chế tài xử lý vi phạm, thể hiện tính nghiêm minh và răn đe của pháp luật. Đấy là tư tưởng xây dựng các dự án luật, pháp lệnh theo quan điểm của Chính phủ kiến tạo.
Về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, đây là luật sửa 12 luật trong đó xử lý nhiều vấn đề chồng chéo giữa các luật, tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi kỹ lưỡng với các bộ, các hiệp hội, đi tới thống nhất với tinh thần khắc phục tư tưởng trì trệ, bảo thủ, quyền anh, quyền tôi, phải công khai, minh bạch.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu phải khẩn trương hoàn thiện dự án luật, khẩn trương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa dự án luật vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. Đây có thể nói là một dự án luật rất quan trọng, thể hiện mong đợi của người dân và doanh nghiệp. Chúng ta nói phá bỏ các rào cản, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp thì trước hết chúng ta phải hoàn thiện thể chế, từ đó xây dựng một luật điều chỉnh nhiều luật liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh.
Về Luật Hỗ trợ DNNVV, đây là vấn đề mới, khó. Quyết tâm của Chính phủ là sẽ có 1 triệu doanh nghiệp, vậy thì doanh nghiệp tư nhân, DNNVV là những cơ sở nền tảng cho sự phát triển kinh tế của xã hội. Từ đó việc xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV là rất cần thiết nhưng phải bảo đảm một số yêu cầu.
Đó là hỗ trợ đúng luật và tuân thủ theo quy luật kinh tế thị trường. Chúng ta đưa ra luật để hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, làm sao thúc đẩy, kích thích, động viên và quan trọng nhất là tạo niềm tin của doanh nghiệp, người dân đối với Chính phủ, để họ có cảm hứng, có sự khích lệ, tin tưởng, triển khai thành lập, đầu tư, kinh doanh và yên tâm với một nền tảng pháp luật trước sau như một. Đây là vấn đề lòng tin của người dân.
Không để tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, đẩy việc lên Chính phủ
Trong phiên họp này, Chính phủ cũng thảo luận dự thảo Nghị định về quy chế làm việc của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.
Về quy chế làm việc của Chính phủ, có thể nói đây là nghị định rất quan trọng quy định tổng thể công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quy định trình tự thủ tục và cách làm, xác định rõ trách nhiệm. Trong đó, Chính phủ quan tâm vấn đề cải cách hành chính và quy trình giải quyết, đặc biệt hết sức quan tâm đến vấn đề thẩm quyền giải quyết.
Có ý kiến cho rằng họp nhiều, vậy phải xử lý bằng việc xác định công việc, giải quyết đúng thẩm quyền, xác định trách nhiệm của cá nhân các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, từ đó các công việc sẽ được giải quyết theo đúng thẩm quyền và không còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, đẩy việc lên Chính phủ. Đây chính là nghị định khung để các bộ có nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, khắc phục sự giao thoa, khiếm khuyết, khắc phục những bất cập trước đây còn để những khoảng trống và không rõ trách nhiệm.
Chính phủ thảo luận rất kỹ vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu và giao Văn phòng Chính phủ tiếp thu hoàn thiện dự thảo nghị định và trình Thủ tướng ban hành. Sau khi quy chế được ban hành, các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương hoàn thiện và ban hành, triển khai quy chế làm việc của bộ mình, địa phương mình. Đây là tư tưởng rất mới trong xây dựng quy chế làm việc, phát huy những cái tích cực của quy chế cũ đang và đã áp dụng, đồng thời điều chỉnh những quan điểm theo hướng chủ động cho các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ. Sửa 38/41 điều và thêm 9 điều của quy chế mới so với cũ./.
Bình luận