Không nên suy diễn toàn bộ hàng xuất ngầm sang Trung Quốc là hàng cấm
Chênh lệch số liệu xuất – nhập khẩu giữa các nước là khá phổ biến
Về độ chính xác của số liệu, Bộ trưởng Vinh khẳng định, số liệu về xuất - nhập khẩu hàng năm là Tổng cục thống kê lấy từ số liệu của hải quan, cho nên không có gì mà bảo chính xác hay không?
Còn sự chênh lệch số liệu xuất – nhập khẩu giữa các nước với Việt Nam đến nay là khá phổ biến, chứ không riêng gì với Trung Quốc.
“Singapore năm 2014, Việt Nam thống kê chúng ta xuất - nhập khẩu với Singapore 9,8 tỷ USD, nhưng Singapore lại thống kê xuất - nhập khẩu giữa hai nước 16,1 tỷ USD, chênh nhau gần gấp đôi. Nga, năm 2014, chúng ta thống kê 3,5 tỷ USD. Còn Nga thống kê 4,3 tỷ USD. Tôi vừa tháp tùng Thủ tướng đi sang làm việc với Bồ Đào Nha, thì Thủ tướng Bồ Đào Nha đưa ra con số 340 triệu USD và Việt Nam đưa ra con số 268 triệu USD. Như vậy, chênh nhau gần 30%”, Bộ trưởng dẫn chứng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh
Theo Bộ trưởng, sự chênh lệch về cách tính toán xuất phát từ những nguyên nhân chính sau:
Nguyên nhân thứ nhất là do cách thống kê của các nước khác nhau, thế giới quy định xuất khẩu theo giá FOB, nhập khẩu theo giá CIF, giá CIF là giá đã bao hàm kể cả vận tải, giá trị vận tải từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu và cả bảo hiểm trong đó. Tuy nhiên, mỗi nước lại áp dụng một cách.
Nguyên nhân thứ hai, hàng hóa đưa vào, mỗi nước tính cách nhập. Ví dụ: Trung Quốc họ không tính giá trị về xuất, nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Mặc dù, qua đường tiểu ngạch ở đây không phải buôn lậu, mà qua đường tiểu ngạch có hải quan làm thủ tục, bên phía Việt Nam làm thủ tục đầy đủ, thu thuế đầy đủ. Song, phía Trung Quốc lại không tính con số đó.
Điển hình trong 7 triệu tấn gạo Việt Nam xuất khẩu vào năm 2014, thị trường Trung Quốc nhập khẩu tới 2,5 triệu tấn, chiếm gần 30% nhập khẩu gạo của Việt Nam. Việt Nam tính được giá trị này, nhưng bên bạn không tính nhập khẩu, nên giá trị xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc bị đánh thấp đi. Ngược lại, xuất khẩu của bạn sang Việt Nam lại tính tăng lên.
Từ đó, theo Bộ trưởng Vinh, không nên suy diễn toàn bộ xuất khẩu ngầm của chúng ta sang Trung Quốc là toàn xuất những thứ hàng cấm, như các đại biểu vừa nêu toàn là quặng.
Trước đó, tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 08/06/2015, đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) cho biết, số liệu năm 2014, theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu từ Việt Nam 19,9 tỷ USD, cao hơn trên 30% so với số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố. Trong khi đó, Trung Quốc lại xuất khẩu vào Việt Nam 63,7 tỷ USD, cao hơn đến 45% so với con số công bố của Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Như vậy, riêng trong năm 2014, thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc là 43,8 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với con số 28,9 tỷ USD mà Việt Nam công bố. Đây là một khoảng chênh lệch 15 tỷ USD và cũng có nghĩa là nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đã chiếm tới gần 38% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, không chỉ là 30% theo con số của cơ quan thống kê Việt Nam.
“Việc khác biệt về số liệu xuất nhập khẩu theo số liệu thống kê các nước là việc bình thường, nhưng rủi ro bao gồm sự khác biệt về ghi nhận tỷ giá, chi phí vận chuyển, bảo hiểm… Theo tính toán của Việt Nam, chi phí bảo hiểm và chi phí chiếm khoảng 6,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Với hai quốc gia có chung đường biên giới, giữa Việt Nam và Trung Quốc, chi phí vận chuyển trên thực tế không thể lớn hơn tỷ lệ 6,6%”, ông Tín cho biết.
Áp dụng công thức tính này vào thực tế, ông Tín cho rằng, nếu Việt Nam ghi nhận việc xuất khẩu 14,9 tỷ USD xuất khẩu qua Trung Quốc, thì con số do Trung Quốc ghi nhận chỉ ở trong khoảng 15,9 tỷ USD. Tuy nhiên, con số Trung Quốc ghi nhận khoảng là 19,9 USD, cao hơn khoảng 4 tỷ USD. Trong khi, hai nước còn có vai trò xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch qua biên giới không được ghi nhận đầu đủ, chắc chắn sẽ chiếm một phần trong khoảng 4 tỷ USD này.
Ông Tín khẳng định: Chỉ có thế giải thích, phần lớn con số chênh lệch này đến từ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu lậu sang Trung Quốc. Đó có thể là các mặt hàng Việt Nam cấm xuất khẩu hoặc hạn chế xuất khẩu bao gồm tài nguyên, khoáng sản của Việt Nam.
Không nên phê phán FDI quá mức
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đã nhấn mạnh điều trên tại nghị trường ngày 08/06. Bộ trưởng cho biết, chúng ta đang cần và không có nước nào không mong muốn có thu hút đầu tư nước ngoài vào mình, kể cả những nước lớn, như: Mỹ, Nga.
Vấn đề đặt ra là tỷ trọng giữa FDI với doanh nghiệp trong nước, bởi nếu không cho doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam hoặc hạn chế đến mức tối đa, thì nền kinh tế cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Bộ trưởng dẫn chứng, một đề án của Samsung mà họ có thể cung cấp lượng đầu tư của chúng ta đến bây giờ giải ngân 11,3 tỷ USD và sẽ còn giải ngân tiếp trong năm nay khoảng 3 tỷ USD, cùng với việc thu hút hàng trăm nghìn lao động. Mỗi dự án là 40.000 lao động, lương bình quân 5,7-8-10 triệu đồng/tháng. Vai trò của Samsung là rất lớn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đồng tình với nhiều đại biểu Quốc hội là chúng ta phải quan tâm phát triển doanh nghiệp trong nước. Bởi, bản thân các doanh nghiệp FDI cũng luôn trăn trở về công nghiệp hỗ trợ - là doanh nghiệp nhỏ và vừa, những doanh nghiệp này không phát triển mạnh, thì họ cũng cảm thấy đầu tư của họ không hiệu quả.
Để thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ đã trình Quốc hội việc xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quốc hội cũng đã quyết định bổ sung ngay lập tức, làm luật về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ngay trong khóa này.
“Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 95% số doanh nghiệp cả nước. Vì thế, chúng ta cần phải có một hệ thống bằng luật, không phải những văn bản dưới luật hiện nay, đồng bộ, toàn diện về vấn đề hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam, với những tiếp cận rất hiện đại và thực tế để chúng ta có một nền tảng lo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, Bộ trưởng nói./.
Bình luận