Nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực, đặc biệt là thu hút dòng vốn tư nhân trong việc phát triển khoa học, công nghệ tạo nguồn động lực mới, to lớn để đất nước ta phát triển nhanh, bền vững hơn, ngày 10/12/2022, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội, Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội thảo thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Khơi thông nguồn vốn tư nhân vào phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Toàn cảnh Hội thảo

Đầu tư cho khoa học và công nghệ còn hạn chế

Việt Nam đã có hơn ba thập kỷ tăng trưởng kinh tế liên tục để trở thành điểm đến được các nhà đầu tư tư nhân lựa chọn. Tuy nhiên, những thách thức về kinh tế - xã hội và tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến quá trình này chậm lại. Vốn tư nhân và đầu tư tài chính hỗn hợp sẽ tiếp tục là một cấu phần quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) với Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030. Như được thể hiện rõ trong nhiều văn bản pháp luật, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được coi là một trong những động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, đồng thời là yếu tố hỗ trợ chính để đạt được SDGs.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, khoa học và công nghệ hiện nay chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp đi vào hoạt động bước đầu đã phát huy hiệu quả, nhưng nhìn chung đầu tư cho khoa học và công nghệ còn hạn chế, kết quả chưa cao như kỳ vọng.

"Mặc dù tổng mức đầu tư ngân sách Nhà nước cho khoa học và công nghệ liên tục tăng từ 0,19% GDP năm 2011 lên 0,53% năm 2020, nhưng chưa đạt mục tiêu 2% GDP vào năm 2020", ông Tùng cho biết thêm.

Còn bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhận xét, đầu tư công và tư nhân vào khoa học và công nghệ tại Việt Nam còn tương đối thấp so với mức trung bình toàn cầu. Tỷ lệ chi cho khoa học và công nghệ của Việt Nam thấp hơn gần 5 lần so với mức trung bình là 2,23%.

Khơi thông nguồn vốn tư nhân vào phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Theo bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, đầu tư công và tư nhân vào khoa học và công nghệ tại Việt Nam còn tương đối thấp so với mức trung bình toàn cầu

Khơi thông thế nào?

Khơi thông vốn tư nhân đòi hỏi phải có thông tin thị trường và các mối quan hệ đầu tư mạnh. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã chia sẻ những kinh nghiệm trên thế giới trong việc thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trao đổi về các lĩnh vực đầu tư hướng đến các SDG tại Việt Nam, cũng như những rào cản đang tồn tại và tiềm ẩn cần được khắc phục khi đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với mục đích tạo ra tác động lớn hơn đối với xã hội, môi trường và nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, Việt Nam cần huy động tổng lực cả ngân sách và nguồn lực tư nhân để đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Chính phủ cũng cần quan tâm hơn nữa việc sử dụng linh hoạt cả biện pháp hỗ trợ trực tiếp thông qua các đề tài, dự án khoa học, công nghệ và các biện pháp gián tiếp thông qua các công cụ như ưu đãi thuế, tín dụng và đầu tư.

Nhà nước cần hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Đặc biệt, cần chuyển đổi cơ chế đầu tư, quản lý tài chính khoa học và công nghệ theo nguyên tắc đặt hàng, dựa vào kết quả, hiệu quả cuối cùng của nhiệm vụ.

Bà Ramla Khalidi khuyến nghị, trước hết, cần phát triển khu vực doanh nghiệp bằng cách thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước nhằm cải thiện tổng thể môi trường đầu tư, kinh doanh về tính cạnh tranh, khả năng tiếp cận tài chính và các yêu cầu thủ tục hành chính.

Khơi thông nguồn vốn tư nhân vào phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Bà Dawn Chan, Giám đốc Điều hành Trung tâm Thực hành và Đầu tư tạo tác động (CIIP) – đối tác chính của SDG Impact tại khu vực ASEAN trình bày Bản đồ cơ hội Đầu tư hướng đến các mục tiêu SDG tại Việt Nam

Ngoài ra, Việt Nam có thể thực hiện một chương trình thí điểm hợp tác công- tư, được xây dựng phù hợp cho mục đích nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, từ đó tập trung và khai thác nguồn lực khác nhau; đồng thời tăng cường sự hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp nước ngoài.

"Cuối cùng, để khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi loại hình đầu tư vào khoa học, công nghệ, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sáng tạo và công nghiệp hỗ trợ, cần sử dụng một loạt các ưu đãi, để thu hút vốn đầu tư cả từ trong nước và các nguồn lực nước ngoài vào các lĩnh vực ưu tiên này...", Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nói.

Tại hội thảo, bà Dawn Chan, Giám đốc Điều hành Trung tâm Thực hành và Đầu tư tạo tác động (CIIP) – đối tác chính của SDG Impact tại khu vực ASEAN đã trình bày Bản đồ cơ hội Đầu tư hướng đến các mục tiêu SDG tại Việt Nam (Bản đồ), nhằm cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và các bên liên quan thông tin thị trường để định hướng dòng vốn và hoạt động theo các chủ điểm đầu tư, mô hình kinh doanh phù hợp với SDG. Đây là cơ sở để Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực SDG ưu tiên, nhằm thực hiện mục tiêu kép là tạo lợi nhuận và đạt được các kết quả môi trường và xã hội.

Theo bà Dawn Chan, Bản đồ là công cụ quan trọng để các bên tham gia khu vực công và tư nhân có thể sử dụng nhằm hướng nguồn vốn đến các lĩnh vực tạo tác động lớn và góp phần đạt được các mục tiêu SDG của Việt Nam. Đồng thời, giúp định hướng cho khu vực tư nhân về các lĩnh vực đang cần đầu tư nhất trong nước, khuyến khích áp dụng đổi mới khoa học, công nghệ và nỗ lực để hiện thực hóa các lĩnh vực có cơ hội đầu tư.

Bản đồ đã xác định được 14 lĩnh vực có cơ hội đầu tư trên 6 ngành cần ưu tiên đầu tư SDG và phù hợp với các chính sách của Chính phủ, bao gồm: Giáo dục, y tế, thực phẩm & đồ uống, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo và dịch vụ tài chính.

Bản đồ cũng xác định 7 cơ hội mở là các lĩnh vực có tiềm năng đầu tư, phù hợp với nhu cầu phát triển của quốc gia, nhưng Chính phủ cần cải thiện hơn nữa chính sách nhằm thúc đẩy sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân.

Đây là cơ sở để Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực SDG ưu tiên, nhằm thực hiện mục tiêu kép là tạo lợi nhuận và đạt được các kết quả môi trường và xã hội. Bản đồ được thực hiện với sự hỗ trợ của CIIP (là trung tâm phi lợi nhuận được thành lập bởi Temasek Trust)./.